Các ưu đãi đối với hợp tác xã

Việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với hợp tác xã là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế hợp tác kinh tế hợp tác. Vậy các chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp tác xã của nhà nước được pháp luật hiện nay quy định như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây:

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh các quy định về ưu đãi hợp tác xã

Cơ sở pháp lý điều chỉnh các quy định về chính sách ưu đãi hợp tác xã sẽ dựa trên các văn bản pháp lý cơ bản như sau:

  • Luật Hợp tác xã năm 2012;
  • Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013 ;
  • Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008;
  • Nghị định số 46/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
  • Thông tư số 219/2013/TT-BTC;
  • Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính;
  • Nghị định số 114/2020/NĐ-CP

2. Khái niệm hợp tác xã

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật hợp tác xã 2012 thì:

“Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh,

tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.”

3. Các chính sách ưu đãi hợp tác xã

Theo khoản 2 Điều 6 Luật Hợp tác xã năm 2012 thì Nhà nước có chính sách ưu đãi hợp tác xã như sau:

3.1. Ưu đãi hợp tác xã về thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế:

Ưu đãi hợp tác xã về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Hiện nay, ưu đãi hợp tác xã về thuế TNDN thực hiện theo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2008 và một số văn bản hướng dẫn khác. Cụ thể như sau:

  • Đối với việc miễn thuế:

Tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật thuế TNDN năm 2008 quy định thu nhập được miễn thuế gồm: thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã; thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp.

  • Đối với việc giảm thuế:

Tại Điều 13 Luật thuế TNDN năm 2008 quy định ưu đãi thuế suất như sau:

“1. Áp dụng thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm đối với:
a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

2. Áp dụng thuế suất 10% đối với:
d) Thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi;

sản xuất, khai thác và tinh chế muối, trừ sản xuất muối quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm;

Ưu đãi đối với hợp tác xã về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay
ưu đãi hợp tác xã về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay – Nguồn ảnh minh họa: Internet

đ) Thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, trừ thu nhập của hợp tác xã quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này.

3. Áp dụng thuế suất 20% trong thời gian mười năm đối với:
a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn;
b) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: sản xuất thép cao cấp; …; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản; phát triển ngành nghề truyền thống.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, thu nhập của doanh nghiệp quy định tại khoản này được áp dụng thuế suất 17%.”

Đối chiếu với Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì:

“1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã;..”

Theo đó, ưu đãi hợp tác xã mới thành lập từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm; áp dụng mức thuế suất 10% và 20% trong vòng 15 năm khi thuộc các trường hợp trên.

  • Thời gian ưu đãi thuế:

Tại Điều 14 Luật thuế TNDN quy định ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế: đối với Hợp tác xã mới thành lập từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được miễn giảm thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo.

Đối với Hợp tác xã mới thành lập từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được miễn giảm thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo.

  • Ngoài ra, Hợp tác xã được giảm 30% thuế TNDN năm 2020 khi thuộc trường hợp tại khoản 1, Điều 2 Nghị định số 114/2020/NĐ-CP quy định:

“Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp HTX có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng”.

===>>> Xem thêm:Ưu đãi đầu tư đối với cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến gia cầm, gia súc công nghiệp

===>>> Xem thêm:Mức ưu đãi đầu tư đối với ngành nghề trồng rừng, bảo vệ rừng

Ưu đãi hợp tác xã về thuế giá trị gia tăng (GTGT):

Hiện nay chính sách ưu đãi hợp tác xã về thuế GTGT được tập trung ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp cả trong trường hợp xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, nhất là đối với những sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến.

  • Hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, Hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
  • Trường hợp Hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tố chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%.
  • Hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

(Căn cứ khoản 5, Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC).

===>>> Xem thêm: Thuế giá trị gia tăng (VAT): Thuế suất, cách tính, các hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế

===>>> Xem thêm:Phương pháp tính thuế VAT cho doanh nghiệp

ưu đãi về thuế đối với hợp tác xã
Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT đối với hợp tác xã. – ảnh: Luật Thái An

Về ưu đãi hợp tác xã về tiền thuê đất:

ưu đãi hợp tác xã về tiền thuê đất được quy định như sau:

  • Miễn tiền thuê đất: Hợp tác xã nông nghiệp sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng trụ sở Hợp tác xã, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối (điểm g, khoản 1, Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP).
  • Giảm tiền thuê đất: Hợp tác xã thuê đất để sử dụng làm mặt bằng sản xuất kinh doanh được giảm 50% tiền thuê đất (Điểm a, khoản 1, Điều 20 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP).

===>>> Xem thêm: So sánh hợp tác xã và doanh nghiệp

3.2. Ưu đãi hợp tác xã về lệ phí đăng ký hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí:

Ưu đãi hợp tác xã về mức lệ phí đăng ký thành lập hợp tác xã:

Mức lệ phí cụ thể do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định (căn cứ quy định tại Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính).

Chẳng hạn theo Nghị quyết 127/2017/NQ-HĐND về quy định mức thu, đối tượng và chế độ thu, nộp lệ phí đăng ký kinh doanh đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thì lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã là 150.000 đồng.

Ưu đãi về chi phí để thành lập hợp tác xã: Ngân sách địa phương hỗ trợ 100% kinh phí đối với thành lập mới hợp tác xã, đăng ký thay đổi theo quy định của Luật Hợp tác xã., 50 % kinh phí đối với hợp tác xã  kinh phí đối với việc tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập

Ưu đãi hợp tác xã về lệ phí môn bài: 

Các chính sách ưu đãi hợp tác xã về lệ phí môn bài như sau:

  • Miễn lệ phí Môn bài trong các trường hợp sau: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp.
  • Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:
    • Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
    • Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
    • Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
uu dai doi voi hop tac xa
Ngoài thuế, hợp tác xã được hưởng nhiều ưu đãi khác. – ảnh: Luật Thái An

4. Các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Ngoài các ưu đãi hợp tác xã như phân tích ở trên, Nhà nước có chính sách hỗ trợ sau đây đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:

  • Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực;
  • Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;
  • Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới;
  • Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã;
  • Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội;
  • Thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Đối với các Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp được hưởng thêm về chính sách hỗ trợ, ưu đãi như sau:

  • Hỗ trợ về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai;
  • Ưu đãi về tín dụng, vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, chế biến sản phẩm.

===>>> Xem thêm: Nên thành lập hợp tác xã hay công ty ?

 

Trên đây là tư vấn sơ bộ về các chính sách ưu đãi hợp tác xã. Trường hợp quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn thêm về các ưu đãi hợp tác xã, vui lòng liên hệ ngay Tổng đài tư vấn pháp luật để được hỗ trợ một cách nhanh nhất.

Luật Thái An cung cấp dịch vụ pháp lý trên rất nhiều lĩnh vực, bao gồm các thủ tục liên quan đến hợp tác xã và doanh nghiệp. Ngoài ra chúng tôi với kinh nghiệm lâu năm trong tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp tác xã, doanh nghiệp nên luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng khi có nhu cầu.

 

Quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An để được hỗ trợ kịp thời!

Nguyễn Văn Thanh