Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh: 5 loại thường gặp

Nếu các thỏa thuận không được quy định chi tiết thì sẽ dễ phát sinh tranh chấp từ hợp đồng. Luật Thái An sẽ cung cấp thông tin về các tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh thường gặp như sau:

Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội thì nhu cầu hợp tác kinh doanh giữa các nhà đầu tư ngày càng một phát triển hơn. Theo đó, cùng với sự phát triển của nhu cầu hợp tác kinh doanh thì đòi hỏi những hợp đồng đó vừa phải đảm bảo được giao kết theo đúng quy định pháp luật, vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên không bị xâm phạm…

1. Hợp đồng hợp tác kinh doanh là gì?

Khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 quy định:

“14. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.”

>>> Xem thêm: Hợp đồng hợp tác kinh doanh

2. Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh là gì?

tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh dẫn đến tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh: mâu thuẫn, bất đồng ý kiến của một hoặc cả hai bên chủ thể của hợp đồng về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Tranh chấp có thể về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng mà chủ yếu là liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ tự nguyện thỏa thuận. Hoặc cũng có thể xảy ra tranh chấp phát sinh từ nội dung của hợp đồng, giải thích từ ngữ hợp đồng, thực hiện hợp đồng, sửa đổi, bổ sung chấm dứt hợp đồng….

rủi ro trong hợp đồng hợp tác kinh doanh
tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh rất dễ phát sinh. – ảnh: internet

3. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh

a. Nguyên nhân chủ quan làm phát sinh tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh

Các nguyên nhân chủ quan dẫn đến tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh bao gồm:

  • Do sự chủ quan của các bên trong việc thiết lập hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các chủ thể tham gia hợp đồng thiếu hiểu biết về pháp luật khi điều chỉnh quan hệ hợp đồng. Các chủ thể hợp đồng không chú trọng tới các vấn đề về pháp lý mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận.
  • Do các bên chỉ quan tâm đến lợi nhuận, lợi ích của mình mà bất chấp việc vi phạm và phá vỡ các thoả thuận, thiếu đạo đức kinh doanh
  • Đối với các tranh chấp hợp đồng hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài thì tranh chấp phát sinh ngoài những nguyên nhân trên còn do: năng lực của doanh nghiệp trong quan hệ thương mại quốc tế còn nhiều hạn chế; sự thiếu hiểu biết về pháp luật và tập quán thương mại quốc tế.

b. Nguyên nhân khách quan làm phát sinh tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh

Các nguyên nhân khách quan dẫn đến tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh gồm:

  • Vấn đề lợi nhuận khác nhau ở mỗi giai đoạn ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của các bên và có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra tranh chấp.
  • Khung pháp lý hiện nay của Việt Nam quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh chưa nhiều. Hiện tại chỉ quy định ngắn gọn trong luật đầu tư 2020. Điều này sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh từ hợp đồng.
  • Đối với các tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh có yếu tố nước ngoài, ngoài những nguyên nhân khách quan trên còn có thể kể đến các nguyên nhân sau:
    • Đây là hợp đồng liên quan đến ít nhất hai hệ thống pháp luật của hai quốc gia; ngoài ra, còn có thể liên quan đến tập quán quốc tế điều chỉnh các quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế, các bên ký kết lại không tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi ký kết hợp đồng dẫn đến việc ký kết hợp đồng không đúng, không đầy đủ, dẫn đến cách hiểu không thống nhất làm phát sinh tranh chấp giữa các bên;
    • Sự thay đổi chính sách và pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại quốc tế.

4. Có các loại tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh nào?

Có 5 loại tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh như sau:

a. Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng

Chủ thể của hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh là các nhà đầu tư bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Hợp đồng có thể bao gồm đại diện của hai bên chủ thể hoặc nhiều bên, nó phụ thuộc vào số lượng đại diện muốn tham gia hợp tác kinh doanh, muốn trực tiếp được thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Đối với chủ thể hợp đồng hợp tác kinh doanh là tổ chức thì thực tế có nhiều hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền như: Không phải là người đại diện theo pháp luật, không được ủy quyền hoặc là người đại diện theo pháp luật nhưng không có thẩm quyền ký kết. Bên cạnh đó, tranh chấp có thể do Người ký không phải là đại diện theo pháp luật của công ty, có ủy quyền hợp pháp nhưng thực hiện ký hợp đồng vượt quá phạm vi ủy quyền.

