Hạn chế quyền thăm con sau ly hôn: Tất cả những gì cần biết

Vợ và chồng đều đau lòng vì ly hôn, đặc biệt khi hai vợ chồng có con chung. Trong nhiều trường hợp, việc hạn chế quyền thăm con sau ly hôn trở thành một vấn đề đầy tranh cãi. Nó không chỉ tác động đến tâm lý của cả cha mẹ lẫn trẻ em mà còn đặt ra các vấn đề pháp lý và xã hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi sẽ cùng khám phá các quy định về hạn chế quyền thăm con sau ly hôn trong bài viết sau đây.

1. Việc hạn chế quyền thăm con sau ly hôn là gì?

Việc hạn chế quyền thăm con sau ly hôn nghĩa là sau hai vợ chồng ly hôn, một trong hai bên (hoặc đôi khi cả hai bên) bị giới hạn hoặc không được phép tiếp tục xúc, gặp gỡ, hoặc thăm con trong một khoảng thời gian cụ thể hoặc với một số điều kiện. Việc này để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ nhỏ.

Ở Việt Nam, luật thiết lập các điều kiện mà quyền thăm nuôi có thể bị hạn chế. Theo đó, tòa án sẽ quyết định quyền nuôi con và quyền thăm nuôi dựa trên lợi ích tốt nhất của trẻ em.

2. Pháp luật quy định về hạn chế quyền thăm con sau ly hôn thế nào?

2.1. Chọn người nuôi con sau khi ly hôn thế nào?

Sau khi ly hôn, con sẽ được giao cho một trong hai vợ, chồng trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Và theo Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, việc nuôi dưỡng và cấp dưỡng con được quy định như sau:

  • Vợ, chồng thỏa thuận người trực tiếp nuôi con; quyền, nghĩa vụ của mỗi bên với con sau khi ly hôn.

  • Không thỏa thuận được, Tòa án giao con cho một bên căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.

  • Con từ đủ 07 tuổi trở lên, Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con.

  • Con dưới 36 tháng giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác.

Như vậy, theo quy định này, khi cha mẹ ly hôn, Tòa án sẽ tôn trọng và công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về việc nuôi dưỡng con sau khi ly hôn. Nếu không thỏa thuận được, Tòa án sẽ căn cứ vào quyền và lợi ích tốt nhất của con để quyết định người được trực tiếp nuôi con. Để biết thêm chi tiết, ban hãy đọc bài viết:

Quyền nuôi con khi ly hôn: Tư vấn của luật sư

2.2. Các trường hợp bị hạn chế quyền thăm con sau ly hôn

Sau khi ly hôn, con sẽ được giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, người còn lại thì phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo thỏa thuận của cha, mẹ.

Quyền được thăm nuôi con sau ly hôn là chính đáng, nhưng nếu nó bị lợi dụng vì mục đích khác thì pháp luật có quy định để xử lý. Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định:

“Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Theo quy định này, có thể thấy, có 02 trường hợp người không trực tiếp nuôi con bị hạn chế quyền thăm con sau ly hôn:

  • Lạm dụng việc thăm con để cản trở việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người còn lại.
  • Lạm dụng việc thăm con để gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người còn lại.

Trong hai trường hợp này, người được giao nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người còn lại.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định một cách cụ thể các trường hợp hạn chế quyền, bao gồm cả việc hạn chế quyền thăm nom của cha, mẹ đối với con chưa thành niên, cụ thể như sau:

hạn chế quyền thăm con sau ly hôn
4 Trường hợp hạn chế quyền thăm con sau ly hôn của cha, mẹ đối với con chưa thành niên – Nguồn: Luật Thái An

Căn cứ Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

“Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

b) Phá tán tài sản của con;

c) Có lối sống đồi trụy;

d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.”

Như vậy, có 4 trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên, trong đó có quyền thăm nom theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền.

3. Người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

Căn cứ Điều 86 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên như sau:

“Điều 86. Người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

1. Cha, mẹ, người giám hộ của con chưa thành niên, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện cha, mẹ có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật nàycó quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.”

Cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình được quy định tại Điều 3 Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ về công tác gia đình như sau:

  • Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình trong phạm vi toàn quốc;
  • Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình;
  • Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình tại địa phương.
hạn chế quyền thăm con sau ly hôn của cha, mẹ đối với con chưa thành niên
Người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con sau ly hôn của cha, mẹ đối với con chưa thành niên – Nguồn: Luật Thái An

4. Làm sao để hạn chế quyền thăm con sau ly hôn đúng luật?

Là chuyên gia tư vấn pháp lý về ly hôn, chúng tôi xin tư vấn về hạn chế quyền thăm con sau ly hôn theo quy định của pháp luật.

