Sử dụng lao động trẻ em cần phải lưu ý điều gì?

Ngày nay, chúng ta không khó để bắt gặp tình trạng người sử dụng lao động sử dụng lao động trẻ em. Để ngăn chặn việc lạm dụng, bóc lột lao động trẻ em, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản luật pháp, chính sách nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cho lao động trẻ em. Hãy cùng Công ty Luật Thái An chúng tôi tìm hiểu các quy định pháp luật này trong bài viết dưới đây.

1. Lao động trẻ em là ai?

Theo quy định tại Điều 1 Luật trẻ em năm 2016 thì: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. 

Đồng thời tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật Lao động 2019.

Như vậy, có thể hiểu lao động trẻ em là người lao động dưới 15 tuổi.

2. Nguyên tắc sử dụng lao động trẻ em

Dựa vào nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên quy định tại Điều 144 Bộ luật lao động năm 2019 thì việc sử dụng lao động trẻ em phải tuân thủ các nguyên tắc sau: 

  • Lao động trẻ em chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách.
  • Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động trẻ em có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.
  • Khi sử dụng lao động trẻ em, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
  • Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động trẻ em được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

3. Khi nào được sử dụng lao động trẻ em?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH thì để ký hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi, người có thẩm quyền ký hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động sẽ phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày giao kết hợp đồng lao động, trong đó không có án tích về hành vi xâm hại trẻ em;
  • Có Bản cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em theo mẫu;
  • Nếu sử dụng người lao động chưa đủ 13 tuổi thì phải được sự đồng ý của cơ quan sau:
    • Đối với Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi có địa chỉ được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức hoặc hợp đồng hợp tác của tổ hợp tác
    • Đối với Người sử dụng lao động là hộ gia đình, cá nhân: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú của hộ gia đình, cá nhân.
người lao động dưới 13 tuổi
Việc ký kết hợp đồng lao động thuê người lao động trẻ em dưới 13 tuổi phải thực hiện với người đại diện theo pháp luật và được sự đồng ý của người lao động. – ảnh minh hoạ: internet

4. Các quy định cần tuân thủ khi sử dụng lao động trẻ em

Căn cứ quy định tại Điều 21, Điều 145, khoản 1 Điều 146 Bộ luật lao động năm 2019, Điều 3 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH thì khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc Người sử dụng lao động phải tuân thủ các quy định sau:

4.1 Hợp đồng lao động với lao động trẻ em

Hợp đồng lao động với trẻ em phải tuân thủ các quy định của pháp luật về nội dung và phải được ký kết theo đúng thẩm quyền:

4.1.1 Nội dung Hợp đồng lao động với lao động trẻ em

Hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi phải có các nội dung:

  • Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
  • Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
  • Công việc và địa điểm làm việc;
  • Thời hạn của hợp đồng lao động;
  • Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
  • Chế độ nâng bậc, nâng lương;
  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
  • Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
  • Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
  • Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
  • Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi cư trú; số điện thoại (nếu có); số thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi;
  • Chỗ ở đối với người chưa đủ 15 tuổi làm việc xa gia đình;
  • Việc bảo đảm điều kiện học tập

4.1.2 Thẩm quyền ký kết Hợp đồng lao động với lao động trẻ em

Khoản 4 điều 18 Bộ Luật lao động 2019 quy định như sau:

Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

….

b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;

c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

Người đại diện theo pháp luật của cá nhân nói chung và người lao động dưới 18 tuổi nói riêng là:

  • Cha, mẹ đối với con dưới 18 tuổi.
  • Người giám hộ đối với người được giám hộ.
  • Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện đối với con dưới 18 tuổi hoặc người được giám hộ.
  • Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

(theo quy định tại Điều 136 Bộ Luật Dân sự 2015)

Pháp luật có cho phép sử dụng người lao động 15 tuổi không?
Pháp luật có cho phép sử dụng người lao động 15 tuổi không? – ảnh minh hoạ: Internet

4.2 Thời gian làm việc, nghỉ ngơi và các chế độ của lao động trẻ em

Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

Người chưa đủ 15 tuổi vừa làm việc vừa học tập hoặc có nhu cầu học tập thì việc bố trí thời giờ làm việc phải bảo đảm không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi.

Người sử dụng lao động phải bố trí các đợt nghỉ giải lao cho người chưa đủ 15 tuổi.

Người sử dụng lao động phải tuân thủ quy định về khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động: Phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 06 tháng.

Người sử dụng lao động phải bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.

4.3. Về nội dung công việc dành cho lao động trẻ em

Chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm công việc nhẹ có trong danh mục Danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm quy định tại Phụ lục II Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH. Cụ thể là các công việc

