Cưỡng chế thu hồi đất: Điều kiện và thủ tục thực hiện

Hiện nay, việc Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích xây dựng giao thông, sân bay… không phải hiếm gặp. Nếu người có đất bị thu hồi không tự nguyện bàn giao đất theo quy định của pháp luật thì chính quyền sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An sẽ tư vấn cụ thể:

1. Cơ sở pháp lý về việc cưỡng chế thu hồi đất

Cơ sở pháp lý điều chỉnh việc cưỡng chế thu hồi đất là:

  • Luật Đất đai 2013;
  • Luật Khiếu nại 2011;
  • Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
  • Thông tư số 74/2015/TT- BTC ngày 15 tháng 05 năm 2015 do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

2. Khái niệm thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất

a. Thế nào là thu hồi đất ?

Tại Điều 3 Luật Đất đai 2013 giải thích thuật ngữ “Nhà nước thu hồi đất” là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.

b. Thế nào là cưỡng chế thu hồi đất ?

Pháp luật hiện hành không có quy định về định nghĩa “cưỡng chế thu hồi đất”. Tuy nhiên có thể hiểu, cưỡng chế thu hồi đất là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền tiến hành khi có quyết định về việc thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà các chủ thể này không chấp hành quyết định thu hồi đất.

Cưỡng chế thu hồi đất là loại cưỡng chế hành chính.

3. Khi nào tiến hành cưỡng chế thu hồi đất ?

Đối với trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không phối hợp điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì sẽ cưỡng chế thu hồi đất. Tại Khoản 1 Điều 69 Luật Đất đai 2013 quy định về trường hợp cưỡng chế thu hồi đất như sau:

d) Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc.

Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc.

Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 của Luật này.

4. Nguyên tắc cưỡng chế thu hồi đất

Nguyên tắc cưỡng chế thu hồi đất được quy định tại khoản 1 Điều 71 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó bao gồm các nguyên tắc cưỡng chế thu hồi đất sau:

  • Việc cưỡng chế thu hồi đất phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;
  • Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện trong giờ hành chính.
Quy định pháp luật về việc cưỡng chế thu hồi đất
Quy định pháp luật về việc cưỡng chế thu hồi đất  Nguồn ảnh minh họa: Internet

5. Cưỡng chế thu hồi đất được tiến hành như thế nào ?

Việc cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện với trình tự sau đây:

Bước 1: Ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Đất đai năm 2013 thì: Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.

Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất (cưỡng chế thu hồi đất) đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Bước 2: Thành lập ban cưỡng chế thu hồi đất

Theo khoản 4 Điều 71 Luật Đất đai năm 2013 thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế. Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế.

Bước 3: Can cưỡng chế thu hồi đất làm việc với người bị thu hồi đất

Ban cưỡng chế sẽ làm việc với người có đất bị thu hồi. Nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Trường hợp người bị cưỡng chế thu hồi đất không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất: Ban cưỡng chế thu hồi đất có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.

6. Phối hợp việc cưỡng chế thu hồi đất giữa các cơ quan nhà nước

Theo khoản 5 Điều 71 Luật Đất đai năm 2013 thì các cơ quan nhà nước các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ khi thực hiện cưỡng chế, cụ thể như sau:

  • UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại; thực hiện phương án tái định cư trước khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất; bảo đảm điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế; bố trí kinh phí cưỡng chế thu hồi đất;
  • Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất có trách nhiệm chủ trì lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí cho hoạt động cưỡng chế trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo phương án đã được phê duyệt; bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản; chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán;
  • Lực lượng Công an có trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất;
  • UBND cấp xã nơi có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất; tham gia thực hiện cưỡng chế thu hồi đất; phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng niêm phong, di chuyển tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi đất;
  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với Ban thực hiện cưỡng chế thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất khi Ban thực hiện cưỡng chế có yêu cầu

7. Chi phí cưỡng chế thu hồi đất ai chịu ?

Tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 74/2015/TT- BTC hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định như sau:

“3. Căn cứ mức kinh phí được trích cụ thể của từng dự án, tiểu dự án, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường xác định kinh phí dự phòng tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm và cưỡng chế thu hồi đất không quá 10% kinh phí quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này để tổng hợp vào dự toán chung..”

Theo đó, xét thấy nguồn kinh phí để thực hiện cưỡng chế thu hồi đất được lấy từ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án. Vậy nên chi phí cưỡng chế thu hồi đất sẽ do chủ đầu tư dự án chi trả, ngân sách chi trả chi phí cưỡng chế thu hồi đất lấy từ ngân sách của dự án.

Chủ thể bị cưỡng chế thu hồi đất không phải chi trả chi phí cưỡng chế thu hồi đất.

8. Các trường hợp không được cưỡng chế thu hồi đất

Điều kiện cưỡng chế thu hồi đất được quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó nếu không đáp ứng được các điều kiện dưới đây thì không được phép cưỡng chế thu hồi đất:

  • Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;
  • Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
  • Quyết định cưỡng chế  thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;
  • Người bị cưỡng chế thu hồi đất đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành;
  • Trường hợp người bị cưỡng chế thu hồi đất từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì UBND cấp xã lập biên bản.

9. Khiếu nại cưỡng chế thu hồi đất

Theo quy định tại Điều 204 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

Người dân có thể khiếu nại để được xem xét về việc cưỡng chế thu hồi đất
Người dân có thể khiếu nại để được xem xét về việc cưỡng chế thu hồi đất – Nguồn ảnh minh họa: Internet

Cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật là hành vi hành chính do người, cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Do đó, Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất khi bị cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật thì những người này có quyền thực hiện khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét về việc cưỡng chế thu hồi đất.

Về trình tự, thủ tục khiếu nại hành vi cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật tuân theo quy định tại Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 như sau:

  • Khi có căn cứ cho rằng hành vi cưỡng chế thu hồi đất là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất thì những chủ thể này người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch UBND cấp huyện nơi có đất hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
  • Sau khi UBND cấp huyện đã tiến hành giải quyết khiếu nại, nếu người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn mà không được giải quyết thì khiếu nại lần 2 đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện ra Tòa án.
  • Sau khi có Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Tòa án nhân dân đã giải quyết nhưng người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết lần 2 hoặc hết thời hạn mà không được giải quyết thì có quyền khởi kiện ra Tòa án.

10. Luật sư tư vấn về cưỡng chế thu hồi đất

Luật sư tư vấn về cưỡng chế thu hồi đất là một chủ đề pháp lý quan trọng và phức tạp.

Trong quá trình tư vấn, luật sư sẽ phân tích cụ thể các quy định của pháp luật về thu hồi đất, đặc biệt là các trường hợp cưỡng chế. Họ cung cấp thông tin về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan, từ người sở hữu đất đến cơ quan nhà nước.

Luật sư cũng giải thích các quy trình pháp lý, bao gồm cách thức khiếu nại và kháng cáo. Hơn nữa, họ đưa ra các lời khuyên thiết thực để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong trường hợp đất của họ bị thu hồi.

Quan trọng nhất, luật sư sẽ hỗ trợ xác định sự hợp lý của quyết định thu hồi đất và giúp khách hàng tìm ra giải pháp pháp lý tốt nhất cho vấn đề của họ.

 

HÃY LIÊN HỆ VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ VỀ CƯỠNG CHẾ THU HỒI ĐẤT

Nguyễn Văn Thanh