Kiện tranh chấp đất đai cần phải biết điều gì?

Để thực hiện được thủ tục kiện tranh chấp đất đai cần nắm được quy định về điều kiện khởi kiện, đơn khởi kiện, nơi nộp đơn, cách thức nộp đơn khởi kiện và thủ tục xét xử. Nếu bạn chưa nắm được những quy định này, hãy theo dõi bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An để biết thêm chi tiết.

1. Cơ sở pháp lý quy định kiện tranh chấp đất đai

Cơ sở pháp lý quy định kiện tranh chấp đất đai là:

2. Các trường hợp kiện tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai là phổ biến, sau đây là những trường hợp kiện tranh chấp đất đai phổ biến:

  • Tranh chấp để xác định người có quyền sử dụng đất hoặc tranh chấp về việc xác định người có quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với quyền sử dụng đất: Thông thường đây là những tranh chấp về ranh giới đất liền kề, ngõ đi, cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bị trùng diện tích, người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chủ cũ đòi lại đất hoặc chủ cũ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng người sử dụng đất cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không đúng…
  • Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất hoặc thừa kế về nhà ở, tài sản khác gắn liền với quyền sử dụng đất: Bản chất của dạng tranh chấp này là tranh chấp thừa kế có di sản là quyền sử dụng đất hoặc thừa kế về nhà ở, tài sản khác gắn liền với quyền sử dụng đất và Tòa án phải xác định ranh giới đất để phân chia nhà, đất.
  • Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất hoặc chia tài sản chung là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất: Loại tranh chấp này là những tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hoặc ly hôn mà tài sản chung là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
  • Tranh chấp liên quan đến các giao dịch về quyền sử dụng đất hoặc các giao dịch về nhà ở, tài sản khác gắn liền với quyền sử dụng đất: Ví dụ như tranh chấp về các Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất, Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, Hợp đồng cho thuê nhà xưởng, Hợp đồng cho thuê nhà ở….
Các trường hợp khởi kiện tranh chấp đất đai phổ biến hiện nay
Các trường hợp khởi kiện tranh chấp đất đai phổ biến hiện nay – Nguồn: Luật Thái An

3. Điều kiện kiện tranh chấp đất đai

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không có điều khoản riêng quy định về điều kiện khởi kiện vụ án. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự về việc trả lại đơn khởi kiện thì kiện tranh chấp đất đai phải đáp ứng các điều kiện sau:

3.1 Người khởi kiện phải có quyền khởi kiện tranh chấp đất đai

Tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bên cạnh đó tại Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước của cơ quan, tổ chức có liên quan.

Như vậy, người có quyền kiện tranh chấp đất đai là tổ chức, cá nhân, đại diện hợp pháp của tổ chức cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến đất đai của mình bị xâm phạm. Các cơ quan, tổ chức có liên quan có quyền kiện tranh chấp đất đai để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai.

3.2 Tranh chấp đất đai phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án

Tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau: Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai;

Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 thì Toà án sẽ giải quyết tranh chấp đất đai trong những trường hợp sau:

  • Trường hợp 1: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.
  • Trường hợp 2: Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 nhưng đương sự lựa chọn khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Đồng thời tại các Điều 35, Điều 37 và Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

  • Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ: Toà án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết đối tượng tranh chấp là bất động sản
  • Thẩm quyền Toà án theo cấp Toà án: Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết vụ án kiện tranh chấp đất đai thông thường, trừ các vụ án có yếu tố nước ngoài, các vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án cấp tỉnh.

3.3 Phải hoà giải tại UBND xã trước khi kiện tranh chấp đất đai

Căn cứ Điều 203 Luật đất đai thì Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết tại Toà án nhân dân hoặc UBND cấp có thẩm quyền.

Tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP cũng quy định:

Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.

Như vậy, tuỳ từng vụ việc mà trước khi kiện tranh chấp đất đai phải thực hiện thủ tục hoà giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã.

3.4 Tranh chấp chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thẩm phán trả lại đơn khởi kiện nếu sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp yêu cầu đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.

