Các tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa thường gặp

Hợp đồng vận tải là hợp đồng rất phổ biến trong cuộc sống ngày nay, và theo đó, tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này cũng rất phổ biến. Luật Thái An sẽ cung cấp thông tin về các tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa thường gặp như sau:

1. Hợp đồng tải hàng hóa là gì?

Vận tải hàng hóa là loại dịch vụ trong đó các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này tiến hành các công việc cần thiết để chuyển hàng hóa từ địa điểm này sang địa điểm khác theo thỏa thuận với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu để hưởng thù lao dịch vụ.

Hàng hóa cũng là một loại tài sản vì thể hợp đồng vận tải/vận chuyển hàng hóa sẽ mang bản chất của hợp đồng vận chuyển tài sản.

hợp đồng vận chuyển hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó một bên (bên vận chuyển) có nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa tới địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao hàng hóa đó cho người có quyền nhận; còn bên kia (bên thuê vận chuyển) có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển và các khoản phụ phí khác cho bên vận chuyển.

>>> Xem thêm: Soạn thảo hợp đồng vận tải hàng hoá

2. Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa là gì?

Tranh chấp hợp đồng tải hàng hóa là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến của một hoặc cả hai bên chủ thể của hợp đồng về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng tải hàng hóa.

Tranh chấp hợp đồng vận chuyển có thể chỉ liên quan đến hợp đồng vận chuyển, nhưng đôi khi điều này còn dẫn đến tranh chấp hợp đồng bảo hiểm (tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, tranh chấp hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển là những tranh chấp hợp đồng phổ biến nhất).

Tranh chấp có thể về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng mà chủ yếu là liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ tự nguyện thỏa thuận. Hoặc cũng có thể xảy ra tranh chấp phát sinh từ nội dung của hợp đồng, giải thích từ ngữ hợp đồng, thực hiện hợp đồng, sửa đổi, bổ sung chấm dứt hợp đồng…. Với mỗi loại hợp đồng đại lý sẽ có một số rủi ro dễ phát sinh tranh chấp riêng.

3. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng hóa

a. Nguyên nhân chủ quan làm phát sinh tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hoá

Các nguyên nhân chủ quan dẫn đến tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa bao gồm:

  • Do sự chủ quan của các bên trong việc thiết lập hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Các chủ thể tham gia hợp đồng thiếu hiểu biết về pháp luật khi điều chỉnh quan hệ hợp đồng, nhiều trường hợp không phân định rõ đâu là hợp đồng đại lý, đâu là hợp đồng mua bán hàng hóa thương mại. Các chủ thể hợp đồng không chú trọng tới các vấn đề về pháp lý mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận.
  • Do các bên chỉ quan tâm đến lợi nhuận, lợi ích của mình mà bất chấp việc vi phạm và phá vỡ các thoả thuận, thiếu đạo đức kinh doanh
  • Đối với các tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa với các doanh nghiệp nước ngoài thì tranh chấp phát sinh ngoài những nguyên nhân trên còn do: năng lực của doanh nghiệp trong quan hệ thương mại quốc tế còn nhiều hạn chế; sự thiếu hiểu biết về pháp luật và tập quán thương mại quốc tế.

b. Nguyên nhân khách quan làm phát sinh tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hoá

Các nguyên nhân khách quan dẫn đến tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa gồm:

  • Sự biến động của những yếu tố như giá cả, tỷ giá, cung cầu của mỗi quốc gia là khác nhau ở mỗi giai đoạn ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của các bên và có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra tranh chấp.
  • Các sự kiện bất khả kháng xảy ra ngẫu nhiên trong thực tế như thiên tai bão lũ, hạn hán, dịch bệnh…sau khi hai bên đã ký kết hợp đồng, dẫn đến 1 trong 2 bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.
  • Đối với các tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế (thường là hợp đồng vận tải bằng đường biển), ngoài những nguyên nhân khách quan trên còn có thể kể đến các nguyên nhân sau:
    • hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế là hợp đồng liên quan đến ít nhất hai hệ thống pháp luật của hai quốc gia; ngoài ra, còn có thể liên quan đến tập quán quốc tế điều chỉnh các quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên ký kết lại không tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi ký kết hợp đồng dẫn đến việc ký kết hợp đồng không đúng, không đầy đủ, dẫn đến cách hiểu không thống nhất làm phát sinh tranh chấp giữa các bên;
    •  Sự thay đổi chính sách và pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại quốc tế.

4. Các tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa thường gặp

a.Tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hoá liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng

Chủ thể của hợp đồng vận chuyển hàng hóa có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Đối với một bên chủ thể là cá nhân thì phải là người có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự đầy đủ.  Đối với chủ thể là tổ chức thì người ký kết hợp đồng phải là người đại diện theo pháp luật, người được người đại diện theo phát luật ủy quyền có thẩm quyền ký kết.

