Hội đồng thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Những quy định quan trọng!

Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện đại, công ty TNHH hai thành viên trở lên đang trở thành một hình thức doanh nghiệp phổ biến tại Việt Nam. Điểm nổi bật của loại hình doanh nghiệp này chính là sự xuất hiện của Hội đồng thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên – một cơ quan quyết định quan trọng, đóng vai trò chủ chốt trong việc định hướng chiến lược và giám sát hoạt động kinh doanh của công ty.

Cùng tìm hiểu các vấn đề trên qua bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An:

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh quyền hạn của Hội đồng thành viên Công ty TNHH hai thành viên trở lên:

Cơ sở pháp lý điều chỉnh quyền hạn của Hội đồng thành viên Công ty TNHH hai thành viên trở lên là Luật Doanh nghiệp năm 2020

2. Thế nào là Hội đồng thành viên Công ty TNHH hai thành viên trở lên ?

Trước hết cần hiểu, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên là gì? Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:

“Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này.”

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Hội đồng thành viên là tập hợp của những thành viên góp vốn công ty, đó chính là nhóm những người sở hữu công ty. Hội đồng thành viên là một cơ quan quan trọng trong cơ cấu tổ chức của công ty và là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của công ty.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 55 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

1. Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của công ty, bao gồm tất cả thành viên công ty là cá nhân và người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức. Điều lệ công ty quy định kỳ họp Hội đồng thành viên, nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần.”

Theo như quy định trên thì tất cả thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên là cá nhân và người đại diện theo ủy quyền của thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên là tổ chức sẽ là thành viên của hội đồng thành viên công ty.

Hội đồng thành viên
Thành viên của Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên gồm những ai?- Nguồn: Luật Thái An

===>>> Xem thêm: Cơ cấu tổ chức của công ty TNHH 1 thành viên

3. Quyền hạn của Hội đồng thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên

Hội đồng thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên là cơ quan quyền lực cao nhất của công ty, điều đó được hiện thực hóa thành những quyền hạn cụ thể được quy định trong Luật doanh nghiệp cũng như trong Điều lệ công ty. Đó là các quyền hạn sau (theo khoản 2 Điều 55 Luật Doanh nghiệp năm 2020):

“a) Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;

b) Quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ, quyết định thời điểm và phương thức huy động thêm vốn; quyết định phát hành trái phiếu;

c) Quyết định dự án đầu tư phát triển của công ty; giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ;

d) Thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;

đ) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;

e) Quyết định mức lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;

g) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm, phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc phương án xử lý lỗ của công ty;

h) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty;

i) Quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện;

k) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;

l) Quyết định tổ chức lại công ty;

m) Quyết định giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty;

n) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.”

>>> Xem thêm: Tổ chức cuộc họp hội đồng thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên.

>>> Xem thêm: Điều kiện thành lập công ty TNHH 2 thành viên.

4. Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH 2 thành viên trở lên là ai?

Theo Điều 56 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về Chủ tịch Hội đồng thành viên như sau:

 Hội đồng thành viên bầu một thành viên làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty.

Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng thành viên do Điều lệ công ty quy định nhưng không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Chủ tịch Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ sau đây:

  • Chuẩn bị chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng thành viên;
  • Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu họp Hội đồng thành viên hoặc để lấy ý kiến các thành viên;
  • Triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên;
  • Giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
  • Thay mặt Hội đồng thành viên ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
  • Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

5. Cách thức ra quyết định của Hội đồng thành viên Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Hội đồng thành viên là một tập thể nên nếu có từ ba người trở lên thì biểu quyết là một hình thức quan trọng để Hội đồng thành viên thông qua các nghị quyết và quyết định. Việc biểu quyết này thực hiện tại cuộc họp của Hội đồng thành viên.

Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định một tỷ lệ khác, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp trong trường hợp sau đây:

“a) Được các thành viên dự họp sở hữu từ 65% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp trở lên tán thành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Được các thành viên dự họp sở hữu từ 75% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp trở lên tán thành đối với nghị quyết, quyết định bán tài sản có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty.”

===>>> Xem thêm: Thành lập công ty TNHH 

6. Điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên

Căn cứ Điều 58 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên như sau:

Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu từ 65% vốn điều lệ trở lên; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

 Trường hợp cuộc họp Hội đồng thành viên lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 Điều này và Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc triệu tập họp Hội đồng thành viên được thực hiện như sau:

  • Thông báo mời họp lần thứ hai phải được gửi trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Cuộc họp Hội đồng thành viên lần thứ hai được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở lên;
  • Trường hợp cuộc họp Hội đồng thành viên lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại điểm a khoản này, thông báo mời họp lần thứ ba phải được gửi trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ hai. Cuộc họp Hội đồng thành viên lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc số thành viên dự họp và số vốn điều lệ được đại diện bởi số thành viên dự họp.

Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên phải tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên. Thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên, hình thức biểu quyết do Điều lệ công ty quy định.

Trường hợp cuộc họp đủ điều kiện quy định tại Điều này không hoàn thành chương trình họp trong thời hạn dự kiến thì có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày kể từ ngày khai mạc cuộc họp đó.

7. Các vấn đề phải được thông qua bằng biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên

Theo khoản 2 Điều 59 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì: Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì nghị quyết, quyết định về các vấn đề sau đây phải được thông qua bằng biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên:

  • Sửa đổi, bổ sung nội dung Điều lệ công ty;
  • Quyết định phương hướng phát triển công ty;
  • Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
  • Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;
  • Tổ chức lại, giải thể công ty.
Cuộc họp Hội đồng thành viên
Các vấn đề phải được thông qua bằng biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên – Nguồn: Luật Thái An

8. Biên bản họp Hội đồng thành viên Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Cuộc họp Hội đồng thành viên phải được ghi biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác.

Biên bản họp Hội đồng thành viên phải thông qua ngay trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

“a) Thời gian và địa điểm họp; mục đích, chương trình họp;

b) Họ, tên, tỷ lệ phần vốn góp, số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của thành viên, người đại diện theo ủy quyền dự họp; họ, tên, tỷ lệ phần vốn góp, số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên không dự họp;

c) Vấn đề được thảo luận và biểu quyết; tóm tắt ý kiến phát biểu của thành viên về từng vấn đề thảo luận;

d) Tổng số phiếu biểu quyết hợp lệ, không hợp lệ; tán thành, không tán thành, không có ý kiến đối với từng vấn đề biểu quyết;

đ) Các quyết định được thông qua và tỷ lệ phiếu biểu quyết tương ứng;

e) Họ, tên và nội dung ý kiến của người dự họp không đồng ý thông qua biên bản họp (nếu có);

g) Họ, tên, chữ ký của người ghi biên bản và chủ tọa cuộc họp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.”

Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng thành viên tham dự và đồng ý thông qua biên bản họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều này. Biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp.

Người ký biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của nội dung biên bản họp Hội đồng thành viên. Chủ tọa, người ghi biên bản chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với doanh nghiệp do từ chối ký biên bản họp theo quy định của Luật này, Điều lệ công ty và pháp luật có liên quan.

9. Thủ tục thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản

Điều 61 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định thủ tục thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản như sau:

Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì thẩm quyền và thể thức lấy ý kiến thành viên bằng văn bản để thông qua nghị quyết, quyết định được thực hiện theo quy định sau đây:

Bước 1: Chủ tịch Hội đồng thành viên quyết định việc lấy ý kiến thành viên Hội đồng thành viên bằng văn bản để thông qua nghị quyết, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền;

Bước 2: Chủ tịch Hội đồng thành viên có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo, gửi các báo cáo, tờ trình về nội dung cần quyết định, dự thảo nghị quyết, quyết định và phiếu lấy ý kiến đến các thành viên Hội đồng thành viên;

Phiếu lấy ý kiến có nội dung đầy đủ, có chữ ký của thành viên Hội đồng thành viên và được gửi về công ty trong thời hạn quy định được coi là hợp lệ.

Bước 3: Chủ tịch Hội đồng thành viên tổ chức việc kiểm phiếu, lập báo cáo và thông báo kết quả kiểm phiếu, nghị quyết, quyết định được thông qua đến các thành viên trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn mà thành viên phải gửi ý kiến về công ty.

