Chia tài sản khi ly hôn – Tư vấn chi tiết của luật sư!

Ly hôn là sự chấm dứt hôn nhân, điều này dẫn đến việc phân định các quyền và nghĩa vụ giữa hai bên. Chia tài sản khi ly hôn là một trong những vấn đề phức tạp và nhạy cảm nhất, do liên quan đến cả quyền lợi kinh tế và tình cảm của các bên liên quan.

1. Quy định của pháp luật về chia tài sản khi ly hôn

a. Chia tài sản khi ly hôn trong đa số các trường hợp

Trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận về chế độ tài sản vợ chồng, vợ chồng chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân (chúng tôi trình bầy ở phần sau) thì pháp luật quy định như sau về chia tài sản khi ly hôn:

Không chia tài sản khi ly hôn đối với tài sản riêng: Luật Hôn nhân gia đình 2014 đã khẳng định tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó và không đem ra chia, căn cứ khoản 4, điều 59:

Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

>>> Xem thêm: Tài sản riêng của vợ chồng

Căn cứ Điều 59 Luật Hôn nhâ gia đình 2014 và Điều 7 Thông tư 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì TÀI SẢN CHUNG của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến một số yếu tố.

Vậy trước tiên, cần hiểu thế nào là tài sản chung của vợ chồng. Về cơ bản thì tài sản chung của vợ chồng là tài sản có sau khi kết hôn và không bao gồm tài sản riêng. Để hiểu thêm, bạn hãy đọc bài viết:

>>> Xem thêm: Tài sản chung của vợ chồng

Các yếu tố ảnh hưởng tới việc chia đôi tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn là:

  • Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng: là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.
  • Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Đó là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.
  • Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập: là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

Ví dụ: Vợ chồng có tài sản chung là một chiếc ô tô người chồng đang chạy xe taxi trị giá 400 triệu đồng và một cửa hàng tạp hóa người vợ đang kinh doanh trị giá 200 triệu đồng. Khi giải quyết ly hôn và chia tài sản chung, Tòa án phải xem xét giao cửa hàng tạp hóa cho người vợ, giao xe ô tô cho người chồng để họ tiếp tục kinh doanh, tạo thu nhập. Người chồng nhận được phần giá trị tài sản lớn hơn phải thanh toán cho người vợ phần giá trị là 100 triệu đồng.

  • Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng: là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn. Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

b. Chia tài sản khi ly hôn trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận

Chế độ tài sản theo thỏa thuận được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Nếu vợ chồng đã có thoả thuận về tài sản khi kết hôn thì việc chia tài sản khi ly hôn được thực hiện dựa trên thoả thuận đó.

Nếu thỏa thuận không đầy đủ, không rõ ràng hoặc thoả thuận bị vô hiệu thì áp dụng quy định chung về chia tài sản vợ chồng trình bầy ở phần trên.

c. Chia tài sản khi ly hôn trường hợp vợ chồng có thoả thuận chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân,

Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng. Trừ trường hợp thoả thuận này bị vô hiệu (khi vi phạm pháp luật), còn thì những tài sản đã được đưa vào thoả thuận này thì sẽ được chia theo thoả thuận đó. 

Tài sản khác (không phải tài sản riêng, không đưa vào thoả thuận chia tài sản chung vợ chồng) thì được chia theo nguyên tắc chung đã trình bầy ở trên.

Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn
Các nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn là gì ? – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

2. Quy trình chia tài sản khi ly hôn:

Việc chia tài sản khi ly hôn cần được thực hiện từng bước một. Đó là các bước sau:

Bước 1 chia tài sản khi ly hôn: Đánh giá và xác định tài sản cần phân chia

Vợ chồng cần lập một danh sách chi tiết về tài sản, bao gồm giá trị hiện tại của chúng.

Việc định giá tài sản dựa trên giá trị trên thị trường của tái sản tại thời điểm chia (có tính khấu hao đối với tài sản là các đồ vật như oto, xe máy…) Giá trị bất động sản thay đổi theo thời gian nên việc định giá không dựa trên giá trị khi mua mà dựa trên giá tại thời điểm chia tài sản. Cách thức định giá như vậy mới tuân thủ điểm 5 điều 7 Thông tư 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP theo đó:

Giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc.”

