Trợ cấp thôi việc: Tổng hợp các quy định

Trong thị trường lao động hiện đại, việc hiểu rõ về trợ cấp thôi việc là rất quan trọng đối với cả người lao động và nhà tuyển dụng. Bài viết này nhằm mục đích cung cấp cái nhìn toàn diện về trợ cấp thôi việc, cơ sở pháp lý, phương pháp tính toán, và những lời khuyên thực tế trong việc quản lý quyền lợi này.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề trợ cấp thôi việc

Cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề trợ cấp thôi việc là các văn bản pháp luật sau đây:

2. Trợ cấp thôi việc là gì?

Trợ cấp thôi việc có thể hiểu là một khoản tiền được trả cho người lao động khi kết thúc hợp đồng lao động dưới những điều kiện nhất định. Đây là một phần quan trọng của quyền lợi lao động, đảm bảo hỗ trợ tài chính cho người lao động trong giai đoạn chuyển tiếp. Quyền lợi này áp dụng cho người lao động dưới các hợp đồng khác nhau, tùy thuộc vào các tiêu chuẩn đủ điều kiện nhất định.

3. Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc

Căn cứ theo Điều 46 của Bộ luật Lao động 2019 mới nhất, người sử dụng lao động phải chi trả khoản tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên trong các trường hợp sau:

  1. Khi hết hạn hợp đồng lao động
  2. Khi đã hoàn thành công việc theo hợp đồng
  3. Khi người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động
  4. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
  5. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
  6. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
  7. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
  8. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Tóm lại, có 2 điều kiện để được hưởng trợ cấp thôi việc đó là: người lao động sau nghỉ việc thuộc một trong 8 trường hợp kể trên có thời gian làm việc thưởng xuyên từ đủ 12 tháng trở lên sẽ được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định.

 

trợ cấp thôi việc
Các điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định pháp luật – Nguồn: Luật Thái An

4. Trường hợp nào không được hưởng trợ cấp thôi việc?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, có 02 trường hợp dù có đủ các điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc nêu trên nhưng không được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp đó là:

4.1. Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Theo quy định tại Điều 54, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được hưởng lương hưu thường phải có đủ 02 điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và độ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

* Về tuổi nghỉ hưu:

Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường phải từ đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và 55 tuổi 04 tháng đối với nữ khi nghỉ hưu vào năm 2021. Mỗi năm sau đó thì tuổi nghỉ hưu của nam tăng 03 tháng đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; còn tuổi nghỉ hưu của nữ tăng 04 tháng đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Trong một số trường hợp đặc biệt, người lao động còn có thể được nghỉ hưu trước độ tuổi nêu trên từ 05 đến 10 năm, thậm chí là trước rất nhiều năm.

* Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội:

Hầu hết mọi trường hợp người lao động đều phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên.

Riêng trường hợp lao động nữ làm cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên.

4.2. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động do tự ý bỏ việc từ 05 ngày liên tục mà không có lý do chính đáng

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, người lao động hoặc thân nhân người đó bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và trường hợp khác theo nội quy lao động.

Nếu không có các lý do này mà tự ý bỏ việc từ 05 ngày liên tục trở lên, người lao động bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc.

5. Cách tính trợ cấp thôi việc năm 2023 được quy định như thế nào?

Theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, mức hưởng trợ cấp thôi việc của người lao động như sau:

Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

Theo quy định trên, người lao động nghỉ việc, đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc sẽ được trợ cấp nửa tháng tiền lương. Cụ thể:

Trợ cấp thôi việc = 1/2 x Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc.

5.1. Cách xác đình thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

Theo khoản 3, khoản 5 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định:

Thời gian để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người lao động bao gồm:

  • Thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động;
  • Thời gian người lao động thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động;
  • Thời gian người lao động được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian người lao động hưởng chế độ theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thời gian người lao động được nghỉ hàng tuần;
  • Thời gian người lao động nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn,
  • Thời gian người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động;
  • Thời gian người lao động nghỉ vì bị đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.

Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

  • Thời gian sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật
  • Thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cho người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
  • Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng);
  • Trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc
Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc- Nguồn ảnh minh hoạ: Internet

5.2. Tiền lương tính trợ cấp thôi việc tính theo mức lương nào?

Theo khoản 3 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Đồng thời khoản 5 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP nêu rõ tiền lương để tính trợ cấp thôi việc như sau:

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được quy định như sau:

a) Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc, mất việc làm.

b) Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 20 của Bộ luật Lao động thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng.

Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể.

6. Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm đối với người lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của người sử dụng lao động.

6. Nhận trợ cấp thôi việc có cần thực hiện thủ tục gì không?

Theo Điều 46 Bộ luật Lao động, việc chi trả trợ cấp thất nghiệp là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Người lao động chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện đã nêu ở trên thì sẽ được trả loại trợ cấp này.

Pháp luật cũng không có yêu cầu gì về thủ tục đối với việc chi trả loại trợ cấp thôi việc. Do đó, doanh nghiệp có thể tự chọn cách thức để trả khoản tiền này cho người lao động mà không cần người lao động phải thực hiện thủ tục gì.

