Giao nộp chứng cứ, tài liệu cho Toà án khi nào và như thế nào sẽ ảnh hưởng tới thành công trong vụ án hay vụ việc. Luật sư là người am hiểu thủ tục tố tụng sẽ biết cách xử lý sao cho có lợi nhất cho thân chủ, dựa trên các quy định của pháp luật. Và khi giao nộp chứng cứ, tài liệu bạn cũng cần rất cẩn trọng, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thủ tục giao nộp chứng cứ, tài liệu.
1. Khi nào giao nộp chứng cứ, tài liệu cho Toà án sao cho có lợi ?
Trong một vụ án, luật sư cần cân nhắc kỹ về thời điểm cung cấp chứng cứ: có những chứng cứ cần thiết phải được cung cấp từ thời điếm khởi kiện để Toà thụ lý vụ án và thông qua Toà án chứng cứ đó được chuyển tải cho phía bên kia, nhưng cũng có những chứng cứ nếu cung cấp ngay cho Toà án và phía đương sự khác biết được có thể gây bất lợi cho mình.
Nhìn chung thời hạn giao nộp chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự, căn cứ khoản 4 điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, tuy nhiên có những ngoại lệ sẽ trình bầy bên dưới.
a. Giao nộp chứng cứ, tài liệu trước khi khởi kiện
Việc giao nộp chứng cứ tài liệu ở giai đoạn này là bắt buộc để chứng minh tư cách khởi kiện, tranh chấp phát sinh do đó xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện. Các chứng cứ và tài liệu giao nộp ở giai đoạn này là những tài liệu cơ bản. Chi tiết có tại bài viết A-Z về khởi kiện vụ án dân sự
Mặt khác thì pháp luật cũng có quy định khá mở về thời gian giao nộp chứng cứ, tài liệu sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Khoản 4 điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự:
Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó.
Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.
Quy định này nhằm đảm bảo cho các đương sự thời gian nghiên cứu, phân tích chứng cứ, tài liệu liên quan của các bên, đó là khoảng thời gian chờ mở phiên tòa xét xử. Nếu đương sự chứng minh và được Tòa án chấp nhận chứng cứ trong khoảng thời gian chờ mở phiên tòa xét xử hoặc tại phiên tòa xử thì đương sự bên kia có quyền được biết chứng cứ đó và có thể yêu cầu Tòa án kéo dài thời gian xét xử để nghiên cứu, phân tích, thẩm định chứng cứ.
b. Giao nộp chứng cứ, tài liệu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử:
Trong giai đoạn này Toà án tiến hành các hoạt động cần thiết để thu thập chứng cứ và bước đầu đánh giá chứng cứ. Bên cạnh các chứng cứ do khách hàng cung cấp còn có các chứng cứ do các đương sự khác có quyền lợi đối lập cung cấp. Để làm rõ các yêu cầu của mình và phản bác các yêu cầu của đối phương, chỉ nên cung cấp cho Toà án các chứng cứ với mục đích trên.
Giao nộp chứng cứ, tài liệu khi Toà lấy lời khai
Toà án mời các đương sự đến lấy lời khai, lúc này cần khai đầy đủ, ngắn gọn và đi vào trọng tâm của vấn đề. Đồng thời, đương sự cũng cần cung cấp cho Toà án những văn bản, tài liệu có liên quan, nhắm giúp Toà án nhìn nhận vấn đề một cách chính xác và nhanh chóng.
Trường hợp đã xác định được các lập luận, quan điểm của bên đối lập thì cũng cần thiết phải chuẩn bị các bài giải trình để phản bác lại các lập luận đó. Khi cung cấp chứng cứ cho Toà án nên thể hiện rõ quan điểm của mình là chứng cứ này dùng để chứng minh cho yêu cầu nào của mình và tại sao, đồng thời đề xuất phương án để Toà án xem xét.
