Chia lợi nhuận công ty TNHH 2 thành viên trở lên như thế nào ?

Như chúng ta biết, kinh doanh nào cũng đều hướng đến lợi nhuận, trong đó có công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Có trường hợp nội bộ không thống nhất được việc chia lợi nhuận công ty TNHH thế nào nên trong công ty nảy sinh mối bất hòa. Không ít trường hợp do vi phạm pháp luật mà doanh nghiệp bị xử phạt hành chính, thậm chí lợi nhuận có được bị pháp luật tước bỏ. Vậy trước tiên doanh nghiệp cần kinh doanh đúng pháp luật, có lợi nhuận hợp pháp thì mới đem ra chia được. Sau đây, chúng tôi sẽ tư vấn về vấn đề chia lợi nhuận công ty TNHH 2 thành viên trở lên.

1. Thế nào là công ty TNHH 2 thành viên trở lên ?

Theo quy định tại Điều 46 Luật doanh nghiệp 2020 thì Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Xem thêm:

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên và những điều cần phải biết

2. Cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề chia lợi nhuận công ty TNHH

Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về vấn đề chia lợi nhuận công ty TNHH là Luật Doanh nghiệp năm 2020

3. Điều kiện phân chia lợi nhuận công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Và điều kiện để chia lợi nhuận được thể hiện rõ tại Điều 69 Luật Doanh nghiệp 2020, đó là: như sau:

“Điều 69. Điều kiện để chia lợi nhuận

Công ty chỉ được chia lợi nhuận cho các thành viên sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn trả sau khi chia lợi nhuận”.

Như vậy, các thành viên sẽ được công ty chia lợi nhuận tương ứng với tỉ lệ vốn đã góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định với điều kiện đầu tiên là công ty kinh doanh có lãi. Tuy nhiên phải kèm theo thêm điều kiện:

    • Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định pháp luật;
    • Bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận. Tức là công ty trước tiên phải nộp tất cả các khoản thuế cần phải đóng, các khoản tài chính khác theo quy định.

Trong quá trình tính toán chia lợi nhuận, công ty phải bảo đảm sau khi chia lợi nhuận vẫn còn khả năng tài chính để thanh toán các khoản nợ, thanh toán các nghĩa vụ tài sản đến hạn trả. Như vậy công ty không đảm bảo khả năng thanh khoản thì không được chia lợi nhuận.

Lưu ý: Trường hợp công ty TNHH  tiến hành chia lợi nhuận cho các thành viên khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện về chia lợi nhuận như đã nêu trên thì các thành viên công ty phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận; hoặc liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty cho đến khi các thành viên hoàn trả đủ số tiền, tài sản khác đã nhận tương đương với lợi nhuận đã chia.

Chia lợi nhuận công ty TNHH
Các quy định của pháp luật về chia lợi nhuận công ty TNHH luôn được mọi người quan tâm – Nguồn ảnh minh họa: Internet.

4. Cách thức phân chia lợi nhuận công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Vấn đề phân chia lợi nhuận ở công ty TNHH chỉ đặt ra với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên và thường được thực hiện theo 2 cách sau:

a. Chia lợi nhuận công ty TNHH 2 thành viên trở lên theo thoả thuận, cam kết giữa các thành viên

Việc phân chia lợi nhuận theo thỏa thuận của thành viên công ty được ghi nhận tại Điều lệ công ty bởi đây là văn bản thỏa thuận giữa các thành viên về việc thành lập công ty và nguyên tắc trong quá trình hoạt động của công ty.  Ngay từ khi thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên, các thành viên sẽ tự thỏa thuận với nhau về nguyên tắc phân chia lợi nhuận, sau đó mới ghi nhận vào Điều lệ. Trường hợp cách chia không còn phù hợp thì có thể thực hiện sửa đổi, bổ sung Điều lệ về việc phân chia.

Căn cứ theo quy định tại điểm l khoản 2 Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về điều lệ công ty thì Điều lệ công ty có nội dung ghi nhận nguyên tắc “phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh”.

Trường hợp công ty TNHH tiếp nhận vốn góp của thành viên mới, thì giữa thành viên này và công ty có thể có biên bản thỏa thuận về việc góp vốn kinh doanh và trong đó phải có thỏa thuận về việc phân chia lợi nhuận.

Xem thêm:

Các quy định pháp luật về điều lệ công ty

b. Chia lợi nhuận công ty TNHH 2 thành viên trở lên theo tỷ lệ góp vốn của các thành viên

Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 49 Luật doanh nghiệp năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) về quyền của thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên như sau:

“Điều 49. Quyền của thành viên Hội đồng thành viên

  1. Thành viên Hội đồng thành viên có các quyền sau đây:
    c) Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, dựa trên số vốn góp của từng thành viên công ty sẽ tiến hành phân chia tỷ lệ phần trăm lợi nhuận: số vốn góp của thành viên càng nhiều thì phần lợi nhuận nhận được sẽ nhiều hơn so với các thành viên góp vốn ít hơn. Đây là phương thức phân chia lợi nhuận được rất nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn áp dụng.

5. Các bước phân chia lợi nhuận công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Việc phân chia lợi nhuận công ty TNHH 2 thành viên trở lên cần được thực hiện theo trình tự để đảm bảo tính minh bạch và đúng đắn, với các bước như sau:

  • Giám đốc, Tổng giám đốc công ty đưa ra kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận dựa trên Điều lệ công ty, mức góp vốn của từng thành viên, trình cho Hội đồng thành viên trong cuộc họp Hội đồng thành viên.
  • Hội đồng thành viên căn cứ vào Điều lệ, báo cáo tài chính tiến hành biểu quyết để thông qua phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận.
  • Hội đồng thành viên ra quyết định phân chia lợi nhuận.

6. Luật sư tư vấn, hỗ trợ về chia lợi nhuận cho công ty TNHH

Luật sư tư vấn, hỗ trợ về chia lợi nhuận cho công ty TNHH hai thành viên là một dịch vụ pháp lý doanh nghiệp quan trọng, nhằm đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong việc phân phối lợi ích kinh tế giữa các cổ đông.

Khi công ty TNHH hai thành viên phát sinh lợi nhuận, việc chia lợi nhuận cần được thực hiện theo đúng pháp luật và theo điều lệ công ty đã đăng ký. Luật sư có vai trò quan trọng trong việc tư vấn các quy định pháp lý liên quan, giúp công ty hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình, từ đó đưa ra các quyết định phù hợp. Họ cũng hỗ trợ trong việc soạn thảo các thỏa thuận giữa các thành viên về cách chia lợi nhuận, đồng thời đảm bảo rằng mọi thỏa thuận này phải có sự thống nhất và tuân theo khuôn khổ pháp lý hiện hành.

Ngoài ra, luật sư còn có thể giúp giải quyết các tranh chấp phát sinh, đảm bảo quyền lợi của các bên được bảo vệ một cách tối ưu. Dịch vụ pháp lý này vô cùng quan trọng, góp phần vào sự ổn định và phát triển lâu dài của công ty.

HÃY LIÊN HỆ VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ VỀ CHIA LỢI NHUẬN CÔNG TY TNHH

Nguyễn Văn Thanh