Xử phạt vi phạm hành chính: Các quy định cần biết!

Phòng chống các vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm pháp luật hành chính nói riêng luôn là nhiệm vụ trọng yếu để duy trì trật tự xã hội. Chính vì vậy, pháp luật nước ta đã có những quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính. Vậy các quy định này là gì? Nếu bạn đang muốn tìm hiểu thì không thể bỏ lỡ bài viết dưới đây của chúng tôi.

1. Xử phạt vi phạm hành chính là gì ?

Để hiểu xử phạt vi phạm hành chính là gì thì trước tiên chúng ta cần biết Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính (căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật xử lý vi phạm hành chính).

Xử phạt vi phạm hành chính được hiểu là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp gồm các hình thức xử phạt , các biện pháp khắc phục hậu quả, các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính và đảm bảo việc xử phạt đối với những cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính.

2. Khi xử phạt vi phạm hành chính cần tuân thủ những nguyên tắc nào? 

Theo khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Khoản 2 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 thì nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính là:

  • Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
  • Việc xử phạt được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
  • Việc xử phạt phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
  • Chỉ xử phạt khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;
  • Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
  • Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

3. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả

a. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính

Xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo

Theo quy định tại Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì:

“Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản”.

Xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền

Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực thuế; đo lường; sở hữu trí tuệ; an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chứng khoán; hạn chế cạnh tranh.

Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.

các hình thức xử phạt vi phạm hành chính
Phạt tiền là một trong các hình thức xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng phổ biến hiện nay – Ảnh minh họa: Internet.

Xử phạt hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính thì:

“Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.

Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1,2,3,4,5,7,8 Điều 5 và Khoản 2 đến Khoản 7 Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP như sau: 

Việc quy định tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với hành vi vi phạm hành chính phải trên cơ sở có đầy đủ các căn cứ sau đây:

  •  Trực tiếp vi phạm các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

  • Vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước.

Lưu ý: Không quy định tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn trong các trường hợp có quy định pháp luật về việc thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Xử phạt hành chính bằng hình thức đình chỉ hoạt động có thời hạn

Việc quy định đình chỉ một phần hoạt động có thời hạn đối với hành vi vi phạm hành chính của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép phải trên cơ sở có đầy đủ các căn cứ sau đây:

  • Trực tiếp vi phạm các hoạt động được ghi trong giấy phép;
  • Vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước;
  • Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.

Lưu ý: Không quy định đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép trong trường hợp có quy định pháp luật về việc thu hồi giấy phép.

Xử phạt hành chính bằng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.

Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành, thì phải quy định tịch thu. Đối với các trường hợp khác, việc quy định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính phải trên cơ sở có một trong các căn cứ sau đây:

  • Vi phạm được thực hiện do lỗi cố ý hoặc vi phạm có tính chất nghiêm trọng;
  • Vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hành chính hoặc được trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, mà nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này, thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm.

Xử phạt hành chính bằng hình thức Trục xuất

 Trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cá nhân là người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì tùy theo mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức bị xử phạt trục xuất.

xử phạt vi phạm hành chính
Xử phạt vi phạm hành chính phải được tiến hành theo quy định của pháp luật – Ảnh minh họa: Internet.

b. Các biện pháp khắc phục hậu quả

Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì, các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:

  • Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
  • Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
  • Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
  • Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện;
  • Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;
  • Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
  • Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;
  • Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;
  • Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;
  • Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.

4. Đối tượng bị xử phạt hành chính là ai? 

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính, được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

  • Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt về mọi vi phạm hành chính.
  • Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;
  • Tổ chức bị xử phạt về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra. Theo đó, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:
    • Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật;
    • Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và hành vi đó được quy định tại nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
  • Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
  • Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là pháp nhân, tổ chức đó. 
  • Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện.

Lưu ý: Các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài.

5. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 

Tuỳ từng mức độ vi phạm và hành vi vi phạm mà thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại các điều từ 38 đến 51 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo đó những người có thẩm quyền xử phạt là:

  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân
  • Công an nhân dân
  • Bộ đội biên phòng
  • Cảnh sát biển
  • Hải quan
  • Kiểm lâm
  • Cơ quan Thuế
  • Quản lý thị trường
  • Thanh tra
  • Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thuỷ nội địa
  • Toà án nhân dân
  • Cơ quan thi hành án dân sự
  • Cục Quản lý lao động ngoài nước
  • Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài
thủ tục xử phạt hành chính
Thủ tục xử phạt hành chính bao gồm mấy bước? Chi tiết mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây – Ảnh minh họa: Internet.

6. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định trình tự, thủ tục chung cho thủ tục xử phạt có lập biên bản vi phạm hành chính bao gồm các bước sau:

Bước 1: Lập biên bản vi phạm hành chính

Bước 2: Xác minh các tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính

Là thủ tục bắt buộc thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, chỉ xác minh trong trường hợp cần thiết theo quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012:

  • Thời điểm tiến hành xác minh: trước hoặc sau khi lập biên bản vi phạm; có thể được thực hiện cùng với các trình tự, thủ tục xử phạt tiếp theo cho đến khi ra quyết định xử phạt.
  • Về hình thức: Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được thể hiện bằng văn bản.

Bước 3: Xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt và thẩm quyền xử phạt

Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được bổ sung bởi điểm d khoản 72 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020.

Trong những trường hợp mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt phụ thuộc vào giá trị tang vật vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải xác định giá trị tang vật và phải chịu trách nhiệm về việc xác định đó.

Bước 4: Giải trình

Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định: Trong trường hợp đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc quy định mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Bước 5: Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Khi ban hành quyết định xử phạt, cần chú ý các vấn đề sau:

  • Đảm bảo thời hạn ra quyết định xử phạt: trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020.
  • Hình thức: theo mẫu ban hành chung tại Nghị định 118/2021/NĐ-CP.

7. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như thế nào? 

a. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Lưu ý: Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Căn cứ Điều 69 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản gồm các bước như sau:

Bước 1: Gửi Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 

Quyết định xử phạt không lập biên bản phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt 01 bản. Trường hợp người chưa thành niên bị xử phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Bước 2: Thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.

Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ thì nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

b. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lập biên bản

Đối với các trường hơp khác thì thì việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản gồm các bước như sau:

Bước 1: Gửi Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển quyết định xử phạt hoặc Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính

Bước 2: Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải thi hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật xử phạt hành chính. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.

8. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là bao lâu?

Căn cứ khoản 1 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 thì Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:

Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt là 02 năm.

Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;

9. Trường hợp nào không bị xử phạt vi phạm hành chính ?

Theo Điều 11 Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 thì những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

  • Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
  • Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
  • Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
  • Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
  • Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt theo quy định 

10. Hành vi cấm trong xử lý vi phạm hành chính là gì?

Theo quy định tại Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì các hành vi cấm khi xử lý vi phạm hành chính là:

  • Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính.
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
  • Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính.
  • Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
  • Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012
  •  Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.
  • Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính.
  • Kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
  • Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.
  • Sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
  • Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
  • Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, người bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.
  • Chống đối, trốn tránh, trì hoãn hoặc cản trở chấp hành quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

11. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Khi người bị xử phạt hành chính không tự nguyện, buộc người có thẩm quyền phải áp dụng các thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính. Nhưng trước tiên cần biết được có những biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính nào?. Theo khoản 2 Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính hiện thành thì có 4 biện pháp cưỡng chế như sau:

  • Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;
  • Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
  • Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
  • Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

Thủ tục thực hiện như sau:

  • Bước 1: Ra quyết định cưỡng chế: Khi chủ thể bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không thi hành theo đúng quy định thì người có thẩm quyền phải ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là bước đầu tiên trong thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
  • Bước 2: Gửi quyết định cưỡng chế: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người ra quyết định phải gửi quyết định cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế và cá nhân, tổ chức có liên quan.

Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.

Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; quyết định xử phạt đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt thì được coi là quyết định đã được giao.

Quyết định cưỡng chế phải được thi hành ngay khi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế.

12. Xử phạt hành chính sai quy định có sao không ?

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và kịp thời đính chính, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền.

Nếu có căn cứ để ban hành quyết định mới, thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới.

Người có thẩm quyền phải có trách nhiệm đính chính quyết định khi có sai sót về kỹ thuật soạn thảo.

Người đã ban hành quyết định tự mình hoặc theo yêu cầu của những người có thẩm quyền có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định nếu quyết định có sai sót, vi phạm mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 118/2021/NĐ-CP

13. Tư vấn khiếu nại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Không phải Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào cũng là đúng và khi có căn cứ cho rằng Quyết định xử phạt vi phạm hành chính xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của mình, bạn hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ khiếu nại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc tố cáo hành chính.

Đến với Luật Thái An chúng tôi bạn sẽ được:

  • Tư vấn về quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ việc cụ thể;
  • Kiểm tra căn cứ, điều kiện khiếu nại, tố cáo hành chính;
  • Soạn thảo, hướng dẫn nộp đơn  khiếu nại hành chính;
  • Xác minh, thu thập chứng cứ, đối thoại giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo hành chính;
  • Tư vấn cho khách hàng về trình tự, thủ tục khiếu nại;
  • Đại diện tham gia quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính;
  • Tư vấn khởi kiện khi khách hàng có nhu cầu.
  • Tư vấn, hỗ trợ các công việc khác theo yêu cầu của khách hàng theo quy định pháp luật.

Luật Thái An cam kết quyền và lợi ích của bạn sẽ được đảm bảo tối đa trong khuôn khổ pháp luật.

Nguyễn Văn Thanh