Trong thời gian gần đây, vấn đề hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất đang được rất nhiều người quan tâm. Mặc dù pháp luật đã có những quy định rõ ràng về hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nhưng việc triển khai trên thực tế còn nhiều bất cập, khiến người bị thu hồi đất bức xúc. Để tránh trường hợp không được hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất theo đúng quy định, hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây của chúng tôi.
1. Hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất là gì?
Hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất được quy định tại Luật đất đai 2013, Nghị định 47/2014/NĐ-CP, Nghị định 01/2017/NĐ-CP, Nghị định 148/2020/NĐ-CP
Theo đó tại khoản 14 Điều 3 Luật đất đai 2013 đã đưa ra khái nhiệm Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trợ giúp cho người có đất thu hồi để ổn định đời sống, sản xuất và phát triển.
2. Mục đích của việc hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất
Thứ nhất: Hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với người dân để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, đồng thời góp phần giải quyết bài toán quyền lợi giữa Nhà nước, người bị thu hồi đất và người nhận lại quyền sử dụng đất.
Thứ hai: Hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất là để đảm bảo công bằng, lẽ phải. Mặc dù đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng do Nhà nước đại diện quản lý, nên vì một số sự phát triển chung, không thể tránh khỏi việc thu hồi đất , làm ảnh hưởng đến cuộc sống của một bộ phận người dân, tổ chức. Do đó, việc hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất sẽ giúp người dân nhận thấy sự thỏa đáng đồng thời tạo đồng thuận trong nhân dân, tạo thuận lợi cho việc thu hồi đất.
Thứ ba: Thông qua các chính sách về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, Nhà nước thể hiện chức năng đảm bảo cho đời sống nhân dân của mình sau khi nhà cửa, đất đai bị thu hồi.
3. Nguyên tắc hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật đất đai 2013 thì nguyên tắc hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất đó là:
Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ;
Việc hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật.
4. Các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất
Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất được quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật đất đai 2013 và được hướng dẫn cụ thể tại các điều của Nghị định 47/2014/NĐ-CP, Nghị định 01/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:
4.1 Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất
Hỗ trợ ổn định đời sống được quy định chi tiết tại Khoản 5 Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP. Theo đó thì
4.1.1 Đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, gồm các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp khi thực hiện các nghị định: Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993; Nghị định số 85/1999/NĐ-CP ngày 28/8/1999; Nghị định số 02/CP ngày 15/01/1994; Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004.
Trường hợp 2: Nhân khẩu nông nghiệp trong hộ gia đình quy định tại Trường hợp 1 nhưng phát sinh sau thời điểm giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình đó;
Trường hợp 3: Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định tại Trường hợp 1 đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho, khai hoang theo quy định của pháp luật, được UBND xã nơi có đất thu hồi xác nhận là đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp đó;
Trường hợp 4: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông, lâm trường quốc doanh là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp;
Trường hợp 5: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của các nông, lâm trường quốc doanh hoặc công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó;
Trường hợp 6: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó;
Trường hợp 7: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà bị ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ ổn định sản xuất.
4.1.2 Điều kiện để được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất
Điều kiện nhận hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
Đang sử dụng đất thuộc đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất;
Đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật đất đai và trường hợp sử dụng đất do nhận giao khoán dưới đây;
Điều kiện nhận hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ): Phải có hợp đồng giao khoán sử dụng đất.
4.1.3 Mức hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất
Theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 19 Nghị định 47/2014, sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Nghị định 148/2020/NĐ-CP thì mức hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất như sau:
Hỗ trợ ổn định đời sống:
Nếu Nhà nước thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở. Trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 24 tháng.
Nếu Nhà nước thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở. Trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 36 tháng;
Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo trong 01 tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương.
Hỗ trợ ổn định sản xuất
Nếu được bồi thường bằng đất nông nghiệp thì được hỗ trợ ổn định sản xuất, bao gồm: hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp;
Đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng được hỗ trợ thì được hỗ trợ ổn định sản xuất bằng tiền với mức cao nhất bằng 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó.
Lưu ý:
Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất bằng tiền: Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối thuộc đối tượng được hỗ trợ
Hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động với thời gian trợ cấp không quá 06 tháng đối với: Người lao động do tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng được hỗ trợ.
4.2 Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm
Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm (căn cứ Điều 84 Luật Đất đai 2013).
Trường hợp người được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề; được tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.
4.2.1 Trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Đối tượng được hỗ trợ:
Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại các Trường hợp 1,2,3 Mục 3.1.1 khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền.
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất quy định tại Trường hợp 4,5,6 Mục 3.1.1 (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh, của công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp)
Mức hỗ trợ
Hỗ trợ bằng tiền: không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đấtnông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương theo quy định tại Điều 129 của Luật đất đai;
Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ điều kiện thực tế của địa phương.