Như vậy, Tòa án chỉ thụ lý đơn kiện tranh chấp đất đai nếu:

  • Tranh chấp đất đai chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án.
  • Chưa được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Tranh chấp đất đai mà chưa được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh)

3.5. Điều kiện về thời hiệu kiện tranh chấp đất đai

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện ( căn cứ Khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự).

  • Đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất thì sẽ không bị áp dụng thời hiệu khởi kiện (căn cứ Khoản 3 Điều 155 Bộ luật dân sự 2015).
  • Đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất: Được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 đối với từng trường hợp cụ thể.
STT Loại vụ việc Thời gian

(năm)

Căn cứ

(Bộ luật Dân sự 2015)

1 Khởi kiện về hợp đồng

Nếu sự việc đã được tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND huyện, tỉnh) của Việt Nam giải quyết bằng một bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự không được khởi kiện lại đối với vụ án đó nữa, trừ  trường hợp yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi bán đất đai, sang nhượng, cho thuê, gửi giữ, cầm cố, thế chấp…

3 Điều 429
2 Khởi kiện bồi thường thiệt hại về đất đai 3 Điều 588
4 Khởi kiện về thừa kế đối với yêu cầu chia di sản là bất động sản (căn hộ, nhà đất) 30 K1 Điều 623
5 Khởi kiện yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác 10 K2 Điều 623
6 Tranh chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn Không áp dụng thời hiệu K3, điều 155
kiện tranh chấp đất đai
Các điều kiện khởi kiện tranh chấp đất đai – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

4. Thủ tục kiện tranh chấp đất đai tại Toà án

4.1 Nộp đơn kiện tranh chấp đất đai và các giấy tờ tài liệu gửi kèm đơn

Tùy thuộc vào nội dung của từng vụ án tranh chấp mà hồ sơ kiện tranh chấp đất đai đòi hỏi những loại giấy tờ nhất định nhưng thường là những loại giấy tờ sau:

  • Đơn khởi kiện tranh chấp đất đai theo mẫu

>>> Xem thêm: Đơn khởi kiện

  • Giấy tờ chứng thực cá nhân của người khởi kiện (nguyên đơn), bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: bản sao có chứng thực chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú… Đối với đương sự là cơ quan, tổ chức có quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
  • Biên bản hòa giải tại UBND xã
  • Các giấy tờ, tài liệu về quyền sử dụng đất hoặc có liên quan đến quyền sử dụng đất như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ mục kê, sổ địa chính, số đăng ký ruộng đất, bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng…
  • Các giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tặng cho quyền sử dụng đất… (nếu có)

Lưu ý: Nếu vì lý do khách quan mà đương sự không thể nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ thì có thể nộp các tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp. Các tài liệu và chứng cứ khác sẽ được thu thập sau khi Toà án thụ lý vụ án.

4.2 Toà án nhận và xử lý đơn kiện tranh chấp đất đai

Theo quy định tại Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự thì sau khi nhận đơn khởi kiện tranh chấp đất đai thì:

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện tranh chấp đất đai, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện tranh chấp đất đai và có một trong các quyết định sau đây:
    •  Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện tranh chấp đất đai;
    • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định
    • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
    • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

4.3 Trường hợp đủ điều kiện thụ lý vụ án kiện tranh chấp đất đai

Nếu đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí (trừ trường hợp họ thuộc diện được miễn án phí). Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. (Căn cứ Điều 195, Điều 196 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

4.3 Toà án chuẩn bị xét xử vụ án kiện tranh chấp đất đai 

Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án tối đa là 06 tháng. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

  • Lập hồ sơ vụ án theo quy định;
  • Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;
  • Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;
  • Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
  • Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  •  Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn
  • Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

  • Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
  • Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
  • Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
  • Đưa vụ án ra xét xử.

