A – Z về thành lập công ty sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy có vốn nước ngoài | Luật Thái An™

Sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy là một trong các ngành nghề đầy triển vọng trong nền kinh tế Việt Nam. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ giấy và các sản phẩm từ giấy trong nước là rất lớn, các nhà đầu tư không chỉ trong mà ngoài nước có mong muốn rót vốn thành lập công ty sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy.

Trong bài viết này, Công ty Luật Thái An  chúng tôi tư vấn về các vấn đề pháp lý khi thành lập công ty, cụ thể là thủ tục thành lập công ty sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy có vốn nước ngoài.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh

Cơ sở pháp lý điều chỉnh việc thành lập công ty sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy vốn nước ngoài là các văn bản pháp luật sau đây:

2. Ngành nghề sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy

Theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy gồm các ngành nhỏ sau đây:

Mã ngành cấp 4 Tên ngành
1701 Sản xuất bột giấy, giấy và bìa
1702 Sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa

Nhóm này gồm:
– Sản xuất giấy vệ sinh cá nhân và giấy dùng trong gia đình và sản phẩm chèn lót bằng xenlulo như:
+ Giấy vệ sinh.
+ Khăn ăn, giấy ăn, khăn lau,
+ Băng vệ sinh và khăn lau vệ sinh, tã giấy cho trẻ sơ sinh,
+ Cốc, chén đĩa, khay bằng giấy.
– Sản xuất các đồ dệt chèn lót và sản phẩm chèn lót như: giấy vệ sinh, băng vệ sinh;
– Sản xuất giấy viết, giấy in;
– Sản xuất giấy in cho máy vi tính;
– Sản xuất giấy tự coppy khác;
– Sản xuất giấy nến và giấy than;
– Sản xuất giấy phết hồ sẵn và giấy dính;
– Sản xuất phong bì, bưu thiếp;
– Sản xuất sổ sách, sổ kế toán, bìa rời, an-bum và các đồ dùng văn phòng phẩm tương tự dùng trong giáo dục và thương mại;
– Sản xuất hộp, túi, túi dết, giấy tóm tắt bao gồm sự phân loại đồ dùng văn phòng phẩm bằng giấy;
– Sản xuất giấy dán tường và giấy phủ tường tương tự bao gồm giấy có phủ chất dẻo và giấy dán tường có sợi dệt;
– Sản xuất nhãn hiệu;
– Sản xuất giấy lọc và bìa giấy;
– Sản xuất ống chỉ, suốt chỉ bằng giấy và bìa giấy;
– Sản xuất khay đựng trứng và các sản phẩm đóng gói khác được đúc sẵn;
– Sản xuất giấy mới từ giấy phế thải;
– Sản xuất vàng mã các loại.

3. Điều kiện kinh doanh sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy đối với nhà đầu tư nước ngoài

Trong khuôn khổ WTO và các Hiệp định tự do thương mại, Việt Nam không có cam kết cụ thể đối với ngành nghề này.

Mặt khác, Pháp luật Việt Nam cũng không có quy định nào về điều kiện đối với đầu tư nước ngoài.

4. Các hình thức đầu tư nước ngoài để kinh doanh sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy

Nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn một trong các hình thức sau:

  • Thành lập công ty 100% vốn nước ngoài

===>>> Xem thêm: Thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài.

  • Liên doanh với công ty Việt Nam

===>>> Xem thêm: Thành lập công ty liên doanh

  • Góp vốn (mua cổ phần, phần vốn góp) vào công ty Việt Nam: sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy không phải là ngành nghề có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài nên không cần xin chấp thuận của Sở Kế hoạch đầu tư nơi công ty Việt Nam đặt trụ sở.

Nhưng nếu việc góp vốn dẫn tới việc đầu tư nước ngoài chiếm từ 51% vốn điều lệ thì vẫn phải xin chấp thuận của Sở Kế hoạch đầu tư.

===>>> Xem thêm: Chuyển nhượng vốn cho người nước ngoài

5. Các bước thực hiện đầu tư

Nếu thành lập tổ chức kinh tế mới với vốn nước ngoài chiếm từ 51% trở lên thì phải qua các bước như sau:

a. Xin Chủ trương đầu tư:

Đối với các dự án lớn và/hoặc quan trọng và/hoặc có ý nghĩa lớn về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, thì phải xin Chủ trương đầu tư trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó có thể là các dự án có ảnh hưởng tới môi trường, liên quan tới tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất, Nhà nước giao đất, công nghệ hạn chế chuyển giao…

===>>> Xem thêm: Các dự án phải xin Chủ trương đầu tư.

