Quy định về phạt chậm thanh toán

Phạt chậm thanh toán là một biện pháp được áp dụng nhằm đảm bảo rằng các bên trong một giao dịch sẽ tuân thủ theo thời hạn thanh toán đã cam kết. Mục tiêu của việc áp dụng phạt chậm thanh toán không chỉ để bồi thường cho bên bị thiệt hại, mà còn nhằm khích lệ việc tuân thủ đúng thời hạn cam kết.

Chúng tôi sẽ trình bầy các quy định về phạt chậm thanh toán sau đây:

1. Thế nào là phạt chậm thanh toán ?

Thanh toán là một nghĩa vụ quan trọng trong hợp đồng. Nếu một bên chậm thanh toán thì bên đó đã vi phạm hợp đồng. Pháp luật có những chế tài để áp dụng như là phạt chậm thanh toán.

Khi một bên chậm thanh toán thì bên còn lại có thể áp dụng các chế tài sau:

2. Áp dụng phạt chậm thanh toán trong hợp đồng như thế nào?

Khi chậm thanh toán thì người vi phạm có thể phải chịu 1 trong 3 hoặc cả 3 chế tài là trả tiền lãi đối với số tiền chậm thanh toán, phạt bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng. Chúng tôi sẽ trình bầy cụ thể sau đây:

a. Phạt chậm thanh toán chịu tiền lãi

Nếu bên có nghĩa vụ thanh toán chậm thanh toán thì sẽ phải trả tiền lãi đối với số tiền chậm thanh toán ứng với thời gian chậm trả, căn cư Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015.

Chế tài này áp dụng đối với tất cả các thoả thuận cho dù dưới dạng hợp đồng hay không phải hợp đồng. Dù thoả thuận hay hợp đồng có hay không quy định về việc phạt chậm thanh toán thì bên vi phạm vẫn phải chịu phạt, trừ khi các bên có thoả thuận khác.

Về lãi suất phạt chậm thanh toán thì Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định như sau:

Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.”

Đối chiếu với quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

“Điều 468. Lãi suất

1.Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2.Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Theo quy định trên, trong Hợp đồng dân sự, các bên có thể thỏa thuận về việc bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó sẽ phải trả lãi đối với số tiền chậm thanh toán tương ứng với thời gian chậm thanh toán.

Các bên tự thỏa thuận về mức lãi suất phát sinh do chậm thanh toán nhưng “không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”

Trường hợp lãi suất phạt chậm thanh toán theo thỏa thuận vượt quá mức lãi suất giới hạn nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Trường hợp trong hợp đồng, các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không ghi rõ lãi suất thì nếu phát sinh tranh chấp thì lãi suất (lãi phạt chậm thanh toán) được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn (bằng 10%/năm của khoản tiền vay) tại thời điểm trả nợ.

Ngoài ra, còn có phạt chậm thanh toán theo luật thương mại. Căn cứ Điều 306 Luật Thương mại năm 2005:

“Điều 306. Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán

Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi  phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Lưu ý: Chế tài này được áp dụng đối với các hợp đồng thương mại, không áp dụng với tất cả các hợp đồng.

b. Phạt chậm thanh toán chịu chế tài phạt vi phạm hợp đồng

Chế tài này chỉ áp dụng trong trường hợp hợp đồng có điều khoản về phạt vi phạm hợp đồng.

Căn cứ Điều 418 Bộ luật dân sự năm 2015:

phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”.

Mức phạt vi phạm về vấn đề thanh toán do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Bên cạnh đó, Điều 301 Luật thương mại số 36/2005/QH11 quy định:

“Điều 301. Mức phạt vi phạm

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.”

Theo đó, trong hợp đồng thương mại có thể quy định về vấn đề phạt vi phạm đối với một bên chậm thanh toán với mức phạt không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

>>> Xem thêm: Phạt vi phạm hợp đồng dân sự

phạt chậm thanh toán trong hợp đồng
Điều khoản phạt chậm thanh toán trong hợp đồng là cần có để bảo đảm việc thanh toán kịp thời. – nguồn: Internet

c. Phạt chậm thanh toán chịu chế tài bồi thường thiệt hại

Thanh toán đúng số tiền và đúng hạn là một nghĩa vụ quan trong trong hợp đồng. Nếu một bên chậm thanh toán thì bên đó đã vi phạm hợp đồng. Điều 358 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý, bồi thường thiệt hại.

Theo đó, nếu việc chậm thanh toán gây ra thiệt hại thì bên chậm thanh toán có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, bên bị vi phạm có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại.

>>> Xem thêm: Bồi thường thiệt hại hợp đồng

3. Lời khuyên về điều khoản phạt chậm thanh toán trong hợp đồng

Để đảm bảo việc bên có nghĩa vụ thanh toán đúng hạn, trong hợp đồng cần quy định về phạt chậm thanh toán với những nội dung sau:

  • Thỏa thuận cụ thể về thời hạn thanh toán; phương thức thanh toán;
  • Thỏa thuận về mức phạt hợp đồng do chậm thanh toán, hoặc mức lãi suất khi chậm thanh toán.

Trong đó, các bên cần xác định được công thức tính lãi, loại trừ các khoản tiền không được tính lãi chậm trả như: Tiền phạt vi phạm hợp đồng, tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, tiền lãi chưa thanh toán

4. Vai trò của việc quy định về phạt chậm thanh toán trong hợp đồng

Phạt chậm thanh toán nói riêng và phạt vi phạm hợp đồng nói chung là một trong loại chế tài do các bên tự lựa chọn, có ý nghĩa như một biện pháp răn đe, phòng ngừa, trừng phạt hành vi vi phạm hợp đồng.

Qua đó, việc quy định nội dung này trong hợp đồng nhằm nâng cao ý thức tôn trọng hợp đồng của các bên, đặc biệt là trong nghĩa vụ thanh toán.

 

KẾT LUẬN:

Có thể thấy, việc xây dựng điều khoản về phạt chậm thanh toán rất quan trọng, đồng thời cũng không dễ. Luật sư có thể hỗ trợ rà soát hợp đồng, giúp bạn xây dựng điều khoản phạt chậm thanh toán trong hợp đồng. Họ đảm bảo rằng các điều khoản này được soạn thảo một cách rõ ràng, phù hợp và không vi phạm quy định của pháp luật. Bằng sự am hiểu về lĩnh vực pháp lý và kinh nghiệm thực tiễn, luật sư giúp tạo ra một cơ chế pháp lý hiệu quả để đảm bảo quyền lợi của bên giao dịch, đồng thời phòng ngừa tranh chấp không cần thiết trong tương lai.

Nguyễn Văn Thanh