  • Biểu diễn nghệ thuật.
  • Vận động viên thể thao.
  • Lập trình phần mềm.
  • Các nghề truyền thống: chấm men gốm; cưa vỏ trai; làm giấy dó; làm nón lá; chấm nón; dệt chiếu; làm trống; dệt thổ cẩm; thêu thổ cẩm; làm bún gạo; làm miến; làm giá đỗ; làm bánh đa; dệt tơ tằm; se sợi hoa sen; vẽ tranh sơn mài, se nhang, làm vàng mã (trừ các công đoạn có sử dụng hóa chất độc hại như sơn ta, hóa chất tẩy rửa, hóa chất dùng để ướp màu, hóa chất tạo mùi, tạo tàn nhang cong…).
  • Các nghề thủ công mỹ nghệ: thêu ren; mộc mỹ nghệ; làm lược sừng; làm tranh dân gian (tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống…); nặn tò he; làm tranh khắc gỗ, biểu tranh lụa; nhặt vỏ sò, điệp để gắn trên tranh mỹ nghệ; mài đánh bóng tranh mỹ nghệ; xâu chuỗi tràng hạt kết cườm, đánh bóng trang sức mỹ nghệ; làm rối búp bê; làm thiếp mừng các sản phẩm từ giấy nghệ thuật trang trí trên thiếp mừng; làm khung tranh mô hình giấy, hộp giấy, túi giấy.
  • Đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như: mây, tre, nứa, dừa, chuối, bèo lục bình, đay, cói, quế, guột, đót, lá nón.
  • Gói nem, gói kẹo, gói bánh(trừ việc vận hành hoặc sử dụng các máy, thiết bị, dụng cụ đóng gói).
  • Nuôi tằm.
  • Làm cỏ vườn rau sạch; thu hoạch rau, củ, quả sạch theo mùa.
  • Chăn thả gia súc tại nông trại.
  • Phụ gỡ lưới cá, đan lưới cá, phơi khô thủy sản.
  • Cắt chỉ, đơm nút, thùa khuyết, đóng gói vào hộp các sản phẩm dệt thủ công.

4.4 Nơi làm việc dành cho lao động trẻ em

Nơi làm việc dành cho lao động trẻ em không thuộc các trường hợp:

  • Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm;
  • Công trường xây dựng;
  • Cơ sở giết mổ gia súc;
  • Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp;
  • điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử;
  • Tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại có trong môi trường lao động nằm ngoài giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động, bao gồm: điện từ trường, rung, ồn, nhiệt độ, bụi silic, bụi không chứa silic, bụi bông, bụi amiăng, bụi than, bụi tale; các loại chất, tia phóng xạ; bức xạ bởi tia X, các chất độc hại và các tia có hại khác.
  • Tiếp xúc với các vi sinh vật gây bệnh.
  • Thời gian làm việc trên 04 giờ/ngày trong không gian làm việc gò bó, chật hẹp, công việc có khi phải quỳ gối, nằm, cúi khom.
  • Trên giá cao hay dây treo cao hơn 2 m so với mặt sàn làm việc; địa hình đồi núi dốc trên 300.
  • Các công việc ở trong hố sâu hơn 5m.
  • Làm việc trong nhà tù hoặc trong bệnh viện tâm thần.

(Căn cứ Danh mục nơi làm việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên quy định tại Phụ lục IV Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH ).

Lưu ý: Không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

lao động trẻ em được làm
Pháp luật quy định những công việc nhất định mà lao động trẻ em được làm. – ảnh minh hoạ: internet

5. Vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em bị xử lý thế nào?

Tuỳ từng mức độ vi phạm mà người sử dụng lao động trẻ em nếu vi phạm những quy định về sử dụng lao động trẻ em thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể là:

5.1 Xử phạt vi phạm hành chính

Khoản 2, Khoản 3 Điều 29 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:

 Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

  • Sử dụng lao động chưa thành niên mà chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên đó;
  • Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc mà: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản; bố trí thời giờ làm việc ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; không có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc; không tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần trong 06 tháng hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi;
  • Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc;
  • Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm;
  • Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được pháp luật cho phép.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

  • Sử dụng người từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép

  • Sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép hoặc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc được pháp luật cho phép mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

  • Sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc bị cấm hoặc làm việc tại nơi làm việc bị cấm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5.2 Truy cứu trách nhiệm hình sự

Tại Điều 296 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi Khoản 98 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 đã quy định về Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi:

Người nào sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

  •  Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Làm chết người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

  •  Làm chết 02 người trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Lưu ý:  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

6. Luật sư tư vấn sử dụng lao động trẻ em

Tư vấn sử dụng lao động trẻ em hay tư vấn pháp luật lao động là một lĩnh vực đòi hỏi sự am hiểu chuyên môn và nhiều kinh nghiệm thực tiễn của Luật sư. Qua đó thì tư vấn của Luật sư sẽ giúp đảm bảo được quyền và lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động, hạn chế được tranh chấp xảy ra.

Tuy nhiên, thực tế việc tìm kiếm và lựa chọn một đơn vị tư vấn sử dụng lao động trẻ em hay tư vấn pháp luật lao động uy tín, chất lượng là điều không dễ dàng. Tự hào là một trong những Công ty Luật hàng đầu chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn sử dụng lao động trẻ em hay tư vấn pháp luật lao động, khi đến với Công ty Luật Thái An chúng tôi, mọi vướng mắc liên quan đến pháp luật lao động, thậm chí và cả tranh chấp lao động từ đơn giản đến phức tạp đều được giải quyết nhanh chóng, chính xác.

Đặc biệt, chi phí cho dịch vụ luật sư tư vấn của Công ty Luật Thái An vô cùng phải chăng và phù hợp với mọi đối tượng khách hàng trên mọi miền đất nước.

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng xem thêm bài viết: Tư vấn luật lao động 

Nguyễn Văn Thanh