Điều này dẫn đến những tranh chấp bởi khi Hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền của doanh nghiệp về nguyên tắc sẽ vô hiệu. Tùy từng trường hợp cụ thể mà hợp đồng có thể vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. Khi đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các bên còn lại.

Ngoài ra, đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh cần xét đến năng lực về tài chính, năng lực thương mại, năng lực về kỹ thuật, năng lực về chuyên môn của đối tác…. để phù hợp với hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh, hạn chế những tranh chấp đáng tiếc xảy ra.

Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh do chủ thể hợp đồng, các chủ thể cần xem xét như sau:

  • Trước khi giao kết hợp đồng cần phải kiểm tra trong Giấy ĐKKD hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương để xem ai là người đại diện theo pháp luật, có thẩm quyền ký kết hợp đồng không?
  •  Yêu cầu cung cấp Văn bản ủy quyền cho nhân viên khi giao dịch hoặc người ký không phải người đại diện theo pháp luật và kiểm tra trong giấy ủy quyền xem người ký có thuộc phạm vi được ủy quyền không (điều kiện ủy quyền, quyền của người được ủy quyền).
  • Xem xét ngành nghề kinh doanh cũng như năng lực tài chính, nhân sự của bên đối tác.

===>>> Xem thêm: Điều kiện đối với chủ thể giao kết hợp đồng

rủi ro trong hợp đồng hợp tác kinh doanh
tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh cần được dự liệu trước. – ảnh nguồn internet

b. Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh về tài sản đóng góp của các bên 

Tùy thuộc vào mục đích hợp tác kinh doanh, thỏa thuận của các bên mà trong hợp đồng hợp tác kinh doanh sẽ ghi nhận về tài sản góp vốn, tỉ lệ góp vốn; thời hạn góp vốn hợp tác khác nhau. Ví dụ như Bên A cam kết góp vốn bằng mặt bằng kinh doanh còn Bên B góp tiền để mua hàng hóa kinh doanh…

Thực tế cũng có nhiều tranh chấp phát sinh liên quan đến vấn đề này như một bên góp tiền hoặc tài sản chậm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung, hay tài sản góp không thuộc quyền sở hữu của bên góp hoặc tài sản đang tranh chấp…..

c. Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh về phân chia lợi nhuận

Hợp đồng hợp tác kinh doanh có thể được thực hiện dưới hình thức cùng nhau xây dựng tài sản hoặc hợp tác trong một số hoạt động kinh doanh. Các bên tham gia trong hợp đồng có thể thỏa thuận chia doanh thu, chia sản phẩm hoặc chia lợi nhuận sau thuế. Thông thường, các bên sẽ thỏa thuận về tỉ lệ chia lợi nhuận trên tổng giá trị sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh quy định các khoản chi phí phát sinh riêng cho hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát do mỗi bên liên doanh bỏ ra thì bên đó phải gánh chịu. Đối với các khoản chi phí chung (nếu có) thì căn cứ vào các thỏa thuận trong hợp đồng để phân chia cho các bên góp vốn.

Một số chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bao gồm: Tiền mua phế liệu; Lương nhân viên; Chi phí điện, nước; Khấu hao tài sản; Chi phí bảo dưỡng máy móc, thiết bị, nhà xưởng; Chi phí khác…

Vậy nên, nếu hợp đồng không ghi nhận cụ thể, chi tiết về tỉ lệ phân chia nội bộ cũng như việc kê khai chi phí… thì dễ phát sinh những tranh chấp sau này, nhất là khi xảy ra trường hợp kinh doanh thua lỗ…

d. Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh do có vi phạm về quyền và nghĩa vụ của các bên

Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, dễ phát sinh tranh chấp, nhất là khi có sự vi phạm về quyền và nghĩa vụ của các bên.

Hình thức này có hai rủi ro chính, thứ nhất là do không hình thành một pháp nhân mới, không có một tổ chức chung, nên các bên sẽ phải phân công một bên đứng làm đại diện để điều hành quản lý hoạt động chung. Việc đó vô tình dẫn tới quyền năng của một bên có thể rất cao lấn át, có hành vi tiêu cực hoặc là gây những hiểu nhầm cho bên kia. Bên còn lại thì nhìn bên điều hành bằng con mắt nghi kị từ đó dễ dẫn tới tranh chấp.

