Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng xây dựng

Theo ghi nhận của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thì đã có những vụ tranh chấp hợp đồng xây dựng với giá trị lên tới 6.000 tỷ đồng và kéo dài trong nhiều năm. Do đó, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng phải có các giải pháp để phòng ngừa tranh chấp hợp đồng xây dựng. Bài viết này sẽ đưa ra một số giải pháp cụ thể cho các chủ đầu tư để phòng ngừa tranh chấp hợp đồng xây dựng như sau:

1. Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng xây dựng bằng cách lựa chọn đối tác xây dựng phù hợp, uy tín

Để thuận lợi cho quá trình triển khai xây dựng và đảm bảo có thể công trình có chất lượng tốt, bền vững, doanh nghiệp cần xem xét, lựa chọn đối tác, nhà thầu xây dựng có uy tín trên thị trường. Các đối tác làm ăn uy tín và chất lượng sẽ mang tới ít rủi ro hơn cho chủ đầu tư về nhiều mặt, trong đó có rủi ro về tranh chấp.

Kinh nghiệm của một nhà thầu xây dựng không nằm ở từ khóa “số năm tồn tại và phát triển” hay “lâu năm” mà nằm ở con số dự án xây dựng được thực hiện thành công. Trong một thị trường xây dựng liên tục đổi mới và phát triển như hiện nay, yếu tố “ai chất lượng hơn” còn phụ thuộc vào nhiều tiêu chí khác mà có thể các nhà thầu trẻ, mới vào ngành lại đáp ứng tốt và được đánh giá uy tín cao hơn những công ty đã có kinh nghiệm lâu năm.

2. Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng xây dựng bằng cách lựa chọn loại hợp đồng xây dựng phù hợp với dự án đầu tư xây dựng

Một trong những giải pháp quan trọng nhất của phòng ngừa tranh chấp hợp đồng xây dựng là  lựa chọn loại hợp đồng phù hợp. Phụ thuộc vào tính chất, nội dung công việc, theo hình thức giá hợp đồng hoặc theo mối quan hệ của các bên tham gia hợp đồng để thương lượng, đàm phán để xác định loại hợp đồng xây dựng. Hiện nay, theo quy định của pháp luật về xây dựng (Luật Xây dựng năm 2014) có các loại hợp đồng như sau:

  • Căn cứ theo tính chất, nội dung công việc thì hợp đồng xây dựng có các loại sau: Hợp đồng tư vấn xây dựng; Hợp đồng thi công xây dựng công trình; Hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị; Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình; Hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình; Hợp đồng chìa khoá trao tay (là hợp đồng xây dựng để thực hiện toàn bộ các công việc lập dự án, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình của một dự án đầu tư xây dựng)…
  • Căn cứ theo hình thức giá hợp đồng, hợp đồng xây dựng có các loại sau: Hợp đồng trọn gói; Hợp đồng theo đơn giá cố định; Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh; Hợp đồng theo chi phí cộng phí; Hợp đồng theo giá kết hợp.
  • Căn cứ theo mối quan hệ của các bên tham gia hợp đồng, hợp đồng xây dựng có các loại sau: Hợp đồng thầu chính; Hợp đồng thầu phụ; Hợp đồng giao khoán nội bộ và Hợp đồng xây dựng có yếu tố nước ngoài.
tranh chấp hợp đồng xây dựng
Nếu lựa chọn loại hợp đồng phù hợp thì có thể tránh được tranh chấp hợp đồng xây dựng xảy ra – Ảnh minh họa: Internet.

Tuy nhiên, Chủ đầu tư cũng cần lưu ý rằng đối với dự án đầu tư xây dựng phức tạp thì các bên có thể lồng ghép nội dung của các loại hợp đồng khác nhau để phù hợp với từng trường hợp cụ thể (ví dụ: Hợp đồng thi công xây dựng có nội dung về điều chỉnh đơn giá theo biến động thị trường và có sử dụng nhà thầu phụ).

3. Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng xây dựng bằng cách thương lượng, đàm phán để xây dựng các điều khoản hợp đồng chặt chẽ nhằm giảm thiểu các rủi ro, tranh chấp phát sinh

Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thì tranh chấp hợp đồng xây dựng trong hoạt động xây dựng diễn ra khá đa dạng và phát sinh ở nhiều khía cạnh khác nhau, liên quan tới thanh toán chiếm 66%, vi phạm tiến độ thi công 43%, vi phạm chất lượng công trình 33%, đơn phương chấm dứt hợp đồng chiếm 17%, còn lại là các nguyên nhân khác.

Có thể thấy các tranh chấp hợp đồng xây dựng phát sinh thường đến từ nhóm các điều khoản cụ thể của hợp đồng. Đôi khi nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan, không chú trọng đến tính chặt chẽ, đồng bộ trong quá trình xây dựng, thương thảo hợp đồng.

Do đó, từng điều khoản hợp đồng phải được cân nhắc kỹ lượng trước khi ký kết (đặc biệt là điều khoản về phạm vi công việc, chất lượng thi công, thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo hành). Đối với công trình có giá trị lớn, phức tạp, các doanh nghiệp có thể tham khảo tư vấn từ các chuyên gia, đơn vị tư vấn có kinh nghiệm để đảm bảo tính pháp lý và chặt chẽ của các điều khảo hợp đồng.

===>>> Xem thêm: Hướng dẫn Soạn thảo hợp đồng xây dựng

4. Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng xây dựng bằng cách quản lý và thường xuyên giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng

Quá trình triển khai thi công xây dựng có rất nhiều vấn đề có thể phát sinh tranh chấp hợp đồng xây dựng như tình trạng gian lận nguồn gốc vật liệu, công việc thi công có theo đúng như bản vẽ kỹ thuật, chất lượng công trình có đảm bảo an toàn lao động …..

Do đó, chủ đầu tư phải thường xuyên theo dõi, giám sát; thậm chí có thể thành lập Ban Quản lý để giám sát quá trình thực hiện hợp đồng giảm thiểu rủi ro khi thi công, tránh những sai phạm trong xây dựng với các cơ quan quản lý nhà nước; đảm bảo quá trình xây dựng luôn tuân thủ nội dung hợp đồng đã ký kết, giảm thiểu tranh chấp phát sinh.

Trên đây là một số giải pháp của phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng của Công ty Luật Thái An. Với các luật sư có lâu năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và cung cấp cho doanh nghiệp bạn tư vấn chuyên sâu để phòng ngừa các tranh chấp liên quan phù hợp với đặc thù dự án của công ty.

Nguyễn Văn Thanh