Cổ phần, đặc điểm của cổ phần là gì?

Những năm gần đây, việc các công ty cổ phần huy động vốn bằng hình thức phát hành thêm cổ phần diễn ra khá phổ biến. Vậy cổ phần là gì? Cổ phần có những đặc điểm gì và pháp luật quy định như thế nào về cổ phần, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Cổ phần là gì?

Căn cứ quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 111 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì Cổ phần là phần chia nhỏ nhất vốn điều lệ của công ty cổ phần hay nói khác đi vốn của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.

Ví dụ: Một Công ty cổ phần có vốn điều lệ là 10 tỷ đồng, số vốn đó được chia thành 1.000.000 phần bằng nhau, mỗi phần có giá trị 10. 000 đồng được gọi là một cổ phần.

Người mua cổ phần được cấp Giấy chứng nhận mua cổ phần hay còn được gọi là cổ phiếu. Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty.

Như vậy, cổ phần và cổ phiếu là hai khái niệm khác biệt, cổ phiếu xác nhận quyền sở hữu cổ phần. Chúng ta cần phải hiểu rõ hai khái niệm này để tránh nhầm lẫn.

2. Đặc điểm của cổ phần

Cổ phần là căn cứ pháp lý xác lập quyền sở hữu tài sản, tư cách thành viên trong công ty. Ai sở hữu cổ phần (kể cả những người không tham gia thành lập Công ty hay không quản lý Công ty) đều là những cổ đông của Công ty.

Cổ phần làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cho các cổ đông. Mỗi cổ phần cùng loại đều tạo cho người sở hữu chúng các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.

Mệnh giá của cổ phần do công ty quyết định và ghi vào cổ phiếu. Ví dụ có Công ty có cổ phần mệnh giá 10.000 đồng, có Công ty có cổ phần mệnh giá 100.000 đồng hay 1.000.000 đồng.

Cổ phần có thể được chuyển nhượng rất dễ dàng (trừ cổ phần của cổ đông sáng lập trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và điều lệ Công ty có quy định về việc hạn chế chuyển nhượng).

Cổ phần
                             Một số điểm nổi bật của cổ phần- Nguồn: Luật Thái An

3. Phân loại Cổ phần

Trong Công ty cổ phần có thể tồn tại hai loại cổ phần đó là: cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi.

a. Cổ phần phổ thông 

Đây là cổ phần chỉ hưởng lãi hoặc chịu lỗ dựa trên kết quả hoạt động của công ty. Cổ phần phổ thông không thể thiếu trong công ty cổ phần.

b. Cổ phần ưu đãi

Là cổ phần mà người sở hữu nó được ưu đãi hơn các cổ đông thông thường về một số mặt nào đó. Cổ phần ưu đãi chia thành các loại như sau:

Cổ phần ưu đãi biểu quyết

Là cổ phần phổ thông có nhiều hơn phiếu biểu quyết so với cổ phần phổ thông khác; số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định.

Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập có hiệu lực trong 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Quyền biểu quyết và thời hạn ưu đãi biểu quyết đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ được quy định tại Điều lệ công ty. Sau thời hạn ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi biểu quyết chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. (căn cứ Điều 116 Luật doanh nghiệp 2020).

Cổ phần ưu đãi cổ tức 

Là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi rõ trong cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức (căn cứ Điều 117 Luật doanh nghiệp 2020).

Như vậy, kể cả trong trường hợp công ty làm ăn thua lỗ thì cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức vẫn nhận được mức cổ tức cố định đã được xác định trước. Trường hợp Công ty giải thể hay phá sản thì cổ đông sở hữu cổ phần này được quyền ưu tiên hơn so với cổ đông phổ thông trong việc phân chia tài sản còn lại của Công ty.

Tuy nhiên, cổ đông sở hữu lại bị hạn chế quyền tham gia quản trị công ty so với cổ đông phổ thông như không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát trừ trường hợp họp đại hội đồng cổ đông làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi.

Cổ phần ưu đãi hoàn lại

Là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại và Điều lệ công ty (căn cứ Điều 118 Luật doanh nghiệp 2020):

  • Cổ phần ưu đãi hoàn lại theo yêu cầu của người sở hữu: thường thì cổ phần này chỉ dành cho các cổ đông lớn
  • Cổ phần ưu đãi hoàn lại theo các điều kiện đã được ghi tại cổ phiếu và điều lệ Công ty: Cổ phần này thường ít thu hút được người mua và thường phải trả cổ tức cao.

Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán

Lưu ý: Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

>>> Xem thêm: Cổ phần ưu đãi trong Công ty cổ phần

4. Cổ phần được xử lý như thế nào khi cổ đông sở hữu chết?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 127 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó trở thành cổ đông của công ty.

Như vậy, khi cổ đông chết thì người thừa kế của cổ đông này sẽ được thừa kế cổ phần và trở thành cổ đông của Công ty.

Theo đó, số cổ phần của cổ đông đã chết sẽ được chia theo di chúc hoặc chia theo pháp luật.

  • Trường hợp chia theo di chúc:  Người thừa kế theo di chúc sẽ tiến hành khai nhận di sản thừa kế và trở thành cổ đông của công ty.
  • Trường hợp chia theo pháp luật: Những người thừa kế theo pháp luật khai nhận di sản thừa kế và trở thành cổ đông của công ty.
  • Trường hợp cổ đông chết mà không có người thừa kế:
    • Theo quy định tại Khoản 4 Điều 127 Luật doanh nghiệp 2020 thì Trường hợp cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.
    • Tại Điều 622 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.Do đó, trường hợp cổ đông chết mà không có người thừa kế thì cổ phần thì cổ phần thuộc về nhà nước

5. Thủ tục thừa kế cổ phần

Thủ tục thừa kế cổ phần cũng giống như thủ tục thừa kế một di sản thừa kế thông thường quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, Luật công chứng năm 2014. Theo đó, thủ tục thừa kế gồm các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ khai nhận di sản thừa kế

Bước 2: Tiến hành công chứng Văn bản khai nhận di sản

Sau khi Người thừa kế nộp đủ hồ sơ, giấy tờ, Công chứng viên sẽ tiến hành xem xét, kiểm tra:

  • Nếu hồ sơ đầy đủ: Công chứng viên tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng;
  • Nếu hồ sơ chưa đầy đủ: Công chứng viên hướng dẫn và yêu cầu bổ sung;
  • Nếu hồ sơ không có cơ sở để giải quyết:Công chứng viên giải thích lý do và từ chối tiếp nhận hồ sơ.

Bước 3: Niêm yết việc thụ lý Văn bản khai nhận di sản

Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; Trong trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.

Thời gian niêm yết là 15 ngày.

Bước 4: Thông báo cho Công ty cổ phần

Sau khi khai nhận di sản thừa kế, người thừa kế của cổ đông đã chết phải thông báo với công ty về việc hưởng thừa kế của cổ đông để trở thành cổ đông của Công ty.

Lưu ý: Đối với cổ phần hưởng thừa kế là cổ phần trong các Công ty đại chúng thì người thừa kế còn phải thực hiện thủ tục tại Trung tâm lưu ký chứng khoán để chuyển sở hữu theo quy định của pháp luật chứng khoán.

Vậy sau khi người thừa kế trở thành cổ đông thì có phải thông báo đến Sở kế hoạch và đầu tư không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì:

“Doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi một trong những nội dung sau đây: …  Cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết;”

Như vậy, ngoại trừ trường hợp người nhận thừa kế cổ phần là người nước ngoài thì Công ty cổ phần không phải thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khi thay đổi cổ đông do khai nhận thừa kế.

 6. Tư vấn pháp luật về cổ phần

Thông qua các quy định trên, có thể thấy sự đa dạng về các loại cổ phần của Công ty cổ phần. Mỗi loại cổ phần lại có những đặc trưng riêng từ đó làm phát sinh các vấn đề pháp lý khác nhau. Để có thể hiểu rõ hơn về cổ phần, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi.

Công ty Luật Thái An là một trong những Công ty tư vấn luật doanh nghiệp hàng đầu, đặc biệt là tư vấn luật cho Công ty cổ phần. Các vấn đề về cổ phần mà Công ty Luật Thái An thường tư vấn ví dụ như:

  • Tư vấn chuyển nhượng
  • Tư vấn quyền và nghĩa vụ của các cổ đông khi sở hữu các loại cổ phần
  • Tư vấn thừa kế cổ phần;
  • Tư vấn, các hình thức, hồ sơ, cách thức mua cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài;
  • Tư vấn soạn thảo, rà soát lại các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và các văn bản pháp lý khác có liên quan

… Đến với Luật Thái An, mọi vướng mắc pháp lý đều được giải đáp nhanh chóng, chính xác.

Nguyễn Văn Thanh