Tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên như thế nào?

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, việc tăng vốn điều lệ là hiện tượng tất yếu của doanh nghiệp. Đặc biệt với loại hình công ty TNHH  2 thành viên trở lên thì việc tăng vốn điều lệ của công ty thủ tục thường xuyên của doanh nghiệp. Bởi vậy, trong bài viết sau của Công ty Luật Thái An sẽ hướng dẫn chi tiết cho khách hàng về thủ tục tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên.

1. Cơ sở pháp lý của thủ tục tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Cơ sở pháp lý điều chỉnh thủ tục tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên là các văn bản pháp lý sau đây:

  • Luật doanh nghiệp 2020;
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
  • Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
  • Thông tư 105/2020/TT-BTC

2. Vốn điều lệ Công ty TNHH 2 thành viên trở lên là gì?

Căn cứ khoản 34 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì vốn điều lệ là:

“ tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần”.

Theo khoản 1 điều 47 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:

“Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp ghi vào trong điều lệ công ty”.

Xem thêm:

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên và những điều cần phải biết

Vốn điều lệ là gì? Tìm hiểu các quy định về vốn điều lệ

3. Các hình thức tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ trong theo 02 cách sau đây:

a. Tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên bằng cách tăng vốn góp của thành viên

Trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm được phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty.

Thành viên phản đối quyết định tăng thêm vốn điều lệ có thể không góp thêm vốn. Trường hợp này, số vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác.

Thủ tục tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên mới nhất từ năm 2021
Thủ tục tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên mới nhất từ năm 2021

b. Tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên bằng cách tiếp nhận thành viên mới

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên tiếp nhận thêm một hoặc nhiều thành viên (dưới 50 thành viên) để tăng vốn điều lệ.

Thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho người khác theo quy định tại Điều 52 của Luật doanh nghiệp 2020. Việc đồng ý cho thành viên mới góp vốn được thông qua cuộc họp hội đồng thành viên của công ty.

Trường hợp có thành viên không góp; hoặc chỉ góp một phần phần vốn góp thêm thì số vốn còn lại của phần vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác; theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác.

4. Thời hạn thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Để tăng vốn công ty TNHH 2 thành viên trở lên, các thành viên phải tổ chức họp Hội đồng thành viên về việc tăng vốn. Sau khi họp xong, công ty phải ra quyết định của Chủ tịch Hội đồng thành viên quyết định về việc tăng vốn này.

Theo đó, doanh nghiệp phải gửi báo cáo lên Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày việc tăng vốn điều lệ của công ty được thông qua.

5. Thủ tục tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên (100% vốn Việt  Nam)

Để thực hiện tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên 100% vốn Việt N am cần các bước chính như sau

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Căn cứ tại khoản 2 Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, để thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Nội dung thông báo phải bao gồm:
    • Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp/ mã số thuế  hoặc Số Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh của  doanh nghiệp (Chỉ kê khai số giấy chứng nhận đăng ký nếu không có mã số doanh nghiệp/mã số thuế)
    • Vốn điều lệ đã đăng kí; số vốn dự định;
    • Thời điểm, lý do và hình thức tăng vốn;
    •  Tỷ lệ phần vốn góp của mỗi thành viên trong công ty ;
    • Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
  • Biên bản họp hội đồng thành viên về việc tăng vốn.
  • Quyết định của hội đồng thành viên.
  • Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Đối với việc tăng vốn do tiếp nhận thành viên mới mà thành viên mới là tổ chức, ngoài các giấy tờ trên, hồ sơ còn cần thêm:

  • Quyết định về việc đầu tư của doanh nghiệp góp vốn;
  • Văn bản cử người đại diện phần góp vốn;
  • Danh sách đại diện theo ủy quyền
Hồ sơ tăng vốn công ty TNHH 2 thành viên
Hồ sơ tăng vốn công ty TNHH 2 thành viên – ảnh: Luật Thái An

Bước 2 thủ tục tăng vốn điều lệ công ty tnhh 2 thành viên: Thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên tại cơ quan có thẩm quyền

Bước 1: Nộp hồ sơ

Nộp hồ sơ tới: Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch đầu tư nơi công ty TNHH 2 thành viên trở lên đặt trụ sở chính, bằng 2 cách sau:

Cách 1:  Nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa của phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. 

