Doanh nghiệp phá sản: Điều kiện, thủ tục và hậu quả như thế nào?

Hàng ngày tại Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp được thành lập và cũng nhiều doanh nghiệp được giải thể hoặc tuyên bố phá sản. Lý do phá sản là do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và mất khả năng thanh toán. Khi doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng khó khăn thì tuyên bố phá sản là một giải pháp giúp doanh nghiệp không tiếp tục lấn sâu vào nợ nần. Điều kiện để tuyên bố phá sản là gì, thủ tục phá sản như thế nào và hậu quả pháp lý của việc doanh nghiệp tuyên bố phá sản ra sao? Bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An sẽ trả lời cho bạn.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định doanh nghiệp phá sản

Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định doanh nghiệp phá sản là Luật Phá sản năm 2014.

2. Thế nào là phá sản?

Định nghĩa phá sản được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 như sau:

“Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.”

3. Điều kiện để doanh nghiệp phá sản

Căn cứ vào định nghĩa về phá sản doanh nghiệp thì để được công nhận là phá sản, doanh nghiệp phải đáp ứng hai điều kiện sau đây:

a. Điều kiện thứ nhất để doanh nghiệp phá sản: Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán

Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014 quy định:

“Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”.

Việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán bao gồm hai trường hợp: (i) Không có tài sản để thanh toán các khoản nợ; (ii) Có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.

Như vậy, chỉ khi Doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thanh toán từ 03 tháng trở đi mới được xem là mất khả năng thanh toán. Việc pháp luật quy định như trên cho phép Doanh nghiệp có thêm thời gian thu xếp thanh toán các khoản nợ, đồng thời hạn chế tình trạng chủ nợ lạm dụng quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, gây áp lực với Doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

b. Điều kiện thứ hai để doanh nghiệp phá sản: Doanh nghiệp bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản

Như vậy, khi chưa có quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án nhân dân có thẩm quyền thì doanh nghiệp chưa thể coi là bị phá sản.

điều kiện, thủ tục và hậu quả pháp lý của doanh nghiệp phá sản
Điều kiện, thủ tục và hậu quả pháp lý của doanh nghiệp phá sản khá phức tạp.

4. Thủ tục phá sản doanh nghiệp

Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản theo thủ tục phá sản doanh nghiệp được quy định tại Luật phá sản 2014, bao gồm các bước sau:

Bước 1 trong thủ tục phá sản: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Chỉ những người có quyền và nghĩa vụ liên quan mới có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Bước 2 trong thủ tục phá sản: Xem xét, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ xem xét đơn, nếu đơn hợp lệ Tòa án sẽ thông báo việc nộp lệ phí và tạm ứng phí phá sản. Trường hợp đơn chưa hợp lệ, Tòa án sẽ yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn. Nếu người nộp đơn không có quyền nộp đơn hoặc từ chối sửa đổi, bổ sung đơn… thì Tòa án sẽ trả lại đơn.

Tòa án sẽ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản. Sau đó, Tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản (trừ trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn).

Bước 3 trong thủ tục phá sản: Mở thủ tục phá sản

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản và phải gửi thông báo đến những người liên quan.

Trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo toàn tài sản như tuyên bố giao dịch vô hiệu, tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng… Đặc biệt sẽ kiểm kê lại tài sản, lập danh sách chủ nợ, lập danh sách người mắc nợ…

Bước 4 trong thủ tục phá sản: Tổ chức hội nghị chủ nợ

Hội nghị chủ nợ là cuộc họp của các chủ nợ được triệu tập trong thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp để thảo luận thông qua phương án hòa giải, giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc kiến nghị về phương án phân chia tài sản khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.

Theo quy định của Luật phá sản 2014, trong vòng 20 ngày kể từ ngày lập danh sách chủ nợ hoặc kiểm kê tài sản kết thúc thì Thẩm phán sẽ triệu tập hội nghị chủ nợ, trừ trường hợp không phải tổ chức hội nghị chủ nợ quy định tại Điều 105 Luật Phá sản 2014. Chậm nhất là 15 ngày trước khi khai mạc hội nghị chủ nợ thì Thông báo triệu tập hội nghị chủ nợ và các tài liệu khác có liên quan phải được gửi cho người có quyền và người có nghĩa vụ tham gia hội nghị, trong giấy triệu tập phải ghi rõ: thời gian và địa điểm tổ chức, chương trình, nội dung của hội nghị chủ nợ.

Thành phần tham gia của hội nghị chủ nợ bao gồm:

  • Chủ thể có quyền: Các chủ nợ có tên trong danh sách chủ nợ hoặc người được chủ nợ uỷ quyền bằng văn bản; đại diện người lao động hoặc đại diện công đoàn được người lao động uỷ quyền; người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho doanh nghiệp mắc nợ (chủ nợ không có bảo đảm).
  • Chủ thể có nghĩa vụ: Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; Chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (nếu không tham gia được thì có thể ủy quyền cho người khác).

