Xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng

Nhằm hạn chế hành vi vi phạm trong xây dựng, Nhà nước đã ban hành các chế tài áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm, đặc biệt là những hành vi vi phạm quy định về khởi công xây dựng công trình – một hoạt động đầu tiên trước khi tiến hành thi công công trình xây dựng. Vậy nên với các hành vi không đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn trong hoạt động này sẽ bị xử phạt. Bởi vậy, trong bài viết sau, Công ty Luật Thái An sẽ tư vấn về vấn đề xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng theo quy định hiện hành.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng

Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng là các văn bản pháp lý sau đây:

  • Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020;
  • Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
  • Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng;
  • Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng

2. Quy định về điều kiện khởi công xây dựng công trình

Căn cứ Điều 12 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020 về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng như sau:

Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm

  1. Khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định của Luật này.

Theo đó, việc khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định của Luật Xây dựng là hành vi bị nghiêm cấm thực hiện.

Các trường hợp bị xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng
Các trường hợp bị xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng – Nguồn ảnh minh họa: Internet

Theo quy định tại Điều 107 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định về điều kiện khởi công công trình xây dựng như sau:

Điều 107. Điều kiện khởi công xây dựng công trình

1. Việc khởi công xây dựng công trình phải bảo đảm các điều kiện sau:

a) Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng;

b) Có giấy phép xây dựng đối với công trình phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 của Luật này;

c) Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt;

d) Chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện các hoạt động xây dựng liên quan đến công trình được khởi công theo quy định của phập luật;

đ) Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng;

e) Chủ đầu tư đã gửi thông báo về ngày khởi công xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trước thời điểm khởi công xây dựng ít nhất là 03 ngày làm việc.”

Theo đó, tùy từng trường hợp, hành vi cụ thể mà các chủ thể có thể bị xử phạt do không đáp ứng yêu cầu đối với hoạt đồng khởi công xây dựng.

3. Mức xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng

Chủ thể bị xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng: là người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, người quản lý và sử dụng công trình có hành vi vi phạm.

Căn cứ quy định tại Điều 15 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy về khởi công xây dựng của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư (hoặc chủ sở hữu), người quản lý và sử dụng công trình xây dựng bị xử phạt như sau:

3.1. Hình thức xử phạt chính – phạt tiền:

Căn cứ quy định tại Khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về khởi công xây dựng công trình của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư (hoặc chủ sở hữu), người quản lý và sử dụng công trình xây dựng bị xử phạt như sau:

Thứ nhất, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không gửi văn bản thông báo ngày khởi công (kèm theo bản sao giấy phép xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng) cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương nơi xây dựng công trình và cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định;

b) Không thông báo, thông báo chậm cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương về thời điểm khởi công xây dựng hoặc có thông báo nhưng không gửi kèm hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;

c) Không gửi báo cáo cho cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc gửi báo cáo không đầy đủ một trong các nội dung: tên, địa chỉ liên lạc, tên công trình, địa điểm xây dựng, quy mô xây dựng, tiến độ thi công dự kiến sau khi khởi công xây dựng hoặc gửi thông báo khởi công không theo mẫu quy định.

Thứ hai, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi khởi công xây dựng công trình mà thiếu một trong các điều kiện sau đây (trừ trường hợp khởi công xây dựng nhà ở riêng lẻ):

a) Mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ dự án;

b) Hợp đồng thi công xây dựng được ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu;

c) Biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.

Mức xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng theo quy định mới nhất
Mức xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng theo quy định mới nhất – Nguồn ảnh minh họa: Internet

Thứ ba, phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi khởi công xây dựng công trình mà chưa có thiết kế bản vẽ thi công của công trình, hạng mục công trình đã được phê duyệt.

Thứ tư, trường hợp khởi công xây dựng mà không có giấy phép xây dựng theo quy định thì bị xử phạt theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

Cụ thể mức xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:

  • Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
  • Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
  • Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Lưu ý, mức phạt vi phạm về lựa chọn đối tượng tham gia đầu tư xây dựng theo các hành vi nêu trên là mức phạt áp dụng với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

3.2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, ngoài hình thức phạt tiền, với hành vi vi phạm quy định về khởi công xây dựng công trình của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư (hoặc chủ sở hữu), người quản lý và sử dụng công trình xây dựng còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả với từng hành vi tương ứng như sau:

  •  Buộc bàn giao mặt bằng xây dựng theo tiến độ dự án với hành vi khởi công xây dựng công trình mà thiếu điều kiện về mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ dự án (trừ trường hợp khởi công xây dựng nhà ở riêng lẻ)
  • Buộc ký hợp đồng thi công xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu với hành vi khởi công xây dựng công trình mà thiếu Hợp đồng thi công xây dựng được ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu (trừ trường hợp khởi công xây dựng nhà ở riêng lẻ)
  • Buộc có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng với hành vi khởi công xây dựng công trình mà thiếu biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.

4. Trình tự xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng

Đối với lỗi vi phạm về khởi công xây dựng sẽ áp dụng thủ tục xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 57, 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020.

Theo đó thủ tục xử phạt vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng được thực hiện theo trình tự sau:

Bước 1:  Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính.

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Nếu biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Bước 2: Ký biên bản vi phạm hành chính

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký.

Bước 3: Giao biên bản vi phạm hành chính

Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.

Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính để làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được lập thành biên bản xác minh. Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt.

Biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.

5. Tóm tắt phần tư vấn về vấn đề xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng

Như vậy, chủ thể bị xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng là người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, người quản lý và sử dụng công trình có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Ngoài phải chịu mức phạt tiền, tùy từng hành vi vi phạm mà các chủ thể còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng.

Trên đây là phần tư vấn về vấn đề xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng. Để được tư vấn chi tiết hơn và được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể về phạt vi phạm hành chính, hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp lý.

6. Dịch vụ tư vấn pháp luật và khiếu nại hành chính Luật Thái An

Hiện nay, nhu cầu tư vấn pháp luật nói chung và dịch vụ tư vấn khiếu nại, tố cáo ngày càng được khách hàng chú trọng, đặc biệt là khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức. Nếu có căn cứ chứng minh việc các chủ thể bị xử phạt vi phạm về khởi công xây dựng không có cơ sở hoặc không đúng thẩm quyền, trình tự luật định thì cá nhân, tổ chức có thể kiếu nại hành chính.

Việc sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn về khiếu nại là rất khôn ngoan vì khách hàng sẽ hiểu rõ hơn và bảo vệ tốt hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, Công ty Luật Thái An cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khiếu nại, tố cáo hành chính

 

HÃY LIÊN HỆ NGAY ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ!

Nguyễn Văn Thanh