Xử phạt vi phạm về quyết toán xây dựng

Việc quyết toán xây dựng phải tuân theo các trình tự, thủ tục luật định và việc có những sai phạm trong hoạt động này có thể khiến các chủ thể phải chịu các trách nhiệm pháp lý bất lợi như xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự…. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An sẽ tư vấn về việc xử phạt vi phạm hành chính về quyết toán xây dựng (xử phạt vi phạm hành chính) theo quy định hiện hành.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về xử phạt vi phạm về quyết toán xây dựng

Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về xử phạt vi phạm về quyết toán xây dựng là các văn bản pháp lý sau đây:

  • Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020;
  • Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020;
  • Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng;
  • Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng

2. Quy định pháp luật về quyết toán xây dựng

  • Về khái niệm: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng thì quyết toán hợp đồng xây dựng là:

“Quyết toán hợp đồng là việc xác định tổng giá trị cuối cùng của hợp đồng xây dựng mà bên giao thầu có trách nhiệm thanh toán cho bên nhận thầu khi bên nhận thầu hoàn thành tất cả các công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng.”

Theo đó có thể hiểu, Quyết toán xây dựng/ quyết toán hợp đồng là việc xác định tổng giá trị cuối cùng của hợp đồng xây dựng mà bên giao thầu có trách nhiệm thanh toán cho bên nhận thầu khi bên nhận thầu hoàn thành tất cả các công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng.

  • Căn cứ  Điều 137 và Điều 147 Luật Xây dựng năm 2014 sửa đổi bổ sung bởi Luật Xây dựng năm 2020 quy định về vấn đề quyết toán xây dựng như sau:

“Điều 137. Thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng

  1. Việc thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý vốn đầu tư. Chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các đơn giá, khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán trong hồ sơ thanh toán.
  2. Công trình xây dựng sau khi hoàn thành được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng phải thực hiện quyết toán dự án đầu tư xây dựng. Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, người quyết định đầu tư phê duyệt quyết toán dự án đầu tư trong giới hạn tổng mức đầu tư được phê duyệt. Thời hạn quyết toán dự án đầu tư xây dựng theo quy định của Chính phủ.
  3. Thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 144 và Điều 147 của Luật này.
Các trường hợp xử phạt vi phạm về quyết toán xây dựng theo quy định hiện hành
Các trường hợp xử phạt vi phạm về quyết toán xây dựng theo quy định hiện hành – Nguồn ảnh minh họa: Internet

Điều 147. Quyết toán, thanh lý hợp đồng xây dựng

1.Bên nhận thầu có trách nhiệm quyết toán hợp đồng xây dựng với bên giao thầu phù hợp với loại hợp đồng và hình thức giá hợp đồng áp dụng. Nội dung quyết toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng.

2.Thời hạn thực hiện quyết toán hợp đồng xây dựng do các bên thỏa thuận.

Riêng đối với hợp đồng xây dựng sử dụng  vốn nhà nước, thời hạn quyết toán hợp đồng không vượt quá 60 ngày, kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công việc của hợp đồng, bao gồm cả phần công việc phát sinh (nếu có).

Trường hợp hợp đồng xây dựng có quy mô lớn thì được phép kéo dài thời hạn thực hiện quyết toán hợp đồng nhưng không vượt quá 120 ngày.

Theo đó, việc quyết toán xây dựng phải tuân theo thời hạn và hình thức, nội dung quyết toán theo quy định pháp luật và thỏa thuận của các bên trong hợp đồng xây dựng. Tùy từng vi phạm cụ thể trong hoạt động quyết toán xây dựng mà các tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt về quyết toán xây dựng theo quy định pháp luật.

3. Chủ thể bị xử phạt vi phạm về quyết toán xây dựng

Căn cứ Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định có hai nhóm chủ thể bị xử phạt về quyết toán xây dựng bao gồm:

  • Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, người quản lý và sử dụng công trình có hành vi vi phạm
  • Nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động xây dựng có hành vi vi phạm

4. Các quy định về xử phạt vi phạm về quyết toán xây dựng

4.1. Nhóm 1: Xử phạt vi phạm về quyết toán xây dựng đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, người quản lý và sử dụng công trình vi phạm

Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, người quản lý và sử dụng công trình có hành vi vi phạm về quyết toán xây dựng bị xử phạt hành chính như sau:

Điều 19. Vi phạm quy định về hợp đồng xây dựng áp dụng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP, lập quyết toán vốn đầu tư xây dựng

  1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

…đ) Quyết toán hoặc thanh lý hợp đồng xây dựng chậm quá thời hạn quy định.