Đối với chủ thể hợp đồng vận chuyển hàng hóa là tổ chức thì thực tế có nhiều hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền như: Không phải là người đại diện theo pháp luật, không được ủy quyền hoặc là người đại diện theo pháp luật nhưng không có thẩm quyền ký kết. Bên cạnh đó, tranh chấp có thể do Người ký không phải là đại diện theo pháp luật của công ty, có ủy quyền hợp pháp nhưng thực hiện ký hợp đồng vượt quá phạm vi ủy quyền.

Điều này dẫn đến những tranh chấp bởi khi Hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền của doanh nghiệp về nguyên tắc sẽ vô hiệu. Tùy từng trường hợp cụ thể mà hợp đồng có thể vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. Khi đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các bên còn lại.

>>> Xem thêm: Hậu quả của hợp đồng vô hiệu

Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng phát sinh do chủ thể hợp đồng, các chủ thể cần xem xét như sau:

  • Trước khi giao kết hợp đồng cần phải kiểm tra trong Giấy đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương để xem ai là người đại diện theo pháp luật, có thẩm quyền ký kết hợp đồng không?
  • Yêu cầu cung cấp Văn bản ủy quyền cho nhân viên khi giao dịch hoặc người ký không phải người đại diện theo pháp luật và kiểm tra trong giấy ủy quyền xem người ký có thuộc phạm vi được ủy quyền không (điều kiện ủy quyền, quyền của người được ủy quyền).

b.Tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hoá do bên thuê vận chuyển giao hàng hóa không đúng thời hạn, địa điểm hoặc bên vận chuyển chậm tiếp nhận tài sản

Theo quy định tại Điều 532 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vận chuyển đúng thời hạn, địa điểm và đóng gói theo đúng quy cách đã thỏa thuận; phải chịu chi phí xếp, dỡ tài sản lên phương tiện vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp bên thuê vận chuyển giao tài sản không đúng thời hạn, địa điểm đã thỏa thuận thì phải thanh toán chi phí chờ đợi và tiền vận chuyển tài sản đến địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng cho bên vận chuyển.

Trường hợp bên vận chuyển chậm tiếp nhận tài sản tại địa điểm đã thỏa thuận thì phải chịu chi phí phát sinh do việc chậm tiếp nhận.

Vậy nên, trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa cần quy định rõ cách xác định chi phí chờ đợi khi bên thuê vận chuyển chậm giao tài sản và tiền vận chuyển tài sản đến địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng cho bên vận chuyển cũng như vấn đề xác định chi phí phát sinh do bên vận chuyển chậm tiếp nhận. Khi những vấn đề này quy định không rõ thì rất dễ phát sinh tranh chấp.

tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hoá
Tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hoá là thường gặp – ảnh nguồn internet

c. Tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hoá do bên vận chuyển giao chậm, mất hoặc hư hỏng hàng hóa

Trong quá trình vận chuyển hàng hóa đường xa, dù là bằng phương thức vận tải đường biển, đường sắt, hay đường bộ đều không thể tránh khỏi những rủi ro, những trở ngại không đáng có làm ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ giao nhận hàng ở đích đến cuối cùng. Một trong những rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa thường gặp phải là hàng hóa tới muộn hơn so với thời gian quy định theo hợp đồng trước đó đã ký kết thỏa thuận, trường hợp này không hiếm gặp, nhất là khi chuyển phát quốc tế.

Theo quy định, bên vận chuyển có trách nhiệm bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn và giao tài sản cho bên nhận. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển thường gặp nhiều sự cố, sự kiện bất khả kháng dẫn tới tình trạng này, trong đó có thể là do yếu tố thời tiết bão lũ, động đất ảnh hưởng, tình hình dịch bệnh, các sự cố về giao thông, hư hỏng hay một vài nguyên nhân khác.

Thông thường, bên vận chuyển sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp bất khả kháng thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác).

Ví dụ như trong thời gian vừa qua, với tình hình dịch bệnh Covid 19 căng thẳng trên quy mô toàn thế giới thì có nhiều chuyến hàng sau chậm giao do việc phong tỏa biên giới hay việc phong tỏa một số khu vực có dịch bệnh của cơ quan nhà nước. Điều này còn có thể dẫn đến những mất mát, hỏng hóc hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng có hạn sử dụng ngắn, khó bảo quản như thực phẩm… Thực tế trong thời gian này diễn ra rất nhiều tranh chấp hợp đồng do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Vậy nên, trường hợp hợp đồng vận tải quy định không chi tiết hoặc có nội dung dễ gây nhầm lẫn về thời gian, địa điểm giao hàng, hoặc vì ý muốn chủ quan của bên vận chuyển dẫn đến vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thì sẽ dẫn đến tranh chấp.

Như vậy, hai bên cần quy định rõ ràng, chi tiết về thời gian, địa điểm giao hàng và lường trước các rủi ro để quy định trách nhiệm khi xảy ra rủi ro đối với hàng hóa.

