Xử phạt vi phạm hành chính là một trong ba phương thức xử lý khi chủ thể vi phạm các quy định của pháp luật bên cạnh xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo sự phát triển của xã hội hiện nay, nhiều luật gia đánh giá nhìn chung mức xử phạt vi phạm hành chính ở nước ta còn quá nhẹ. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm pháp luật vì “được nhiều hơn mất”. Có nghĩa rằng, lợi ích họ thu về lớn hơn rất nhiều so với số tiền phạt. Đây là một vấn đề đáng phải suy ngẫm.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn quy định của pháp luật về xử phạt hành chính, các luật sư Luật Thái An đã có bài viết tư vấn dưới đây:
1. Cơ sở pháp lý quy định xử phạt hành chính
Cơ sở pháp lý quy định xử phạt vi phạm hành chính là các văn bản pháp luật sau đây:
- Luật xử lý vi phạm hành chính
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020
- Nghị định 118/2021/NĐ-CP
2. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính
a) Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
- Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
- Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
- Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
- Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;
- Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
b) Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bao gồm:
- Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96.
- Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành theo quy định.
- Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
- Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
3. Đối tượng xử phạt hành chính
Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
- Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;
- Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;
- Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Lưu ý: Các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài.
4. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính
- Cảnh cáo
Có thể nói, trong các hình thức xử phạt vi phạm hành chính thì cảnh cáo là hình thức xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng rất phổ biến. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính này được áp dụng khi người vi phạm hành chính ở mức nhẹ. Khi áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính cảnh cáo chủ yếu sẽ mang tính giáo dục đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính.
Khác với đối tượng bị áp toà án tuyên hình phạt cảnh cáo theo thủ tục tổ tụng hình sự, người bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo không được coi là có án tích và không bị ghi vào lí lịch tư pháp.
Theo quy định tại Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: “Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản”.
- Phạt tiền
Phạt tiền là một trong những hình thức xử phạt vi phạm hành chính diễn ra hàng ngày trên hầu khắp các lĩnh vực. Đây là một công cụ xử phạt hành chính hiệu quả, dễ dàng áp dụng với mọi đối tượng vi phạm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, mức phạt tiền khi vi phạm hành chính đã được nâng lên, mức phạt tối thiểu là 50.000 đồng đối với cá nhân và 100.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
Chính phủ quy định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể theo một trong các phương thức sau đây nhưng khung tiền phạt cao nhất không vượt quá mức tiền phạt tối đa :
-
- Xác định số tiền phạt tối thiểu, tối đa;
- Xác định số lần, tỷ lệ phần trăm của giá trị, số lượng hàng hóa, tang vật vi phạm, đối tượng bị vi phạm hoặc doanh thu, số lợi thu được từ vi phạm hành chính.
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính thì: “Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Khác với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính như cảnh cáo, phạt tiền, hình thức xử phạt này được áp dụng với tính chất là hình thức xử phạt chính hoặc hình thức xử phạt bổ sung. hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nghiêm trọng.
===>>> Xem thêm: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính
- Trục xuất
Theo quy định của pháp luật: Trục xuất là hình thức xử phạt vi phạm hành chính buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một quy định hoàn toàn hợp lý nhưng Luật xử lý vi phạm hành chính không quy định cụ thể đối tượng người nước ngoài thực hiện vi phạm hành chính trong những lĩnh vực nào, tính chất, mức độ nguy hiểm đến đâu thì bị trục xuất.
Trục xuất có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.
5. Các biện pháp khắc phục hậu quả xử phạt hành chính
a) Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
- Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện;
- Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;
- Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
- Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;
- Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;
- Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.
b) Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
- Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả
- Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng độc lập trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65.
6. Trường hợp không bị xử phạt hành chính?
Theo quy định tại Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi, bổ sung 2020), không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây:
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết
Khoản 11 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính định nghĩa: Tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng
Phòng vệ chính đáng là hành vi của cá nhân vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích nói trên.
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ
Sự kiện bất ngờ là sự kiện mà cá nhân, tổ chức không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi nguy hại cho xã hội do mình gây ra.
