Phân chia di sản thừa kế: Rất quan trọng khi chia thừa kế

Phân chia di sản thừa kế là một quá trình phức tạp và quan trọng, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và công bằng. Khi một người qua đời, tài sản của họ cần được phân chia cho các thừa kế theo quy định của pháp luật hoặc theo ý chí của người đã mất nếu có di chúc. Quá trình này không chỉ bao gồm việc phân chia tài sản vật chất như tiền bạc, bất động sản, mà còn có thể bao gồm quyền lợi, nghĩa vụ pháp lý.

Việc phân chia di sản cần được tiến hành một cách minh bạch, công bằng để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên liên quan, giảm thiểu mâu thuẫn và tranh chấp trong gia đình.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Cơ sở pháp lý điều chỉnh thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là các văn bản pháp luật sau đây:

2. Thế nào là phân chia di sản thừa kế ?

Phân chia di sản thừa kế là hoạt động nhằm chấm dứt tình trạng có quyền chung đối với di sản thừa kế của nhiều người. Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là một giao dịch dân sự được quy định tại phần Thừa kế của Bộ luật dân sự năm 2015. Việc phân chia di sản thừa kế có thể được thực hiện tại tòa án hoặc do những người thừa kế thỏa thuận.

Theo quy định của pháp luật, có hai loại phân chia di sản thừa kế:

  • Phân chia di sản thừa kế theo di chúc (Điều 659 Bộ luật dân sự 2015)
  • Phân chia di sản theo pháp luật (Điều 660 Bộ luật dân sự 2015).

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng năm 2014, những người thừa kế theo pháp luật/ theo di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người, có thể lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản và yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận đó.

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác.

3. Chủ thể và đối tượng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế:

Kể từ thời điểm mở thừa kế, khi đủ điều kiện để hưởng di sản thì những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, trong đó có quyền thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Khác với chủ thể của hợp đồng là hai bên, trong thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có nhiều chủ thể tham gia. Những chủ thể này thường có quan hệ với về một trong các quan hệ sau

  • hôn nhân: vợ, chồng
  • nuôi dưỡng: cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi
  • huyết thống: cha ruột, mẹ ruột, con đẻ, con ngoài giá thú
  • quen biết nhau: người để lại di sản lập di chúc theo đó tặng cho di sản thừa kế

Chủ thể thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế phải là người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Đối tượng của thỏa thuận phân chia là khối di sản thuộc sở hữu chung của những người thừa kế.

Quy định pháp luật hiện hành về thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Quy định pháp luật hiện hành về thỏa thuận phân chia di sản thừa kế rất rõ ràng. – ảnh: sưu tầm

4. Thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế:

Các bước thỏa thuận phân chia di sản thừa kế như thế nào ?

Bước 1: Họp mặt những người thừa kế

Khi thời điểm mở thừa kế bắt đầu có nghĩa là từ khi người có tài sản chết thì những người thừa kế có quyền phân chia di sản. Việc phân chia di sản phải có mặt đầy đủ của những người thừa kế.

Trường hợp không thể đến trực tiếp thì có thể ủy quyền cho người khác nhưng không phải là người trong diện được thừa kế. Việc ủy quyền này phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực.

Bước 2: Thỏa thuận phân chia di sản

Việc thỏa thuận phân chia di sản phải tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, tự do ý chí, trung thực. Dựa trên các quy định của pháp luật và nguyện vọng của các bên mà việc phân chia di sản thừa kế được tiến hành và thể hiện đầy đủ trong văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế.

Bước 3: Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Sau khi các bên đã thỏa thuận xong thì đem văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế đi công chứng. Thủ tục công chứng được quy định trong Luật công chứng 2014, cụ thể như sau:

  • Công chứng viên sẽ xem xét, kiểm tra hồ sơ. Nếu đầy đủ thì sẽ tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng. Ngược lại nếu hồ sơ không đầy đủ thì người thừa kế sẽ được hướng dẫn và yêu cầu bổ sung. Nếu không có cơ sở giải quyết thì giải thích và từ chối tiếp nhận.
  • Niêm yết công khai: Việc niêm yết phải được tiến hành tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản với các nội dung như họ, tên người để lại di sản, người nhận thừa kế, quan hệ giữa người để lại di sản và người thừa kế, danh mục di sản thừa kế… Thời gian niêm yết là 15 ngày.
  • Ký công chứng và trả kết quả: Sau khi nhận được kết quả niêm yết không có khiếu nại, tố cáo, tổ chức hành nghề công chứng sẽ hướng dẫn người thừa kế ký văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Công chứng viên yêu cầu người thừa kế xuất trình bản chính các giấy tờ, hồ sơ đã nêu ở trên để kiểm tra, đối chiếu trước khi ký xác nhận vào lời chứng và từng trang của văn bản.