Để hạn chế quyền thăm con đúng luật khi người không trực tiếp nuôi con có hành vi cản trở, gây ảnh hưởng xấu đến con sau khi ly hôn thông qua việc thăm con, người được giao nuôi con phải gửi yêu cầu đến Tòa án có thẩm quyền để hạn chế quyền thăm con của người này.

Trình tự thủ tục để hạn chế quyền thăm con sau ly hôn “đúng luật” như sau:

4.1. Nơi nộp hồ sơ yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau ly hôn

Việc yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau ly hôn là một trong những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Theo đó, cha, mẹ có thể nộp đơn yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau ly hôn của người con lại tại:

  •  Tòa án nơi cha/mẹ của con chưa thành niên cư trú (thường trú + tạm trú), làm việc theo điểm k khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
  •  Tòa án nơi người con cư trú (thường trú + tạm trú) theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Đồng thời, theo điểm b khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, Toà án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau khi ly hôn của cha hoặc mẹ.

Như vậy, người yêu cầu có thể nộp hồ sơ tại Tòa án cấp huyện – nơi người cha hoặc người mẹ hoặc người con chưa thành niên cư trú, làm việc.

4.2. Hồ sơ yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau ly hôn bao gồm những gì?

Để được Tòa án có thẩm quyền giải quyết, người có yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau ly hôn phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm:

  • Đơn yêu cầu có nội dung chính gồm: Ngày, tháng, năm làm đơn; Tên Tòa án có thẩm quyền; Tên, địa chỉ, số điện thoại… của người yêu cầu, người liên quan; Trình bày cụ thể yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau ly hôn của người kia cùng lý do, mục đích, căn cứ…
  • Các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ kèm theo để chứng minh cho yêu cầu của mình.
  • Quyết định/bản án ly hôn.
  • Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn (bản sao) của người yêu cầu.
  • Giấy xác nhận cư trú để chứng minh thẩm quyền khởi kiện
hạn chế quyền thăm con sau ly hôn
Hồ sơ yêu cầu Tòa án quyết định hạn chế quyền thăm con sau ly hôn – Nguồn: Luật Thái An

Đơn yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con sau ly hôn cần được viết dựa trên mẫu số 01 VDS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) như sau:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN YÊU CẦU
GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ

(V/v: Yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con sau ly hôn)

Kính gửi: Tòa án nhân dân…………………

Người yêu cầu giải quyết việc dân sự: …………………………………………………………………….

Số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu: …………………………………………

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………………………….

Số điện thoại (nếu có): …………………………..; Fax (nếu có):…………………………………………

Địa chỉ thư điện tử (nếu có): ……………………………………………………………………………………..

Tôi (chúng tôi) xin trình bày với Tòa án nhân dân ……………………………………………………….
việc như sau:

– Những vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết: Yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau ly hôn của chồng tôi ……

……………………………………………………………………………………………………………………………

– Lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết đối với những vấn đề nêu trên:

……………………………………………………………………………………………………………………………

– Tên và địa chỉ của những người có liên quan đến những vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết:

……………………………………………………………………………………………………………………………

– Các thông tin khác (nếu có):…………………………………………………………………………………

Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu:

……………………………………………………………………………………………………………………………

Tôi cam kết những lời khai trong đơn là đúng sự thật.

 

………, ngày…. tháng. năm…….

NGƯỜI YÊU CẦU

4.3 Thời gian giải quyết yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau ly hôn

Căn cứ Điều 363 Bộ luật Tố tụng dân sự, thủ tục nhận và xử lý đơn yêu cầu được thực hiện như sau:

  • 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo: Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết. Nếu đơn chưa đầy đủ thì người yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung trong 07 ngày;
  • 03 ngày làm việc làm việc kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Toàn án thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết.
  • 01 tháng: Thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu.
  • 15 ngày: Tòa án mở phiên họp để giải quyết việc dân sự.

Như vậy, thời gian giải quyết việc yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau khi ly hôn thường diễn ra khoảng 01-02 tháng. Tuy nhiên, thực tế, có thể có nhiều trường hợp, thời gian này sẽ kéo dài hơn.

4.4. Lệ phí thực hiện yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau ly hôn

Theo Phụ lục kèm Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, lệ phí khi giải quyết yêu cầu hạn chế quyền thăm con tại phiên họp sơ thẩm là 300.000 đồng; phúc thẩm là 300.000 đồng.

