Với xu thế hội nhập và phát triển, ngành bán lẻ hàng hóa là một trong những ngành nghề được Việt Nam mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận và phát triển nó. Tuy nhiên, là một ngành nghề có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài, để có thể hoạt động tại thị trường Việt Nam thì các nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Công ty Luật Thái An với đội ngũ luật sư tư vấn giàu kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan đến tư vấn đầu tư nước ngoài xin chia sẻ một số hiểu biết và kinh nghiệm về vấn đề điều kiện đầu tư nước ngoài về bán lẻ hàng hóa với bạn đọc trong bài viết dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh điều kiện đầu tư nước ngoài về bán lẻ hàng hóa
Cơ sở pháp lý điều chỉnh điều kiện đầu tư nước ngoài về bán lẻ hàng hóa là các văn bản pháp luật sau đây:
- Luật Đầu tư năm 2020;
- Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO;
- Các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia (FTAs);
- Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS);
- Nghị định số: 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
2. Điều kiện đầu tư nước ngoài về bán lẻ hàng hóa theo Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO, FTAs, AFAS
Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư về bán lẻ hàng hóa có quốc tịch một trong các nước là thành viên của WTO, ASEAN được bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam, trừ các nhóm mặt hàng sau:
- thuốc lá và xì gà
- sách, báo và tạp chí, vật phẩm ghi hình
- kim loại quý và đá quý
- dược phẩm (không bao gồm các sản phẩm bổ dưỡng)
- thuốc nổ
- dầu thô và dầu đã qua chế biến
- gạo
- đường mía và đường củ cải.
Nhà đầu tư nước ngoài có quốc tịch một trong các nước là thành viên của WTO, ASEAN có thể thành lập cơ sở bán lẻ thứ nhất khi đầu tư nước ngoài về bán lẻ hàng hóa. Việc thành lập các cơ sở bán lẻ từ thứ hai trở đi sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế.

3. Điều kiện khi đầu tư nước ngoài về bán lẻ hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì:
“Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.”
Với định nghĩa về hoạt động bán lẻ này thì các nhà đầu tư phải cần xác định đúng đối tượng, đúng mục đích kinh doanh để phân biệt với hoạt động bán buôn (theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 thì:
“Bán buôn là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán lẻ”.
Nhà đầu tư nước ngoài khi muốn thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam thì phải xin Giấy phép kinh doanh và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ trước khi hoạt động.
Trước khi xin cấp giấy phép hoạt động bán lẻ, nhà đầu tư nước ngoài cần phải xác định phương thức bán hàng để có thể xác định các loại giấy phép cần thiết để xin phép:
- Trường hợp 1: Hoạt động bán lẻ thông qua Website công ty, hoặc các Website thương mại điện tử hoặc bằng các hình thức khác mà không thông qua lập cơ sở bán lẻ để bán hàng hóa trực tiếp tại cửa hàng. Đối với phương thức này, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần xin giấy phép kinh doanh cho hoạt động bán lẻ mà không cần lập cơ sở bán lẻ.
- Trường hợp 2: Hoạt động bán lẻ thông qua lập cơ sở bán lẻ. Đối với phương thức này, nhà đầu tư nước ngoài cần phải xin hai giấy phép sau:
- Giấy phép kinh doanh cho hoạt động bán lẻ có lập cơ sở bán lẻ;
- Giấy phép lập cơ sở bán lẻ đối với từng địa điểm kinh doanh bán lẻ.
