Khi nào được tạm ngừng thực hiện hợp đồng ?

Trong quá trình thực hiện hợp đồng thường xảy ra các vi phạm hợp đồng mà các vi phạm đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Để đảm bảo quyền và lợi ích cho bên bị vi phạm thì một trong các chế tài xử lý được pháp luật quy định đó là tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng về tạm ngừng thực hiện hợp đồng để bạn có những giải pháp sáng suốt khi đối mặt với nguy cơ tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

1. Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng là gì?

Tạm nừng thực hiện hợp đồng hay còn gọi là tạm dừng thực hiện hợp đồng là một chế tài được quy định tại Điều 308 Luật thương mại năm 2005.  Theo đó, tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng.

Căn cứ áp dụng tạm ngừng thực hiện hợp đồng:

  • Trường hợp 1: Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng;
  • Trường hợp 2: Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Vi dụ về tạm ngừng thực hiện hợp đồng: Công ty A và công ty B ký kết hợp đồng mua bán máy móc, theo đó bên mua sẽ phải thanh toán tiền cho mỗi đơn hàng trong vòng 10 ngày kể từ khi bên bán giao hàng. Sau một số đơn hàng thành công, bên mua vì lý do khó khăn đã không thanh toán đơn hàng đúng hạn. Do đó, bên bán đã áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng cho đến khi bên mua thanh toán đầy đủ lô hàng.

Bạn có thể tìm hiểu về các chế tài khác tại bài viết sau đây:

7 chế tài thương mại bạn cần biết

2. Đặc trưng của chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Bạn cần hiểu rõ những đặc thù cua chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng để vận dụng đúng luật, đó là:

a. Các bên vẫn bị ràng buộc bởi Hợp đồng

Khi tạm dừng thực hiện hợp đồng, hiệu lực của hợp đồng không mất đi, các bên vẫn bị ràng buộc bởi Hợp đồng. Các nghĩa vụ chỉ không được thực hiện trong một khoảng thời gian xác định được đưa ra bởi bên tạm ngừng hoặc cho tới khi bên vi phạm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình.

b. Có thể áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng đồng thời với các chế tài khác

Bên bị vi phạm có thể áp dụng tạm ngừng thực hiện hợp đồng đồng thời với yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm

  • Phạt vi phạm hợp đồng

Là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Ví dụ như theo quy định của Điều 301 Luật thương mại 2005 thì mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm,trừ trường hợp phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại trong trường hợp kết quả giám định sai.

Lưu ý:

  • Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
  • Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại.

căn cứ điều 307 Luật Thương mại 2005

»»» Xem thêm: 

Phạt vi phạm hợp đồng: Cần áp dụng cho đúng luật!

  • Phạt bồi thường thiệt hại

Tại Điều 361 Bộ luật dân sự 2015 quy định thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

  • Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
  • Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.

Chế tài phạt bồi thường thiệt hại được áp dụng trong mọi trường hợp có thiệt hại xẩy ra (hợp đồng có thể có hoặc không quy định về phạt bồi thường thiệt hại). Khi đó, bên bị vi phạm phải chứng minh về tổn thất và thiệt hại của mình.

»»» Xem thêm: Phạt bồi thường thiệt hại

c. Các trường hợp không áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng 

Bạn không được áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng khi những vi phạm thuộc trường hợp miễn trừ trách nhiệm hoặc là vi phạm không cơ bản:

  • Miễn trừ trách nhiệm: Là trường hợp một bên khi vi phạm hợp đồng thì không phải chịu trách nhiệm đối với việc vi phạm của mình theo thoả thuận trong hợp đồng hoặc các trường hợp do pháp luật quy định.Tại Điều 294 Luật thường mại 2005 quy định các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm. Chi tiết có tại BÀI VIẾT NÀY.
  • Vi phạm không cơ bản: Là sự vi phạm hợp đồng không gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.
Tạm ngừng thực hiện hợp đồng
Những đặc trưng cơ bản của chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng-Nguồn: Luật Thái An

3. Lợi ích khi áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Việc áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, có thể kể đến như

  • Bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm;
  • Ngăn ngừa, hạn chế việc tiếp tục vi phạm hợp đồng, nâng cao ý thức thực hiện hợp đồng của các bên;
  • Duy trì được sự ổn định trong các mối quan hệ, giúp việc làm ăn kinh doanh ngày càng phát triển.

4. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng có cần phải thông báo không?

Khi tạm dừng thực hiện hợp đồng cần thông báo rõ ràng và kịp thời cho bên còn lại biết. Trong trường hợp không thông báo ngay mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên tạm ngừng phải bồi thường thiệt hại, căn cứ điều 315 Luật Thương mại 2005.

Thông báo tạm ngừng phải nêu rõ các căn cứ, lý do tạm ngừng, thời gian bắt đầu tạm ngừng, thời gian kết thúc tạm ngừng và các yêu cầu khác nếu có.

Lưu ý: Trong hợp đồng nếu có thoả thuận về thời hạn Thông báo tạm ngừng trong hợp đồng thì bên tạm ngừng phải gửi thông báo trong khoảng thời gian đó .

5. Nếu không đồng ý với việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng cần làm gì?

Bên không đồng ý với việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng có quyền:

  • Thông báo không đồng ý cho tạm ngừng hợp đồng và yêu cầu đối tác tiếp tục thực hiện hợp đồng.
  • Yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra.

6. Dịch vụ tư vấn pháp lý của Công ty Luật Thái An

Qua bài viết trên có thể thấy quá trình tạm ngừng hợp đồng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Để đảm bảo tuân thủ đúng các quy định trong hợp đồng cũng như các quy định pháp luật, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những giải pháp pháp lý bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, giảm thiểu rủi ro, vướng mắc, tranh chấp liên quan đến tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

 

HÃY LIÊN HỆ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LÝ HỢP ĐỒNG VÀ HỖ TRỢ KỊP THỜI!

Nguyễn Văn Thanh