Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định thế nào?

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi bổ sung năm 2020 đã quy định rất rõ về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Điều này không chỉ góp phần phát huy hiệu quả trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính mà còn nâng cao năng lực thực thi pháp luật của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong bài viết dưới đây.

1. Cơ sở pháp lý quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 

Những cơ sở pháp lý quan trọng quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính gồm:

  • Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
  • Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính;
  • Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2. Ai là Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ?

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung năm 2020 và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ thì những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là:

2.1 Chủ tịch UBND các cấp nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ?

Chủ tịch UBND các cấp gồm: Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh có quyền xử phạt vi phạm hành chính.

2.2 Ai thuộc lực lượng Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ?

Sau đây là những cấp thuộc lực lượng công an có quyền xử phạt hành chính:

  • Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ;
  • Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ;
  • Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế;
  • Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đội trưởng có quyền;
  • Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc các Cục;
  • Giám đốc Công an cấp tỉnh;
  • Cục trưởng các cục.
thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Công an là một trong những cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính – Ảnh minh họa: Internet.

2.3 Ai thuộc lực lượng bộ đội biên phòng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ?

  • Chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ;
  • Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng;
  • Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng.

2.4 Cảnh sát biển có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không ?

Sau đây là những chức danh thuộc lực lượng cảnh sát biển có thẩm quyền xử phạt hành chính:

  • Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ;
  • Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển;
  • Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển;
  • Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển;
  • Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
  • Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
  • Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

2.5 Hải quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không ?

Các cán bộ hải quan có thể xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quản, đó là:

  • Công chức Hải quan đang thi hành công vụ;
  • Đội trưởng thuộc Chi cục Hải quan, Đội trưởng thuộc Chi cục kiểm tra sau thông quan;
  • Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan;
  • Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
  • Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Đội trưởng Đội thủ tục Hải quan, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan;
  • Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
  • Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

2.6 Kiểm lâm có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Các cán bộ kiểm lâm có thể xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, đó là:

  • Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ;
  • Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm;
  • Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng;
  • Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm thuộc Cục Kiểm lâm;
  • Cục trưởng Cục Kiểm lâm.

2.7 Thuế có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Các cán bộ thuế có thể xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý thuế, đó là:

  • Công chức Thuế đang thi hành công vụ;
  • Đội trưởng Đội Thuế;
  • Chi cục trưởng Chi cục Thuế ;
  • Cục trưởng Cục Thuế;
  • Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

2.8 Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Các cán bộ quản lý thị trường có thể xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực mình quản lý, đó là:

  • Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ;
  • Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường;
  • Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường;
  • Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường.

2.9 Các cán bộ thanh tra nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ?

Các cán bộ thanh tra có thể xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực mình quản lý, đó là:

  • Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ;
  • Chánh Thanh tra sở;
  • Chi cục trưởng các Chi cục;
  • Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực, Giám đốc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh; các chức danh tương đương của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt;
  • Cục trưởng Cục Thống kê, Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; các chức danh tương đương của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt;
  •  Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ,
  • Các Tổng cục trưởng
  • Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ,
  • Cục trưởng các Cục
  • Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; các chức danh tương đương của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được Chính phủ quy định thẩm quyền phạt
  • Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thành lập

2.10 Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thuỷ nội địa

  • Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải, Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không, Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa
  • Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Giám đốc Cảng vụ hàng không, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa

2.11 Toà án nhân dân

Toà án cũng có thẩm quyền phạt vi phạm hành chính, đó là các chức danh sau:

  • Thẩm phán chủ tọa phiên toà
  • Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản
  • Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự khu vực
  • Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp cao

2.12 Thẩm quyền phạt vi phạm hành chính của Cơ quan thi hành án dân sự

Các chức danh sau có quyền xử phạt vi phạm hành chính:

  • Chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ
  • Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự
  • Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu
  • Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng

2.13 Thẩm quyền xử phạt hành chính của cơ quan đại diện ngoại giao

Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

3. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được làm gì?

Người có thẩm quyền xử phạt hành chính được phép làm những việc sau:

  • Phạt cảnh cáo;
  • Phạt tiền: mức phạt này được quy định theo tỷ lệ phần trăm tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng theo quy định. Mức phạt tiền theo tỷ lệ cao thấp phụ thuộc vào chức danh của người xử phạt hành chính
  • Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định
  • Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả

4. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không được làm gì?

Để hạn chế tối đa việc vi phạm pháp luật, lạm quyền của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ, tại Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể là:

  • Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính.
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
  • Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính.
  • Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
  • Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại luật này.
  • Áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.
  • Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính.
  • Kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
  • Sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
  • Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
  • Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, người bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.

5. Dịch vụ khiếu nại, khởi kiện hành chính của Công ty Luật Thái An

Như vậy có thể thấy để bảo đảm hiệu quả trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, Luật xử lý vi phạm hành chính đã có nhiều quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng thực hiện đúng nhiệm vụ quyền hạn của mình và nhiều khi quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị xâm phạm.

Hiểu được vấn đề này, Công ty Luật Thái An chúng tôi đã cung cấp dịch vụ khiếu nại, khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng như các Quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan tới quá trình xử phạt vi phạm hành chính.

Đến với chúng tôi Quý khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm bởi những rắc rối, vướng mắc, tranh chấp pháp lý của Quý khách hàng sẽ được đội ngũ Luật sư, chuyên gia pháp lý giàu kiến thức, kinh nghiệm thực tế của Luật Thái An giải quyết nhanh chóng, chính xác, đảm bảo được quyền lợi tối đa cho Quý khách hàng.

Liên hệ ngay với Tổng đài tư vấn pháp luật  của chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Nguyễn Văn Thanh