>>> Xem thêm: Chuyển rủi ro về hàng hoá

d. Tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hoá do hao hụt hàng hóa

Đối tượng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa từ địa điểm này đến địa điểm khác theo thỏa thuận của các bên, tức là việc dịch chuyển vị trí địa lý của hàng hóa theo thỏa thuận của các bên với tính chất là một loại dịch vụ. Trog đó, hàng hóa sẽ bao gồm tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai. Hàng hóa trong hợp đồng vận chuyển không được là hàng cấm, hàng nguy hiểm đến tính mạng, hàng cấm lưu thông trên thị trường.

Trong số các loại hàng hóa đó sẽ có những hàng hóa sẽ bị hao hụt trong quá trình vận chuyển, lưu kho. Việc hao hụt chất lỏng trong quá trình vận chuyển (bia rượu, hoá chất, nhiên liệu vv..) là một quá trình tự nhiên, không những có chuyện hao hụt mà còn có chuyện giãn nở do nhiệt độ và trọng lượng riêng (tính chất vật lý) do vậy công tác quản lý hàng hoá là chất lỏng trong mọi khâu: nhập, xuất, tồn chứa và vận chuyển người ta đều phải tính đến vấn đề hao hụt và mức độ hao hụt.

Chính do vấn đề hao hụt là luôn có nên trong công tác quản lý hàng hoá lỏng cần có định mức hao hụt chặt chẽ nhằm tránh thất thoát hàng hoá. Nếu trong Hợp đồng vận tải các loại hàng hóa này không ấn định mức hao hụt và cũng không quy định rõ mức phạt hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì rất dễ phát sinh tranh chấp giữa các bên.

Nếu hao hụt theo quy định dưới mức [SO %] tổng số lượng hàng thì bên vận chuyển không phải bồi thường (mức này có quy định của Nhà nước phải áp dụng theo, nếu không hai bên tự thỏa thuận). Trường hợp hao hụt trên tỷ lệ cho phép thì bên vận chuyển có thể phải bồi thường cho bên A theo giá trị thị trường tự do tại nơi giao hàng (áp dụng cho trường hợp bên A không cử người áp tải).

e. Tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hoá phát sinh khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán:

Thanh toán cước phí vận chuyển là nghĩa vụ cơ bản nhất của bên thuê vận chuyển. Cước phí theo thoả thuận của các bên hoặc theo biểu phí của các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển công cộng. Ngoài cước phí vận chuyển, bên thuê vận chuyển có thể phải trả thêm các khoản phụ phí vận chuyển khác như tiền lưu kho, lưu bãi….

Còn bên nhận tài sản có trách nhiệm chịu chi phí xếp, dỡ tài sản vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác và thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do việc chậm tiếp nhận tài sản.

Trường hợp bên thuê vận chuyển, bên nhận tài sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên.

Bởi vậy, Các bên cần đưa ra các điều khoản chi tiết, cụ thể, linh hoạt phù hợp với từng giao dịch.

>>> Xem thêm: Biện pháp xử phạt chậm trả

f. Tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hoá do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng

Cũng như các loại hợp đồng khác, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không thông báo cho các bên còn lại trong thời hạn đã thỏa thuận thì dễ gây thiệt hại cho bên còn lại. Trường hợp này sẽ dẫn đến các xung đột, mẫu thuẫn khi xác định mức bồi thường thiệt hại, đặc biệt là khi phát sinh trách nhiệm với bên thứ ba.

Bởi vậy, trước khi giao kết hợp đồng, các bên cần phải xem xét các rủi ro có thể xảy ra để đưa tránh những thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa và đưa ra các căn cứ định mức bồi thường trong một số trường hợp cụ thể.

>>> Xem thêm: Các bước chấm dứt hợp đồng

NHỮNG LƯU Ý ĐỂ PHÒNG TRÁNH TRANH CHẤP hợp đồng vận chuyển hàng hóa?

  • Chuẩn bị dự thảo hợp đồng với những quy định rõ ràng, chi tiết càng tốt và hạn chế các thuật ngữ nhập nhằng, khó hiểu. Tốt nhất, đề hạn chế tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp nên lựa chọn những người có kinh nghiệm để soạn thảo hợp đồng, đặc biệt là các công ty luật.
  • Nên lường trước tất cả các tình huống có thể xảy ra và cách thức xử lý nếu có trong hợp đồng ví dụ về vấn đề rủi ro do sự kiện bất khả kháng, hao hụt hàng hóa….
  • Lập biên bản sự việc xảy ra cần tuân thủ quy định hợp đồng và pháp luật để có cơ sở giải quyết tranh chấp (nếu có). Đối với hợp đồng có giá trị vừa hoặc lớn thì nên có biên bản xác nhận giao/nhận hàng hóa chi tiết, làm cơ sở giải quyết tranh chấp.

5. Giải quyết tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa

Công ty Luật Thái An có dịch vụ tư vấn, giải quyết tranh chấp hợp đồng các loại, trong đó có hợp đồng vận chuyển hàng hoá. Có nhiều cách để giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, thương lượng, trung gian hoà giải, trọng tài thương mại và khởi kiện. Bạn nên cân nhắc lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp phù hợp và hiệu quả nhất, luật sư Thái An sẽ giúp bạn làm điều đó:

Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng

Nguyễn Văn Thanh