5. Về văn bản thoả thuận chia di sản thừa kế

a. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cần có những nội dung gì ?

Bất kì một loại văn bản thỏa thuận nào cũng đều phải tuân thủ về hình thức và nội dung cơ bản thì mới không bị vô hiệu. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cần có những nội dung cơ bản như:

  • Họ, tên, số căn cước công dân, địa chỉ thường trú của những người thừa kế
  • Các thông tin về di sản thừa kế, đặc điểm, diện tích, giấy tờ chủ sở hữu…
  • Cam kết chung về việc phân chia di sản
  • Chữ ký của những người thừa kế và người làm chứng
  • …..

b. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có bắt buộc phải công chứng không ?

Về mặt hình thức của văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế: Căn cứ Điều 57, Điều 58 Luật công chứng 2014 và Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP thì văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế với đối tượng tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền trên đất bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực.

Như vậy, không phải mọi trường hợp đều phải công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế nếu đối tượng tài sản không phải là bất động sản, tài sản gắn liền trên đất.

6. Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vô hiệu khi nào ?

Thỏa thuận phân chia di sản có thể vô hiệu do những nguyên nhân sau:

  • Vi phạm nguyên tắc giao kết như đã nêu ở trên.
  • Người thừa kế hưởng quyền nhưng không thực hiện nghĩa vụ như thỏa thuận thì tranh chấp sẽ xảy ra.
  • Việc không đúng, không đủ người thừa kế cũng như người tham gia thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cũng dẫn đến văn bản vô hiệu.
  • Người quản lý tài sản của người vắng mặt hoặc mất tích mặc dù không có quyền đại diện cho người vắng mặt hoặc mất tích trong việc phân chia di sản mà người sau này có quyền hưởng nhưng vẫn tham gia vào việc phân chia di sản dẫn đến văn bản thỏa thuận vô hiệu.
  • Có sự vi phạm các qui định của pháp luật về việc đại diện.
  • Người được ủy quyền vượt quá phạm vi ủy quyền và vi phạm lợi ích của người ủy quyền.
  • Vi phạm quyền của người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
  • Những người thừa kế không thống nhất cách hiểu về nội dung di chúc và kiện ra Tòa để phân chia di sản.
  • Xác định không đúng, không đủ khối di sản và phần được chia của mỗi người.
  • Thỏa thuận phân chia di sản vượt quá phần tài sản có quyền thỏa thuận phân chia.
  • Phân chia di sản không thể thỏa thuận phân chia hoặc bị hạn chế phân chia.

Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tuyên văn bản thỏa thuận phân chia di sản vô hiệu. 

7. Xuất hiện người thừa kế mới khi phân chia di sản thừa kế

Khoản 1 Điều 662 Bộ luật dân sự 2015 qui định về phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới như sau:

Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

“Người thừa kế mới” được hiểu là những người thừa kế của người để lại di sản xuất hiện sau khi di sản của người đó đã được phân chia.

8. Hạn chế phân chia di sản khi phân chia di sản thừa kế

Di sản thừa kế sẽ bị hạn chế phân chia bao gồm các trường hợp sau:

  • Di sản thờ cúng (Điều 645 Bộ luật dân sự 2015);
  • Di sản bị hạn chế phân chia theo tố tụng hành chính (Liên quan đến diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc có tình trạng tranh chấp);
  • Di sản bị hạn chế theo ý chí của người để lại di sản hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế (Điều 661 Bộ luật dân sự 2015);
  • Di sản là nguồn sống duy nhất của vợ/ chồng người để lại di sản (Điều 661 Bộ luật dân sự 2015);
  • Trường hợp có người được quyền hưởng di sản chưa có/mất năng lực hành vi dân sự.

 

Luật sư tư vấn và hỗ trợ về phân chia di sản thừa kế là một dịch vụ pháp lý quan trọng, giúp đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Khi một người qua đời, việc phân chia tài sản của họ có thể trở nên phức tạp, đặc biệt nếu không có di chúc hoặc có sự tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình.

Luật sư chuyên nghiệp sẽ cung cấp lời khuyên chính xác, dựa trên hiểu biết sâu sắc về luật thừa kế, giúp giải quyết các vấn đề một cách công bằng và minh bạch. Họ giúp xác định quyền lợi của từng người, hỗ trợ trong việc lập di chúc, và đại diện cho khách hàng trong các thủ tục pháp lý cần thiết.

 

HÃY LIÊN HỆ VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ VỀ PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Nguyễn Văn Thanh