Môi giới là một dịch vụ phổ biến trong một nền kinh tế năng động. Dịch vụ này giúp cho cung cầu gặp được nhau, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hoá và dịch vụ. Hợp đồng môi giới nói riêng, hợp đồng môi giới thương mại nói chung là cơ sở pháp lý quan trọng cho giao dịch giữa bên cung cấp và sử dụng dịch vụ môi giới. Khi soạn thảo hợp đồng môi giới cần có những nội dung gì ? Chúng tôi sẽ tư vấn sau đây:
1. Thế nào là hợp đồng môi giới thương mại?
Hợp đồng môi giới thương mại là hợp đồng thương mại mà theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) trong việc đàm phán, mua bán giữa các bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ và bên môi giới được nhận thù lao theo hợp đồng môi giới.
2. Cơ sở pháp lý điều chỉnh việc soạn thảo hợp đồng môi giới thương mại
Cơ sở pháp lý điều chỉnh hợp đồng môi giới thương mại là Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại 2005.
3. Chủ thể của hợp đồng môi giới thương mại
Chủ thể của hợp đồng môi giới thương mại gồm bên môi giới và bên được môi giới, trong đó bên môi giới phải là thương nhân, có đăng kí kinh doanh để thực hiện dịch vụ môi giới thương mại và không nhất thiết phải có ngành nghề đăng kí kinh doanh trùng với ngành nghề kinh doanh của các bên được môi giới. Về bên được môi giới thì không nhất thiết phải là pháp nhân.
Khi sử dụng dịch vụ môi giới thương mại, bên môi giới nhân danh chính mình để quan hệ với các bên được môi giới và làm nhiệm vụ giới thiệu các bên được môi giới với nhau. Sau đó, các bên được môi giới trực tiếp giao kết hợp đồng với nhau. Trong thực tế, có nhiều trường hợp bên môi giới thay mặt bên được môi giới kí hợp đồng với khách hàng, khi đó họ trở thành bên đại diện của bên được môi giới và bên được môi giới phải có văn bản ủy quyền cho bên môi giới đại diện cho mình trong giao dịch cụ thể đó.
Ví dụ, trong hợp đồng môi giới nhà đất, bất động sản thì bên môi giới có thể là công ty kinh doanh bất động sản còn bên được môi giới có thể là cá nhân, hộ gia đình, tổ chức…
Lưu ý quan trọng: Không phải ai cũng có thể ký hợp đồng: Cần đảm bảo là các bên chủ thể hợp đồng phải đáp ứng các điều kiện để tránh hợp đồng bị vô hiệu.
===>>> Xem thêm: Điều kiện đối với chủ thể hợp đồng

4. Các dạng hợp đồng môi giới thương mại
Phạm vi của môi giới thương mại được mở rộng không chỉ bao gồm những hoạt động môi giới mua, bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ thương mại liên quan đến mua bán hàng hoá. Do đó, môi giới thương mại bao gồm tất cả các hoạt động môi giới có mục đích kiếm lợi như:
- môi giới mua bán hàng hoá
- môi giới chứng khoán
- môi giới bảo hiểm
- môi giới tàu biển
- môi giới thuê máy bay
- môi giới bất động sản…
Vì hoạt động môi giới có trong hầu hết các ngành dịch vụ nên ngoài phải chịu sự điều chỉnh của luật thương mại, các hoạt động môi giới đặc thù nêu trên còn chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành liên quan như: Hợp đồng môi giới nhà đất phải phù hợp với Luật Kinh doanh bất động sản, môi giới bảo hiểm cần phù hợp với Luật Kinh doanh bảo hiểm, môi giới tàu biển cần phù hợp Bộ luật Hàng hải v.v..
Do thực tiễn như vậy Hợp đồng môi giới nói chung và hợp đồng môi giới thương mại nói riêng sẽ rất đa dạng về thể loại, đáp ứng nhu cầu môi giới trong từng lĩnh vực kinh doanh.