Bước 2 chia tài sản khi ly hôn: Vợ chồng thương lượng hoặc nhờ Toà án giải quyết

Vợ chồng thương lượng chia tài sản khi ly hôn:

Khi ly hôn vợ chồng nên thỏa thuận việc phân chia tài sản. Đây là phương thức chia tài sản khi ly hôn tốt nhất do hai bên giữ được mối quan hệ hoà hảo sau ly hôn, việc phân chia nhanh chóng và đỡ tốn kém do không phải chịu án phí khi yêu cầu Toà án chia tài sản vợ chồng.

Lưu ý: án phí trong trường hợp yêu cầu Toà án chia tài sản là án phí theo giá ngạch, tính theo % giá trị tài sản cần chia – chi tiết có tại bài viết này:

>>> Xem thêm: Tìm hiểu án phí ly hôn

Vợ chồng thương lượng một cách thiện chí với mục tiêu là đạt được một thỏa thuận hợp lý và công bằng mà cả hai bên đều chấp nhận. Nếu cảm thấy khó khăn thì vợ chồng có thể sử dụng dịch vụ trung gian, có thể nhờ người am hiểu và có uy tín đối với cả hai vợ chồng – có thể là luật sư là người hiểu biết pháp luật và có kỹ năng đàm phán, thương lượng. Điều này giúp giảm bớt sự căng thẳng và xung đột, đồng thời tăng khả năng đạt được thỏa thuận.

Để đảm bảo tính hợp pháp của việc thoả thuận chia tài sản đối với bất động sản và các tài sản phải đăng ký (thí dụ: xe máy, oto, du thuyền, máy bay…) thì cần thực hiện việc tặng cho tài sản giữa vợ và chồng với hai bước là ký kết hợp đồng tặng cho được công chứng và sang tên trên giấy chứng nhận đăng ký đối với tài sản được tặng cho.

Yêu cầu toà án chia tài sản khi ly hôn:

Nếu vợ chồng không thể thoả thuận được về việc chia tài sản khi ly hôn thì họ có thể yêu cầu Toà án giải quyết việc chia tài sản đồng thời với việc ly hôn hoặc sau khi đã ly hôn.

Toà án sẽ thực hiện các bước sau:

  • xác định tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng;
  • xác định tài sản nào thuộc khối tài sản chung vợ chồng;
  • xác định nguồn gốc, giá trị, số lượng, tình hình tài sản, tình trạng cụ thể của gia đình, cũng như công sức đóng góp của mỗi bên vợ, chồng
  • xác định nợ chung của vợ chồng với bên thứ ba (thí dụ vay tiền ngân hàng, nợ phải trả…)

>>> Xem thêm: Nợ chung của vợ chồng khi ly hôn

Sau đó, Toà án áp dụng các nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn quy định tại Luật hôn nhân và gia đình để chia tài sản. Sau các phiên hoà giải, xét xử tại toà thì hộ đồng xét xử ra bản án về việc ly hôn và chia tài sản, quy định việc chấm dứt hôn nhân, người vợ và người chông sẽ có tài sản gì sau khi ly hôn, cũng như mỗi người phải tiếp tục trả nợ chung như thế nào ?

Lưu ý:

  • Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, theo quy định tại Điểm 6 điều 7 Thông tư 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.
  • Nếu tài sản không thể chia (thí dụ ngôi nhà, miếng đất nhỏ) thì chia theo giá trị: một bên trả cho bên kia giá trị của phần tài sản được chia.

Bước 3 chia tài sản khi ly hôn: Tiến hành chia tài sản

Nếu vợ chồng thoả thuận về việ chia tài sản thì nên có văn bản thoả thuận do luật sư soạn thảo. Ở bước này, vợ chồng thực hiện các cam kết của mình gồm làm hợp đồng tặng cho hoặc chuyển nhượng và sang tên tài sản trên giấy chứng nhận đăng ký tài sản (bất động sản, tài sản phải đăng ký như oto, xe máy, du thuyền…)

Trường hợp vợ chồng yêu cầu Toà án chia tài sản khi ly hôn thì Toà sẽ ra phán quyết. Phán quyết có hiệu lực pháp luật của Toà án là có tính bắt buộc thực hiện đối với các bên. Nếu các bên không tự nguyện thực hiện thì một bên yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thực hiện bản án. Đối với các tài sản là bất động sản thì bản án là cơ sở để thực hiện thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai, nhà ở. Tương tự như vậy đối với tài sản phải đăng ký như xe máy, oto…

3. Một số câu hỏi thường gặp và trường hợp đặc biệt chia tài sản khi ly hôn

a. Chia tài sản khi ly hôn thì con cái được gì?

Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, Công ty Luật Thái An thường gặp các thắc mắc của khách hàng về việc chia tài sản vợ chông khi ly hôn cho con. Chúng tôi xin trả lời sau đây:

Nếu tài sản được xác định là tài sản chung của vợ chồng thì chỉ chia cho vợ chồng. Tài sản chỉ được chia cho con nếu con đóng góp vào việc tạo dựng khối tài sản chung đó.

Nếu người vợ, người chồng muốn dành tài sản cho con thì có thể thực hiện việc tặng cho với điều kiện con từ 18 tuổi trở lên. Việc tặng cho tài sản được thực hiện theo hợp đồng tặng cho được công chứng và sang tên trên giấy chứng nhận sở hữu tài sản.

Nếu có chưa đủ 18 tuổi thì vợ chồng có thể làm vi bằng. Vi bằng là việc thoả thuận giữa các bên có sự làm chứng của tổ chức thừa phát lại. Vi bằng ghi rõ nội dung của thoả thuận và được đăng ký với Sở tư pháp. Vi bằng là bằng chứng có giá trị pháp lý, các bên có nghĩa vụ phải thực hiện nội dung của vi bằng.

b. Chia tài sản khi ly hôn trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình

Rất nhiều trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình của chồng hoặc vợ. Trong quá trình chung sống, vợ chồng góp tiền của, công sức vào việc khai thác, duy trì, tôn tạo tài sản là đất đai, nhà ở, tài sản của gia đình. Khi ly hôn thì có chia tài sản này không ?

Điều 61 Luật Hôn nhân gia đình 2014 đã quy định cụ thể như sau:

“Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình.

Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này” (nghĩa là theo nguyên tắc chung đã trình bầy ở phần trên).

c. Chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh

Cũng rất nhiều trường hợp vợ chồng cùng nhau kinh doanh, thí dụ mở cửa hàng, thành lập hoặc góp vốn vào công ty… Khi ly hôn thì tài sản có được từ việc kinh doanh (thí dụ tài sản, cổ phần công ty cổ phần, vốn góp công ty TNHH…) sẽ được chia theo nguyên tắc chung (đã trình bầy ở phần trên), căn cứ Điều 64 Luật hôn nhân gia đình 2014:

Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.

Do vợ chồng sẽ không muốn cùng kinh doanh sau khi ly hôn nên việc chia tài sản công ty sẽ được thực hiện bằng tiền hoặc tài sản khác dựa trên giá trị của tài sản phân chia. Để việc chia tài sản chung đưa vào kinh doanh được an toàn pháp lý và tránh rủi ro tranh chấp, vợ chồng nên nhờ luật sư tư vấn, soạn thảo các văn bản thoả thuận, chuyển nhượng để đảm bảo tuân thủ pháp luật và có lợi về thuế.

d. Chia tài sản khi ly hôn đối với đất đai, nhà ở

Việc chia tài sản khi ly hôn đối với đất đai, nhà ở cũng dựa trên nguyên tắc đã trình bầy ở đầu bài viết, nhưng cần lưu ý những vấn đề sau:

Nếu đất đai là tài sản chung của vợ chông đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là sổ đỏ) nhưng giấy chứng nhận đứng tên vợ hoặc chồng thì vẫn phải chia theo nguyên tắc chung

Nếu đất đai là tài sản chung của vợ chồng và là đất nông nghiệp (trồng lúa, trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản…) và cả vợ và chồng đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp thì hai bên thoả thuận, không thoả thuận được thì yêu cầu Toà chia. Trường hợp vợ hoặc chông không trực tiếp làm nông nghiệp thì Toà sẽ phán quyết để cho người có điều kiện làm nông nghiệp nhận đất, và trả cho người kia giá trị phần tài sản được chia. Cơ sở pháp lý là khoản 2 điều 62 Luật hôn nhân gia đình 2014.

Khi ly hôn, nếu nhà ở là tài sản riêng của một người mà người kia có khó khăn về chỗ ở thì được tiếp tục ở trong vòng 6 tháng sau khi ly hôn, căn cứ điều 63 Luật hôn nhân gia đình 2014.

