Quy định về Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài

Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới thì việc các công ty nước ngoài thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, được gọi là văn phòng đai diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, là rất phổ biến. Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài chịu sự điều chỉnh của Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết luật thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Bài viết sau đây sẽ giới thiệu các vấn đề pháp lý liên quan tới vấn đề này:

1. Khái niệm Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là một đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại trong phạm vi mà pháp luật Việt Nam cho phép.

2. Mục đích của việc thành lập Văn phòng đại diện là gì? 

Các doanh nghiệp thông thường thành lập Văn phòng đại diện với những mục đích sau:

  • Văn phòng đại diện có tác dụng hỗ trợ công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó Văn phòng đại diện có thể hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các nghiên cứu, khảo sát thị trường giúp doanh nghiệp tiếp cận được với thị trường mới, đối tác mới, khách hàng mới.
  • Việc thành lập một văn phòng đại diện tại một thị trường mới có tác dụng quảng bá thương hiệu, đánh dấu sự góp mặt của doanh nghiệp. Những cuộc khảo sát thị trường do văn phòng đại diện tiến hành có thể giúp cho doanh nghiệp phát hiện ra những hành vi gian lận, cạnh tranh kém lành mạnh của các doanh nghiệp khác ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
  • Văn phòng đại diện giúp thúc đẩy công việc kinh doanh,kết nốt được với nhiều đối tác, khách hàng mới, đặc biệt là đối với những ngành nghề kinh doanh dịch vụ có tính chất linh hoạt về địa điểm thực hiện công việc như xây dựng, thiết kế kiến trúc, du lịch, tư vấn,…

3. Quy định về hoạt động Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài

Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài có các quyền sau:

  • Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện.
  • Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Có thể mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng VNĐ có gốc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện. Theo quy định mới, từ ngày 1/3/2018, văn phòng đại diện sẽ không được phép mở tài khoản ngân hàng trực tiếp nhưng có thể thay đổi thành tài khoản cá nhân hoặc ủy quyền cho một người làm chủ tài khoản (theo giấy uỷ quyền).
  • Có con dấu mang tên Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Cần hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Cần hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam – Nguồn ảnh minh họa Internet

Ngoài ra, văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài có các nghĩa vụ sau:

  • Không được toạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam, chỉ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong phạm vi mà Luật thương mại cho phép, không thực hiện các hoạt động khác ngoài xúc tiến thương mại.
  • Không được giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp Trưởng Văn phòng đại diện có giấy uỷ quyền của công ty mẹ.
  • Nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Báo cáo hoạt động của Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

4. Thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

a. Điều kiện thành lập 

Theo Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, điều kiện thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài như sau::

  • Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
  • Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
  • Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
  • Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
  • Trường hợp nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành (sau đây gọi chung là Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.

b. Hồ sơ thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 07/2016/NĐ-CP thì Hồ sơ cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (theo mẫu của Bộ Công thương) do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
  • Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài;
  • Quyết định của thương nhân nước ngoài về việc cử/bổ nhiệm người đứng đầu Văn phòng đại diện;
  • Bản sao báo cáo tài chính (có kiểm toán) hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập cấp;
  • Bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Văn phòng đại diện; hoặc bản sao CMND/căn cước công dân (nếu là công dân Việt Nam);
  • Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc hợp đồng thuê địa điểm làm trụ sở văn phòng đại diện;
  • Bản sao giấy tờ pháp lý về địa điểm dự kiến đặt trụ sở mới của Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật có liên quan.

c. Thủ tục thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Thủ tục thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam gồm các bước sau:

Bước 1:  Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp Giấy phép nơi dự kiến đặt Văn phòng đại diện. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập là:

  • Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thương nhân dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao thực hiện việc cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện trong trường hợp việc thành lập Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
  • Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao thực hiện việc cấp Giấy phép thành lập của Văn phòng đại diện đặt trụ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao trong trường hợp việc thành lập Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ.

Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp từ chối cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do, ngoại trừ trường hợp phải lấy ý kiến của các cơ quan chuyên ngành.

(Căn cứ Điều 11 Nghị định 07/2016/NĐ-CP về Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện)

Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện công ty nước ngoài
Thương nhân nước ngoài được xem xét cấp giấy phép Văn phòng đại diện tại Việt Nam – Nguồn ảnh minh họa: Internet

5. Điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài 

a. Các trường hợp điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Căn cứ quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định 07/2016/NĐ-CP thì Thương nhân nước ngoài phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện trong những trường hợp sau:

  • Thay đổi tên gọi hoặc địa chỉ đặt trụ sở của thương nhân nước ngoài.
  • Thay đổi người đứng đầu của Văn phòng đại diện
  • Thay đổi tên gọi của Văn phòng đại diện
  • Thay đổi nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện
  • Thay đổi địa chỉ đặt trụ sở của Văn phòng đại diện trong một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc trong khu vực địa lý thuộc phạm vi quản lý của một Ban quản lý.

