Có thể truất quyền thừa kế của vợ, chồng, con, cha, mẹ không ?

Truất quyền thừa kế là một biện pháp pháp lý nghiêm ngặt, áp dụng trong những trường hợp một người thừa kế có hành vi nghiêm trọng vi phạm đạo đức và quyền lợi của người để lại di sản. Điều này thường xảy ra khi người thừa kế có hành vi bạo lực, lạm dụng, hoặc hành động cố ý gây hại đến sức khỏe hoặc cuộc sống của người để lại di sản. Tuy nhiên, pháp luật có những quy định rất cụ thể về truất quyền thừa kế mà bạn cần biết.

1. Truất quyền thừa kế là gì?

Truất quyền thừa kế theo di chúc là việc người để lại di sản không cho ai đó hưởng di sản của mình mà đáng lẽ người đó được hưởng theo pháp luật. Việc truất quyền thừa kế của một ai đó thường được nêu trong di chúc và không cần nêu rõ lý do là gì. Đây là quyền của người để lại di sản theo điều 626 của Bộ Luật dân sự 2015:

“Người lập di chúc có quyền sau đây:

  1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

  2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

  3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

  4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

  5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

2. Truất quyền thừa kế như thế nào ?

Việc truất quyền thừa kế thường được thực hiện thông qua việc lập di chúc, trong di chúc có nội dung việc truất quyền thừa kế. Tuy nhiên di chúc này phải hợp pháp, đáp ứng quy định tại Bộ Luật Dân sự năm 2015.

>>> Xem thêm: Di chúc hợp pháp

truất quyền thừa kế
Luật pháp quy định các trường hợp người bị truất quyền thừa kế được hưởng hai phần ba một suất thừa kế nếu di sản chia theo pháp luật. – Nguồn ảnh minh hoạ: Internet.

3. Truất quyền thừa kế có được hưởng di sản ?

Người bị truất quyền thừa kế theo di chúc có được hưởng phần di sản chia theo pháp luật không ? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải dựa vào Điều 644 Bộ Luật Dân sự năm 2015:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”

Chúng tôi sẽ phân tích sau đây:

a. Truất quyền thừa kế của vợ hoặc chồng:

Người để lại di sản có thể truất quyền thừa kế của vợ hoặc chồng mình bằng cách thể hiện ý chí đó trong di chúc hợp pháp của mình.

Nói một cách khác, nếu di chúc không hợp pháp, bị thất lạc thì việc truất quyền thừa kế của vợ hoặc chồng cũng không thành công: vợ hoặc chồng của người để lại di sản vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật.

Khi người để lại di sản truất quyền thừa kế của vợ hoặc chồng trong di chúc hợp pháp thì không có nghĩa là người vợ hoặc chồng không được thừa kế di sản. Trên thực tế, người vợ hoặc chồng vẫn được hưởng thừa kế nhưng chỉ bằng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật.

b. Truất quyền thừa kế của con:

Người để lại di sản có thể truất quyền thừa kế của con bằng cách thể hiện ý chí đó trong di chúc hợp pháp của mình.

Nếu di chúc không hợp pháp, bị thất lạc thì việc truất quyền thừa kế của con cũng không thành công: con của người để lại di sản vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật.

Nếu con đã đủ 18 tuổi và có khả năng lao động thì sẽ không được thừa hưởng di sản, nếu đã bị truất quyền thừa kế.

Nếu con chưa đủ 18 tuổi thì về nguyên tắc chưa có khả năng lao động nuôi sống bản thân, nên thuộc diện hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc. Do đó con vẫn được hưởng thừa kế nhưng chỉ bằng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật.

Nếu có từ 18 tuổi trở lên nhưng không có khả năng lao động (thí dụ do bệnh tật) thì thuộc diện hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc. Do đó con vẫn được hưởng thừa kế nhưng chỉ bằng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật.

c. Truất quyền thừa kế của cha, mẹ:

Người để lại di sản có thể truất quyền thừa kế của cha, mẹ bằng cách thể hiện ý chí đó trong di chúc hợp pháp của mình.

Nếu di chúc không hợp pháp, bị thất lạc thì việc truất quyền thừa kế của cha, mẹ cũng không thành: cha, mẹ của người để lại di sản vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật.

Khi người để lại di sản truất quyền thừa kế của cha, mẹ thì không có nghĩa là người cha, mẹ không được thừa kế di sản. Người cha, người mẹ vẫn được hưởng thừa kế nhưng chỉ bằng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật.

Cần lưu ý là nếu những người thuộc diện được hưởng thừa kế như trình bầy ở trên, sẽ không nhận di sản nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Từ chối nhận di sản: Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. 3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản (điều 620 Bộ Luật dân sự 2015).
  • Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
  • Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
  • Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
  • Có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

(theo điều 621 Bộ Luật dân sự 2015)

 

Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi về truất quyền thừa kế.

Luật sư tư vấn về truất quyền thừa kế cung cấp hỗ trợ pháp lý cho những trường hợp cần xem xét việc loại bỏ quyền thừa kế của một người. Họ giúp khách hàng hiểu rõ các điều kiện và quy trình pháp lý cần thiết để thực hiện việc truất quyền, dựa trên các hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hoặc an toàn của người để lại di sản.

Luật sư tư vấn sẽ phân tích từng tình huống cụ thể, đưa ra lời khuyên pháp lý, hỗ trợ trong việc chuẩn bị các tài liệu cần thiết và đại diện cho khách hàng trong các thủ tục pháp lý liên quan. Đây là dịch vụ quan trọng giúp đảm bảo quá trình thừa kế diễn ra công bằng và theo đúng quy định của pháp luật.

 

HÃY LIÊN HỆ VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ VỀ CHIA THỪA KẾ

Nguyễn Văn Thanh