Quy định về dạy thêm học thêm

Dạy thêm, học thêm từ lâu đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong nền giáo dục Việt Nam. Đây không chỉ là nhu cầu bổ sung kiến thức của học sinh mà còn phản ánh những vấn đề trong hệ thống giáo dục hiện tại. Bài viết dưới đây sẽ phân tích các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm hiện nay.

1. Dạy thêm học thêm là gì? Khái niệm chi tiết từ Thông tư 29/2024

Khoản 1 Điều 2 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT quy định dạy thêm học thêm là là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục.

Dạy thêm học thêm áp dụng cho:

  • Chương trình giáo dục phổ thông;
  • Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở;
  • Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.

2. Các nguyên tắc cần tuân thủ khi tổ chức dạy thêm học thêm

Điều 3 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT quy định các nguyên tắc dạy thêm học thêm như sau:

  • Chỉ được tổ chức khi học sinh, học viên có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm;
  • Được cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh, học viên đồng ý;
  • Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm;
  • Nội dung dạy thêm học thêm không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội;
  • Không cắt giảm nội dung dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm;
  • Việc dạy thêm học thêm phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh;
  • Không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên;
  • Thời lượng, thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm phải phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh;
  • Tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.

Điều 7 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT quy định về nguyên tắc thu và quản lý tiền học thêm như sau:

  • Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;
  • Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm.
dậy thêm học thêm
Bộ Giáo dục ban hành thông tư về quản lý dậy thêm học thêm có hiệu lực từ 2/2025. ảnh minh hoạ: Luật Thái An

3. Phân biệt dạy thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường

Theo Điều 2 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT có 02 loại dạy thêm học thêm, đó là:

  • Dạy thêm học thêm trong nhà trường;
  • Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường.

Vạy dạy thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường có những điểm gì khác nhau? Tất cả sẽ được giải đáp sau đây:

3.1. Dạy thêm học thêm trong nhà trường

Dạy thêm học thêm trong nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác thực hiện. Dạy thêm học thêm trong nhà trường có những đặc điểm sau đây:

a) Dạy thêm học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh;

b) Chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học:

  • Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
  • Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
  • Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Nhà trường tổ chức cho học sinh thuộc đối tượng học thêm dạy thêm viết đơn đăng kí học thêm theo từng môn học ở từng khối lớp. Căn cứ vào số học sinh đăng kí, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm đối với từng môn học ở từng khối lớp.

Việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau:

  • Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 (bốn mươi lăm) học sinh;
  • Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường;
  • Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 (hai) tiết/tuần.

Kế hoạch tổ chức dạy thêm học thêm được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc niêm yết tại nhà trường.

(Cơ sở pháp lý: Điều 5 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT).

3.2. Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường

Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm không do nhà trường tổ chức thực hiện. Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường có những đặc điểm sau đây:

  • Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh được gọi là cơ sở dạy thêm.
  • Cơ sở dạy thêm phải đáp ứng những điều kiện sau:
    • Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật bằng cách thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh
    • Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp, địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm, danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm;
    • Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm;
    • Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.

(Cơ sở pháp lý: Điều 6 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT).

4. Những trường hợp không được dạy thêm học thêm

Điều 4 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT quy định các trường hợp không được dạy thêm học thêm như sau

  • Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống;
  • Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường;
  • Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

 

Luật Thái An là đơn vị tư vấn pháp lý uy tín, chuyên hỗ trợ các cá nhân và tổ chức trong việc tìm hiểu và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến thông tư về dạy thêm học thêm.

Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, Luật Thái An cung cấp dịch vụ tư vấn toàn diện, từ phân tích các quy định pháp luật, hướng dẫn lập hồ sơ, đến giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động dạy thêm học thêm. Đơn vị cam kết đồng hành cùng khách hàng để đảm bảo quyền lợi và thực hiện đúng quy định, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và tuân thủ pháp luật.

Đàm Thị Lộc