Nếu không thuộc diện các dự án phải xin chủ trương đầu tư thì chỉ cần xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

b. Xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

Về thẩm quyền cấp:

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư được quy định như sau:

  • Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
  • Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
  • Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây:
    • Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
    • Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.

Về hồ sơ xin cấp:

Hồ sơ thành lập công ty 100% vốn nước ngoài gồm các giấy tờ sau:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư; Đề xuất dự án đầu tư
  • Báo cáo tài chính được kiểm toán 02 năm gần nhất của nhà đầu tư hoặc sao kê tài khoản ngân hàng cho thấy nhà đầu tư đã có đủ hoặc nhiều hơn số vốn điều lệ
  • Quyết định đầu tư vào Việt Nam
  • Thư bổ nhiệm người đại diện quản lý vốn
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/doanh nghiệp hoặc mã số doanh nghiệp hoặc số Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương
  • Điều lệ công ty mẹ
  • Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với Người đại diện quản lý vốn NĐT
  • Đề xuất nhu cầu sử dụng đất. Trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.
  • Các giấy phép khác liên quan tới địa điểm (nếu có)

Hồ sơ thành lập công ty liên doanh cần có thêm các giấy tờ về bên Việt Nam tham gia liên doanh, hợp đồng liên doanh.

Về thời gian:

Thời gian xin cấy Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là khoảng 15 ngày làm việc.

c. Xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:

Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bước tiếp theo là xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thành lập công ty thực hiện dự án đầu tư đã được cấp phép, quá trình này sẽ tương tự như đối với một công ty Việt Nam.

Bạn có thể chọn một trong các loại hình công ty dưới đây.

===>>> Xem thêm: Thành lập công ty cổ phần

===>>> Xem thêm: Thành lập công ty THNN một thành viên

===>>> Xem thêm: Thủ tục thành lập công ty THNN hai thành viên trở lên

Thời gian xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 5 ngày làm việc.

Một số lưu ý như sau:

Về ngành nghề kinh doanh:

Cạn cần chỉ ra mã ngành cấp 4 đối với sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy như đã nêu ở trên.

===>>> Xem thêm: Bổ sung ngành nghề kinh doanh

Về vốn điều lệ:

Ngoài một số ngành nghề đặc biệt (thí dụ, kinh doanh bất động sản) mà pháp luật có quy định mức vốn tối thiểu (hay còn gọi là “vốn pháp định”), còn thì nhìn chung không có quy định vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu.

Tuy nhiên, vốn điều lệ cần để ở mức hợp lý để đảm bảo trang trải các chi phí vận hành công ty. Vốn điều lệ sẽ quyết định mức lệ phí môn bài phải nộp hàng năm (chi tiết bên dưới). Mặt khác thì nếu để mức vốn điều lệ quá thấp sẽ giảm uy tín của công ty khi tham gia đấu thầu.

===>>> Xem thêm: Thay đổi vốn điều lệ công ty

Đối với công ty có vốn nước ngoài, nếu để vốn thấp, nguy cơ không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là cao. Nhà đầu tư nước ngoài cũng cần chứng minh đã có đủ điều kiện góp vốn khi nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Về địa điểm đặt trụ sở công ty:

Cần chuẩn bị Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê địa điểm; lưu ý: không được đặt trụ sở công ty tại căn hộ chung cư.

===>>> Xem thêm: Thay đổi trụ sở công ty

Về người đại diện theo pháp luật:

Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép Công ty có thể có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. Chức danh của người này có thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc hay một chức danh khác theo Điều lệ công ty quy định.

===>>> Xem thêm: Thay đổi người đại diện theo pháp luật

6. Xin “giấy phép con”

Nếu coi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là những “giấy phép lớn” thì phải phải tiếp tục làm thủ tục xin một hoặc vài “giấy phép con” khác, đó là:

Đánh giá tác động môi trường:

Theo quy định của Luật Môi trường, đối với các dự án sau phải thực hiện đánh giá tác động môi trường:

  • Dự án xây dựng cơ sở sản xuất bột giấy và giấy từ nguyên liệu thô với công suất từ 300 tấn sản phẩm/năm trở lên
  • Dự án xây dựng cơ sở sản xuất giấy, bao bì cát tông từ bột giấy hoặc phế liệu có công suất từ 5.000 tấn sản phẩm/năm trở lên
  • Dự án xây dựng cơ sở sản xuất văn phòng phẩm có công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên
sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy
Việc sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tại Việt Nam đã có nhiều tiến triển nhờ công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài – Nguồn ảnh minh họa: Internet.