  1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi chậm lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư tư xây dựng để trình người quyết định đầu tư phê duyệt kể từ ngày công trình được ký biên bản nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
  2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

đ) Buộc thực hiện thanh toán, quyết toán, thanh lý hợp đồng theo quy định với hành vi quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều này;

e) Buộc trong thời hạn 01 tháng phải hoàn thành việc lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư xây dựng, trình người quyết định đầu tư phê duyệt với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

Theo đó:

  • Trường hợp người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, người quản lý và sử dụng công trình có hành vi quyết toán hoặc thanh lý hợp đồng xây dựng chậm quá thời hạn quy định sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng và buộc thực hiện thanh toán, quyết toán, thanh lý hợp đồng theo quy định.
  • Trường hợp các chủ thể trên có hành vi chậm lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư tư xây dựng để trình người quyết định đầu tư phê duyệt kể từ ngày công trình được ký biên bản nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng.

Đồng thời, pháp luật quy định buộc các chủ thể trên trong thời hạn 01 tháng phải hoàn thành việc lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư xây dựng, trình người quyết định đầu tư phê duyệt

Lưu ý, mức phạt vi phạm về quyết toán xây dựng theo các hành vi nêu trên là mức phạt áp dụng với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

4.2. Xử phạt vi phạm về quyết toán xây dựng đối với nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động xây dựng

Căn cứ khoản 1 Điều 36 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 36. Vi phạm quy định về nghiệm thu, thanh toán khối lượng công trình xây dựng

1.Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kéo dài thời gian hoàn thiện hồ sơ, tài liệu phục vụ cho công tác nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình theo quy định.”

Như vậy, đối với hành vi kéo dài thời gian hoàn thiện hồ sơ, tài liệu phục vụ cho công tác nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình theo quy định pháp luật thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Lưu ý, mức phạt vi phạm về quyết toán xây dựng theo các hành vi nêu trên là mức phạt áp dụng với tổ chức, còn mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Mức xử phạt vi phạm về quyết toán xây dựng mới nhất
Mức xử phạt vi phạm về quyết toán xây dựng mới nhất – Nguồn ảnh minh họa: Internet

4.3. Một số hành vi khác bị xử phạt vi phạm về quyết toán xây dựng

Căn cứ điểm d khoản 3 và khoản 4 Điều 67 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 67. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với chủ đầu tư

3.Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 260.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi sau đây:

d) Không lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo quy định.

5.Biện pháp khắc phục hậu quả:

s) Buộc lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều này;

Theo đó, trường hợp Chủ đầu tư có hành vi không lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo quy định đối với hoạt động quản lý sử dụng nhà chung cư thì sẽ phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 260.000.000 đồng. Đồng thời Chủ đầu tư buộc lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo quy định

5. Tóm tắt phần tư vấn về vấn đề xử phạt vi phạm về quyết toán xây dựng

Như vậy, chủ thể bị xử phạt vi phạm về quyết toán xây dựng gồm 2 nhóm: Nhóm 1 là người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, người quản lý và sử dụng công trình có hành vi vi phạm ; Nhóm 2 là nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động xây dựng.

Ngoài phải chịu mức phạt tiền, tùy từng hành vi vi phạm mà các chủ thể còn phải chịu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng.

Trên đây là phần tư vấn về vấn đề xử phạt vi phạm về quyết toán xây dựng. Để được tư vấn chi tiết hơn và được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp lý.

6. Dịch vụ tư vấn pháp luật và khiếu nại hành chính Luật Thái An

Hiện nay, nhu cầu tư vấn pháp luật nói chung và dịch vụ tư vấn khiếu nại, tố cáo ngày càng được khách hàng chú trọng, đặc biệt là khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức.

Việc sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn về khiếu nại, tố cáo là rất khôn ngoan vì khách hàng sẽ hiểu rõ hơn và bảo vệ tốt hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, Công ty Luật Thái An cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khiếu nại, tố cáo hành chính

 

HÃY LIÊN HỆ NGAY ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ!

Nguyễn Văn Thanh