7 đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư

Ưu đãi đầu tư là một trong những chính sách quan trọng góp phần thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội. Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã bổ sung thêm các quy định về chính sách ưu đãi đầu tư, một trong số đó là việc mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư. Để tìm rõ hơn về vấn đề này, Công ty Luật Thái An xin chia với bạn đọc quy định về Đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư 2020 trong bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý quy định Đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư 2020

Đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư được quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020.

Khái niệm đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư

Ưu đãi đầu tư được hiểu là những ưu đãi mà Nhà nước dành cho nhà đầu tư khi họ đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn được khuyến khích nhằm tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Mục đích của hoạt động này nhằm khuyến khích đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương và xã hội.

Ưu đãi đầu tư không áp dụng cho mọi nhà đầu tư trong mọi lĩnh vực mà có sự chọn lọc. Tiêu chí để chọn lọc đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư không cố định, nó phụ thuộc vào chủ trương phát triển kinh tế của Quốc gia tại từng giai đoạn cụ thể.

Theo khoản 2 Điều Điều 16 Nghị định 118/2015/NĐ-CP

2. Nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư:
a) Dự án đầu tư quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Dự án đầu tư quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn;
c) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
d) Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng các mức ưu đãi đầu tư khác nhau được áp dụng mức ưu đãi cao nhất;đ) Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất quy định tại Mục 55 Phụ lục II Nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

e) Ưu đãi tiền thuê đất theo địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất quy định tại Mục 55 Phụ lục II Nghị định này không áp dụng đối với dự án đầu tư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

—>>> Xem thêm: Ngành nghề ưu đãi đầu tư 

đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư
Các đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư được quy định để kích thích đầu tư. – Nguồn ảnh minh hoạ: Internet

Đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư

Hiện nay, theo quy định của Luật Đầu tư 2020, các đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư bao gồm 07 nhóm đối tượng. Chúng ta hãy lần lượt tìm hiểu từng nhóm đối tượng như sau.

Nhóm 01: Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư

Theo quy định của Luật Đầu tư 2020, các dự án thuộc những ngành nghề ưu đãi đầu tư sau sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư:

  • Hoạt động công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
  • Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng;
  • Sản xuất sản phẩm điện tử, sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, ô tô, phụ tùng ô tô; đóng tàu;
  • Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;
  • Sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số;
  • Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học;
  • Thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải;
  • Đầu tư phát triển và vận hành, quản lý công trình kết cấu hạ tầng; phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị;
  • Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học;
  • Khám bệnh, chữa bệnh; sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bảo quản thuốc; nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; sản xuất trang thiết bị y tế;
  • Đầu tư cơ sở luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao cho người khuyết tật hoặc chuyên nghiệp; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
  • Đầu tư trung tâm lão khoa, tâm thần, điều trị bệnh nhân nhiễm chất độc màu da cam; trung tâm chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em lang thang không nơi nương tựa;
  • Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;
  • Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

So với Luật Đầu tư 2014, Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung một số ngành nghề vào danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư như:

  • Giáo dục đại học;
  • Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
  • Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;
  • Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế;
  • Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

Việc bổ sung các ngành, nghề mới này là sự cập nhật phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Nhóm 02: Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư

Các dự án tại những địa bàn sau đây là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư:

  • Địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
  • Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Nhóm 03: Quy mô đầu tư

Nhóm 03 gồm các dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động.

So với quy định của Luật Đầu tư 2014 là “Dự án có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư” thì Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung điều kiện đồng thời phải đạt một trong hai tiêu chí về doanh thu: (i) có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc về lao động: (ii) sử dụng trên 3.000 lao động. Chỉ khi đạt đồng thời cả một trong hai tiêu chí này thì nhà đầu tư dự án mới thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư 2020.

Nhóm 04: Đầu tư vì mục đích phục vụ cho xã hội

Nhóm 04 gồm các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

So với quy định tại Luật Đầu tư 2014 chỉ quy định dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên là đối tượng được hưởng ưu đãi thì đến Luật Đầu tư 2020 quy định này đã mở rộng phạm vi ngoài đối tượng trên thì các dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật cũng sẽ là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư.

Trên thực tế, cơ chế ưu đãi nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã được quy định trong Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, nhà đầu tư được miễn tiền sử dụng, tiền thuê đất; được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; vay vốn ưu đãi và nhiều chính sách ưu đãi khác về thủ tục thực hiện dự án. Việc liệt kê đối tượng này vào các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư trong Luật Đầu tư 2020 đã làm chặt chẽ hơn các quy định này. Đồng thời từ quy định này cũng có thể thấy được sự quan tâm của Chính phủ đối với các dự án hướng đến những đối tượng có thu nhập thấp hoặc gặp nhiều khó khăn trong xã hội.

