Phương thức nhờ thu trong thanh toán quốc tế

Các phương thức thanh toán là một cấu thành không thể thiếu trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Một trong các phương thức đó là phương thức nhờ thu. Cùng với phương thức tín dụng chứng từ (còn gọi là mở L/C) thì phương thức nhờ thu là phương thức được sử dụng khá phổ biến trong thanh toán quốc tế. Để tìm hiểu rõ hơn về phương thức này, Công ty Luật Thái An xin chia sẻ tới bạn đọc một số nội dung hữu ích về phương thức nhờ thu trong thanh toán quốc tế trong bài viết dưới đây.


1. Nhờ thu là gì?

Phương thức nhờ thu là phương thức mà người bán sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng sẽ kí phát hối phiếu đòi tiền người mua, rồi đến nhờ ngân hàng thu hộ số tiền ghi trên hối phiếu đó.

Phương thức nhờ thu là một trong những phương thức thanh toán trong hợp đồng bên cạnh các phương thức khác như thanh toán tiền mặt, thanh toán bằng séc, thanh toán chuyển tiền, thanh toán tín dụng chứng từ.

===>>> Xem thêm: 5 phương thức thanh toán trong hợp đồng

Cùng với phương thức thanh toán tín dụng chứng từ thì phương thức nhờ thu là những phương thức được sử dụng phổ biến trong thanh toán quốc tế và được sử dụng nhiều trong các hợp đồng thương mại quốc tế.

Với tư cách là phương thức thanh toán quốc tế, phương thức nhờ thu được điều chỉnh không chỉ bởi các quy phạm pháp luật trong nước mà còn bởi tập quán quốc tế mà việc pháp điển hoá một cách không chính thức các tập quán quốc tế này được Phòng thương mại quốc tế soạn thảo dưới hình thức là “Các quy tắc thống nhất về nhờ thu” (Uniform Rules for Collection – viết tắt URC số 522). 

Phương thức nhờ thu trong thanh toán quốc tế
Phương thức nhờ thu ngày càng phổ biến trong thanh toán quốc tế – Nguồn ảnh minh họa: Internet

2. Các loại phương thức nhờ thu trong thanh toán quốc tế

Phương thức nhờ thu có hai loại:

  • Nhờ thu phiếu trơn (Clean collection);
  • Nhờ thu kèm chứng từ (Documentary collection).

2.1. Nhờ thu phiếu trơn (Clean collection)

Nhờ thu phiếu trơn là phương thức thanh toán mà theo đó người bán (nhà xuất khẩu) sau khi gửi hàng hoá cho người mua (nhà nhập khẩu), chỉ kí phát tờ hối phiếu đòi tiền người mua và yêu cầu ngân hàng thu hộ mình số tiền ghi trên tờ hối phiếu đó mà không kèm theo bất kì điều kiện nào về việc trả tiền.

Trình tự thực hiện nghiệp vụ nhờ thu trơn:

  • Nhà xuất khẩu giao hàng/cung ứng dịch vụ và gửi chứng từ cho nhà nhập khẩu.
  • Ký phát hối phiếu và viết chỉ thị nhờ thu gửi đến ngân hàng phục vụ mình nhờ thu hộ tiền từ nhà nhập khẩu nước ngoài.
  • Ngân hàng chuyển hối phiếu và chỉ thị nhờ thu cho ngân hàng đại lý ở nước nhà nhập khẩu thu hộ.
  • Ngân hàng thu hộ xuất trình hối phiếu theo đúng chỉ thị nhờ thu cho người trả tiền.
  • Người trả tiền tiến hành trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền hối phiếu.
  • Ngân hàng thu hộ chuyển tiền hoặc hối phiếu đã được chấp nhận cho ngân hàng chuyển.
  • Ngân hàng chuyển trả tiền hoặc hối phiếu đã được chấp nhận cho nhà xuất khẩu.

Phương thức nhờ thu trơn rất ít được áp dụng trong thanh toán tiền hàng vì không đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên: Nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu do việc nhận hàng và thanh toán tách rời nhau, vì vậy chỉ được sử dụng trong thanh toán phí hoặc trong nhờ thu séc giữa các ngân hàng.

2.2. Nhờ thu kèm chứng từ (Documentary collection)

Nhờ thu kèm chứng từ là phương thức thanh toán mà theo đó người bán (người xuất khẩu) nhờ ngân hàng thu hộ mình số tiền từ người mua (người nhập khẩu) căn cứ không chỉ vào hối phiếu mà còn căn cứ vào bộ chứng từ hàng hoá gửi kèm hối phiếu, với điều kiện nếu người mua đồng ý trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu thì ngân hàng (tiến hành việc nhờ thu) mới giao bộ chứng từ hàng hoá cho người mua để đi nhận hàng.