5. Các tranh chấp thường gặp với hợp đồng môi giới
a. Tranh chấp hợp đồng môi giới liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng
Về chủ thể của hợp đồng môi giới: bao gồm bên môi giới, bên được môi giới. Đối với hợp đồng môi giới thương mại thì bên môi giới phải là thương nhân có đăng kí có đăng ký kinh doanh để thực hiện hoạt động môi giới thương mại nhưng ngành nghề kinh doanh không cần phải trùng với ngành nghề kinh doanh của các bên được môi giới. Bên được môi giới có thể là các cá nhân, tổ chức và không nhất thiết phải là thương nhân.
Ví dụ, trong hợp đồng môi giới nhà đất, bất động sản thì bên môi giới có thể là công ty kinh doanh bất động sản còn bên được môi giới có thể là cá nhân, hộ gia đình, tổ chức…
Điều này dẫn đến những tranh chấp bởi khi Hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền của doanh nghiệp, hoặc ký bởi chủ thể không có năng lực ký kết về nguyên tắc sẽ vô hiệu. Tùy từng trường hợp cụ thể mà hợp đồng có thể vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. Khi đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các bên còn lại.
===>>> Xem thêm: Hậu quả Hợp đồng vô hiệu
b. Tranh chấp hợp đồng môi giới liên quan tới thanh toán chi phí, thù lao
Một vướng mắc khác mà hoạt động môi giới trong thực tế thường xuyên gặp phải, đó là vấn đề về chế độ thanh toán chi phí, thù lao. Ví dụ như sau khi bên môi giới hoàn thành công việc nhưng bên được môi giới không thanh toán hoặc chậm thanh toán các chi phí, thù lao này.
Thù lao trong hợp đồng là khoản tiền mà bên được môi giới phải trả cho bên môi giới khi bên môi giới giúp bên được môi giới làm việc với bên thứ ba. Thù lao có thể bao gồm cả những chi phí mà bên môi giới bỏ ra khi thực hiện công việc giao dịch, được gọi là chi phí môi giới.
Theo quy định của pháp luật, bên môi giới có quyền hưởng thù lao của bên môi giới từ thời điểm các bên được môi giới kí kết hợp đồng mua bán hàng hoá hay cung ứng dịch vụ thương mại với nhau, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (Điều 153 Luật Thương Mại năm 2005).
Điều đó có nghĩa là việc các bên được môi giới không thực hiện hợp đồng đã giao kết hoàn toàn không làm ảnh hưởng tới quyền hưởng thù lao của bên môi giới. Tuy nhiên, trong hợp đồng môi giới các bên có thể thỏa thuận thù lao môi giới chỉ phát sinh sau khi hợp đồng giữa các bên được môi giới thực hiện dưới các điều kiện mà bên được môi giới mong muốn.
c. Tranh chấp hợp đồng môi giới về đối tượng và nội dung môi giới trong hợp đồng môi giới
Ví dụ: Bên A là công ty chuyên môi giới nhà đất và Bên B là cá nhân có nhu cầu mua đất. Hai bên ký hợp đồng môi giới với mục đích là Bên B tìm được mảnh đất có diện tích từ 800m2-100m2 tại khu vực C trong thời hạn 2 tháng và Bên B đã chuyển trước 30% phí môi giới cho Bên A. Tuy nhiên, trong thời gian này, dù đã giới thiệu nhiều mảnh đất cho Bên A nhưng Bên B vẫn không chọn được mảnh đất như mong muốn nên hai bên phát sinh mâu thuẫn và Bên B muốn đòi lại phí môi giới.
Do đó, hai bên cần thỏa thuận với nhau rõ ràng, chi tiết về đối tượng môi giới của hợp đồng và cần có đầy đủ thông tin chi tiết về đối tượng môi giới đó, tránh nhầm lẫn đối với những đối tượng môi giới tương tự khác. Ngoài ra, cần xác nhận nội dung về việc bên môi giới được bên được môi giới đồng ý giao cho bên môi giới thực hiện việc môi giới đối với đối tượng của hợp đồng.
d. Tranh chấp hợp đồng môi giới do vi phạm nghĩa vụ khác trong trong hợp đồng
Những tranh chấp phát sinh từ hợp đồng môi giới do các bên vi phạm nghĩa vụ của mình:
Vi phạm của bên môi giới:
- Vi phạm bảo quản các mẫu hàng hoá, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giới
- Vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin làm phương hại đến lợi ích của bên được môi giới;
- Vi phạm nghĩa vụ không tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có uỷ quyền của bên được môi giới.