b. Hồ sơ điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Hồ sơ điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam phải gồm các tài liệu sau:

  • Đơn đề nghị điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
  • Các tài liệu chứng minh về nội dung thay đổi, cụ thể:
    • Trường hợp điều chỉnh Giấy phép do thay đổi tên gọi hoặc địa chỉ đặt trụ sở của thương nhân nước ngoài: Bản sao tài liệu pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng minh sự thay đổi tên gọi hoặc địa chỉ đặt trụ sở của thương nhân nước ngoài.
    • Trường hợp điều chỉnh Giấy phép do thay đổi người đứng đầu của Văn phòng đại diện: Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu mới của Văn phòng đại diện; bản sao hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu mới của Văn phòng đại diện; giấy tờ chứng minh người đứng đầu cũ của Văn phòng đại diện đã thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân đến thời điểm thay đổi.
    • Trường hợp điều chỉnh Giấy phép do thay đổi địa chỉ đặt trụ sở của Văn phòng đại diện trong một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc trong khu vực địa lý thuộc phạm vi quản lý của một Ban quản lý: Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh thương nhân có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở Văn phòng đại diện; bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện, Chi nhánh theo quy định tại Điều 28 Nghị định Nghị định 07/2016/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.
  • Bản chính Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện

c. Thủ tục điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Thủ tục điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện qua các bước sau:

Bước 1: Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp Giấy phép trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày có sự thay đổi

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ.

Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy phép điều chỉnh hoặc không điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện Trường hợp không điều chỉnh phải có văn bản nêu rõ lý do, trừ trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 17 Nghị định 07/2016/NĐ-CP.

6. Cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Khi Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài chuyển địa điểm đặt trụ sở từ một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc khu vực địa lý thuộc phạm vi quản lý của một Ban quản lý đến một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác hoặc khu vực địa lý thuộc phạm vi quản lý của một Ban quản lý khác hoặc giấy phép thành lập Văn phòng đại diện bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới mọi hình thức thì phải thực hiện thủ tục cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện. 

a. Thành phần hồ sơ

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 07/2016/NĐ-CP thì Hồ sơ cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện gồm:

  • Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
  • Thông báo về việc chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện gửi Cơ quan cấp Giấy phép nơi chuyển đi;
  • Bản sao Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đã được cấp;
  • Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện nơi chuyển đến bao gồm:
  • Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh thương nhân có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở Văn phòng đại diện;
  • Bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện. Theo quy định thì địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh lao động và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Văn phòng đại diện không được cho mượn, cho thuê lại trụ sở.

Trường hợp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới mọi hình thức thì thành phần hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký.

b. Trình tự thủ tục thực hiện

Căn cứ Điều 20 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện như sau:

  • Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp Giấy phép.
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện Trường hợp không cấp lại phải có văn bản nêu rõ lý do.

7. Xử lý vi phạm Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài

Khi văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài không tuân thủ pháp luật thì sẽ bị xử phạt hành chính. Sau đây là các mức xử phạt:

  • Bị phạt tiền từ 5 triệu VNĐ đến 10 triệu VNĐ nếu có hành vi vi phạm như sau:
    • Kê khai không trung thực các nội dung trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh hoặc gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện;
    • Không thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định khi chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện.
  • Bị phạt tiền từ 10 triệu VNĐ đến 20 triệu VNĐ nếu có hành vi vi phạm như sau:
    • Không có địa điểm đặt trụ sở hoặc cho thuê lại trụ hoặc hoạt động không đúng địa chỉ ghi trong giấy phép thành lập;
    • Không thực hiện báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không trung thực về hoạt động của mình với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
    • Không thực hiện báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của mình theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
    • Không làm thủ tục điều chỉnh hoặc cấp lại giấy phép thành lập văn phòng đại diện trong các trường hợp pháp luật quy định; 
    • Tẩy xóa, sửa chữa nội dung trong giấy phép thành lập văn phòng đại diện đã được cấp.
  • Bị phạt từ 20 triệu VNĐ đến 30 triệu VNĐ nếu:
    • Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của thương nhân mà mình đại diện tại các địa điểm không phải tại trụ sở của văn phòng đại diện đó; (theo điểm a khoản 2 Điều 34 Nghị định 98/2020/NĐ-CP)
    • Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của thương nhân mà mình đại diện khi chưa được sự ủy quyền của thương nhân đó.(theo điểm b khoản 2 Điều 34 Nghị định 98/2020/NĐ-CP)
    • Trực tiếp tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại hoặc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại cho thương nhân được đại diện mà chưa được sự ủy quyền của thương nhân đó; (theo điểm b khoản 4 Điều 35 Nghị định 98/2020/NĐ-CP)
    • Giả mạo các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
    • Hoạt động không đúng nội dung ghi trong giấy phép của văn phòng đại diện;
    • Người đứng đầu văn phòng đại diện kiêm nhiệm người đứng đầu chi nhánh của cùng thương nhân nước ngoài đó hoặc của thương nhân nước ngoài khác tại Việt Nam;
    • Người đứng đầu văn phòng đại diện kiêm nhiệm người đại diện theo pháp luật của thương nhân nước ngoài;
    • Người đứng đầu văn phòng đại diện kiêm nhiệm người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam;
    • Thuê, mượn hoặc cho thuê, cho mượn giấy phép thành lập văn phòng đại diện.
  • Bị phạt tiền từ 30 triệu VNĐ đến 50 triệu VNĐ nếu có hành vi vi phạm (theo khoản 4 Điều 67 và khoản 3 Điều 34 Nghị định 98/2020/NĐ-CP) như sau:
    • Tiếp tục hoạt động sau khi công ty mẹ đã chấm dứt hoạt động;
    • Tiếp tục hoạt động sau khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép thành lập hoặc giấy phép hết hạn, không được gia hạn.
    • Trưng bày, giới thiệu loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hàng hóa không hoặc chưa được phép lưu hành, dịch vụ chưa được phép cung ứng tại Việt Nam;
    • Tiêu thụ tại Việt Nam hàng hóa được tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu không đúng quy định của pháp luật Việt Nam;
    • Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ hoặc sử dụng hình thức, phương tiện trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cảnh quan, môi trường, sức khỏe con người;
    • Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ hoặc sử dụng hình thức, phương tiện trưng bày, giới thiệu trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam;
    • Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ làm lộ bí mật quốc gia.

Ngoài các mức phạt tiền khi xử lý vi phạm văn phòng đại diện công ty nước ngoài nêu trên, các chủ thể vi phạm sẽ phải chịu các hình thức bổ sung như sau:

  • Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa nội dung trong giấy phép thành lập văn phòng đại diện đã được cấp.
  • Tước quyền sử dụng giấy phép thành lập văn phòng đại diện từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c, d, đ và e khoản 3 Điều 67 Nghị định 98/2020/NĐ-CP
  • Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 3 Điều 67 Nghị định 98/2020/NĐ-CP

8. Chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Đối với Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài  thì theo điều 35, Nghị định số 07/2016/NĐ-CP việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện diễn ra trong các trường hợp sau:

  • Theo đề nghị của thương nhân nước ngoài.
  • Khi thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động theo pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ (nơi thương nhân đó được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh).
  • Hết thời hạn hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện mà thương nhân nước ngoài không đề nghị gia hạn.
  • Hết thời gian hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện mà không được Cơ quan cấp Giấy phép đồng ý gia hạn.
  • Bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 44 Nghị định 07/2016/NĐ-CP.
  • Thương nhân nước ngoài, Văn phòng đại diện không còn đáp ứng một trong những điều kiện quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định 07/2016/NĐ-CP.

9. Dịch vụ thành lập Văn phòng đại diện của Công ty Luật Thái An

Công ty Luật Thái An là một trong những đơn vị hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ thành lập Văn phòng đại diện của doanh nghiệp Việt Nam/ thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Đến với Luật Thái An Quý khách hàng sẽ được

  • Tư vấn các quy định của pháp luật về điều kiện, thủ tục thành lập, quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện.
  • Hướng dẫn khách hàng cung cấp thông tin, giấy tờ cần thiết.
  • Soạn thảo hồ sơ thành lập văn phòng đại diện.
  • Thay mặt khách hàng nộp hồ sơ thành lập văn phòng đại diện.
  • Theo dõi việc xử lý hồ sơ thành lập văn phòng đại diện tại cơ quan cấp phép.
  • Nhận và bàn giao kết quả dịch vụ thành lập văn phòng đại diện cho khách hàng.
  • Tư vấn những công việc cần làm sau khi có giấy phép thành lập văn phòng đại diện.
  • Tư vấn các vấn đề pháp lý khác có liên quan hoạt động của văn phòng đại diện.

Với hàng chục năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp/ Văn phòng đại diện của doanh nghiệp, các chuyên viên, luật sư có chuyên môn cao của Công ty Luật Thái An chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng. Đặc biệt các dịch vụ của Luật Thái An có chi phí ở mức độ phải chăng, phù hợp với mọi khách hàng trên cả nước.

Luật Thái An- Giải pháp pháp lý tốt nhất dành cho bạn. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Nguyễn Văn Thanh