Doanh nghiệp có thể tự thực hiện đánh giá tác động môi trường nếu đủ điều kiện hoặc thuê một tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường. Thẩm quyền tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp thuộc về UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp hoạt động. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chấp thuận về môi trường sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Giấy phép phòng cháy chữa cháy:

Cơ sở sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy là các vật liệu dễ bắt lửa phải xin Giấy phép phòng cháy chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy.

7. Công bố sản phẩm:

  • Công bố hợp chuẩn: Doanh nghiệp tự công bố sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng. Việc công bố hợp chuẩn không phải là bắt buộc.
  • Công bố hợp quy: Doanh nghiệp thực hiện thủ tục để cơ quan chuyên ngành công nhận sản phẩm là phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các Bộ quản lý ngành hoặc được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành. Đây là thủ tục bắt buộc, tiên quyết để đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường.

===>>> Xem thêm: Xin giấy phép lưu hành sản phẩm

8. Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ:

Công ty sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy có thể đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gồm một hoặc vài đối tượng sau:

  • bảo hộ đối với sáng chế/giải pháp hữu ích
  • bảo hộ đối với bí mật kinh doanh
  • bảo hộ đối với nhãn hiệu

Với việc bảo hộ này, doanh nghiệp có thể ngăn cấm các đối thủ cạnh tranh áp dụng các đối tượng trên cho sản phẩm của họ.

9. Đăng ký mã số mã vạch:

Việc đăng ký mã số mã vạch sẽ là cần thiết khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường trong nước và nước ngoài. Khách hàng sẽ dễ nhận diện thương hiệu, doanh nghiệp dễ dàng quản lý sản phẩm…

===>>> Xem thêm: Đăng ký mã số mã vạch 

10. Các vấn đề liên quan tới kế toán, tài chính đối với công ty sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy

a. Lập hồ sơ khai thuế ban đầu

Khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện đăng ký hồ sơ khai thuế ban đầu tại Chi cục thuế quận/huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ trở chính, đồng thời làm thủ tục đặt in và phát hành hóa đơn.

===>>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký hồ sơ khai thuê ban đầu.

Đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài: Việc lập hồ sơ kê khai thuế ban đầu được tiến hành tại Cục thuế cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

b. Các loại thuế và phí cơ bản phải nộp

Công ty sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy phải nộp các loại thuế sau:

  • Lệ phí môn bài:
    • Công ty có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
    • Công ty có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;
  • Thuế VAT: thuế suất 10% đối với hàng hóa, dịch vụ công ty cung cấp.

===>>> Xem thêm: Các vấn đề cơ bản về thuế giá trị gia tăng.

  • Thuế thu nhập doanh nghiệp: thuế suất 20% đối với doanh thu của công ty sau khi trừ chi phí hợp lệ. Lưu ý, nếu trong ba năm đầu doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu thì không phải chịu thuế.
  • Thuế thu nhập cá nhân của nhân viên công ty theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân
  • Thuế tiêu thụ đặc biệt: Áp dụng nếu công ty sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Các cơ sở sản xuất bài lá, vàng mã, hàng mã sẽ phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
  • Thuế xuất nhập khẩu: Áp dụng nếu công ty xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu.
  • Thuế tài nguyên: Áp dụng nếu công ty có hoạt động khai thác, bao gồm các hoạt động khai thác khoáng sản kim loại và không kim loại, dầu thô, khí đốt, sản phẩm của rừng tự nhiên, hải sản tự nhiên, nước tự nhiên và các loại tài nguyên thiên nhiên khác.
  • Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Áp dụng nếu doanh nghiệp sử dụng đất phi nông nghiệp với mục đích kinh doanh.

===>>> Xem thêm: Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

    • Nếu thuê đất, mặt nước từ Nhà nước: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước.

11. Ưu đãi đầu tư đối với công ty sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy ?

Công ty sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy được hưởng ưu đãi nếu:

  • Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn:
    • Hưởng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo
    • Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 (năm) năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất.
    • Miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Nếu thuê đất, mặt nước từ Nhà nước: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm tiếp theo thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản

===>>> Xem thêm: Các mức ưu đãi đầu tư.

