Chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện

Nhiều người cho rằng khi không cần duy trì hoạt động của văn phòng đại diện thì chả cần làm gì. Đó là suy nghĩ không đúng do nếu bạn không làm các thủ tục với cơ quan đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt. Pháp luật quy định về việc chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện, cụ thể là điều kiện, thủ tục, hồ sơ… Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sau đây:

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện/đóng cửa văn phòng đại diện

Cơ sở pháp lý điều chỉnh thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện là các văn bản pháp luật sau:

  • Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
  • Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT Hướng dẫn về đăng ký kinh doanh;
  • Luật Thương mại 2005;
  • Nghị định số 07/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

2. Các trường hợp chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện/đóng cửa văn phòng đại diện

Các trường hợp chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong nước

Theo khoản 1 Điều 213 Luật Doanh nghiệp 2020, Văn phòng đại diện của doanh nghiệp được chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:

  • Theo quyết định của chính doanh nghiệp;
  • Theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các trường hợp chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài

Theo điều 35, Nghị định số 07/2006/NĐ-CP các trường hợp chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài như sau:

  • Theo đề nghị của thương nhân nước ngoài.
  • Khi thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động theo pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ (nơi thương nhân đó được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh).
  • Hết thời hạn hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện mà thương nhân nước ngoài không đề nghị gia hạn.
  • Hết thời gian hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện mà không được Cơ quan cấp Giấy phép đồng ý gia hạn.
  • Bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 44 Nghị định 07/2006/NĐ-CP.
  • Thương nhân nước ngoài, Văn phòng đại diện không còn đáp ứng một trong những điều kiện quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định 07/2006/NĐ-CP.

3. Hồ sơ chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện/đóng cửa văn phòng đại diện

a. Hồ sơ chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện/đóng cửa văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong nước, bao gồm:

  • Quyết định của công ty về việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện (Quyết định của Chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; của Chủ sở hữu hoặc Chủ tịch HĐTV hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty TNHH một thành viên; của HĐTV đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên; của HĐQT đối với CTCP; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện);
  • Thông báo của công ty về việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện;
  • Danh sách chủ nợ và toàn bộ số nợ chưa thanh toán của văn phòng đại diện;
  • Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động làm việc tại văn phòng đại diện;
  • Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của văn phòng đại diện;
  • Con dấu của văn phòng đại diện đang sử dụng (nếu có);
  • Nếu doanh nghiệp của bạn hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu thì phải có thêm Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký hoạt động.
  • Lưu ý: 01 bộ hồ sơ.

b. Hồ sơ chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện/đóng cửa văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, bao gồm:

  • Thông báo về việc chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện,  theo mẫu của Bộ Công Thương (do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký);
  • Bản chính Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện;
  • Bản sao hợp lệ văn bản của Cơ quan cấp Giấy phép không gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện hoặc bản sao Quyết định thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện;
  • Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;
  • Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;
  • Lưu ý: 01 bộ hồ sơ.
Chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện
Chấm dứt văn phòng đại diện cần thực hiện đúng quy định pháp luật – Ảnh minh họa: nguồn internet

4. Thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện/đóng cửa văn phòng đại diện

a. Thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong nước:

  • Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như trên
  • Nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư, nơi Văn phòng đại diện có trụ sở;
  • Phòng đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ hồ sơ của đồng thời liên hệ với cơ quan thuế để xin ý kiến;
  • Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan sẽ trả lại hồ sơ và yêu cầu công ty sửa đổi, bổ sung.
  • Trường hợp hồ sơ hợp lệ và công ty mẹ đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nghĩa vụ thuế thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ chuyển tình trạng pháp lý của văn phòng đại diện, trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng chấm dứt hoạt động, đồng thời ra Thông báo về việc chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện.

b. Thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện của thương gia nước ngoài: 

  • Thực hiện quyết toán thuế đối tại cơ quan quản lý thuế, thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động (nếu có) và thanh toán các khoản nợ lương, thưởng … đối với người lao động (nếu có);
  • Chấm dứt hiệu lực mã số thuế tại cơ quan thuế;
  • Soạn hồ sơ như nêu trên;
  • Nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của Sở Công thương hoặc Ban quản lý khu công nghiệp (khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao), nơi Văn phòng đại diện có trụ sở;
  • Bộ phận một cửa bộ phận một cửa của Sở Công thương cấp giấy biên nhận;
  • Bộ phận chuyên môn của Sở Công thương xem xét tính hợp lệ hồ sơ của đồng thời liên hệ với cơ quan thuế để xin ý kiến;
  • Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày Sở Công thương sẽ có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
  • Trường hợp hồ sơ hợp lệ và công ty mẹ đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nghĩa vụ thuế: Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày hồ sơ hợp lệ, Sở Công thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về việc chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài.
  • Trả lại con dấu, giấy chứng nhận mẫu dấu của Văn phòng đại diện tại Cơ quan công an.

>>> Xem thêm: Thủ tục chấm dứt chi nhánh, địa điểm kinh doanh

Công ty luật Thái An cung cấp dịch vụ chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong nước/thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi!


THÔNG TIN LIÊN QUAN