Giao nộp chứng cứ, tài liệu bổ sung theo yêu cầu của Toà án
Trong giai đoạn xét xử, Toà án thường yêu cầu đương sự bổ sung chứng cứ, tài liệu. Đây cũng là lúc các đương sự giao nộp chứng cứ, tài liệu nhiều nhất.
Giao nộp chứng cứ, tài liệu tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ
Giao nộp chứng cứ, tài liệu tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ là một mốc quan trọng. Qua phiên họp này, có thể biết và tiếp cận tất cả các tài liệu, chứng cứ, xác định những chứng cứ đã giao nộp, đề nghị triệu tập người làm chứng hoặc những người tham gia tố tụng khác.
Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ cũng là một mốc quan trọng liên quan tới phản tố. Nếu có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải đưa ra yêu cầu trước phiên họp này, căn cứ khoản 2 điều 201 Bộ luật tố tụng dân sự:
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Như vậy, về nguyên tắc sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cuối cùng các đương sự không có quyền cung cấp chứng cứ, không có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu nếu việc thay đổi, bố sung yêu cầu của họ vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu và không có căn cứ để Tòa án chấp nhận chứng cứ giao nộp quá hạn.
Giao nộp chứng cứ, tài liệu tại phiên toà sơ thẩm
Để có thể giao nộp chứng cứ, tài liệu ở giai đoạn này, cần chứng minh được:
- Lý do của việc chậm giao nộp
- Toà không yêu cầu giao nộp trước đó
- Đương sự không thể biết tới các chứng cứ, tài liệu này trong giai đoạn trước
Giao nộp chứng cứ, tài liệu tại phiên toà phúc thẩm
Việc giao nộp chứng cứ, tài liệu tại phiên toà phúc thẩm vẫn có thể thực hiện nếu đáp ứng được các điều kiện như đối với việc giao nộp chứng cứ, tài liệu tại phiên toà sơ thẩm.

2. Thủ tục giao nộp chứng cứ, tài liệu cho Toà án
Khoản 2 và 3 điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau về thủ tục giao nộp chứng cứ, tài liệu cho Toà án:
Việc đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án phải được lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của tài liệu, chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ.
Đương sự giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.
Cần lưu ý thủ tục giao nộp chứng cứ, tài liệu trong các trường hợp khác nhau như sau:
a. Giao nộp chứng cứ, tài liệu trực tiếp tại Tòa án:
Khi giao nộp chứng cứ, tài liệu trực tiếp tại Tòa án, cán bộ của Tòa án được Chánh án phân công nhận đơn và chứng cứ kèm theo đó. Cán bộ Tòa án phải ghi việc nhận đơn và chứng cứ kèm theo vào số nhận đơn, đồng thời lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ.
b. Giao nộp chứng cứ, tài liệu qua bưu điện:
Trường hợp giao nộp chứng cứ, tài liệu qua dịch vụ bưu chính, cán bộ Tòa án phải ghi vào sổ; nếu thấy chứng cứ nào còn thiếu hoặc không đầy đủ so với danh mục phải thông báo ngay cho họ biết để giao nộp bổ sung chúng cứ.
c. Giao nộp chứng cứ, tài liệu tại phiên xét xử của Tòa án:
Trường hợp giao nộp chứng cứ, tài liệu tại phiên toà trước khi khai mạc phiên xét xử, Thư ký Tòa án thực hiện việc giao nhận chứng cứ và phải lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ.
Trường hợp giao nộp chứng cứ, tài liệu trong quá trình xét xử hoặc trong quá trình phiên họp thì ghi vào biên bản phiên tòa, biên bản phiên họp.
Trên đây là phần tư vấn của Công ty Luật Thái An về giao nộp chứng cứ, tài liệu cho Toà án. Nếu muốn được giải đáp các thắc mắc, Bạn hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật.
- Hợp đồng thuê căn hộ chung cư - 08/07/2023
- Luật sư bào chữa tội tham ô tài sản với 3 hướng là gì? - 08/05/2023
- Hợp đồng nhập khẩu: Tất cả những gì bạn cần biết - 29/04/2023
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.