Vi phạm của bên được môi giới:
Một vi phạm thường gặp là vi phạm nghĩa vụ cung cấp các thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết liên quan đến hàng hoá, dịch vụ cần được môi giới. Do đó, nếu bên được môi giới cung cấp không đủ, không đúng, không hợp pháp các thông tin liên quan đến hàng hóa, dịch vụ cần môi giới thì rất có khả năng xảy ra tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp với bên thứ 3.
e. Tranh chấp hợp đồng môi giới do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng
Cũng như các loại hợp đồng khác, Hợp đồng môi giới thường chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Theo thỏa thuận của các bên;
- Hết thời hạn thỏa thuận ghi trong hợp đồng;
- Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Thực tế, đa số các tranh chấp phát sinh do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không thông báo trước. Khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng không đúng trình tự thủ tục thỏa thuận tại hợp đồng, nếu gây thiệt hại cho bên kia (trừ trong trường hợp bất khả kháng) thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra và chịu phạt vi phạm hợp đồng.
Ngoài ra còn có những tranh chấp khác liên quan tới hợp đồng môi giới mà bạn cần dự liệu, chi tiết có tại bài viêt sau:
===>>> Xem thêm: Tranh chấp hợp đồng môi giới và cách phòng ngừa
6. Các điều khoản cơ bản của Hợp đồng môi giới là gì?
Các điều khoản cơ bản của Hợp đồng môi giới là những điều khoản không thể thiếu được khi soạn thảo hợp đồng. Nếu không thoả thuận được những điều khoản đó thì hợp đồng môi giới không thể giao kết được.
Ngoài ra, có những điều khoản mà các bên thấy cần phải thoả thuận được điều khoản đó mới giao kết hợp đồng thì những điều khoản này cũng trở thành điều khoản cơ bản của Hợp đồng môi giới.
Các điều khoản cơ bản của Hợp đồng môi giới là:
- Điều khoản về đối tượng và nội dung môi giới
- Điều khoản về phí dịch vụ và phương thức thanh toán
- Điều khoản về thời gian thực hiện môi giới
- Điều khoản về quyền và nghĩa vụ của bên môi giới
- Điều khoản về quyền và nghĩa vụ của bên được môi giới
Chúng tôi sẽ phân tích sau đây:
a. Điều khoản về đối tượng và nội dung môi giới trong hợp đồng môi giới thương mại
Hai bên thỏa thuận với nhau rõ về đối tượng môi giới của hợp đồng và cần có đầy đủ thông tin chi tiết về đối tượng môi giới đó, tránh nhầm lẫn đối với những đối tượng môi giới tương tự khác.
Ngoài ra, cần xác nhận nội dung về việc bên môi giới được bên được môi giới đồng ý giao cho bên môi giới thực hiện việc môi giới đối với đối tượng của hợp đồng.
Ví dụ: đối với hợp đồng môi giới nhà đất thì đối tượng, nội dung của hợp đồng sẽ là bên môi giới thực hiện dịch vụ môi giới bán (hoặc cho thuê) bất động sản do bên được môi giới là chủ sở hữu.
Lưu ý: Đối tượng của hợp đồng phải là những hàng hoá, dịch vụ được phép lưu thông trên thị trường. Một số hàng hoá, dịch vụ đòi hòi bên mua, bên bán phải có giấy phép kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó.
