Thừa kế theo pháp luật – những điều quan trọng không thể bỏ qua !

Thừa kế theo pháp luật là hình thức thừa kế phản ánh rõ nét sự tác động của Nhà nước trong việc điều chỉnh sự chuyển dịch di sản của người chết cho người còn sống. Theo đó, Bộ luật dân sự năm 2015 đã có những quy định liên quan đến thừa kế theo pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng có liên quan trong mối quan hệ thừa kế nói chung và các vấn đề có liên quan đến tài sản nói riêng, từ đó góp phần làm ổn định đời sống trong xã hội hiện nay.

Bài viết dưới đây Công ty Luật Thái An sẽ chia sẻ những quy định hiện hành về thừa kế theo pháp luật.

1. Thừa kế theo pháp luật là gì?

Thừa kế theo pháp luật là sự dịch chuyển di sản của người chết cho người còn sống trên cơ sở quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng giữa người có di sản để lại sau khi họ chết và người nhận di sản. Hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

2. Các trường hợp thừa kế theo pháp luật

Các trường hợp thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 gồm:

  • Không có di chúc;
  • Di chúc không hợp pháp;
  • Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
  • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản;
  • Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
  • Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực;
  • Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền hưởng di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
  • Phần di sản có liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.

>>> Xem thêm: Thừa kế theo pháp luật: Thủ tục, điều kiện, các trường hợp

3. Căn cứ xác định diện thừa kế theo pháp luật

3.1. Quan hệ hôn nhân

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì vợ và chồng thuộc diện thừa kế theo pháp luật của nhau khi quan hệ hôn nhân của họ tính đến thời điểm mở thừa kế của vợ hoặc chồng được xác định là hôn nhân hợp pháp.

Để có thể được pháp luật thừa nhận là quan hệ hôn nhân hợp pháp thì việc kết hôn phải tuân thủ các điều kiện và thủ tục do pháp luật quy định. Hôn nhân hợp pháp phải đảm bảo cả về mặt nội dung lẫn hình thức nghĩa là phải đảm bảo các điều kiện kết hôn và có đăng ký kết hôn.

Trên thực tế, có một số trường hợp do điều kiện, hoàn cảnh khách quan nên vẫn tồn tại những quan hệ hôn nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn nhưng lại vi phạm thủ tục đăng ký kết hôn. Thực trạng này đã được giải quyết theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/06/2000. Việc thừa nhận hôn nhân thực tế chỉ mang tính tạm thời để giải quyết thấu tình đạt lý những trường hợp do hoàn cảnh khách quan mang lại.

Hiện nay, theo Luật Hôn nhân và gia đình thì hôn nhân thực tế không được thừa nhận nữa. Vì vậy, việc hai bên nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ không làm phát sinh quan hệ vợ chồng nên không thuộc diện thừa kế theo pháp luật của nhau.

3.2. Quan hệ huyết thống

 Quan hệ huyết thống là quan hệ giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc bàng hệ được xác định thông qua sự kiện sinh đẻ. Trước hết phải kể đến mối quan hệ giữa con và cha mẹ. Quyền thừa kế theo pháp luật của con không phụ thuộc vào hình thức hôn nhân của cha, mẹ đẻ.

Các con đẻ của người để lại di sản, không phân biệt con trai, con gái, con trong giá thú hay con ngoài giá thú, có năng lực hành vi dân sự hay không đều thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản. Việc xác định cha, mẹ, con là cơ sở để xác định diện thừa kế giữa cha, mẹ và con khi một trong các bên chết.

3.3. Quan hệ nuôi dưỡng

Theo quy định của pháp luật hiện hành, diện thừa kế được xác định trên cơ sở quan hệ nuôi dưỡng bao gồm quan hệ giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi và ngược lại; trường hợp con riêng với bố dượng, mẹ kế nếu đáp ứng điều kiện nhất định.

Mối quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi được xác lập trên sự kiện nuôi con nuôi. Việc nhận nuôi con nuôi phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và ghi vào sổ hộ tịch. Con nuôi có đầy đủ quyền như con đẻ và được coi là người thừa kế ở hàng thứ nhất của cha, mẹ nuôi.

 Quan hệ thừa kế được xác định dựa trên cơ sở quan hệ nuôi dưỡng còn bao gồm quan hệ giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế. Theo quy định tại Điều 654 BLDS năm 2015 thì con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau.