Ngoài ra, sự ra đời ngày càng nhiều của các doanh nghiệp xã hội cũng được các nhà lập pháp nhận thấy. Doanh nghiệp xã hội là những doanh nghiệp hoạt động vì mục đích của cộng đồng và mục tiêu đổi mới sáng tạo xã hội. Do đó, việc đề cao và thúc đẩy ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp này là một sự tiến bộ trong tư duy lập pháp và quản lý kinh tế của Nhà nước.

Nhóm 05: Doanh nghiệp công nghệ cao

Nhóm 05 gồm các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung ứng công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Luật Đầu tư 2014 chỉ quy định nhóm đối tượng “Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ” là đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư, tuy nhiên đến Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung thêm nhóm

“dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung ứng công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.

Công nghệ thông tin đã có mặt tại Việt Nam cách đây hơn 20 năm nhưng chỉ thực sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Hiện nay, Việt Nam không chỉ chú trọng phát triển công nghệ mà còn không ngừng nỗ lực ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực của đời sống. Các chuyên gia và các nhà đầu tư hàng đầu trong ngành công nghệ còn muốn phát triển những mô hình công nghệ cao vượt xa so với trước đây. Vì vậy, các doanh nghiệp đầu tư phát triển về công nghệ cao đã trở thành đối tượng ưu đãi không thể thiếu của Nhà nước. Việc mở rộng, ghi nhận thêm các đối tượng trên đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các dự án, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.

Nhóm 06: Dự án khởi nghiệp

Nhóm 06 gồm các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Đây là nhóm đối tượng mới được liệt kê vào quy định về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư 2020. Cùng với Quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ngày 02 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ thì Chính phủ đã ban hành nhiều quy định nhằm hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển như Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và gần đây nhất là bổ sung nhóm đối tượng này trở thành một trong bảy nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư tại Luật Đầu tư 2020.

Điều này cho thấy Nhà nước ta khuyến khích và có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tạo môi trường nghiên cứu và phát triển, đầu tư kinh doanh thuận lợi tối đa tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Các dự án đầu tư của cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm thu hút nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước và từ các nước có trình độ công nghệ phát triển để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

Nhóm 07: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nhóm 07 gồm các dự án đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đây cũng là một trong hai nhóm đối tượng mới được liệt kê vào các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư tại Luật Đầu tư 2020, cũng như dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhóm đối tượng được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm hỗ trợ. Nhà nước đã thể hiện chính sách ưu đãi bằng việc ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12 tháng 06 năm 2017, Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Lưu ý: Ưu đãi đầu tư đối với các dự án thuộc Nhóm 02, 03, 04 nêu trên không áp dụng đối với các dự án đầu tư sau:

  • Dự án đầu tư khai thác khoáng sản;
  • Dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ dự án sản xuất ô tô, tàu bay, du thuyền;
  • Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Như vậy, Luật Đầu tư 2020 đã mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư theo hướng phát triển công nghệ và hướng tới mục đích xã hội. Điều này là hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay.

—>>> Xem thêm: Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư

Về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư

Theo Điều 17 NĐ 118/NĐ-CP Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư như sau:

  1. Ưu đãi đầu tư được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư, bao gồm những nội dung:

–  Đối tượng và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 16 NĐ 118/NĐ-CP;

– Căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai.

2. Đối với dự án đầu tư không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Khoản 1 Điều 16 NĐ 118/NĐ-CP, quy định của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại Cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư.

3. Ưu đãi đầu tư được điều chỉnh như sau:

a) Trường hợp dự án đầu tư đáp ứng điều kiện để được hưởng thêm ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư đó cho thời gian ưu đãi còn lại;

b) Nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư trong trường hợp dự án đầu tư không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư. Trường hợp dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư khác thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo điều kiện đó;

c) Trường hợp dự án đầu tư có thời gian không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi đầu tư cho thời gian không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư.

Hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư

  • Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp: Áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Đối với trường hợp nhập khẩu: Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định hoặc nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư;
  • Đối với tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất: Được miễn, giảm

—>>> Xem thêm: Dịch vụ Tư vấn đầu tư  

Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi về Đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư 2020.

Công ty luật Thái An tự hào là Hãng luật đi tiên phong cung cấp Dịch vụ tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư… Để ngăn ngừa rủi ro và được tư vấn chi tiết từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật đầu tư của Công ty Luật Thái An. Bạn sẽ được các luật sư chúng tôi tư vấn kịp thời và chính xác nhất về các vấn đề đầu tư kinh doanh.

HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ!


Tác giả bài viết:
Tiến sỹ luật học, Luật sư Nguyễn Văn Thanh, Thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội. Xem thêm Luật sư Nguyễn Văn Thanh.
Nguyễn Văn Thanh

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG 

Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.

  • Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
  • Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
  • Để được Cung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)






    1900633725
    Yêu cầu dịch vụ

    Gọi điện cho luật sư
    Gọi cho luật sư

    Tư vấn văn bản
    Tư vấn văn bản

    Dịch vụ trọn gói
    Dịch vụ trọn gói