Khi một bên yêu cầu bên kia thay mặt mình thực hiện một công việc thì phải có giấy uỷ quyền của bên uỷ quyền hoặc có hợp đồng uỷ quyền. So với giấy uỷ quyền thì hợp đồng uỷ quyền sẽ bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên một cách cân bằng hơn giữa bên uỷ quyền và bên nhận uỷ quyền. Một hợp đồng uỷ quyền cần có những nội dung gì ? Chúng tôi xin chia sẻ một số hiểu biết và kinh nghiệm về soạn thảo hợp đồng uỷ quyền với bạn đọc trong bài viết dưới đây.
I. Thế nào là hợp đồng ủy quyền?
Theo Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015 thì:
“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Do đó, về bản chất, Hợp đồng ủy quyền là hợp đồng cho phép một cá nhân hay pháp nhân khác thay mặt bạn (với tư cách là cá nhân hay pháp nhân) thực hiện một công việc nhất định.
Trong thực tiễn hợp đồng ủy quyền được sử dụng rất phổ biến như:
- hợp đồng ủy quyền mua bán nhà đất
- hợp đồng ủy quyền sử dụng đất đai nhà ở
- hợp đồng ủy quyền bán tài sản
- hợp đồng ủy quyền mua bán xe máy, ô tô
- hợp đồng ủy quyền kinh doanh
- hợp đồng ủy quyền đầu tư…
II. Cơ sở pháp lý điều chỉnh hợp đồng ủy quyền
Cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề hợp đồng ủy quyền là Bộ luật Dân sự năm 2015.

III. Hình thức của hợp đồng uỷ quyền
Pháp luật không quy định là hợp đồng uỷ quyền phải được lập bằng văn bản. Điều này có nghĩa là hình thức của hợp đồng có thể là văn bản, hành vi, lời nói… thể hiện ý chí và nội dung giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro tranh chấp thì một văn bản hợp đồng chặt chẽ là là ưu tiên hàng đầu.
Pháp luật không quy định hợp đồng uỷ quyền phải được công chứng, chứng thực. Nhưng nếu các bên trong hợp đồng đều là cá nhân thì hợp đồng nên được công chứng, chứng thực để thuận lợi hơn khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tại cơ quan tài phán.
IV. Ngôn ngữ của hợp đồng uỷ quyền
Hợp đồng uỷ quyền phải được lập bằng tiếng Việt, hoặc bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Nếu sử dụng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì hợp đồng cần quy định thứ tiếng nào ưu tiên hơn khi có sự khác biệt trong diễn đạt bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, vì các lý do sau:
- Khi thực hiện các thủ tục hành chính mà cần phải nộp hợp đồng thì hợp đồng uỷ quyền phải bằng tiếng Việt do các cơ quan nhà nước Việt Nam sử dụng tiếng Việt.
- Khi có tranh chấp hợp đồng và các bên yêu cầu Toà án giải quyết thì hợp đồng uỷ quyền bằng tiếng Việt sẽ thuận lợi hơn nhiều do Toà án làm việc bằng tiếng Việt.
V. Nội dung của hợp đồng uỷ quyền
1. Các bên trong hợp đồng uỷ quyền
Các bên trong hợp đồng uỷ quyền có thể là cá nhân và/hoặc pháp nhân:
Nếu một hoặc các bên là pháp nhân thì hợp đồng cần có các thông tin cơ bản sau:
- Tên pháp nhân
- Giấy chứng nhận đăng ký / Giấy phép hoạt động
- Mã số thuế
- Địa chỉ trụ sở chính
- Điện thoại, Email
- Người đại diện ký hợp đồng: là người đại diện theo pháp luật (theo quy định tại Điều lệ hoạt động) hoặc người đại diện theo uỷ quyền. Nếu là người đại diện theo uỷ quyền thì cần đảm bảo là giấy uỷ quyền hợp lệ được cung cấp
Nếu điều lệ của pháp nhân quy định việc giao kết hợp đồng (thường với giá trị lớn) cần có sự chấp thuận của các cơ quan quản lý nội bộ (như hội đồng thành viên trong công ty TNHH hay đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị trong công ty cổ phần) thì việc giao kết hợp đồng uỷ quyền cũng cũng cần được chấp thuận như vậy.
Lưu ý quan trọng: Hợp đồng uỷ quyền sẽ không có hiệu lực nếu các bên (hoặc người đại diện của các bên) không có thẩm quyền giao kết hợp đồng. Hay nói cách khác, hợp đồng sẽ bị tuyên vô hiệu và hậu quả là các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận và bên có lỗi phải bồi thường.
Nếu một hoặc các bên là cá nhân thì hợp đồng cần có các thông tin cơ bản sau:
- Họ tên
- Ngày tháng năm sinh
- Giới tính
- Căn cước công dân
- Địa chỉ
- Điện thoại
Khi một bên là cá nhân trong hợp đồng thì cần đảm bảo cá nhân đó là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nếu không thì hợp đồng có thể bị vô hiệu. Lưu ý các trường hợp sau:
- Nếu một hoặc các bên trong hợp đồng uỷ quyền là người bị mất hành vi dân sự (mắc bệnh tâm thần, mất trí, người sống thực vật…), bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (người nghiện, người thiểu năng trí tuệ…), thì ký hợp đồng thông qua người đại diện hợp pháp.
- Nếu một hoặc các bên trong hợp đồng uỷ quyền là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc ký hợp đồng phải thực hiện bởi người đại diện hợp pháp
- Một người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thực hiện hợp đồng bằng tài sản riêng của mình thì mới đủ năng lực ký kết hợp đồng.
>>> Xem thêm: Hợp đồng vô hiệu
2. Mục đích của hợp đồng ủy quyền
Căn cứ trên khả năng và nhu cầu của các bên, bên A đồng ý thuê bên B và bên B đồng ý cung cấp dịch vụ ủy quyền cho bên A để thực hiện các công việc trong phạm vi ủy quyền.
Lưu ý: Mặc dù công việc mà một bên yêu cầu bên kia thực hiện là do hai bên thoả thuận nhưng cũng không được vi phạm pháp luật, trái với đạo đức. Nếu công việc uỷ quyền thuộc một trong các trường hợp này thì hợp đồng uỷ quyền sẽ vô hiệu.
===>>> Xem thêm: Hợp đồng vô hiệu
3. Phạm vi ủy quyền
- Xác định rõ công việc mà bên ủy quyền được thay mặt cho bên được ủy quyền thực hiện. Công việc ủy quyền cần xác định cụ thể, ví dụ: thay mặt bên A ký kết hợp đồng; thay mặt bên A thực hiện công việc;…..
- Bên ủy quyền không được thực hiện bất kỳ công việc nào vượt quá phạm vi ủy quyền trong hợp đồng này;
- Bên được ủy quyền sẽ không chịu bất kỳ nghĩa vụ, trách nhiệm nào phát sinh từ việc thực hiện công việc vượt quá phạm vi ủy quyền của bên ủy quyền;