===>>> Xem thêm: Điều kiện đối tượng của hợp đồng
b. Điều khoản về phí dịch vụ và phương thức thanh toán trong hợp đồng môi giới thương mại
- Theo quy định của pháp luật, bên môi giới có quyền hưởng thù lao của bên môi giới từ thời điểm các bên được môi giới kí kết hợp đồng mua bán hàng hoá hay cung ứng dịch vụ thương mại với nhau, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (Điều 153 Luật Thương Mại năm 2005). Điều đó có nghĩa là việc các bên được môi giới không thực hiện hợp đồng đã giao kết hoàn toàn không làm ảnh hưởng tới quyền hưởng thù lao của bên môi giới. Quy định như vậy là phù hợp với chức năng của bên môi giới, bởi bên môi giới không thể chịu trách nhiệm cho khả năng thực hiện hợp đồng hoặc khả năng tài chính của các bên. Tuy nhiên, trong hợp đồng môi giới các bên có thể thỏa thuận thù lao môi giới chỉ phát sinh sau khi hợp đồng giữa các bên được môi giới thực hiện dưới các điều kiện mà bên được môi giới mong muốn.
- Trong trường hợp, các bên được môi giới không giao kết được hợp đồng với nhau, bên môi giới không được hưởng thù lao môi giới. Nhưng nếu các bên không có thỏa thuận khác, bên môi giới vẫn có quyền yêu cầu bên được môi giới thanh toán cho mình các chi phí hợp lí liên quan tới việc môi giới.
- Nếu trong hợp đồng môi giới, các bên không thỏa thuận mức thù lao thì mức thù lao môi giới được xác định theo giá của loại dịch vụ đó trong các điều kiện tương tự về phương thức cung ứng, thị trường địa lí, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá dịch vụ.
- Ngoài ra, hai bên thỏa thuận với nhau về phương thức thanh toán, cần ghi rõ việc thanh toán sẽ được thực hiện trong bao nhiêu lần, mỗi lần sẽ được thanh toán với số tiền là bao nhiêu và việc thanh toán được thực việc trực tiếp hay chuyển khoản ngân hàng, thời hạn của mỗi lần thanh toán là trong bao lâu?
===>>> Xem thêm: Các phương thức thanh toán trong hợp đồng

c. Điều khoản về thời gian thực hiện môi giới trong Hợp đồng môi giới thương mại
Hai bên thỏa thuận về thời gian thực hiện việc môi giới đối với đối tượng đã được thỏa thuận. Sau khi hết thời gian thực hiện, hai bên có thể thỏa thuận về việc gia hạn thêm thời gian thực hiện môi giới thêm và được ký kết bằng một Phụ lục hợp đồng.
d. Điều khoản về quyền và nghĩa vụ của bên môi giới trong hợp đồng môi giới thương mại
Nghĩa vụ:
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, Điều 151 Luật Thương mại 2005 quy định bên môi giới thương mại có các nghĩa vụ cơ bản sau đây:
-
Bảo quản các mẫu hàng hoá, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho bên được môi giới sau khi hoàn thành việc môi giới;
-
Không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của bên được môi giới;
-
Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới, nhưng không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ;
-
Không được tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có uỷ quyền của bên được môi giới.
Ví dụ, với hợp đồng môi giới nhà đất, bên môi giới có trách nhiệm bảo quản các giấy tờ, hồ sơ, thông tin, tài liệu liên quan đến bất động sản của bên được môi giới….
Quyền:
Bên môi giới có quyền được hưởng thù lao môi giới khi hoàn tất công việc môi giới theo thỏa thuân trong Hợp đồng; ví dụ như trong hợp đồng môi giới nhà đất có thể thỏa thuận để bên môi giới nhận 5% giá hợp đồng khi bên môi giới hoàn thành công việc theo hợp đồng. Tuy nhiên, nếu hợp đồng không có thỏa thuận về phí môi giới thì phí dịch vụ môi giới được xác định theo giá dịch vụ môi giới tương tự tại thị trường tương tự.
e. Điều khoản về quyền và nghĩa vụ của bên được môi giới trong Hợp đồng môi giới thương mại
Nghĩa vụ:
Bên được môi giới có hai nghĩa vụ cơ bản là:
- Cung cấp các thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết liên quan đến hàng hoá, dịch vụ cần được môi giới
- Trả thù lao môi giới và các chi phí hợp lý khác cho bên môi giới.
Quyền:
- Yêu cầu bên môi giới bảo quản các mẫu hàng hoá, tài liệu đã được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho bên được môi giới sau khi hoàn thành việc môi giới;
- Yêu cầu bên môi giới không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của mình.
