Điều chuyển người lao động: được hay không?

Điều chuyển người lao động là hoạt động phân công người lao động đến vị trí, nhiệm vụ mới để phù hợp với việc sử dụng nhân sự tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều trường hợp người sử dụng lao động tự ý điều chuyển người lao động.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, Công ty Luật Thái An với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực lao động, dân sự… xin chia sẻ quan điểm trong bài viết dưới đây.


1.  Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định điều chuyển người lao động

Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định điều chuyển người lao động là các văn bản pháp luật sau đây:

2. Thế nào là điều chuyển người lao động làm công việc khác với hợp đồng?

Trong quan hệ lao động, giữa người lao động và người sử dụng lao động sẽ ký kết hợp đồng lao động, trong đó quy định chi tiết về công việc mà người lao động thực hiện vì lợi ích của người sử dụng lao động để được hưởng thù lao. Cả hai bên có nghĩa vụ thực hiện đúng theo nội dung đã giao kết trong hợp đồng. 

Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường hợp mà người lao động đang làm việc theo công việc được thỏa thuận trong hợp đồng nhưng vì một trong số những lý do luật định mà phải chuyển sang vị trí hoặc công việc khác theo ý chí của người sử dụng lao động.

Do xuất phát từ ý chí của người sử dụng lao động và mặc dù được điều chỉnh bởi luật nhưng ít nhiều việc điều chuyển người lao động làm công việc khác với thỏa thuận trong hợp đồng cũng sẽ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của người lao động.

Vì thế, xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ và đảm bảo việc làm cho người lao động nên pháp luật lao động cũng quy định rất chặt chẽ về các trường hợp người sử dụng lao động được điều chuyển công việc cho người lao động và quyền lợi của người lao động được hưởng khi bị điều chuyển sang vị trí, công việc khác.

3. Các trường hợp điều chuyển người lao động

Khoản 1 Điều 29 Bộ Luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động được điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng trong các trường hợp sau:

  • Gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm;
  • Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Sự cố điện, nước;
  • Nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đối với trường hợp này, người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

Như vậy, người sử dụng lao động chỉ có quyền điều chuyển công tác của người lao động vì những lý do đặc biệt do điều kiện khách quan (thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh) hoặc do những biến cố xảy đến với người sử dụng lao động buộc họ phải áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục (tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước) hoặc do người sử dụng lao động phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh.

Nói một cách khác, người sử dụng lao động chỉ có thể điều chuyển người lao động làm những công việc khác với hợp đồng khi họ không còn cách nào tốt hơn.

điều chuyển lao động
Muốn điều chuyển người lao động làm công việc khác hợp đồng phải đáp ứng điều kiện nhất định – Nguồn ảnh: Internet

4. Thời gian điều chuyển người lao động làm công việc khác với hợp đồng

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Bộ Luật Lao động 2019, khi điều chuyển người lao động làm việc khác với hợp đồng, người sử dụng lao động có trách nhiệm báo trước cho người lao động biết ít nhất là 03 ngày làm việc về việc chuyển công tác.

Thời gian điều chuyển người lao động làm công việc khác hợp đồng lao động không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm.

Nếu người sử dụng lao động muốn điều chuyển người lao động trong thời gian lớn hơn 60 ngày cộng dồn trong năm thì việc điều chuyển cần được thoả thuận với người lao động và người lao động đồng ý với việc điều chuyển này bằng văn bản. Nếu người lao động không đồng ý thì hai bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

5. Lương của người lao động trong thời gian điều chuyển

Theo Khoản 3 Điều 29, trong thời gian chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì người lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì áp dụng mức lương của công việc cũ trong thời gian 30 ngày làm việc.

Sau 30 ngày làm việc thì áp dụng lương theo công việc mới, nhưng tiền lương mới ít nhất phải bằng 85% mức lương công việc cũ, đồng thời không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

6. Xử phạt vi phạm khi điều chuyển người lao động trái luật

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 5, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi điều chuyển người lao động trái quy định, cụ thể:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có một trong các hành vi chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là bài tư vấn về vấn đề điều chuyển người lao động làm công việc khác với hợp đồng lao động. Để được tư vấn trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật lao động của Luật Thái An – Luật sư sẽ giải đáp tất cả các thắc mắc của bạn đọc.

Nguyễn Văn Thanh