Ngoài ra, trước khi các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư bán lẻ hàng hóa tại thị trường Việt Nam thì cần xác định rõ ràng, cụ thể kế hoạch, định hướng phát triển, phương thức hoạt động cũng như sự phân bổ tài chính và nguồn nhân sự phù hợp để phục vụ cho hoạt động bán lẻ hàng hóa, cụ thể như sau:
- Loại hàng hóa bán lẻ;
- Nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, công dụng và lợi thế cạnh tranh giữa hàng hóa mà nhà đầu tư nước ngoài dự định kinh doanh so với những hàng hóa đã có mặt tại thị trường Việt Nam;
- Nhà cung cấp dự kiến hợp tác để cung cấp hàng hóa cho công ty;
- Kho chứa hàng hóa để phục vụ cho việc giao hàng đến các cửa hàng bán lẻ hoặc giao đến người tiêu dùng;
- Số vốn dự kiến đầu tư;
- Kế hoạch tài chính của ít nhất 03 năm cho sự đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ tại Việt Nam;
- Kế hoạch nhân sự phục vụ cho hoạt động bán lẻ;
- Khu vực thị trường dự kiến lựa chọn kinh doanh bán lẻ và địa điểm kinh doanh bán lẻ dự kiến;
- Kinh nghiệm, thế mạnh của nhà đầu tư cho hoạt động bán lẻ để có thể phát triển hoạt động bán lẻ tại Việt Nam cũng như đóng góp vào nguồn ngân sách Nhà nước.
Sau khi nhà đầu tư nước ngoài hoàn tất thủ tục thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam, tổ chức kinh tế sau khi được thành lập sẽ tiến hành việc xin Giấy phép kinh doanh tại Sở Công Thương nơi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ tại Sở Công Thương nơi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đặt cơ sở bán lẻ.
===>>> Xem thêm: A – Z về thành lập công ty bán lẻ vốn nước ngoài
3.1. Điều kiện để xin Giấy phép kinh doanh cho hoạt động bán lẻ hàng hóa
3.1.1. Điều kiện về lĩnh vực hoạt động
Theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì Giấy phép kinh doanh được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài để thực hiện các hoạt động sau:
- Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm hàng hóa như: gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí;
- Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa như: dầu, mỡ bôi trơn;
- Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa như: gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí;
- Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;
- Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
- Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
- Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
- Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
3.1.2. Điều kiện về chủ thể
Theo Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì điều kiện để cấp Giấy phép kinh doanh bao gồm:
Trường hợp 1: Nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thì cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Có kế hoạch tài chính cho hoạt động bán lẻ, cụ thể:
- Chi phí cho hoạt động bán lẻ dự kiến trong 03 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động;
- Chi phí cho các vị trí nhân sự phục vụ cho hoạt động bán lẻ;
- Chi phí phát triển thị trường, marketing và quảng bá thương hiệu, hàng hóa;
- Chi phí nguồn nguyên liệu đầu vào;
- Chi phí thuê văn phòng, địa điểm bán lẻ (nếu có);
- Chi phí nộp vào ngân sách nhà nước;
- Phương án huy động vốn trong trường hợp kinh doanh thua lỗ.
- Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.
Trường hợp 2: Nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Có kế hoạch về tài chính cho hoạt động bán lẻ và không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên;
- Đáp ứng các tiêu chí sau:
- Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;
- Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần phân tích và đánh giá khả năng cạnh tranh của mình so với các tổ chức khác đang hoạt động trong cùng lĩnh vực, từ đó đưa ra được thế mạnh của tổ chức để cơ quan cấp phép thấy được tiềm năng và giá trị sản phẩm của tổ chức mang lại nhiều lợi ích tại thị trường Việt Nam;
- Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước;
- Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Trường hợp 3: Trường hợp dịch vụ kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Đáp ứng các điều kiện quy định thuộc trường hợp (2).
Trường hợp 4: Trường hợp hàng hóa kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên gồm: gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí thì tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Đáp ứng các điều kiện thuộc trường hợp (2);
- Cơ quan cấp phép chỉ xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại các cơ sở đó.
3.2. Điều kiện cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho từng địa điểm kinh doanh bán lẻ hàng hóa
Theo Điều 22 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, đối với cơ sơ bán lẻ thứ nhất thì tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Có kế hoạch tài chính để lập cơ sở bán lẻ: tương tự như đối với điều kiện xin giấy phép kinh doanh, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng cần lên kế hoạch cụ thể về việc phân bổ nguồn tài chính cho cơ sở bán lẻ dự kiến xin cấp phép;
- Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên;
- Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý: tùy thuộc vào địa điểm cơ sở bán lẻ sẽ tương ứng với các điều kiện cần đáp ứng. Cụ thể:
- Đối với cơ sở bán lẻ thứ nhất: Ngoài đáp ứng các điều kiện trên thì địa điểm cơ sở bán lẻ phải đáp ứng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy; phải có hợp đồng thuê địa điểm để lập cơ sở bán lẻ với chủ sở hữu địa điểm bán lẻ;
- Đối với cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất: gồm 02 trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Địa điểm cơ sở bán lẻ trong Trung tâm thương mại có diện tích dưới 500 m2. Đối với trường hợp này, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần đáp ứng điều kiện tương tự như đối với cơ sở bán lẻ thứ nhất.