5. Ví dụ về trường hợp Tòa án hạn chế quyền thăm con sau ly hôn

Dưới đây là một thí dụ Toà án đã hạn chế quyền thăm con sau ly hôn của người cha:

Anh A và chị H là một cặp vợ chồng trẻ sống tại Hà Nội. Họ có một đứa con trai tên là Bảo, 5 tuổi. Sau 6 năm chung sống,  do không thể tiếp tục chung sống và sự không hòa hợp với nhau, anh A và chị H quyết định ly hôn. Theo quyết định của Tòa thì bé Bảo được người mẹ nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, sau những ngày anh A đón con, chị H thấy con trai trên người có một số thương tích, trở nên ít nói, sợ không muốn gặp bố và bé có những hành động giống như việc hút thuốc lá. Sau khi hỏi con trai, cũng như tìm hiểu tình hình, chị H biết được, vào những ngày cháu Bảo ở cùng anh A, anh A và vợ mới có đánh cháu trong lúc say. Từ trước đến nay, Anh H thường xuyên sử dụng rượu, thuốc lá, cờ bạc và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vợ chồng trước đây ly hôn.

Nhận thấy việc anh A thăm nom, dẫn cháu Bảo đi nhưng lại có các hành động ảnh hưởng nghiệm trọng đến tâm lý, sức khỏe của cháu Bảo, chị H đã làm đơn lên Tòa án với mục đích hạn chế quyền thăm con của anh H.

Trong quá trình xét xử, chị H đã đưa ra các bằng chứng cho thấy anh H thường xuyên sử dụng rượu, thuốc lá và có lúc đã tác động tiêu cực đến cháu Bảo khi đang trong tình trạng say, tự ý đưa cháu đi cũng như không trả cháu đúng giờ cho chị H.

Chị H nêu rõ một số sự việc mà anh A, trong cơn say đã làm tổn thương Bảo về mặt tinh thần, thậm chí có lần anh A đã đánh vào mặt Bảo chỉ vì cậu bé Khóc mẹ. Việc này diễn ra một cách thường xuyên. Bên cạnh đó, các bằng chứng từ hàng xóm, video quay lại hành vi của Anh cũng được đưa ra trước tòa nhà.

Dựa vào các bằng chứng được đưa ra và sau khi nghe lời khai của cả hai bên, Tòa án quyết định hạn chế quyền thăm nom của anh A. Tòa án cho phép anh A được gặp Bảo mỗi tháng một lần dưới sự giám sát của một tổ chức xã hội, và anh A cần tham gia một chương trình cai nghiện rượu bia để có cơ hội xem xét lại quyền thăm con trong tương lai.

6. Hậu quả của việc cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên:

Căn cứ Điều 87 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì hậu quả pháp lý của cha, mẹ khi bị tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên như sau:

“1. Trong trường hợp cha hoặc mẹ bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì người kia thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con.

2. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật này trong các trường hợp sau đây:

a) Cha và mẹ đều bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên;

b) Một bên cha, mẹ không bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên nhưng không đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với con;

c) Một bên cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên và chưa xác định được bên cha, mẹ còn lại của con chưa thành niên.

3. Cha, mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”

Như vậy, nếu trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình là thăm nom con mà người đó có hành vi cản trở việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; Gây ảnh hưởng xấu đến đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con: ví dụ như xúi dục con làm những điều vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; có những hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe của con,… nếu bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền thăm nuôi thì người đó vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

7. Một số lưu ý khi yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con sau ly hôn

Khi yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con sau ly hôn, có một số lưu ý quan trọng mà các bên cần phải biết:

  • Cơ sở pháp lý: Cần xác định rõ lý do bạn yêu cầu quyền truy cập hạn chế. Lý do phải dựa vào cơ sở pháp lý và hợp lý chứ không chỉ dựa vào cảm xúc hoặc tình cảm cá nhân.
  • Bằng chứng : Để hỗ trợ cho yêu cầu của mình, cần cung cấp bằng chứng rõ ràng và thuyết phục. Các bằng chứng có thể bao gồm hình ảnh, video, báo cáo y tế, lời khai của nhân chứng và các tài liệu khác.
  • Lợi ích của trẻ: Tòa án luôn ưu tiên lợi ích tốt nhất cho trẻ nhỏ. Bạn cần chứng minh rằng việc hạn chế quyền thăm con là để bảo vệ sự an toàn và lợi ích của trẻ nhỏ.
  • Tư vấn giải pháp: Trước khi đơn giản yêu cầu hạn chế, nên tìm kiếm sự tư vấn từ một luật sư kinh nghiệm trong lĩnh vực gia đình. Họ sẽ giúp bạn hiểu quy trình, cung cấp lời khuyên và hỗ trợ trong quá trình chỉnh sửa hồ sơ.
  • Tâm lý của trẻ : Trẻ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu bị cắt quan hệ với một trong hai phụ huynh. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý để giúp trẻ thích nghi với tình hình.

Yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau ly hôn là một quyết định nghiêm trọng và cần được xem xét kỹ lưỡng. Các bên cần tập trung vào lợi ích và sự an toàn của trẻ, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ và tư vấn từ các chuyên gia.

Nguyễn Văn Thanh