Lưu ý: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ cơ chế, chính sách giải quyết việc làm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định tại Quyết định 63/2015/QĐ-TTg ngày 01/02/2016, chỉ đạo việc lập và tổ chức thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người trong độ tuổi lao động tại địa phương.
( căn cứ quy định tại Điều 20 Nghị định 47/2014 Khoản 6 Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP)
4.2.2 Trường hợp thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở
Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định tại Quyết định 63/2015/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 và điều kiện thực tế tại địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp đối với từng loại hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi.
4.3 Hỗ trợ tái định cư
Theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 83 của Luật Đất đai, được hướng dẫn bởi Điều 22 Nghị định 47/2014/NĐ-CP thì việc hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở như sau:
Trường hợp nhận đất ở, nhà ở tái định cư:
Trường hợp nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch giữa giá trị suất tái định cư tối thiểu và số tiền được bồi thường về đất. Suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng đất ở, nhà ở hoặc bằng nhà ở hoặc bằng tiền để phù hợp với việc lựa chọn của người được bố trí tái định cư.
Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng đất ở, nhà ở thì diện tích đất ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa tại địa phương và diện tích nhà ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích căn hộ tối thiểu theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng nhà ở thì diện tích nhà ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích căn hộ tối thiểu theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được tính bằng tiền thì khoản tiền cho suất tái định cư tối thiểu tương đương với giá trị một suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở, nhà ở tại nơi bố trí tái định cư.
Trường hợp tự lo chỗ ở:
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tự lo chỗ ở thì ngoài việc được bồi thường về đất còn được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư.
4.4 Các khoản hỗ trợ khác
Các khoản hỗ trợ khác được quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 83 của Luật Đất đai được hướng dẫn bởi các Điều 23, 24, 25 Nghị định 47/2014/NĐ-CP bao gồm:
Hỗ trợ người đang thuê nhà ở không thuộc sở hữu Nhà nước: Hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà ở không phải là nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ chi phí di chuyển tài sản theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Hỗ trợ khi thu hồi đất công ích của xã, phường, thị trấn: Trường hợp đất thu hồi thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thì được hỗ trợ; mức hỗ trợ cao nhất có thể bằng mức bồi thường; mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;
Hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất: Ngoài tất cả các khoản hỗ trợ nêu ở các mục trên, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi
5. Làm thế nào để nhận được đúng các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất?
Để nhận được đúng các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thì người bị thu hồi đất nên tìm đến sự tư vấn pháp lý từ các Luật sư, chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực đất đai. Bởi không phải ai cũng có thể tự mình hiểu hết các quy định pháp luật về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Nếu bạn không biết tìm kiếm Luật sư, chuyên gia pháp lý tư vấn giỏi, dày dặn kinh nghiệm ở đâu, hãy đến ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi. Ở đây chúng tôi có:
Đội ngũ Luật sư, chuyên gia pháp lý giỏi, giàu kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực đất đai, nhà ở.
Có thể giải đáp mọi vướng mắc liên quan hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất hay liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở.
Có thể giải quyết tất cả các loại tranh chấp đất đai.
Đưa ra các phương án giải quyết một cách nhanh chóng, tốt nhất cho khách hàng trong khuôn khổ các quy định pháp luật.
Nhận ủy quyền giải quyết tất cả các vụ việc tranh chấp để bạn không phải vất vả tham gia đàm phán, hòa giải, khiếu nại hoặc tranh tụng tại Tòa án.
Chi phí dịch vụ hợp lý, phù hợp với tính chất, mức độ tranh chấp của từng vụ việc.
Có thể tư vấn, hỗ trợ pháp lý ở 63 tỉnh thành trên cả nước…
Còn chần chừ gì mà không Công ty Luật Thái An chúng tôi để biết thêm chi tiết.
Tiến sỹ luật học, Luật sư Nguyễn Văn Thanh là thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Lĩnh vực hành nghề chính: * Tư vấn pháp luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Thương mại, Lao động, Dân sự, Hình sự, Đất đai, Hôn nhân và gia đình * Tố tụng và giải quyết tranh chấp: Kinh doanh thương mại, Đầu tư, Xây dựng, Lao động, Bảo hiểm, Dân sự, Hình sự, Hành chính, Đất đai, Hôn nhân và gia đình
Bài viết mới nhất của Nguyễn Văn Thanh (Xem tất cả)
ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT THÁI AN BỀ DẦY TRÊN 15 NĂM KINH NHIỆM TƯ VẤN LUẬT UY TÍN VÀ CHẤT LƯỢNG TẠI VIỆT NAM
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.
Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
Để đượcCung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)