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
- Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính
Người không có năng lực trách nhiệm hành chính là người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
- Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính
Độ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
-
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý;
- Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

7. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường;.. thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
- Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau:
-
- Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
- Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm
- Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
- Trong thời hạn được quy định tại điểm a và điểm b khoản này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
8. Tình tiết giảm nhẹ khi xử phạt hành chính
Theo Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020), những tình tiết sau đây được xem là tình tiết giảm nhẹ khi xử phạt hành chính:
- Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;
- Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;
- Vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
- Vi phạm hành chính do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;
- Người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
- Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;
- Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu;
- Những tình tiết giảm nhẹ khi xử phạt hành chính khác do Chính phủ quy định.
===>>> Xem thêm: Tình tiết giảm nhẹ khi xử phạt hành chính
9. Tình tiết tăng nặng khi xử phạt hành chính
Theo Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020) , những tình tiết sau đây được xem là tình tiết tăng nặng khi xử phạt hành chính:
- Vi phạm hành chính có tổ chức;
- Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm;
- Xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên vi phạm; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
- Sử dụng người biết rõ là đang bị tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi để vi phạm hành chính;
- Lăng mạ, phỉ báng người đang thi hành công vụ; vi phạm hành chính có tính chất côn đồ;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm hành chính;
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm hành chính;
- Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính;
- Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó;
- Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính;
- Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn;
- Vi phạm hành chính đối với nhiều người, trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai.
===>>> Xem thêm: Tình tiết tăng nặng khi xử phạt hành chính
Bạn cần lưu ý rằng: Tình tiết tăng nặng khi xử phạt hành chính khi xử phạt hành chính nêu trên nếu đã được quy định là hành vi vi phạm hành chính thì không được coi là tình tiết tăng nặng khi xử phạt hành chính.
10. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
a) Hồ sơ thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính lập biên bản
Hồ sơ để thực hiện các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính lập biên bản bao gồm:
-
- biên bản vi phạm hành chính
- quyết định xử phạt hành chính
- các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.
Hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
b) Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính lập biên bản
- Bước 1: Lập biên bản xử phạt hành chính
Bước đầu tiên trong thủ tục xử phạt vi phạm hành chính lập biên bản là người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình.
Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
- Bước 2: Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính
Sau khi lập biên bản, bước thứ hai trong thủ tục xử phạt vi phạm hành chính là xác minh tình tiết vụ việc. Các tình tiết phải xác minh trong thủ tục xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
-
- Có hay không có vi phạm hành chính
- Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính
- Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
- Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra
- Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt.
- Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định
Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được thể hiện bằng văn bản.
===>>> Xem thêm: Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
- Bước 3: Xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt
Đây là thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không bắt buộc và chỉ được áp dụng trong những trường hợp cần thiết. Tùy theo loại tang vật, phương tiện cụ thể, việc xác định giá trị dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:
-
- Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu;
- Giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương; trường hợp không có thông báo giá thì theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính;
- Giá thành của tang vật, phương tiện nếu là hàng hóa chưa xuất bán;
- Đối với tang vật, phương tiện là hàng giả thì giá của tang vật, phương tiện đó là giá thị trường của hàng hóa thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính.
- Bước 4: Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính: Giải trình
-
- Khi giải trình bằng văn bản trong thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, trong thời hạn không quá 05 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
- Đối với thủ tục xử phạt vi phạm hành chính giải trình trực tiếp, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
-
Bước 5: Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự
Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và thông báo bằng văn bản cho cá nhân vi phạm.
Còn trường hợp nếu không có dấu hiệu phạm tội, truy cứu trách nhiệm hình sự thì tiến hành ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo các giai đoạn:
-
- Gửi, chuyển, công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm.
- Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng thời gian ghi trên đó.
- Thực hiện biện pháp Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính nếu trường hợp bên bị xử phạt không tự nguyện thi hành quyết định theo đúng thời gian yêu cầu.
11. Thủ tục thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
a) Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 67 Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo đó:
- Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì chỉ ra 01 quyết định xử phạt, trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính.
- Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức.
- Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm của từng cá nhân, tổ chức.
b) Thủ tục thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải thực hiện thủ tục thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cần thiết. Cụ thể là phải gửi quyết định xử phạt hành chính cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết. Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.
c) Thủ tục thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Chuyển quyết định xử phạt
Trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính ở địa bàn cấp tỉnh này nhưng cư trú, đóng trụ sở ở địa bàn cấp tỉnh khác và không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định xử phạt được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành; nếu nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở không có cơ quan cùng cấp thì quyết định xử phạt được chuyển đến UBND huyện để tổ chức thi hành.
===>>> Xem thêm: Thủ tục thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
d) Thủ tục thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng
Thủ tục thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính này được áp dụng trong trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.
e) Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.
12. Thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Theo Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ chỉ áp dụng đối với hai trường hợp như sau:
- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định về thi hành quyết định xử phạt hành
- Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm hành chính mà có quyết định thi hành biện pháp khắc phục hậu quả
Thủ tục thực hiện như sau:
- Bước 1: Thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Ra quyết định cưỡng chế
Khi chủ thể bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không thi hành theo đúng quy định thì người có thẩm quyền phải ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là bước đầu tiên trong thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
- Bước 2: Thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Gửi quyết định cưỡng chế
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người ra quyết định phải gửi quyết định cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế và cá nhân, tổ chức có liên quan.
===>>> Xem thêm: Thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.
Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; quyết định xử phạt đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt thì được coi là quyết định đã được giao.
Quyết định cưỡng chế phải được thi hành ngay khi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế.
14. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Để nói về thẩm quyền xử phạt hành chính rất rộng, bao gồm nhiều cơ quan, tổ chức trên hầu khắp các linh vực. Việc xác định thẩm quyền xử phạt là rất quan trọng bởi tình trạng chồng chéo, nhầm lẫn trong thẩm quyền là một trong những hạn chế điển hình trong hệ thống quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay. Luật xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi năm 2020 đã quy định khá cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
===>>> Xem thêm: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
15. Xử lý quyết định xử phạt hành chính sai quy định
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và kịp thời đính chính, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền.
Nếu có căn cứ để ban hành quyết định mới, thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới.
Người có thẩm quyền phải có trách nhiệm đính chính quyết định khi có sai sót về kỹ thuật soạn thảo.
Người đã ban hành quyết định tự mình hoặc theo yêu cầu của những người có thẩm quyền có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định nếu quyết định có sai sót, vi phạm mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 118/2021/NĐ-CP
16. Vi phạm hành chính mà xử lý hình sự có được không?
Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự. Vì vậy, cùng một hành vi nhưng người thực hiện chỉ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
17. Dịch vụ khiếu nại hành chính Luật Thái An
Sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn về khiếu nại là rất khôn ngoan vì bạn sẽ hiểu rõ hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, từ đó biết cách xử lý đúng đắn trong các mối quan hệ xã hội. Nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, Công ty Luật Thái An cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khiếu nại như sau:
- Tư vấn về quyền lợi của khách hàng trong vụ việc cụ thể;
- Kiểm tra căn cứ, điều kiện khiếu nại, tố cáo hành chính;
- Soạn thảo, hướng dẫn nộp đơn khiếu nại hành chính;
- Xác minh, thu thập chứng cứ, đối thoại giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo hành chính;
- Tư vấn cho khách hàng về trình tự, thủ tục khiếu nại;
- Đại diện tham gia quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính;
- Tư vấn khởi kiện khi khách hàng có nhu cầu.
===>>> Xem thêm: Dịch vụ luật sư tranh tụng, khiếu nại, tố cáo
HÃY LIÊN HỆ NGAY ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ!
- Luật sư bảo vệ thành công vụ án tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ ông cha để lại - 11/10/2023
- Hợp đồng thuê căn hộ chung cư - 08/07/2023
- Luật sư bào chữa tội tham ô tài sản với 3 hướng là gì? - 08/05/2023
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.