Hiện nay, có nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt về tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, pháp luật đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến sở hữu công nghiệp…
Tuy nhiên, không phải cá nhân, tổ chức nào cũng nắm rõ các quy định pháp luật về vấn đề này để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Do đó, công ty Luật TNHH Thái An gửi tới quý độc giả bài viết dưới đây về tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp để các bạn có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Căn cứ pháp lý
- Luật doanh nghiệp 2014;
- Luật sở hữu trí tuệ 2005;
- Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019;
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định về đăng ký doanh nghiệp;
- Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
- Thông tư 11/2015/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định số 99/2013/nđ-cp ngày 29/8/2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
- Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
2. Tên doanh nghiệp là gì ?
Tên tiếng việt của doanh nghiệp gồm hai thành tố theo thứ tự:
- Loại hình doanh nghiệp: Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân
- Tên riêng: được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể có thêm tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài hoặc tên viết tắt của doanh nghiệp.
Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài
Như vậy, tên doanh nghiệp là tên gọi của doanh nghiệp nhằm phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Ngoài ra, thông qua tên doanh nghiệp, chúng ta có thể biết được loại hình doanh nghiệp đó. Tên doanh nghiệp sử dụng trong hoạt động thương mại còn được gọi là tên thương mại. Tên doanh nghiệp và/hoặc tên thương mại được xác lập dựa trên việc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và việc sử dụng hợp pháp.
3. Quyền sở hữu công nghiệp là gì ?
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với các đối tượng dưới đây, do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu:
- sáng chế
- kiểu dáng công nghiệp
- thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
- nhãn hiệu (là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau)
- tên thương mại
- chỉ dẫn địa lý (là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể)
- bí mật kinh doanh
4. Tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như thế nào ?
Trong số các đối tượng sở hữu công nghiệp thì tên doanh nghiệp có thể xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Chúng tôi sẽ trình bầy cụ thể dưới đây:
a. Tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại:
Khi một doanh nghiệp sử dụng tên doanh nghiệp trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó – thì đó là xự xâm phạm.
b. Tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu:
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
Sử dụng tên doanh nghiệp trong các trường hợp sau là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu:
- Sử dụng tên doanh nghiệp có dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
- Sử dụng tên doanh nghiệp có dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
c. Tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý:
Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sử dụng tên doanh nghiệp trong các trường hợp sau là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý:
- Sử dụng tên doanh nghiệp trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;
- Phần tên riêng của doanh nghiệp có sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.
Như vậy, doanh nghiệp không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.
5. Quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu công nghiệp khi bị cá nhân, tổ chức có tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:
Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên gọi cho phù hợp.
Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có nghĩa vụ cung cấp cho Phòng Đăng ký kinh doanh các tài liệu, bao gồm:
- Thông báo của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp về việc quyền sở hữu công nghiệp bị xâm phạm
- Bản sao hợp lệ văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên doanh nghiệp là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp.
6. Trách nhiệm của doanh nghiệp có tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:
Khi tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có hành vi vi phạm phải đăng ký đổi tên trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Phòng đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu đổi tên doanh nghiệp.
7. Thủ tục xử lý vi phạm liên quan đến tên doanh nghiệp
Căn cứ khoản 2 Điều 25 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP khi nhận được đơn yêu cầu xử lý vi phạm liên quan đến tên doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp được cho là vi phạm cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ giải trình hoặc tiến hành thanh tra, xác minh, thu thập chứng cứ. Tiếp theo, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra 1 trong các văn bản sau:
- Văn bản kết luận về việc sử dụng tên doanh nghiệp có xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:
- Văn bản này được gửi cho chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp vi phạm để các bên tự thỏa thuận, thương lượng trong thời hạn 30 ngày.
- Nếu các bên đạt được thoả thuận về việc giải quyết phù hợp quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên thứ ba thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra văn bản thông báo công nhận sự thỏa thuận đó và vụ việc coi như đã được giải quyết.
- Nếu các bên không đạt được thỏa thuận, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền gửi đến Phòng Đăng ký kinh doanh văn bản yêu cầu doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, tính từ ngày hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp vi phạm phải tiến hành thủ tục thay đổi tên trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày ra Thông báo.
- Trường hợp doanh nghiệp không chấp hành, Phòng đăng ký kinh doanh có thể áp dụng biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính: áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc doanh nghiệp vi phạm thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp.
Trên đây là ý kiến tư vấn về tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Bạn cần lưu ý những vấn đề nêu trên để đặt tên cho doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp.
Xin lưu ý: Sau thời điểm đăng bài này, các quy định của luật pháp có thể đã thay đổi. Để được tư vấn từng trường hợp cụ thể Bạn vui lòng gọi TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT. Luật sư sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ Bạn!
CÔNG TY LUẬT THÁI AN
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.