Báo cáo kết quả kiểm phiếu có giá trị tương đương biên bản họp Hội đồng thành viên và phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

“a) Mục đích, nội dung lấy ý kiến;

b) Họ, tên, tỷ lệ phần vốn góp, số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của thành viên đã gửi lại phiếu lấy ý kiến hợp lệ; họ, tên, tỷ lệ phần vốn góp, số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của thành viên mà công ty không nhận lại được phiếu lấy ý kiến hoặc gửi lại phiếu lấy ý kiến nhưng không hợp lệ;

c) Vấn đề được lấy ý kiến và biểu quyết; tóm tắt ý kiến của thành viên về từng vấn đề lấy ý kiến (nếu có);

d) Tổng số phiếu lấy ý kiến hợp lệ, không hợp lệ, không nhận được; tổng số phiếu lấy ý kiến hợp lệ tán thành, không tán thành, không có ý kiến đối với từng vấn đề biểu quyết;

đ) Nghị quyết, quyết định được thông qua và tỷ lệ phiếu biểu quyết tương ứng;

e) Họ, tên, chữ ký của người kiểm phiếu và Chủ tịch Hội đồng thành viên. Người kiểm phiếu và Chủ tịch Hội đồng thành viên chịu trách nhiệm liên đới về tính đầy đủ, chính xác, trung thực của nội dung báo cáo kết quả kiểm phiếu.”

10. Xử lý thế nào trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên không triệu tập họp hội đồng thành viên theo yêu cầu?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 57 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

“1. Hội đồng thành viên được triệu tập họp theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc theo yêu cầu của thành viên hoặc nhóm thành viên quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 49 của Luật này. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên không triệu tập họp Hội đồng thành viên theo yêu cầu của thành viên, nhóm thành viên trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thì thành viên, nhóm thành viên đó triệu tập họp Hội đồng thành viên. Chi phí hợp lý cho việc triệu tập và tiến hành họp Hội đồng thành viên sẽ được công ty hoàn lại.”

Theo đó, trường hợp nhóm thành viên yêu cầu triệu tập họp hội đồng thành viên nhưng Chủ tịch Hội đồng thành viên không triệu tập họp thì quá 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, thành viên, nhóm thành viên có quyền triệu tập họp Hội đồng thành viên.

Chi phí hợp lý cho việc triệu tập và tiến hành họp Hội đồng thành viên sẽ được công ty hoàn lại.

11. Hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận

Điều 67 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các hợp đồng và giao dịch với đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận:

  • Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty; Người có liên quan của những đối tượng này;
  • Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ; Người có liên quan của những đối tượng này.

Người có liên quan gồm những đối tượng sau (căn cứ khoản 23 điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020):

  • Công ty mẹ, người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ;

  • Công ty con, người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty con;

  • Cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của công ty;

  • Người quản lý doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên;

  • Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên, thành viên và cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;

  • Cá nhân là người đại diện theo ủy quyền của công ty, tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản này;

  • Doanh nghiệp trong đó cá nhân, công ty, tổ chức quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của công ty.

Người nhân danh công ty ký kết hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho các thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan và lợi ích có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch dự định tiến hành.

Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác thì Hội đồng thành viên phải quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo và thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 59 của Luật này. Thành viên Hội đồng thành viên có liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không được tính vào việc biểu quyết.

Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu theo quyết định của Tòa án và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết không đúng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Người ký kết hợp đồng, giao dịch, thành viên có liên quan và người có liên quan của thành viên đó tham gia hợp đồng, giao dịch phải bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.

>>> Xem thêm: Hậu quả hợp đồng vô hiệu

Hội đồng thành viên chấp thuận
Các Hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận – Nguồn: Luật Thái An

>>> Xem thêm: Quyền và nghĩa vụ của Giám đốc công ty TNHH hai thành viên trở lên.

10. Hiệu lực nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên được quy định thế nào?

  • Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua hoặc từ ngày có hiệu lực được ghi tại nghị quyết, quyết định đó.
  • Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua bằng 100% tổng số vốn điều lệ là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả trong trường hợp trình tự và thủ tục thông qua nghị quyết, quyết định đó không được thực hiện đúng quy định.
  • Trường hợp thành viên, nhóm thành viên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết, quyết định đã được thông qua thì nghị quyết, quyết định đó vẫn có hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều này cho đến khi có quyết định hủy bỏ của Tòa án hoặc Trọng tài có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

===>>> Xem thêm:Quyền hạn của Hội đồng thành viên

11. Tổng kết

Hội đồng thành viên Công ty TNHH hai thành viên trở lên đóng vai trò quan trọng trong công việc định hình chiến lược và giám sát hoạt động kinh doanh của công ty. Thành công của hội đồng không phụ thuộc vào việc lựa chọn đúng người mà cần phải rõ ràng trong phân quyền và trách nhiệm. Trong bối cảnh kinh doanh ngày càng phức tạp, việc nắm chắc các giải pháp xác định và xu hướng thị trường là chìa khóa để đảm bảo đồng hoạt động hiệu quả và đáp ứng các công thức đặt ra.

Nguyễn Văn Thanh