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

4.4 Xét xử sở thẩm vụ án kiện tranh chấp đất đai

a. Thành phần tham gia phiên toà sơ thẩm vụ án kiện tranh chấp đất đai

Thành phần tham gia phiên toà sơ thẩm vụ án kiện tranh chấp đất đai gồm:

  • Hội đồng xét xử gồm Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân;
  • Đại diện Viện kiểm sát;
  • Các đương sự gồm: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan;
  • Những thành phần khác: người làm chứng, người giám định, người phiên dịch…được Toà án triệu tập.

b. Yêu cầu về sự có mặt của đương sự tại phiên toà sơ thẩm vụ án kiện tranh chấp đất đai

Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau:

  • Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
  • Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
    • Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;
    • Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
    • Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó.
    • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại.

c. Tranh tụng tại phiên toà sơ thẩm vụ án kiện tranh chấp đất đai:

Phần tranh tụng tại phiên toà gồm 2 phần là phần hỏi và phần tranh luận:

  • Phần hỏi

Theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa bên nguyên đơn hỏi trước, tiếp đến là bên bị đơn, sau đó là bên người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tiếp đến là những người tham gia tố tụng khác. Sau cùng là phần hỏi của Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên.

  • Phần tranh luận

Bên nguyên đơn, bên bị đơn, bên người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đưa ra ý kiến của mình và tranh luận với các bên khác.

Trường hợp vắng mặt một trong các đương sự và người tham gia tố tụng khác thì chủ tọa phiên tòa công bố lời khai của họ để trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp.

Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của phiên toà và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

d. Phần nghị án tại phiên toà sơ thẩm vụ án kiện tranh chấp đất đai

Sau khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án để nghị án. Khi nghị án có biên bản ghi lại các ý kiến đã thảo luận và quyết định của Hội đồng xét xử. Sau đó Hội đồng xét xử sẽ quay trở lại phòng xét xử để tuyên án.

Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, việc nghị án có thể kéo dài nhưng không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc tranh luận tại phiên tòa.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tuyên án, các đương sự được Tòa án cấp trích lục bản án.

Bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ngay. Nếu sau 15 ngày mà đương sự không kháng cáo hoặc Viện kiểm sát không kháng nghị thì bản án sẽ có hiệu lực pháp luật.

>>> Xem thêm: Xét xử sơ thẩm

kiện tranh chấp đất đai
Các giai đoạn vụ án kiện tranh chấp đất đai? – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

8. Kháng cáo, kháng nghị bản án kiện tranh chấp đất đai

8.1. Kháng cáo bản án kiện tranh chấp đất đai

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm. Kèm theo đơn kháng cáo, người kháng cáo phải gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.

>>> Xem thêm: A-Z về kháng cáo bản án sơ thẩm

8.2. Kháng nghị bản án kiện tranh chấp đất đai

Nếu không đồng ý với bản án kiện tranh chấp đất đai, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Khi bản án bị kháng cáo và/hoặc kháng nghị thì chưa có hiệu lực pháp luật và vụ án sẽ tiếp tục được xét xử ở cấp phúc thẩm.

9. Xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp đất đai

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định vụ kiện tranh chấp đất đai của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Khác với bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ khi Toà tuyên án.

>>> Xem thêm: Xét xử phúc thẩm

10. Án phí/Lệ phí khởi kiện tranh chấp đất đai 

Án phí, lệ phí khởi kiện tranh chấp đất đai sẽ tuỳ thuộc vào từng nội dung vụ kiện:

Nếu trong trường hợp 2 bên không yêu cầu tòa án xem xét về giá trị của mảnh đất cụ thể là mảnh đất có giá trị bao nhiêu tiền mà chỉ yêu cầu tòa án xem xét quyền sở hữu mảnh đất đó thuộc về ai thì án phí như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch là 300.000 đồng.

Nếu yêu cầu Tòa án xác định giá trị tài sản thì mức án phí như sau:

  • Tài sản có gí trị từ 6.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng
  • Tài sản có gí trị từ từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
  • Tài sản có gí trị từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng
  • Tài sản có gí trị từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng
  • Tài sản có gí trị từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

>>> Xem thêm:  Án phí tranh chấp đất đai

11. Dịch vụ kiện tranh chấp đất đai uy tín

Các vụ việc tranh chấp đất đai thường rất phức tạp để giải quyết tranh chấp đất đai đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực luật pháp. Một người bình thường nếu tự mình khiếu nại hoặc khởi kiện thì sẽ vô cùng khó khăn. Do vậy, việc thuê luật sư kiện tranh chấp đất đai là điều cần thiết.

Nguyễn Văn Thanh