Doanh nghiệp phải đóng thuế gì ? Đây là băn khoăn, thắc mắc của nhiều người đã, đang và sẽ thành lập doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi này trong bài viết dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý quy định các loại thuế doanh nghiệp phải nộp
Cơ sở pháp lý điều chỉnh các loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp là các văn bản pháp luật sau đây:
- Luật doanh nghiệp 2014;
- Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, sửa đổi năm 2014;
- Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017;
- Luật thuế giá trị gia tăng 2008;
- Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài.
Bài viết dưới đây sẽ nêu các khoản thuế phải nộp của doanh nghiệp tư nhân kể từ khi thành lập. Còn những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh đặc thù khác thì sẽ phải đóng các loại thuế liên quan đến lĩnh vực kinh doanh đó.
2. Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp gồm lệ phí môn bài
Căn cứ Nghị định 139/2016/NĐ-CP, lệ phí môn bài cần phải nộp sẽ căn cứ vào mức vốn điều lệ được đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cụ thể:
- Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống thì mức lệ phí môn bài là 03 triệu đồng/năm.
- Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở lên thì mức lệ phí môn bài là 02 triệu đồng/năm.
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác thì mức lệ phí môn bài là 01 triệu đồng/năm.
Lưu ý, trường hợp hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp vừa và nhỏ thì được miễn 03 năm đầu lệ phí môn bài.
Lệ phí môn bài sẽ nộp từng năm một và được nộp ngay từ thời điểm thành lập doanh nghiệp. Theo Thông tư 302/2016/TT-BTC thì đối với doanh nghiệp thành lập vào khoảng thời gian từ ngày 01/01 đến 30/06 của năm dương lịch thì phải nộp đủ 100% lệ phí môn bài theo quy định. Còn nếu thành lập từ ngày 01/07 đến 31/12 của năm dương lịch thì mức nộp lệ phí môn bài sẽ chỉ là 50%.
Mức thu lệ phí môn bài dựa vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
Nếu có sự thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.
Nếu vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư ghi bằng ngoại tệ thì quy đổi ra tiền đồng Việt Nam để làm căn cứ xác định mức lệ phí môn bài theo tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nơi người nộp lệ phí môn bài mở tài khoản tại thời điểm người nộp lệ phí môn bài nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

3. Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp gồm thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo Điều 2 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2014, có quy định về người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
“1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:
a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam”
Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
Thuế TNDN phải nộp = | (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)) x Thuế suất TNDN |
Trong đó:
Thu nhập tính thuế = | Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế – Lỗ kết chuyển theo quy định |
Thu nhập chịu thuế = | Doanh thu tính thế – Chi phí được trừ + Thu nhập chịu thuế khác |
Theo quy định của pháp luật, thuế suất của thuế thu nhập doanh nghiệp được căn cứ vào doanh thu của doanh nghiệp trong năm, cụ thể:
- Doanh thu đến 20 tỷ đồng: Thuế suất là 20%;
- Doanh thu từ trên 20 tỷ đồng: Thuế suất là 22%;
Tuy nhiên, kể từ năm 2018, theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn.
4. Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp gồm thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng được tính trên mọi hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp kinh doanh. Thuế giá trị gia tăng được tính theo 2 phương pháp: Phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp mới thành lập sẽ áp dụng phương pháp khấu trừ.
Phương pháp khấu từ: Số thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào
Phương pháp trực tiếp: Số thuế GTGT phải nộp = GTGT của hàng hóa x Thuế suất GTGT của hàng hóa đó
Thuế suất GTGT đối với các doanh nghiệp sẽ dược áp dụng tùy từng loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh của doanh nghiệp đó. Có ba mức thuế suất là 0% – 5% – 10%.
5. Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp gồm thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế đánh vào thu nhập của từng cá nhân nếu thu nhập của cá nhân đó thuộc trường hợp phải nộp thuế. Vì doanh nghiệp là bên trả phần thu nhập cho người lao động, do đó phải tiến hành khấu trừ thuế TNCN của họ trước khi chi trả phần thu nhập đó cho người lao động. Các doanh nghiệp bắt buộc phải kê khai và nộp số tiền thuế TNCN đã khấu trừ này vào ngân sách nhà nước.
6. Dịch vụ luật sư doanh nghiệp của Luật Thái An
Trong bối cảnh kinh doanh sôi động, việc đăng ký kinh doanh là một nhu cầu tương đối thường xuyên của công ty và doanh nghiệp. Khi có nhu cầu này, doanh nghiệp cần nắm bắt được các công việc cần làm hoặc liên hệ với đơn vị có thể thay mặt doanh nghiệp thực hiện dịch vụ các loại thuế của doanh nghiệp tư nhân một cách nhanh chóng và hiệu quả. Bạn hãy tham khảo các bài viết sau:
HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ PHÁP LÝ KỊP THỜI!
Tác giả bài viết: Luật sư Đàm Thị Lộc
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.