Cách 2:  Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có thể nộp online bằng phương thức sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng chữ ký số công cộng và truy cập vào website: www.dangkykinhdoanh.gov.vn.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định.

Trong vòng từ 03- 05 ngày Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện thủ tục thay đổi tăng vốn điều lệ cho công ty;

Bước 2: Nhận kết quả

Công ty nhận kết quả, bao gồm có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới thể hiện vốn điều lệ đã thay đổi; Giấy xác nhận về tỷ lệ vốn góp mới của các thành viên, thành viên góp vốn mới.

Bước 3 thủ tục tăng vốn điều lệ công ty tnhh 2 thành viên: Công bố thông tin thay đổi vốn điều lệ công ty trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp

Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh sẽ công bố thông tin thay đổi của doanh nghiệp trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia.

Bước 4 thủ tục tăng vốn điều lệ công ty tnhh 2 thành viên: Khai, nộp bổ sung lệ phí môn bài sau khi tăng vốn điều lệ

Trường hợp việc thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp làm tăng mức lệ phí môn bài của doanh nghiệp phải nộp thì doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục sau đây:

  • Tờ khai điều chỉnh đăng ký thuế (Mẫu số 08/MST);
  • Tờ khai thuế môn bài bổ sung;
  • Trường hợp người nộp thuế có sự thay đổi các yếu tố liên quan đến căn cứ tính thuế làm thay đổi số thuế môn bài phải nộp của năm tiếp theo thì sẽ phải tiến hành nộp hồ sơ khai thuế môn bài cho năm tiếp theo, thời hạn thực hiện việc khai thuế chậm nhất là vào ngày 31/12 của năm có sự thay đổi đó.

6. Thủ tục tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên (có vốn nước ngoài)

Theo Điều 23 Luật đầu tư 2020, khi làm thủ tục thành lập, các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thuộc trường hợp sau đây:

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Theo pháp luật hiện hành, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp 02 loại giấy tờ thay thế cho giấy chứng nhận đầu tư trước đây là:

  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Ghi nhận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài, thông tin dự án thực hiện tại Việt Nam, ưu đãi đầu tư (nếu có)
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Ghi nhận thông tin doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư được nêu trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tùy từng trường hợp cụ thể mà công ty TNHH vốn nước ngoài sẽ tiến hành thủ tục tăng vốn khác nhau:

  • Trường hợp công ty TNHH vốn nước ngoài không có giấy chứng nhận đầu tư: là trường hợp mua lại vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với các tổ chức kinh tế đã được thành lập ở Việt Nam trước đó. Lúc này sẽ cần làm thủ tục xin góp thêm vốn tại Phòng đầu tư, sau đó sẽ làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch – đầu tư.
  • Trường hợp công ty TNHH vốn nước ngoài có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Làm qua 2 bước:
    • Điều chỉnh thông tin Giấy chứng nhận đầu tư
    • Điều chỉnh nội dung đăng ký kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do tăng vốn.

Dưới đây chúng tôi sẽ trình bầy các bước thực hiện:

a. Xin chấp thuận góp vốn

Hiện nay, đa số các trường hợp khi tăng vốn đối với công ty có vốn nước ngoài trước khi thực hiện cần làm thủ tục xin chấp thuận góp vốn trước khi chuyển tiền. Cơ quan có thẩm quyền là Phòng đầu tư nước ngoài thuộc Sở kế hoạch đầu tư hoặc ban quản lý khu công nghiệp nơi công ty đặt trụ sở chính.

b. Điều chỉnh thông tin trên Giấy chứng nhận đầu tư (điều chỉnh vốn đầu tư của dự án) và thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Trước khi nộp hồ sơ, Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư kê khai trực tuyến thông tin về dự án đầu tư tại Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài (dautunuocngoai.gov.vn hoặc fdi.gov.vn).