7. Các điều khoản thông thường của Hợp đồng môi giới
Các điều khoản thông thường của Hợp đồng môi giới là những điều khoản được pháp luật quy định trước. Nếu khi giao kết hợp đồng môi giới, các bên không thoả thuận những điều khoản này thì vẫn coi như hai bên đã mặc nhiên thoả thuận và được thực hiện như pháp luật quy định.
Các điều khoản thông thường của hợp đồng môi giới có thể là:
- Điều khoản chấm dứt hợp đồng
- Điều khoản về giải quyết tranh chấp
- Điều khoản phạt vi phạm: các bên có thể cân nhắc thỏa thuận các chế tài khi vi phạm hợp đồng.
- …
===>>> Xem thêm: Phạt vi phạm hợp đồng

8. Các điều khoản tùy nghi của hợp đồng môi giới
Khi tiến hành giao kết Hợp đồng môi giới, các bên còn có thể thoả thuận thêm một số điều khoản khác nhằm làm cho nội dung của hợp đồng được đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Các điều khoản thông thường của Hợp đồng này có thể là:
- Cam kết và bảo đảm hợp đồng
- Điều khoản về bảo mật thông tin
- ….
===>>> Xem thêm: Bảo mật hợp đồng
9. Một số mẫu Hợp đồng môi giới thông dụng
Chúng tôi xin giới thiệu các mẫu hợp đồng môi giới phổ biến để bạn đọc tham khảo. Bạn chỉ nên tham khảo vì các tình huống khác nhau thì nội dung hợp đồng khác nhau. Hơn nữa, có những điều khoản có lợi cho bên môi giới và bất lợi cho bên được môi giới và ngược lại.
a. Mẫu hợp đồng môi thương mại
Chủ thể của quan hệ môi giới thương mại là bên môi giới và bên được môi giới. Trong đó, bên môi giới phải là thương nhân, Bên được môi giới không nhất thiết phải là thương nhân.
Mục đích chung của hoạt động môi giới thương mại là các bên được môi giới giao kết được hợp đồng với nhau. Mục đích của bên môi giới là tìm kiếm lợi nhuận. Bên được môi giới thỏa mãn lợi ích của mình và phải trả thù lao cho bên môi giới.
===>>> Xem thêm: Mẫu hợp đồng môi giới thương mại
a. Mẫu hợp đồng môi giới độc quyền
Hiện nay, nhằm đạt được doanh số cao trong các hoạt động kinh doanh, rất nhiều các chủ thể kinh doanh thường xuyên sử dụng tới Hợp đồng môi giới độc quyền để vừa giúp khách hàng tiếp cận đến sản phẩm, dịch vụ của của mình tốt hơn vừa đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng.
Điểm đặc biệt của Hợp đồng môi giới độc quyền đó chính là chỉ mình bên môi giới được độc quyền thực hiện dịch vụ môi giới cho các tài sản, hàng hóa, dịch vụ của bên được môi giới.
===>>> Xem thêm: Mẫu hợp đồng môi giới độc quyền
b. Mẫu hợp đồng môi giới cá nhân
Hợp đồng môi giới cá nhân là một Hợp đồng dân sự, nên điều kiện có hiệu lực của Hơp đồng môi giới cá nhân phải đáp ứng các quy định về điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự. Cụ thể là phải tuân thủ quy định tại Khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, một Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Hợp đồng môi giới cá nhân chỉ có hiệu lực khi công việc môi giới được thực hiện trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm cá nhân hành nghề môi giới (bất động sản, dịch vụ thông thường, mua bán…). Trong một số lĩnh vực môi giới đặc thù như bảo hiểm, chứng khoán thì cá nhân không được phép cung cấp dịch vụ môi giới.
