Luật đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 với nhiều điểm mới. Gần đây Công ty Luật Thái An nhận được từ bạn Vũ Cường (cư trú tại Vĩnh Phúc), bạn Ánh Hường (cư trú tại Nghệ An) yêu cầu tư vấn qua Tổng đài tư vấn pháp luật và địa chỉ email contact@luatthaian.vn. Hai bạn đều hỏi về Dự án đầu tư là gì? Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy nhiều nhà đầu tư thực hiện hoạt động kinh doanh đầu tư nhưng không hiểu tường tận “Dự án đầu tư là gì? Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư“. Trong bài viết dưới đây Công ty luật Thái An sẽ cùng bạn tìm hiểu vấn đề được đông đảo bạn đọc quan tâm.

Khái niệm dự án đầu tư
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư 2020: Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
Vốn được giải thích cụ thể tại Khoản 23 Điều 3 Luật Đầu tư 2020: Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 thì: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Tuy Luật Đầu tư 2020 không giải thích cụ thể về hoạt động kinh doanh. Nhưng theo tinh thần của Khoản 5 Điều 3 Luật Đầu tư 2014 thì hoạt động đầu tư kinh doanh có thể được hiểu là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
Như vậy, dự án đầu tư có thể được hiểu là:
- Đối tượng: Tập hợp đề xuất sử dụng tài sản;
- Thời gian: Trong một thời gian dài xác định, trung hạn hoặc dài hạn (Luật Đầu tư 2020 không coi việc đề xuất bỏ vốn ngắn hạn là một dự án đầu tư).
- Mục đích: Thực hiện các hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
- Địa điểm: Trên địa bàn cụ thể.
Lưu ý: Để thực hiện dự án cần thông qua đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư
Việc thực hiện dự án đầu tư chỉ bước sau cùng của giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trước đó, nhà đầu tư đã phải thực hiện rất nhiều công việc như:
- Nghiên cứu thị trường;
- Xác định đối tượng đầu tư;
- Xác định thời điểm và quy mô đầu tư;
- Xác định hình thức đầu tư;
- Xác định địa điểm đầu tư.
Chỉ khi hoàn thiện các giai đoạn trên thì nhà đầu tư mới có thể lập được hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư để trình lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và sau đó mới đến giai đoạn thực hiện dự án đầu tư.
>>> Xem thêm: 4 điểm mới của chính sách ưu đãi đầu tư từ 01/01/2021
Các trường hợp đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư
Theo quy định tại điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư 2020 đối với các dự án đầu tư sau phải tiến hành thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư:
- Dự án đầu tư ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:
a) Nhà máy điện hạt nhân; b) Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;
- Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;
- Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác;
- Dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;
- Dự án đầu tư xây dựng mới liên quan cảng hàng không;
- Dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không;
- Dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I;
- Dự án đầu tư chế biến dầu khí;
- Dự án đầu tư có kinh doanh ca-si-nô (casino), trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài;
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị: Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư thuộc phạm vi bảo vệ của di tích quốc gia;
- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất;
- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông, trồng rừng, xuất bản, báo chí;
- Dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 UBND cấp tỉnh trở lên;
- Dự án đầu tư khác thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật
- Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp:
- Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 50 ha và có quy mô dân số dưới 15.000 người tại khu vực đô thị;
- Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 100 ha và có quy mô dân số dưới 10.000 người tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt.
- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn (golf);
- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại khu vực biên giới; ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án đầu tư
Tùy thuộc vào đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư do nhà đầu tư cá nhân lập hay do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập thì sẽ bao gồm những giấy tờ khác nhau được quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 33 Luật Đầu tư 2020.
Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất bao gồm:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
- Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
- Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
- Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập bao gồm:
- Tờ trình chấp thuận chủ trương đầu tư;
- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau:
mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án; thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án, điều kiện thu hồi đất đối với dự án thuộc diện thu hồi đất, dự kiến nhu cầu sử dụng đất (nếu có); đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; dự kiến hình thức lựa chọn nhà đầu tư và điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có); cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có).
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền được sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.
Như vậy, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư vô cùng phức tạp, bao gồm nhiều loại giấy tờ khác nhau và không phải bất kì dự án đầu tư nào cũng có thể được thông qua. Nhà đầu tư cần chuẩn bị thật kĩ các giấy tờ về tư cách pháp lý, khả năng tài chính, đề xuất đầu tư phù hợp quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có, giấy tờ liên quan đến đất đai và những loại giấy tờ khác theo yêu cầu của pháp luật.
Thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư
>>> Xem thêm: Thủ tục đầu tư trực tiếp và thủ tục đầu tư gián tiếp
Đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp phải đề đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải xin tiến hành thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư (trừ các dự án do nhà đầu tư trong nước thực hiện mà không kèm theo đề xuất giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định của pháp luật).
Các trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo Điều 37 Luật Đầu tư 2020, các dự án sau đây phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh; b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bao gồm:
- Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;
- Dự án đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế;
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC.
Tại Điều 38 Luật Đầu tư 2020 quy định về Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như sau:
- Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này trong thời hạn sau đây:
- 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
- Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
- Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
- Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật này;
- Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);
- Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm những gì?
Theo điều Điều 40 Luật Đầu tư 2020, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm những nội dung sau:
- Tên dự án đầu tư.
- Nhà đầu tư.
- Mã số dự án đầu tư.
- Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng.
- Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.
- Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động).
- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
- Tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bao gồm: ) Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn;
- b) Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư, trường hợp dự án đầu tư chia thành từng giai đoạn thì phải quy định tiến độ thực hiện từng giai đoạn.
- Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).
- Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).
Điều chỉnh dự án đầu tư khi nào?
Điều 41 Luật Đầu tư 2020 quy định về việc Điều chỉnh dự án đầu tư như sau:
- Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh.
- Việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Đối với trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư:
- Thay đổi mục tiêu; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;
- Thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10% hoặc trên 30 ha, thay đổi địa điểm đầu tư;
- Thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên;
- Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư với tổng thời gian quá 12 tháng;
- Điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;
- Thay đổi công nghệ đã được thẩm định, lấy ý kiến trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư;
- Thay đổi nhà đầu tư hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có).
- Đối với dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư không được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư quá 24 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu, trừ các trường hợp:
- Để khắc phục hậu quả trong trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về đất đai;
- Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư do nhà đầu tư chậm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
- Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nhà nước chậm thực hiện thủ tục hành chính;
- Điều chỉnh dự án đầu tư do cơ quan nhà nước thay đổi quy hoạch;
- Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;
- Tăng tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
- Trường hợp đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư dẫn đến dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp cao hơn thì cấp đó có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều này.
- Trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tương ứng tại các điều 34, 35 và 36 của Luật này đối với các nội dung điều chỉnh.
- Trường hợp đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư dẫn đến dự án đầu tư thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh dự án đầu tư.
Triển khai thực hiện dự án đầu tư
Nguyên tắc thực hiện dự án đầu tư được quy định tại Điều 42 Luật Đầu tư 2020:
- “Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, việc chấp thuận chủ trương đầu tư phải được thực hiện trước khi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư.
- Đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án đầu tư.
- Nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động, phòng cháy và chữa cháy, quy định khác của pháp luật có liên quan, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có) và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư”.
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư là bao lâu?
>>> Xem thêm: Quy định thời hạn của dự án đầu tư
Tại Điều 44 Luật Đầu tư 2020 quy định về Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư như sau:
- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm.
- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm; không quá 70 năm.
- Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư: nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, nhưng không quá thời hạn tối đa quy định nêu trên, trừ các dự án đầu tư sau đây:
- Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên;
- Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về dự án đầu tư là gì, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Xin lưu ý là sau thời điểm chúng tôi viết bài này, có thể có những thay đổi các quy định pháp luật liên quan. Do vậy bạn nên gọi tới Tổng đài tư vấn Luật Đầu tư của Công ty Luật Thái An. Bạn sẽ luôn được luật sư đồng hành hỗ trợ kịp thời.
Tác giả bài viết: Luật sư Lê Văn Thiên – Phó giám đốc Công ty luật Thái An
- Thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam
- Cử nhân luật Đại học Luật Hà Nội (tháng 6/2000)
- Tốt nghiệp khóa đào tạo Học Viện Tư Pháp – Bộ Tư Pháp
Thẻ Luật sư số 1395/LS cấp tháng 8/2010 - Lĩnh vực hành nghề chính:
* Tư vấn pháp luật: Doanh nghiệp, Thương mại, Đầu tư nước ngoài, Hôn nhân và gia đình, Đất đai;
* Tố tụng và giải quyết tranh chấp: Dân sự, Hình sự, Bảo hiểm, Kinh doanh thương mại, Hành chính, Lao động
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.