Ban kiểm soát hợp tác xã: Các quy định cần biết!

Để bảo đảm hoạt động minh bạch của hợp tác xã, cần có một bộ phận thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động của hợp tác xã bao gồm hội đồng quản trị, giám đốc, thành viên hợp tác xã. Pháp luật có những quy định cụ thể về ban kiểm soát hợp tác xã để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của tất cả các hợp tác xã trên cả nước. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An sẽ tư vấn về vấn đề ban kiểm soát hợp tác xã.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh

Cơ sở pháp lý điều chỉnh là các văn bản pháp luật như sau:

  • Luật Hợp tác xã năm 2012
  • Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/ 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;

2. Ban kiểm soát hợp tác xã là gì?

Căn cứ theo Điều 39 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định về ban kiểm soát, kiểm soát viên thì Ban kiểm soát hợp tác xã là bộ phận hoạt động độc lập, kiểm tra và giám sát hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật và điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Hợp tác xã có từ 30 thành viên trở lên, liên hiệp hợp tác xã có từ 10 hợp tác xã thành viên trở lên phải bầu ban kiểm soát. Đối với hợp tác xã có dưới 30 thành viên, liên hiệp hợp tác xã có dưới 10 hợp tác xã thành viên, việc thành lập ban kiểm soát do điều lệ quy định.

Nhiệm kỳ của ban kiểm soát theo là theo nhiệm kỳ của hội đồng quản trị.

3. Thành phần ban kiểm soát hợp tác xã:

Ban kiểm soát hợp tác xã do đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số thành viên, đại diện hợp tác xã thành viên theo thể thức bỏ phiếu kín. Số lượng thành viên ban kiểm soát do đại hội thành viên quyết định nhưng không quá 07 người, gồm trưởng ban kiểm soát và các kiểm soát viên:

  • Trưởng ban kiểm soát: Do đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số các thành viên ban kiểm soát.
  • Kiểm soát viên: phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
    • Là thành viên hợp tác xã;
    • Không đồng thời là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng hợp tác xã và không phải là cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; vợ, chồng; con, con nuôi; anh, chị, em ruột của thành viên hội đồng quản trị, thành viên khác của ban kiểm soát;
    • Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Tòa án cấm hành nghề kinh doanh;
    • Người đã bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm sở hữu, các tội phạm về quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;

Ngoài ra còn có thể có các điều kiện khác do Điều lệ hợp tác xã quy định.

ban kiểm soát hợp tác xã
Ban kiểm soát hợp tác xã có những quyền hạn đặc biệt.

4. Quyền hạn của ban kiểm soát hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Quyền hạn, nhiệm vụ của ban kiểm soát hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như sau:

  1. Kiểm tra, giám sát hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật và điều lệ;
  2. Kiểm tra việc chấp hành điều lệ, nghị quyết, quyết định của đại hội thành viên, hội đồng quản trị và quy chế của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
  3. Giám sát hoạt động của hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), thành viên, hợp tác xã thành viên theo quy định của pháp luật, điều lệ, nghị quyết của đại hội thành viên, quy chế của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
  4. Kiểm tra hoạt động tài chính, việc chấp hành chế độ kế toán, phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ, sử dụng các quỹ, tài sản, vốn vay của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các khoản hỗ trợ của Nhà nước;
  5. Thẩm định báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm của hội đồng quản trị trước khi trình đại hội thành viên;
  6. Tiếp nhận kiến nghị liên quan đến hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị hội đồng quản trị, đại hội thành viên giải quyết theo thẩm quyền;
  7. Trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên được tham dự các cuộc họp của hội đồng quản trị nhưng không được quyền biểu quyết;
  8. Thông báo cho hội đồng quản trị và báo cáo trước đại hội thành viên về kết quả kiểm soát; kiến nghị hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) khắc phục những yếu kém, vi phạm trong hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
  9. Yêu cầu cung cấp tài liệu, sổ sách, chứng từ và những thông tin cần thiết để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát nhưng không được sử dụng các tài liệu, thông tin đó vào mục đích khác;
  10. Chuẩn bị chương trình và triệu tập đại hội thành viên bất thường theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật này;
  11. Thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và điều lệ.

Lưu ý: Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên được sử dụng con dấu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để thực hiện nhiệm vụ của mình.

5. Ban kiểm soát có thù lao không ?

Căn cứ khoản 5 điều 39 Luật hợp tác xã thì thành viên ban kiểm soát được hưởng thù lao và được trả các chi phí cần thiết khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ

6. Miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức thành viên ban kiểm soát

Căn cứ điều 39 Luật hợp tác xã thì thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

  • Bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;
  • Tự nguyện xin từ chức;
  • Bị Tòa án tuyên án hình phạt tù hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
  • Trường hợp khác theo quy định của điều lệ

Sau khi bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình trong thời gian đảm nhiệm chức vụ đó.

 

Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi về ban kiểm soát hợp tác xã. Nếu bạn cần được tư vấn chi tiết và được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn luật của Công ty Luật Thái An – luật sư sẽ giải thích cặn kẽ những gì chưa thể hiện được hết trong bài viết này.

>>> Xem thêm: A-Z về thành lập hợp tác xã

CÔNG TY LUẬT THÁI AN

Đối tác pháp lý tin cậy

Nguyễn Văn Thanh