Ban kiểm soát công ty cổ phần hoạt động như thế nào?

Trong các công ty cổ phần, đặc biệt là Công ty đại chúng và Công ty niêm yết, vai trò của Ban kiểm soát Công ty cổ phần hết sức quan trọng. Để hiểu rõ Ban kiểm soát là gì, thẩm quyền và hoạt động của Ban kiểm soát công ty cổ phần như thế nào, hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây.

1. Ban kiểm soát Công ty cổ phần là gì?

Căn cứ quy định tại Điều 170 Luật doanh nghiệp 2020 có thể hiểu Ban kiểm soát công ty cổ phần là một cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc. Ban kiểm soát tập trung vào việc kiểm soát các hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty cũng như giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật vì lợi ích của các cổ đông.

Ban kiểm soát Công ty cổ phần có những đặc điểm sau:

  • Cơ cấu tổ chức của ban kiểm soát thường bao gồm: Trưởng ban kiểm soát và các thành viên
  • Số lượng thành viên ban kiểm soát: từ 03 đến 05 Kiểm soát viên. Nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.Trường hợp Kiểm soát viên có cùng thời điểm kết thúc nhiệm kỳ mà Kiểm soát viên nhiệm kỳ mới chưa được bầu thì Kiểm soát viên đã hết nhiệm kỳ vẫn tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ cho đến khi Kiểm soát viên nhiệm kỳ mới được bầu và nhận nhiệm vụ.
  • Thành viên Ban kiểm soát do Đại hội đồng cổ đông bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm.
  • Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số Kiểm soát viên thường trú tại Việt Nam.

2 Tại sao cần có ban kiểm soát Công ty cổ phần?

Đối với những Công ty cổ phần có quy mô lớn, số lượng cổ đông nhiều thì việc quản lý điều hành công ty trở nên phức tạp và cần có đội ngũ quản lý, điều hành chuyên nghiệp. Khi đó, chủ sở hữu Công ty có thể không đồng thời là người quản lý điều hành và có sự khác nhau về lợi ích.

Chính vì vậy, các cổ đông thương lo ngại hoạt động của những người quản lý điều hành Công ty như Hội đồng quản trị hay Ban giám đốc không hiệu quả. Để giúp các cổ đông kiểm soát hoạt động quản trị và quản lý điều hành công ty, Ban kiểm soát đã xuất hiện thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát để bảo vệ lợi ích cho các cổ đông.

3. Tiêu chuẩn và điều kiện của thành viên ban Kiểm soát viên Công ty cổ phần

3.1 Tiêu chuẩn và điều kiện chung

Theo quy định tại Điều 169 Luật doanh nghiệp 2020 thì Kiểm soát viên trong Ban kiểm soát Công ty cổ phần phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

  • Không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật doanh nghiệp 2020;
  • Được đào tạo một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
  •  Không phải là người có quan hệ gia đình của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác;
  • Không phải là người quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
  • Tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty.

Lưu ý : Kiểm soát viên công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật doanh nghiệp 2020 ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện nêu trên còn không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty mẹ và tại công ty.

3.2 Tiêu chuẩn và điều kiện của Trưởng ban kiểm soát Công ty cổ phần

Trưởng Ban kiểm soát hay Trưởng ban kiểm soát nội bộ do Ban kiểm soát bầu trong số các Kiểm soát viên. Do đó Trưởng ban kiểm soát phải có đủ tiêu chuẩn và điều kiện chung của Kiểm soát viên.

Ngoài ra, Trưởng Ban kiểm soát phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.

ban kiểm soát công ty cổ phần
Ban kiểm soát công ty cổ phần có những quyền hạn đặc biệt. – ảnh: Internet

4. Quyền hạn và nhiệm vụ của Ban kiểm soát Công ty cổ phần 

Quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát Công ty cổ phần được quy định tại Điều 170 Luật doanh nghiệp 2020. Cụ thể như sau:

  • Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty.
  • Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trongquản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.
  • Thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và 06 tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị và trình báo cáo thẩm định tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Rà soát hợp đồng, giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông và đưa ra khuyến nghị về hợp đồng, giao dịch cần có phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.
  • Rà soát, kiểm tra và đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty.
  • Xem xét sổ kế toán, ghi chép kế toán và tài liệu khác của công ty, công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết hoặc theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông hoặc theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật này.
  • Khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật này, Ban kiểm soát thực hiện kiểm tra trongthời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến Hội đồng quản trị và cổ đông hoặc nhóm cổ đông có yêu cầu. Việc kiểm tra của Ban kiểm soát quy định tại khoản này không được cản trở hoạt động bình thường của Hội đồng quản trị, không gây gián đoạn điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.
  • Kiến nghị Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, giám sát và điềuhành hoạt động kinh doanh của công ty.
  • Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc vi phạm quy định tại Điều 165 của Luật nàyphải thông báo ngay bằng văn bản cho Hội đồng quản trị, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.
  • Tham dự và tham gia thảo luận tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và các cuộc họp khác của công ty.
  • Sử dụng tư vấn độc lập, bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty để thực hiện nhiệm vụ được giao.
  • Ban kiểm soát có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị trước khi trình báo cáo, kết luận và kiến nghị lên Đại hội đồng cổ đông.
  • Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này, Điều lệ công ty và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.

5. Mối quan hệ của Ban kiểm soát Công ty cổ phần và các cơ quan trong Công ty

5.1 Mối quan hệ của Ban kiểm soát Công ty cổ phần và Đại hội đồng cổ đông

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 138 Luật doanh nghiệp 2020 thì: Đại hội đồng cổ đông có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành Kiểm soát viên;

Khoản 1 Điều 172 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: Kiểm soát viên được trả tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Đại hội đồng cổ đông quyết định tổng mức tiền lương, thù lao, thưởng, lợi ích khác và ngân sách hoạt động hằng năm của Ban kiểm soát;

Như vậy, có thể thấy quan hệ giữa Ban kiểm soát và Đại hội đồng cổ đông là quan hệ cấp trên cấp dưới. Đại hội đồng cổ đông thành lập Ban kiểm soát, Ban kiểm soát thực hiện các quyền và nhiệm vụ được đại hội đồng cổ đông giao.

5.2 Mối quan hệ của Ban kiểm soát Công ty cổ phần và Hội đồng quản trị, Ban giám đốc

Ban kiểm soát có chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động Hội đồng quản trị và Ban giám đốc. Do đó Ban kiểm soát hoạt động độc lập với Hội đồng quản trị và Ban giám đốc. Thông qua chức năng kiểm tra, giám sát của mình, Ban kiểm soát sẽ đảm bảo rằng các hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc tuân thủ đúng quy định của Công ty và quy định của pháp luật, bảo vệ lợi ích cho các cổ đông.

6. Công ty cổ phần có bắt buộc phải có ban kiểm soát không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 137 Luật doanh nghiệp 2020 thì công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây

Mô hình 1: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

Mô hình 2: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Như vậy, có thể thấy công ty cổ phần không bắt buộc phải có ban kiểm soát. Công ty cổ phần chỉ bắt buộc phải có Ban kiểm soát khi Công ty có trên 11 cổ đông, hoặc dưới 11 cổ đông nhưng các cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty. Còn nếu  công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát Công ty cổ phần.

7. Làm sao để ban kiểm soát Công ty cổ phần hoạt động hiệu quả 

Để ban kiểm soát Công ty cổ phần hoạt động hiệu quả cần phải xây dựng một Quy chế hoạt động chặt chẽ, có tính ứng dụng cao cho Ban kiểm soát. Nếu bạn đang băn khoăn không biết xây dựng Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát với những nội dung như thế nào thì hãy nhanh đến ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi.

Với đội ngũ luật sư, chuyên gia tư vấn am hiểu tường tận các vấn đề pháp lý trong doanh nghiệp,  Công ty Luật Thái An chắc chắn sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn xây dựng, soạn thảo Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát Công ty cổ phần uy tín, chất lượng và phù hợp với đặc thù doanh nghiệp của bạn.

===>>> Xem thêm:

Nguyễn Văn Thanh