7. Nghỉ việc bao lâu thì được nhận trợ cấp thôi việc?

Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

Theo đó, với trường hợp thông thường, người lao động chỉ mất tối đa 14 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thì sẽ nhận được trợ cấp thôi việc. Trong một số trường hợp đặc biệt, người lao động có thể phải chờ đến 30 ngày để nhận trợ cấp thôi việc.

8. Doanh nghiệp không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động có bị xử phạt hành chính không?

Căn cứ khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động là hành vi xâm phạm đến quyền lợi của người lao động. Theo đó, căn cứ khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền:

  • Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
  • Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
  • Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể bị buộc phải trả đủ tiền trợ cấp thôi việc cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

9. Phân biệt trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm

Tiêu chí Trợ cấp thôi việc Trợ cấp mất việc làm
Căn cứ pháp lý Điều 46 Bộ luật lao động năm 2019 Điều 47 Bộ luật lao động năm 2019
Người chi trả Người sử dụng lao động
Điều kiện Người lao động Làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên
Căn cứ chấm dứt HĐLĐ – Do hết hạn hợp đồng;

– Hoàn thành công việc theo hợp đồng;

– Các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;

– Người lao động bị kết án tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không được trả tự do, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng;

– Người lao động chết; bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết;

– Người sử dụng lao động chấm dứt hoạt động hoặc bị ra thông báo không có người đại diện hợp pháp…;

– Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp.

(trừ trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu; người lao động bị chấm dứt hợp đồng do tự ý bỏ việc từ 05 ngày liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng)

– Do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

– Do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp Là tổng thời gian làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Tiền lương để tính trợ cấp Là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động nghỉ việc.
Mức hưởng Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

10. Trợ cấp thôi việc có tính thuế thu nhập cá nhân

Căn cứ điểm b, khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định như sau:

Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:

b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.”

Như vậy, trường hợp NLĐ nhận được khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc theo đúng mức quy định thì không tính vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Ngược lại, nếu khoản tiền trợ cấp thôi việc NLĐ nhận được cao hơn mức quy định của Bộ luật Lao động 2019 thì phần vượt quá sẽ phải chịu thuế TNCN.

Về cách tính thuế thu nhập cá nhân với số tiền trợ cấp thôi việc vượt mức, tại các Công văn 6553/CT-TTHT; Công văn 70182/CT-TTHT, Công văn 45749/CT-TTHT hướng dẫn như sau:

  • Nếu Công ty chi trả cho người lao động trước khi chấm dứt Hợp đồng lao động thì Công ty tổng hợp cùng với các khoản thu nhập từ tiền lương tiền công phát sinh trong kỳ để khấu trừ theo biểu lũy tiến từng phần.
  • Nếu Công ty chi trả cho người lao động sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động, khoản chi cho người lao động từ 2.000.000 đồng trở lên thì Công ty khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% khi chi trả.

11. Sự cần thiết sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn hưởng trợ cấp thôi việc

Khi đối mặt với tình huống thôi việc và nhận trợ cấp, việc tìm hiểu và hiểu rõ quyền lợi của mình là vô cùng quan trọng. Đây là lúc mà dịch vụ của một luật sư tư vấn trở nên vô giá. Sử dụng dịch vụ luật sư không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động mà còn đảm bảo rằng họ nhận được toàn bộ số trợ cấp thôi việc mà họ xứng đáng nhận được.

  • Hiểu Rõ Quy Định Pháp Luật: Luật lao động và các quy định liên quan đến trợ cấp thôi việc có thể phức tạp và thay đổi theo thời gian. Một luật sư có kinh nghiệm sẽ giúp giải thích các quy định này một cách rõ ràng, giúp người lao động hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình.
  • Đánh Giá và Tính Toán Trợ Cấp Chính Xác: Trợ cấp thôi việc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian làm việc, mức lương, và các điều kiện cụ thể của hợp đồng lao động. Luật sư có thể giúp đánh giá chính xác số tiền mà người lao động nên nhận và hỗ trợ trong quá trình tính toán.
  • Đại Diện và Hỗ Trợ Trong Tranh Chấp: Nếu có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh liên quan đến trợ cấp thôi việc, luật sư có thể đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong các thủ tục pháp lý hoặc đàm phán với nhà tuyển dụng.
  • Tư Vấn và Hướng Dẫn Quy Trình: Luật sư cung cấp hướng dẫn cụ thể về quy trình và thủ tục cần thiết để yêu cầu trợ cấp thôi việc. Họ cũng có thể giúp chuẩn bị và xem xét các tài liệu liên quan.
  • Hỗ Trợ Tối Ưu Hóa Quyền Lợi Tài Chính: Bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi pháp lý, luật sư cũng có thể tư vấn về cách tối ưu hóa lợi ích tài chính từ trợ cấp thôi việc, bao gồm cách quản lý và đầu tư số tiền nhận được một cách hiệu quả.

Kết Luận Trong bối cảnh pháp luật và thị trường lao động ngày càng phức tạp, việc sử dụng dịch vụ của một luật sư chuyên nghiệp không chỉ là một lựa chọn khôn ngoan mà còn là một biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi và đảm bảo an toàn tài chính cho người lao động trong quá trình thôi việc và nhận trợ cấp thôi việc.

Bui Linh