Cần nắm vững các trường hợp và người được hưởng quyền thừa kế theo pháp luật để hành xử đúng đắn khi người để lại di sản không có di chúc.
Cần nắm vững các trường hợp và người được hưởng quyền thừa kế theo pháp luật để hành xử đúng đắn khi người để lại di sản không có di chúc – Nguồn ảnh minh họa: Internet

4. Ai có quyền hưởng thừa kế theo pháp luật?

Căn cứ quy định tại Điều 613, Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự 3 hàng thừa kế như sau:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

>>> Xem thêm: Con chưa sinh có được hưởng thừa kế không? 

5. Ai không có quyền hưởng thừa kế theo pháp luật ?

Căn cứ điều 621 Bộ Luật dân sự 2015, những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

  • Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

  • Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Mặt khác, khoản 2 điều 621 cũng quy định là nếu nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc, thì họ vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế.

6. Trường hợp thừa kế thế vị trong quan hệ thừa kế theo pháp luật

Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015 thì: Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Từ những quy định trên, có thể thấy thừa kế thế vị có những đặc điểm sau:

  • Thừa kế thế vị chỉ phát sinh trong quan hệ thừa kế theo pháp luật.
  • Thừa kế thế vị được quy định để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cháu, chắt trong trường hợp cha, mẹ của cháu, chắt chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông bà hoặc các cụ.
  • Thừa kế thế vị phát sinh trên cơ sở quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng giữa người để lại di sản với con cháu của người đó.
  • Thừa kế thế vị có mối quan hệ mật thiết với thừa kế theo hàng.

7. Di sản thừa kế theo pháp luật

Tại Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 quy định Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Theo đó:

  • Phần tài sản riêng là phần tài sản do người đó tự tạo lập ngoài thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng, tài sản được chia trong thời kỳ hôn nhân,…
  • Phần tài sản trong tài sản chung có thể là tài sản trong khối tài sản chung của vợ chồng, trong khối tài sản sở hữu chung của gia đình hoặc chung với người khác.

Di sản thừa kế mà người thừa kế được hưởng phải trừ đi một số khoản chi phí sau (căn cứ điều 658 Bộ Luật dân sự 2015):

  • Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
  • Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
  • Chi phí cho việc bảo quản di sản.
  • Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
  • Tiền công lao động.
  • Tiền bồi thường thiệt hại.
  • Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
  • Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
  • Tiền phạt.
  • Các chi phí khác

8. Chia di sản thừa kế theo pháp luật

Việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 660 BLDS năm 2015 như sau:

  • Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
  • Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

Ngoài quy định trên thì việc chia thừa kế theo pháp luật còn căn cứ vào các yếu tố sau:

a. Chia thừa kế theo hàng thừa kế

Khi tiến hành phân chia di sản theo pháp luật, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản (Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015)

Nếu thuộc trường hợp chia di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài (nếu người để lại di sản và/hoặc người thừa kế ở nước ngoài và/hoặc là công dân nước ngoài, di sản thừa kế ở nước ngoài) thì phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Thừa kế theo pháp luật phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết.
  • Quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
  • Di sản không có người thừa kế là bất động sản thuộc về Nhà nước nơi có bất động sản đó.
  • Di sản không có người thừa kế là động sản thuộc về Nhà nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết.

Về vấn đề khai nhận di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài: Nếu người đang ở nước ngoài không thể về nước được thì có thể ủy quyền để người trong nước thay mặt mình tiến hành thủ tục khai nhận di sản theo quy định của pháp luật.

b. Chia thừa kế giữa con nuôi và cha, mẹ nuôi và cha, mẹ đẻ; con riêng và bố dượng, mẹ kế

Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015; Thừa kế giữa con nuôi và cha, mẹ nuôi cũng được áp dụng quy định về thừa kế thế vị theo Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 .

Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 ; được áp dụng quy định về thừa kế thế vị theo Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015.

c. Chia thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác

Theo Điều 655 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

  • Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
  • Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
  • Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.

9. Nghĩa vụ trả nợ của người thừa kế và người được di tặng:

Theo điều 615 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại thì:

“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”

Theo quy định này những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản (tiền cấp dưỡng, trợ cấp, tiền công lao động, các khoản nợ, tiền phạt, …) trong phạm vi tàn sản người chết để lại. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận.