Bên cạnh đó, vì không thành lập tổ chức kinh tế thì hai bên sẽ không có con dấu chung. Khi đó, hai bên phải tiến hành thỏa thuận sử dụng con dấu của một bên để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh. Điều nay cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, tranh chấp.

Vấn đề thứ hai đó là quyền thỏa thuận của các bên rất cao vì pháp luật cho phép, tuy nhiên nếu các bên không quy định về cơ chế vận hành, điều hành, quản lý, cơ chế về hạch toán về tài chính…một cách rõ ràng đầy đủ chi tiết; thì khi có tranh chấp phát sinh sẽ không có cơ chế pháp lý để điểu chỉnh hoặc giải quyết. Dẫn tới việc các bên lúng túng, dùng tình cảm giải quyết với nhau thành ra câu chuyện càng khó xử lý và dẫn tới mâu thuẫn.

Vì hợp đồng hợp tác kinh doanh nó là một hoạt động chung của hai bên, tài sản tạo ra, lợi nhuận tạo ra sẽ đồng sở hữu của các bên, và trách nhiệm phát sinh cũng là của hai bên cùng chịu trách  nhiệm…Vậy thì khi thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm với bên thứ 3 thì ai sẽ là người thực hiện và cái tỷ phần của mỗi bên đối với người thứ 3 như thế nào thì lại không rõ. Và nếu một trong các bên từ chối thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với bên thứ 3 thì cơ chế pháp luật xử lý rất là khó.

Vậy nên, để hạn chế các tranh chấp xảy ra, các chủ thể của hợp đồng phải thỏa thuận quyền và nghĩa vụ một cách rõ ràng, chi tiết và tiên liệu những rủi ro có thể xảy ra để có thể đưa ra cách xử lý phù hợp.

rủi ro trong hợp đồng hợp tác kinh doanh
tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh xẩy ra khi khác biệt quan điểm và bất đồng về lợi ích. – ảnh nguồn internet

đ. Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng

Hợp đồng hợp tác kinh doanh chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

  • Theo thỏa thuận của các thành viên hợp tác;
  • Hết thời hạn thỏa thuận ghi trong hợp đồng hợp tác;
  • Mục đích hợp tác đã đạt được;
  • Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Khi chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh, các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng này phải được thanh toán. Nếu tài sản chung không đủ thì dùng tài sản riêng của các thành viên hợp tác để thanh toán. Trường hợp thanh toán hết các khoản nợ mà tài sản chung vẫn còn thì được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần đóng góp của mỗi người, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thông thường, Thành viên chỉ được quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác (đơn phương chấm dứt hợp đồng) trong trường hợp:

  • Theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng BCC;
  • Có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác.

Tuy nhiên, khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng không đúng trình tự thủ tục thỏa thuận tại hợp đồng, nếu gây thiệt hại cho bên kia (trừ trong trường hợp bất khả kháng) thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra và chịu phạt vi phạm hợp đồng.

Khi hợp đồng hợp tác kinh doanh không quy định chi tiết về vấn đề này thì rất dễ dẫn đến các tranh chấp xảy ra về vấn đề bồi thường thiệt hại, phạt hợp đồng.

5. Những lưu ý để phòng tránh tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh

  • Các bên cần lựa chọn và tìm hiểu kỹ càng thông tin về đối tác để phù hợp với mục đích kinh doanh mà mình mong muốn
  • Chuẩn bị dự thảo hợp đồng với những quy định rõ ràng, chi tiết càng tốt và hạn chế các thuật ngữ nhập nhằng, khó hiểu. Tốt nhất, đề hạn chế tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp nên lựa chọn những người có kinh nghiệm để soạn thảo hợp đồng, đặc biệt là các công ty luật.
  • Nên lường trước tất cả các tình huống có thể xảy ra và cách thức xử lý nếu có trong hợp đồng…

Công ty Luật Thái An cung cấp dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng với các phương thức linh hoạt nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Các phương thức đó là thương lượng – đàm phán, trung gian hoà giải, giải quyết thông qua trọng tài thương mại hoặc toà án.

>>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng

Nguyễn Văn Thanh