đ. Chia tài sản SAU KHI ly hôn có được không ?

Rất nhiều khách hàng hỏi là khi ly hôn không chia tài sản, chia tài sản sau khi ly hôn được không ?

Khi làm thủ tục ly hôn, vợ chồng có thể không yêu cầu Toà án giải quyết vấ đề tài sản. Khi đó, Toà án ra quyết định (trường hợp ly hôn thuận tình) hoặc bản án (trường hợp ly hôn đơn phương) về việc chấm dứt hôn nhân, nuôi con chung (nếu có). Tài sản chung của vợ chồng vẫn chưa được chia kể cả sau khi ly hôn.

Để chia tài sản sau khi ly hôn thì vợ chồng có thể thoả thuận, không thoả thuận được thì khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền với yêu cầu chia tái ản sau khi ly hôn. Khi đó sẽ là một vụ án riêng, phán quyết của Toà án mang tính bắt buộc thực hiện với hai bên vợ chồng.

>>> Xem thêm: Phân chia tài sản sau khi ly hôn

5. Những điều cần lưu ý khi chia tài sản khi ly hôn

Vợ chồng càng có nhiều tài sản chung thì việc chia tài sản khi ly hôn càng phức tạp, do đó bạn cần hết sức lưu ý những vấn đề sau:

  • Cần hiểu quyền và nghĩa vụ của mình liên quan tới chia tái sản vợ chồng khi ly hôn
  • Cần lưu ý về các nghĩa vụ tài chính, các khoản nợ được coi là nợ chung của vợ chồng. Ngay cả sau khi ly hôn thì vợ chồng vẫn tiếp tục phải trả nợ khoản nợ chung của vợ chồng. Do đó, khi ly hôn, vợ chồng phải thoả thuận được về việc chia nợ chung – điều này rất quan trọng:

>>> Xem thêm:Chia nợ chung vợ chồng khi ly hôn

  • Hãy đề phòng các rủi ro và tranh cãi có thể xảy ra trong quá trình chia tài sản
  • Tránh việc ẩn giấu tài sản, điều này có thể dẫn đến việc vi phạm pháp luật và làm mất niềm tin.

6. Có nên nhờ luật sư hỗ trợ bạn phân chia tài sản khi ly hôn?

Việc nhờ luật sư hõ trợ phân chia tài sản khi ly hôn đem lại nhiều lợi ích: Luật sư không chỉ cung cấp rất nhiều thông tin ly hôn, giúp các bên hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, mà còn đóng vai trò là một trung gian giữa hai bên để đảm bảo quá trình diễn ra một cách minh bạch và công bằng.

Đối mặt với việc ly hôn đã là một quá trình tâm lý căng thẳng, và nếu thêm vào đó là các tranh chấp về tài sản, mọi thứ có thể trở nên còn phức tạp hơn. Ở điểm này, một luật sư không chỉ đóng vai trò như một chuyên gia tư vấn mà còn như một người hỗ trợ tâm lý. Họ giúp mỗi bên giữ vững lập trường, tránh những quyết định vội vàng dựa trên cảm xúc, và đảm bảo rằng mọi quyết định đều dựa trên lợi ích tốt nhất của họ.

Đồng thời, việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ một luật sư cũng đảm bảo rằng mọi thủ tục pháp lý đều được tuân thủ. Những điều này bao gồm việc đảm bảo tất cả các tài liệu cần thiết đều được soạn thảo một cách chính xác, nộp đúng hạn, và mọi buổi điều trần tại tòa đều được dự định đúng cách.

Ngoài ra, trong những trường hợp mà việc thương lượng trực tiếp giữa hai bên trở nên bế tắc, luật sư có thể đề xuất việc sử dụng dịch vụ ly dị gồm trung gian hoà giải hoặc thậm chí đưa vụ việc ra tòa. Với sự hỗ trợ của luật sư, mỗi bên có thể tin tưởng rằng quyền lợi của họ đều được bảo vệ tốt nhất, và họ sẽ không bị lạc hậu trong bất kỳ thỏa thuận nào.

 

HÃY LIÊN HỆ VỚI CÔNG TY LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ PHÁP LÝ!

Nguyễn Văn Thanh