Pháp luật cũng quy định về thời hiệu yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản của người thừa kế. Theo điều 623 Bộ luật dân sự 2015 cuquy định về thời hiệu thừa kế thì:

“3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

Theo đó, thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm người để lại thừa kế chết hoặc được tuyên bố là đã chết. Hết thời hiệu này, người có quyền liên quan đến tài sản của người chết mà không phải là người thừa kế sẽ không còn quyền này nữa. Do đó, nếu quá thời hiệu, bạn có thể yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu để loại trừ nghĩa vụ trả nợ cho người đã mất.

10. Hạn chế khi chia di sản thừa kế theo pháp luật là gì? 

Về nguyên tắc, người thừa kế có quyền yêu cầu chia di sản ngay tại thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau, người thừa kế không có quyền yêu cầu phân chia di sản đó là:

Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định.

Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm (căn cứ Điều 661 về Hạn chế phân chia di sản).

11. Những trường hợp mới phát sinh khi chia di sản thừa kế theo pháp luật

a. Trường hợp có người thừa kế mới

Người thừa kế mới được hiểu là sau khi di sản được phân chia mới xuất hiện người thừa kế này. Ví dụ như:

  • Trường hợp những người thừa kế dành lại một suất di sản cho người thừa kế cùng hàng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết được sinh ra và còn sống sau khi người để lại di sản chết, nhưng sau đó lại xảy ra sự kiện sinh đôi hoặc sinh ba…
  • Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án xác nhận một người là cha, mẹ, con của người chết nhưng bản án, quyết định này có hiệu lực sau thời điểm phân chia di sản thừa kế.
  • Trường hợp cha, mẹ, con của người để lại di sản bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết, sau khi phân chia xong di sản, người đó lại trở về.

Để giải quyết các trường hợp này, thì tại khoản 3 Điều 73, khoản 1 Điều 662 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

  • Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.
  • Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

b. Trường hợp người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế

Người bị bác bỏ quyền thừa kế được xác định trong trường hợp họ không có quyền hưởng di sản do vi phạm khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015 (được phát hiện sau khi chia thừa kế) hoặc có thể xảy ra trong trường hợp người thừa kế theo di chúc đã nhận di sản thừa kế được chia nhưng sau đó phần di chúc liên quan đến người này bị xác định là vô hiệu.

 Theo quy định tại khoản 2 Điều 662 Bộ luật dân sự 2015 thì:Trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

12. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật

Khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật là thủ tục nhằm xác lập quyền tài sản đối với di sản thừa kế của người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quyền thừa kế sau khi người để lại di sản chết.

Những người thừa kế theo pháp luật khi đã có sự thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế thì làm thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận đó tại Văn phòng công chứng.

Đối với trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận phân chia di sản thì có thể thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế để trở thành đồng chủ sở hữu tài sản. Chi tiết có tại bài viết Khai nhận di sản thừa kế

13. Tầm quan trọng của luật sư trong giải quyết tranh chấp thừa kế theo pháp luật

Trong các vụ việc tranh chấp thừa kế theo pháp luật, vai trò của luật sư vô cùng quan trọng và không thể thiếu. Luật sư, với kiến thức sâu rộng về pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn, giúp giải quyết tranh chấp thừa kế theo pháp luật một cách nhanh chóng, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa bảo vệ quyền lợi của khách hàng một cách tốt nhất.

Nếu bạn đang tìm kiếm những Luật sư uy tín chất lượng để giải quyết tranh chấp thừa kế theo pháp luật hay các tranh chấp liên quan đến thừa kế hoặc muốn tư vấn pháp luật về thừa kế thì hãy đến ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi.

Công ty Luật Thái An là một trong những Công ty Luật hàng đầu về giải quyết tranh chấp thừa kế với đội ngũ Luật sư, chuyên gia pháp lý giỏi, đã từng tham gia hàng trăm vụ tư vấn/giải quyết tranh chấp liên quan đến thừa kế theo pháp luật nói riêng hay thừa kế nói chung và đã đạt được rất nhiều thành công.

Liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An để được sử dụng dịch vụ uy tín, chất lượng!

>>> Xem thêm: Dịch vụ tư vấn luật thừa kế

Nguyễn Văn Thanh