Hội nghị chủ nợ do Thẩm phán được phân công giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp triệu tập và chủ trì. Hội nghị chỉ hợp lệ khi có sự tham gia của quá nửa số chủ nợ, đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm. Trường hợp chủ nợ không tham gia hội nghị chủ nợ nhưng có ý kiến bằng văn bản gửi cho Thẩm phán trước ngày tổ chức hội nghị chủ nợ, trong văn bản đó có ghi rõ ý kiến về những nội dung quy định tại khoản 1 Điều 83 của Luật Phá sản 2014 thì được coi như là có tham gia hội nghị chủ nợ.

Hội nghị chủ nợ có thể được hoãn 1 lần nếu được triệu tập không hợp lệ hoặc đa số chủ nợ có mặt tại hội nghị biểu quyết hoãn hội nghị. Hội nghị chủ nợ triệu tập lại hợp lệ khi có sự tham gia của số chủ nợ đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm. Nếu hội nghị lần này vẫn không hợp lệ thì Thẩm phán lập biên bản và quyết định tuyên bố phá sản.

Nghị quyết của hội nghị chủ nợ được thông qua khi có quá nửa tổng số chủ nợ không có đảm bảo có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành.

Các trường hợp có thể xảy ra sau khi tiến hành hội nghị chủ nợ:

  • Đình chỉ thủ tục phá sản: doanh nghiệp không mất khả năng thanh toán;
  • Áp dụng các biện pháp phục hổi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp;
  • Tuyên bố phá sản doanh nghiệp dựa trên một trong các căn cứ: (i) Hội nghị chủ nợ không thành công sau 02 lần triệu tập; (ii) Khi có nghị quyết của hội nghị chủ nợ; (iii) Có nghị quyết cho phép áp dụng thủ tục phục hồi nhưng doanh nghiệp không thể phục hồi.

Bước 5 trong thủ tục phá sản: Phục hồi Doanh nghiệp hay tuyên bố Doanh nghiệp phá sản

Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp vẫn mất khả năng thanh toán thì Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Cơ quan thi hành án dân sự, quản tài viên phối hợp thực hiện việc thanh lý và phân chia tài theo quy định.

5. Hậu quả pháp lý của việc tuyên bố doanh nghiệp phá sản

Hậu quả pháp lý của việc tuyên bố doanh nghiệp phá sản là doanh nghiệp chính thức chấm dứt sự tồn tại về mặt pháp lý và được quy định tại Điều 108, Điều 109, Điều 110, Điều 130 Luật Phá sản 2014. Cụ thể như sau:

a. Chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp phá sản

  • Chấm dứt thực hiện nghĩa vụ tính lãi đối với doanh nghiệp;
  • Đình chỉ giao dịch liên quan đến doanh nghiệp;
  • Tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu;
  • Giải quyết hậu quả của giao dịch bị đình chỉ; chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết quyền lợi với người lao động.

b. Xóa tên doanh nghiệp phá sản

Tòa án phải gửi quyết định cho cơ quan đăng ký kinh doanh để xóa tên doanh nghiệp khỏi sổ đăng ký kinh doanh.

c. Nghĩa vụ trả nợ đối với chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên công ty hợp danh là doanh nghiệp phá sản

Căn cứ Điều 110 Luật Phá sản 2014 về nghĩa vụ về tài sản sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản thì mặc dù Doanh nghiệp đã bị xóa sổ, nhưng Doanh nghiệp bị phá sản vẫn chưa hoàn toàn được giải phóng khỏi nghĩa vụ về tài sản. Đối với trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh thì chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh không được miễn trừ nghĩa vụ tài sản đối với chủ nợ chưa được thanh toán, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

d. Cấm đảm nhiệm chức vụ đối với chủ doanh nghiệp phá sản

Người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước kể từ ngày doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản.

Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản thì sẽ không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước.

Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật phá sản 2014 thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Quy định này không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản với lý do bất khả kháng.

Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi về các quy định trong trường hợp doanh nghiệp tuyên bố phá sản. Xin lưu ý là sau thời điểm đăng bài này, các quy định của luật pháp có thể đã thay đổi. Hãy gọi điện tới TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT để được hỗ trợ kịp thời!


Tác giả bài viết:

Tiến sỹ luật học, Luật sư Nguyễn Văn Thanh – Giám đốc Công ty Luật Thái An

Thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Lĩnh vực hành nghề chính:

  • Tư vấn pháp luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Thương mại, Lao động, Dân sự, Hình sự, Đất đai, Hôn nhân và gia đình;
  • Tố tụng và giải quyết tranh chấp: Kinh doanh thương mại, Đầu tư, Xây dựng, Lao động, Bảo hiểm, Dân sự, Hình sự, Hành chính, Đất đai, Hôn nhân và gia đình.

Xem thêm: Luật sư Nguyễn Văn Thanh.

Nguyễn Văn Thanh

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG 

Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.

  • Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
  • Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
  • Để được Cung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)






    1900633725
    Yêu cầu dịch vụ

    Gọi điện cho luật sư
    Gọi cho luật sư

    Tư vấn văn bản
    Tư vấn văn bản

    Dịch vụ trọn gói
    Dịch vụ trọn gói