Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực khi nào ?
Trong công ty cổ phần, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có quyền biểu quyết, ra quyết định về các vấn đề quan trọng lớn đối với công ty. Để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực thì cần đáp ứng những điều kiện luật định. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An sẽ tư vấn rõ hơn về điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua.
1. Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông là gì?
Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thực chất là các quyết định của Đại hội đồng cổ đông về các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của mình và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động, tổ chức của doanh nghiệp và các vấn đề khác thuộc nhân sự, tài chính… của doanh nghiệp.
Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần, gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết.
Tổng số cổ đông có quyền biểu quyết bao gồm các cổ đông nắm giữ các loại cổ phần sau:
Cổ phần phổ thông: mỗi cổ phần phổ thông có 1 phiếu biểu quyết;
Cổ phần ưu đãi biểu quyết: có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông (số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ quy định);
Cổ phần ưu đã cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết và không dự họp Đại hội đồng cổ đông.
2. Hình thức thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 147 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết thuộc thẩm quyền mình bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản hoặc biểu quyết tại cuộc họp (xem thêm: CUỘC HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG)
Theo khoản 2 Điều 147 Luật Doanh nghiệp năm 2020, nếu Điều lệ công ty cổ phần không có quy định khác thì nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về các vấn đề sau phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông:
Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác;
Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;
Tổ chức lại, giải thể công ty.
3. Điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua
a. Đối với hình thức biểu quyết tại cuộc họp
Cổ đông công ty có thể trực tiếp biểu quyết hoặc ủy quyền bằng văn bản cho một người khác biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.
Cổ đông được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau:
Tham dự, biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp;
Ủy quyền cho một người khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp;
Tham dự, biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác;
Gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử.
Căn cứ khoản 2 điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020, các nghị quyết được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp sau thì tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định:
Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác;
Tổ chức lại, giải thể công ty;
Vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.
Lưu ý về chế độ báo cáo:
Căn cứ theo khoản 5 Điều 148 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì:
“Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông phải được thông báo đến cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua; trường hợp công ty có trang thông tin điện tử, việc gửi nghị quyết có thể thay thế bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty.”
b. Hình thức lấy ý kiến bằng văn bản
Theo khoản 4 Điều 148 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì điều kiện để nghị quyết đại hội đồng cổ đông được thông qua dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản là được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông có quyền biểu quyết tán thành. Tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty cổ phần quy định.
Thẩm quyền và thể thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được quy định tại Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Theo đó, nếu Điều lệ công ty cổ phần không có quy định khác thì thẩm quyền và thể thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thực hiện theo quy định sau đây:
Hội đồng quản trị có quyền lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông khi xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty. Hội đồng quản trị chuẩn bị phiếu lấy ý kiến, dự thảo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, các tài liệu giải trình dự thảo nghị quyết và gửi đến tất cả cổ đông có quyền biểu quyết chậm nhất là 10 ngày trước thời hạn phải gửi lại phiếu lấy ý kiến, nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn khác dài hơn.
Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông của công ty. Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn ngắn hơn.
Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông phải có họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần từng loại, số và ngày đăng ký cổ đông của từng cổ đông.
Phiếu lấy ý kiến đã được trả lời và tài liệu có liên quan gửi kèm theo phiếu lấy ý kiến được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty. Biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến phải được gửi đến các cổ đông trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm phiếu. Trường hợp công ty cổ phần có trang thông tin điện tử, việc gửi biên bản kiểm phiếu có thể được thay thế bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty.
Điều kiện trong trường hợp đặc biệt để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua
Căn cứ theo khoản 6 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 thì trường hợp Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông có nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành.
Trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì cần được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành.
4. Các trường hợp hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông:
Căn cứ Điều 151 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết hoặc biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây:
Trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty, trừ trường hợp Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là hợp pháp
Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.
5. Hiệu lực của nghị quyết Đại hội đồng cổ đông:
Căn cứ Điều 152 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về hiệu lực của nghị quyết Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ thời điểm có hiệu lực ghi tại nghị quyết đó.
Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả khi trình tự, thủ tục triệu tập họp và thông qua nghị quyết đó vi phạm quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Trường hợp có cổ đông, nhóm cổ đông yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điều 151 của Luật này, nghị quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi quyết định hủy bỏ nghị quyết đó của Tòa án, Trọng tài có hiệu lực, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là tư vấn của luật sư tư vấn luật doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan tới điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua. Xin lưu ý: Sau thời điểm đăng bài này, các quy định của luật pháp có thể đã thay đổi. Để được tư vấn từng trường hợp cụ thể Bạn vui lòng gọi TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT. Luật sư sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ Bạn!
Tiến sỹ luật học, Luật sư Nguyễn Văn Thanh là thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Lĩnh vực hành nghề chính: * Tư vấn pháp luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Thương mại, Lao động, Dân sự, Hình sự, Đất đai, Hôn nhân và gia đình * Tố tụng và giải quyết tranh chấp: Kinh doanh thương mại, Đầu tư, Xây dựng, Lao động, Bảo hiểm, Dân sự, Hình sự, Hành chính, Đất đai, Hôn nhân và gia đình
Bài viết mới nhất của Nguyễn Văn Thanh (Xem tất cả)
ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT THÁI AN BỀ DẦY TRÊN 15 NĂM KINH NHIỆM TƯ VẤN LUẬT UY TÍN VÀ CHẤT LƯỢNG TẠI VIỆT NAM
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.
Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
Để đượcCung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)