4. Thời hạn của hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng cần quy định thời hạn uỷ quyền:
- thời hạn có thể được tính bằng năm, tháng, hoặc
- thời hạn kết thúc khi công việc uỷ quyền hoàn thành
Lưu ý: Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền, căn cứ điều 563 Bộ luật dân sự 2015.
5. Thù lao, phương thức thanh toán trong hợp đồng ủy quyền
Thù lao:
- Thù lao ủy quyền do các bên thỏa thuận;
- Thù lao cần xác định rõ là theo khối lượng công việc thực hiện hoặc theo một khoản tiền nhất định;
Thanh toán:
- Thời gian;
- Phương thức;
- Xác định các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng do bên nào chịu.
6. Quyền và nghĩa vụ bên ủy quyền
a. Quyền của bên ủy quyền:
Quyền của bên ủy quyền được quy định tại điều 565 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
-
Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.
-
Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
-
Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 của Bộ luật này.
b. Nghĩa vụ của bên ủy quyền:
Nghĩa vụ của bên ủy quyền được quy định tại điều 567 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
-
Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc.
-
Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền.
-
Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.

7. Quyền và nghĩa vụ bên được ủy quyền
a. Quyền của bên được ủy quyền:
Quyền của bên được ủy quyền được quy định tại điều 566 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
-
Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.
-
Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.
b. Nghĩa vụ của bên được ủy quyền:
Nghĩa vụ của bên được ủy quyền được quy định tại điều 565 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
-
Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.
-
Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.
-
Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.
-
Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.
-
Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
-
Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.

8. Ủy quyền lại
Bên được ủy quyền chỉ được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp nếu có sự đồng ý của bên uỷ quyền. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
Lưu ý: Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu: nếu hợp đồng uỷ quyền được công chứng, chứng thực thì hợp đồng uỷ quyền lại cũng phải được công chứng, chứng thực.
9. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền
a. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền có thù lao
Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
Lưu ý: Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.
b. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền không có thù lao
Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.
VI. Dịch vụ tư vấn, soạn thảo hợp đồng uỷ quyền
Công ty Luật Thái An cam kết đem đến chất lượng dịch vụ pháp lý tốt nhất cho khách hàng. Luật sư sẽ thực hiện những công việc sau trong phạm vi dịch vụ tư vấn, soạn thảo hợp đồng uỷ quyền:
- Xác định tư cách chủ thể hợp đồng để hợp đồng không bị vô hiệu
- Xây dựng các điều khoản cần phải có trong hợp đồng; Bảo đảm các điều khoản được soạn thảo một cách chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng và có lợi nhất cho khách hàng
- Tiếp thu ý kiến hoặc tiếp nhận thông tin bổ sung từ khách hàng (hoặc đối tác của khách hàng)
- Thẩm định những ý kiến đóng góp của khách hàng hoặc đối tác của khách hàng
- Cân bằng lợi ích của các bên (trường hợp đối tác bổ sung ý kiến bất lợi cho khách hàng)
Luật sư Thái An tư vấn, soạn thảo hợp đồng uỷ quyền theo các chuẩn mực sau:
- dựa trên yêu cầu cụ thể của từng khách hàng
- dựa trên bối cảnh cụ thể của từng khách hàng
- phù hợp với các quy định của pháp luật
- sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, súc tích, chính xác
Hãy liên hệ với Luật Thái An để được tư vấn hợp đồng uỷ quyền để bảo đảm quyền và lợi ích!
- Hợp đồng thuê nhà xưởng - 20/07/2023
- Hợp đồng thuê văn phòng – Những điều cần biết - 15/07/2023
- Hợp đồng thuê mặt bằng – Tất cả những điều cần biết - 28/06/2023
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.