  • Dự án tại khu kinh tế, khu công nghệ cao (kể cả khu công nghệ thông tin tập trung được thành lập theo quy định của Chính phủ) không áp dụng đối với dự án đầu tư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh:
    • Hưởng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo
    • Nếu thuê đất, mặt nước từ Nhà nước: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quyết định của Chính phủ
  • Dự án tại khu công nghiệp, khu chế xuất (trừ các khu công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi):
    • Hưởng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo.
    • Nếu thuê đất, mặt nước từ Nhà nước: Giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quyết định của Chính phủ
  • Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn:
    • Hưởng thuế suất 20% trong 15 năm; miễn thuế tối đa không quá hai năm, giảm 50% số thuế phải nộp không quá bốn năm tiếp theo.
    • Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định
    • Giảm 50% thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Nếu thuê đất, mặt nước từ Nhà nước: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 7 năm tiếp theo thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản
  • Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng):
    • Hưởng thuế suất 20% trong 15 năm.
    • Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định
    • Giảm 50% thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

===>>> Xem thêm: Danh sách địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.

12. Các vấn đề về lao động và bảo hiểm đối với công ty sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy

a. Hợp đồng lao động

Công ty sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy cần ký hợp đồng lao động theo các quy định tại Điều 15 Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khi ký Hợp đồng lao động cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Chủ thể của hợp đồng lao động
  • Nội dung cơ bản của hợp đồng lao động
  • Thời hạn của hợp đồng lao động…

===>>> Xem thêm: Tư vấn luật lao động

b. Nội quy lao động, Thỏa ước lao động tập thể

Theo quy định của pháp luật, công ty sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy có từ 10 nhân viên trở lên phải có Nội quy lao động đăng ký với Sở Lao động Thương binh Xã hội nơi công ty đặt trụ sở. Nội quy sẽ là căn cứ cho các quyết định của công ty về kỷ luật, khen thưởng, sa thải …người lao động.

===>>> Xem thêm: Soạn thảo và đăng ký Nội quy lao động.

Các công ty sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy lớn với số hàng trăm nhân viên nên có Thỏa ước lao động tập thể. Doanh nghiệp khởi nghiệp nên tham khảo ý kiến của luật sư về cách xây dựng Thỏa ước lao động tập thể để “đôi bên cùng có lợi”, ngăn ngừa tranh chấp lao động.

c. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Công ty sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy có nghĩa vụ nộp các loại bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động khi ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên.

d. Giấy phép lao động đối với người nước ngoài:

Theo quy định của Luật lao động, công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải có Giấy phép lao động. Nếu không có giấy phép lao động, người lao động sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, người sử dụng lao động sử dụng công dân nước ngoài mà không có giấy phép lao động làm việc cho mình thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Một số trường hợp không phải xin giấy phép theo quy định của pháp luật.

===>>> Xem thêm: Các trường hợp người nước ngoài không phải xin giấy phép lao động.

13. Dịch vụ thành lập công ty sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy

Luật pháp Việt Nam có những quy định chặt chẽ về hoạt động đầu tư nói chung và hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói riêng. Nếu không am hiểu pháp luật đầu tư Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng có những hành vi vi phạm pháp luật và phải gánh rủi ro pháp lý. Để được tư vấn một cách đầy đủ, nhà đầu tư nước ngoài nên tham khảo dịch vụ của chúng tôi.

===>>> Xem thêm: 

 

Lưu ý

  • Bài viết trên được các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Thái An – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thực hiện phục vụ với mục đích phố biến kiến thức pháp luật cho cộng đồng hoặc nghiên cứu khoa học, không có mục đích thương mại.
  • Bài viết căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, tại thời điểm Bạn đọc bài viết này, rất có thể các quy định pháp luật đã bị sửa đổi hoặc thay thế.
  • Để giải đáp pháp lý cho từng vụ việc, Bạn hãy liên hệ với Công ty Luật Thái An qua Tổng đài tư vấn pháp luật. Nếu bạn cần dịch vụ, Bạn để lại tin nhắn hoặc gửi thư tới contact@luatthaian.vn.

CÔNG TY LUẬT THÁI AN
Đối tác pháp lý tin cậy

Nguyễn Văn Thanh

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG 

Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.

  • Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
  • Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
  • Để được Cung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)






    1900633725
    Yêu cầu dịch vụ

    Gọi điện cho luật sư
    Gọi cho luật sư

    Tư vấn văn bản
    Tư vấn văn bản

    Dịch vụ trọn gói
    Dịch vụ trọn gói