===>>> Xem thêm: Mẫu hợp đồng môi giới cá nhân
c. Mẫu hợp đồng môi giới giữa công ty và cá nhân
Điểm đặc biệt của Hợp đồng môi giới giữa công ty và cá nhân là về chủ thể. Cụ thể trong Hợp đồng môi giới giữa công ty và cá nhân, bên môi giới sẽ là công ty, bên được môi giới sẽ là cá nhân; và ngược lại: bên môi giới sẽ là cá nhân, bên được môi giới sẽ là công ty:
- Nếu bên cung cấp dịch vụ môi giới là cá nhân thì đây là một dạng hợp đồng dịch vụ: có thể cung cấp bất kỳ dịch vụ gì nếu không vi phạm pháp luật và trái với đạo đức, đạo lý;
- Nếu bên cung cấp dịch vụ môi giới không phải là cá nhân thì nhất thiết phải là pháp nhân có đăng ký kinh doanh. Điều này có nghĩa là một nhóm người tập hợp cùng làm môi giới không thể là chủ thể trong hợp đồng môi giới.
===>>> Xem thêm: Mẫu Hợp đồng môi giới giữa Công ty và cá nhân
d. Mẫu hợp đồng môi giới dịch vụ
Việc sử dụng Hợp đồng môi giới dịch vụ trong nền kinh tế phát triển năng động như hiện nay là rất cần thiết. Hợp đồng môi giới dịch vụ là cơ sở pháp lý để thực hiện việc cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Thông qua Hợp đồng môi giới dịch vụ, bên được môi giới sẽ có thể nhanh chóng bước vào một thỏa thuận với những đối tác của mình.
Lưu ý quan trọng: Dịch vụ là đối tượng của hợp đồng môi giới phải là các dịch vụ do các bên thoả thuận, nhưng không được vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và không phải là các dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
===>>> Xem thêm: Mẫu Hợp đồng môi giới dịch vụ
10. Dịch vụ soạn thảo Hợp đồng môi giới tại Công ty Luật Thái An
a. Các loại Hợp đồng môi giới do Công ty Luật Thái An soạn thảo
Công ty Luật Thái An chuyên soạn thảo hợp đồng các loại, trong đó có rất nhiều loại hợp đồng môi giới như sau:
Hợp đồng môi giới mà quyền và nghĩa vụ của các bên là đặc thù:
- hợp đồng môi giới độc quyền
- hợp đồng môi giới 2 bên, hợp đồng môi giới 3 hay nhiều bên
Hợp đồng môi giới với các mục đích khác nhau:
- hợp đồng môi giới thương mại, môi giới mua bán hàng hóa, môi giới thương mại quốc tế
- hợp đồng môi giới nhà đất gồm hợp đồng môi giới thuê nhà, hợp đồng môi giới cho thuê nhà, hợp đồng môi giới chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng môi giới mua bán nhà đất
- hợp đồng môi giới dự án
- hợp đồng môi giới hoa hồng
- hợp đồng môi giới dịch vụ
- hợp đồng môi giới xây dựng
- hợp đồng môi giới lao động, hợp đồng môi giới việc làm
b. Giá dịch vụ soạn thảo hợp đồng môi giới
Bạn vui lòng tham khảo bảng giá dịch vụ: Vui lòng xem tại LINK đầu bài viết.
c. Quy trình cung cấp dịch vụ soạn thảo hợp đồng môi giới
Bạn vui lòng tham khảo quy trình cung cấp dịch vụ: Vui lòng xem tại LINK đầu bài viết.
d. Thời gian cung cấp dịch vụ soạn thảo Hợp đồng môi giới
Thời gian soạn thảo Hợp đồng là 2 – 3 ngày, kể từ khi khách hàng cung cấp đầy đủ thông tin.
Quyết định lựa chọn sử dụng Dịch vụ tư vấn soạn thảo hợp đồng là một khoản đầu tư thông minh so với chi phí phải bỏ ra khi có rủi ro pháp lý. Ngoài dịch vụ soạn thảo hợp đồng, doanh nghiệp có thể tham khảo thêm các dịch vụ khác như rà soát hợp đồng, tư vấn đàm phán thương lượng, thực hiện, thanh lý và tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng.
- Hợp đồng thế chấp nhà ở: Tất cả những điều bạn cần biết - 24/05/2023
- Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất - 21/05/2023
- Hợp đồng thuê lại đất trong khu công nghiệp - 20/05/2023
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.