Nơi nộp hồ sơ là  Phòng Đầu tư nước ngoài, Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính/văn phòng điều hành hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (tùy từng trường hợp)

Hồ sơ bao gồm:

  • Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký thuế đối với trường hợp công ty TNHH vốn nước ngoài chưa tách Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Báo cáo tình hình thực hiện dự án và Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
  • Bản Giải trình về việc nhà đầu tư tăng vốn thực hiện dự án, nêu rõ nguồn vốn tăng lên;
  • 01 bản công chứng Báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm gần với thời điểm điều chỉnh nhất;
  • Xác nhận ngân hàng đối với tài khoản vốn chứng minh công ty đã góp đủ vốn (nếu Báo cáo tài chính không thể hiện công ty đã góp đủ vốn);
  • Xác nhận số dư tài khoản gửi, báo cáo tài chính hoặc cam kết bảo lãnh góp vốn của công ty mẹ (đối với nhà đầu tư là tổ chức), sổ tiết kiệm, xác nhận số dư tài khoản (đối với nhà đầu tư là cá nhân) tương ứng với mức vốn đầu tư dự kiến tăng;
  • Thông tin xây dựng đề xuất dự án: Số lượng lao động nước ngoài, số lượng lao động Việt Nam; Số điện thoại, email nhà đầu tư,
  • Các thông tin khác như: Số điện thoại Công ty tại Việt Nam, Diện tích trụ sở chính; Hộ chiếu công chứng và xác nhận tạm trú (thẻ tạm trú) của người đại diện theo pháp luật.
  • Văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục.

Lưu ý: Đối với những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Luật đầu tư năm 2005, chưa thực hiện thủ tục tách giấy chứng nhận đầu tư theo quy định trong luật đầu tư năm 2014 có thể thực hiện đồng thời thủ tục tách giấy chứng nhận đầu tư với thủ tục nêu trên.

Thời hạn giải quyết là từ 10 -15 ngày làm việc.

Thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tương tự như trường hợp tăng vốn công ty TNHH 1 thành viên với 100% vốn Việt Nam (đã trình bầy ở trên).

Xem thêm:

Điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Quy định mới nhất!

7. Lưu ý khi tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Khi tăng vốn điều lệ, doanh nghiệp và thành viên cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nghĩa vụ và trách nhiệm của các thành viên trong doanh nghiệp được tăng lên bởi trách nhiệm đó sẽ căn cứ vào số vốn điều lệ mà các thành viên góp vào.
  • Tăng mức lệ phí môn bài phải đóng hằng năm. Cụ thể:
STT Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư Lệ phí môn bài phải nộp
1 Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư > 10 tỷ đồng 03 triệu đồng/năm
2 Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư ≤ 10 tỷ đồng. 02 triệu đồng/năm
3 Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác 01 triệu đồng/năm
  • Quá thời hạn thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn: sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu – 20 triệu đồng (K4 Đ44 Nghị định 122/2021/NĐ-CP). Trường hợp không đăng ký thay đổi nội dung GCN đăng ký doanh nghiệp khi tăng vốn điều lệ: phạt tiền từ 20 triệu – 30 triệu đồng  (K5 Đ44 Nghị định 122/2021/NĐ-CP). Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
  • Doanh nghiệp có thể tăng vốn điều lệ bất kỳ lúc nào để phục vụ các hoạt động kinh doanh. Mặt khác, khi công ty muốn giảm vốn lại rất khó khăn vì cần cung cấp các báo cáo tài chính tại thời điểm hiện tại, đảm bảo đủ tiền mặt để thanh toán các khoản nợ cũng như thanh toán khoản vốn giảm của công ty.

 

Trên đây là ý kiến của bộ phận tư vấn luật doanh nghiệp về thủ tục tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Nếu bạn cần được tư vấn chi tiết và được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp và luật đầu tư của Công ty Luật Thái An – luật sư sẽ giải thích cặn kẽ những gì chưa thể hiện được hết trong bài viết này.

Nguyễn Văn Thanh