Trong trường hợp này, khi người mua không đồng ý trả tiền và ngân hàng không giao bộ chứng từ thì mặc dù hàng hoá đã xuất khẩu sang nước người mua nhưng về mặt pháp lí nó vẫn thuộc quyền sở hữu của người bán.

Nội dung của giấy nhờ thu kèm chứng từ bao gồm:

  • Tên và địa chỉ của người nhờ thu;
  • Tên và địa chỉ của ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu
  • Tên và địa chỉ của người trả tiền;
  • Tên và địa chỉ của ngân hàng thu tiền (ngân hàng phục vụ nhà nhập khẩu);
  • Ngày, tháng, nãm nhờ thu;
  • Số tiền, loại tiền nhờ thu ghi trên hối phiếu;
  • Điều kiện trả tiền: trả ngay hay trả sau;
  • Những loại chứng từ gửi kèm;
  • Ngày và nơi gửi hàng, tên hàng hoá (số lượng);
  • Yêu cầu cụ thể về việc thu tiền và các chỉ tiêu cụ thể cho ngân hàng…

Trình tự thực hiện nghiệp vụ nhờ thu chứng từ:

  • Người xuất khẩu giao hàng cho người nhập khẩu.
  • Lập chứng từ thương mại có hoặc không kèm theo hối phiếu và viết chỉ thị nhờ thu gửi đến ngân hàng phục vụ mình nhờ thu hộ tiền từ người nhập khẩu nước ngoài.
  • Ngân hàng chuyển bộ chứng từ và chỉ thị nhờ thu cho ngân hàng đại lý ở nước người nhập khẩu thu hộ.
  • Ngân hàng thu hộ xuất trình chứng từ theo đúng chỉ thị nhờ thu cho người nhập khẩu.
  • Người nhập khẩu tiến hành trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền hối phiếu để nhận chứng từ đi nhận hàng.
  • Ngân hàng thu hộ chuyển tiền hoặc hối phiếu đã được chấp nhận cho ngân hàng chuyển (nếu được yêu cầu, ngân hàng thu hộ có thể giữ lại hối phiếu đã được chấp nhận, chờ khi đến hạn thanh toán sẽ thu tiền rồi chuyển trả tiền).
  • Ngân hàng chuyển trả tiền hoặc hối phiếu đã được chấp nhận cho người xuất khẩu.

So với nhờ thu trơn, nhờ thu chứng từ đảm bảo quyền lợi cho người xuất khẩu hơn bởi lẽ ngân hàng trong phương thức này đã thay người xuất khẩu khống chế chứng từ hàng hóa, người nhập khẩu có trả tiền hay chấp nhận trả tiền mới được nhận bộ chứng từ đi nhận hàng. Phương thức nhờ thu được rất ưa chuộng, chỉ sau phương thức tín dụng chứng từ.

===>>> Xem thêm: Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ là gì?

Đây là một phương thức thanh toán mà các bên có thể đưa vào giao dịch mua bán quốc tế. Pháp luật quốc tế và Việt Nam có một số quy định về phương thức thanh toán này nhằm giúp giải quyết tranh chấp giữa các bên khi phát sinh.

Trên đây là phần tư vấn về “Phương thức nhờ thu trong thanh toán quốc tế” của Công ty Luật Thái An.

Trường hợp cần được tư vấn chi tiết hơn và giải đáp các thắc mắc cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn của Luật Thái An – bạn sẽ được luật sư giải thích cặn kẽ những gì chưa thể hiện được hết trong bài viết này.

3. Dịch vụ tư vấn và giải quyết tranh chấp dân sự, kinh doanh – thương mại của Luật Thái An

Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực tư vấn dân sự, kinh doanh – thương mại, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của khách hàng.

===>>> Xem thêm: Tư vấn hợp đồng

Trường hợp bạn có những khúc mắc, thậm chí là tranh chấp liên quan tới hợp đồng như chấm dứt hợp đồng, tranh chấp liên quan đến hợp đồng thì luật sư sẽ giúp bạn xử lý các trường hợp đó một cách chuyên nghiệp và có lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

===>>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng

HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ VÀ TƯ VẤN KỊP THỜI!


Nguyễn Văn Thanh