- Trường hợp 2: Địa điểm cơ sở bán lẻ ngoài Trung tâm thương mại hoặc trong Trung tâm thương mại có diện tích trên 500 m2. Đối với trường hợp này, cơ sở bán lẻ phải được kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) thông qua Hội đồng ENT để từ đó đánh giá sự phù hợp hoặc không phù hợp của địa điểm lập cơ sở bán lẻ dựa trên các tiêu chí:
- Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động;
- Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý;
- Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý;
- Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý;
- Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực thị trường địa lý như:
- Tạo việc làm cho lao động trong nước;
- Đóng góp cho sự phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ trong khu vực thị trường địa lý;
- Cải thiện môi trường và điều kiện sống của dân cư trong khu vực thị trường địa lý;
- Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Sau khi đánh giá các tiêu chí trên, cơ quan cấp phép (Hội đồng ENT) sẽ xem xét sự phù hợp hoặc không phù hợp của địa điểm lập cơ sơ bán lẻ hàng hóa để Chủ tịch Hội đồng ENT có văn bản kết luận đề xuất cho phép hoặc không cho phép lập cơ sở bán lẻ tại địa điểm đó.
Lưu ý:
Hội đồng ENT (Hội đồng kiểm tra nhu cầu kinh tế) là Hội đồng do UBND cấp tỉnh nơi lập cơ sở bán lẻ thành lập trên cơ sở đề xuất của cơ quan cấp Giấy phép gồm các cơ quan sau:
- Đại diện UBND cấp tỉnh hoặc đại diện cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền làm Chủ tịch Hội đồng ENT;
- Đại diện Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan.
Trường hợp địa điểm lập cơ sở bán lẻ có vị trí tại khu vực địa lý cấp phường, xã, thị trấn tiếp giáp với tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương khác thì Hội đồng ENT phải có đại diện của UBND cấp tỉnh/thành phố tiếp giáp.
===>>> Xem thêm:
- Điều kiện đầu tư nước ngoài về dịch vụ bảo vệ như thế nào?
- Điều kiện đầu tư nước ngoài về dịch vụ cho thuê máy móc như thế nào?
Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi về điều kiện đầu tư nước ngoài về bán lẻ hàng hóa.
Xin lưu ý là sau thời điểm đăng bài này, các quy định của luật pháp có thể đã thay đổi. Hãy gọi điện tới TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT để được tư vấn trực tiếp và chính xác nhất về tất cả các vấn đề đầu tư nước ngoài.
4. Dịch vụ tư vấn đầu tư nước ngoài của Công ty Luật Thái An
Luật pháp Việt Nam có những quy định chặt chẽ về hoạt động đầu tư nói chung và hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói riêng. Nếu không am hiểu pháp luật đầu tư Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng có những hành vi vi phạm pháp luật và phải gánh chịu hậu quả theo quy định của pháp luật.
Công ty Luật Thái An với nhiều năm kinh nghiệm đúc kết từ những vụ việc tư vấn đầu tư nước ngoài sẽ tư vấn cho các nhà đầu tư những giải pháp pháp lý phù hợp với từng vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.
===>>> Xem thêm: Dịch vụ xin cấp Giấy phép đầu tư
HÃY LIÊN HỆ NGAY ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ!
- Hợp đồng thuê căn hộ chung cư - 08/07/2023
- Luật sư bào chữa tội tham ô tài sản với 3 hướng là gì? - 08/05/2023
- Hợp đồng nhập khẩu: Tất cả những gì bạn cần biết - 29/04/2023
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.