Mắt là cơ quan cung cấp cho sinh vật sống tầm nhìn, khả năng tiếp nhận và xử lý chi tiết hình ảnh, cũng như cho phép một số chức năng phản ứng ảnh độc lập với tầm nhìn. Người dân ngày càng có ý thức chăm sóc mắt nhiều hơn đồng nghĩa với việc phòng khám chuyên khoa mắt cũng phải thành lập có trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu khám, chữa các bệnh về mắt của người dân.
Trong bài viết này, Công ty Luật Thái An với tham vọng tất cả các cá nhân, tổ chức trong xã hội đều có kiến thức pháp luật chung nhất, hạn chế các sai phạm không đáng có, chúng tôi xin tư vấn về các vấn đề pháp lý khi thành lập phòng khám chuyên khoa mắt.
1. Thế nào là phòng khám chuyên khoa mắt ?
Nhãn khoa là một phân ngành y học chuyên về mắt và những bệnh liên quan đến mắt. Khoa có chức năng chăm sóc sức khỏe mắt và thị giác toàn diện cho trẻ em, người lớn và người già. Bệnh cạnh đó, nhãn khoa cũng có nhiệm vụ phối hợp với các khoa lâm sàng khác trong việc điều trị các biến chứng bệnh lý và tổn thương về mắt do tai nạn.
Các bệnh lý nhãn khoa phổ biến như: đau mắt hột, viêm bờ mi, mỏi mắt, bong giác mạc, bệnh Eales, Glôcôm, bệnh võng mạc, cận thị, khiếm thị, cườm thuỷ tinh thể, lẹo, lé, lệch khúc xạ, loạn thị, rối loạn sắc giác, tăng nhãn áp,…
Phòng khám chuyên khoa mắt là phòng khám hoạt động với mục đích nêu trên và có thể thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh sau:
- Phẫu thuật khúc xạ
- Phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể
- Phẫu thuật ghép giác mạc
- Điều trị Các bệnh võng mạc
- Điều trị Các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị, lão thị…)
- Điều trị Các bệnh về mắt…
2. Cơ sở pháp lý điều chỉnh việc thành lập phòng khám chuyên khoa mắt
Cơ sở pháp lý điều chỉnh việc thành lập phòng khám chuyên khoa mắt là các văn bản pháp luật sau đây:
- Luật đầu tư 2014;
- Luật doanh nghiệp 2014;
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
- Quyết định 10/2007/QĐ-TTg ban hành hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam;
- Luật Khám chữa bệnh 2009
- Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế
- Các luật thuế hiện hành
3. Ngành nghề khám chữa bệnh đối với phòng khám chuyên khoa mắt
Đối với phòng khám chuyên khoa mắt thì áp dụng ngành nghề kinh doanh khám chữa bệnh đối với phòng khám chuyên khoa và đa khoa có mã ngành cấp 4 dưới đây.
Mã ngành cấp 4 | Mã ngành cấp 5 | Tên ngành |
8620 | 86201 | Hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa
Nhóm này gồm: – Hoạt động khám, chữa bệnh, tư vấn và chăm sóc sức khoẻ trong lĩnh vực y tế đa khoa và chuyên khoa do các bác sỹ và các chuyên gia y tế, các nhà phẫu thuật đảm nhận; – Hoạt động của các trung tâm kế hoạch hóa gia đình có cung cấp điều trị ytế như triệt sản hay sảy thai, không có tiện nghi ăn ở; – Các hoạt động này có thể tiến hành ở phòng khám bệnh tư nhân, phòng khám bệnh của một nhóm bác sỹ và trong các phòng khám cho các bệnh nhân ngoại trú bệnh viện, và ở các phòng khám của các doanh nghiệp, trường học, nhà dưỡng lão, các tổ chức lao động, cũng như tại nhà của bệnh nhân; – Dịch vụ tư vấn cá nhân cho các bệnh nhân nội trú. |
4. Điều kiện kinh doanh phòng khám chuyên khoa mắt
Khám chữa bệnh là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên phải xin giấy phép đủ điều kiện kinh doanh. Các điều kiện đối với phòng khám chuyên khoa mắt là:
Điều kiện về cơ sở vật chất:
- Có địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình, bảo đảm đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa, làm vệ sinh.
- Phòng khám chuyên khoa mắt phải có phòng khám bệnh, chữa bệnh có diện tích ít nhất là 10 m2 và nơi đón tiếp người.
- Trường hợp thực hiện thủ thuật thì phòng thủ thuật phải có diện tích ít nhất là 10 m2;
- Trường hợp thực hiện thăm dò chức năng thì phòng thăm dò chức năng phải có diện tích ít nhất là 10 m2;
- Phải bố trí khu vực tiệt trùng riêng biệt để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại.
- Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, xử lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật; bảo đảm vô trùng đối với các phòng thực hiện thủ thuật.
- Có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ, chăm sóc người bệnh.
Điều kiện về thiết bị y tế:
- Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở đăng ký;
- Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa;
Điều kiện về nhân sự:
Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa mắt phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa mắt.
- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng về chuyên khoa mắt.
Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám, các đối tượng khác làm việc trong phòng khám chuyên khoa nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.
5. Đăng ký kinh doanh phòng khám chuyên khoa mắt
Việc đăng ký kinh doanh là quá trình xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bạn cần chuẩn bị cung cấp các thông tin sau:
Về ngành nghề kinh doanh:
Cạn cần chỉ ra mã ngành cấp 4 đối với phòng khám chuyên khoa mắt như đã nêu ở trên.
Về vốn điều lệ:
Ngoài một số ngành nghề đặc biệt (thí dụ, kinh doanh bất động sản) mà pháp luật có quy định mức vốn tối thiểu (hay còn gọi là “vốn pháp định”), còn thì nhìn chung không có quy định vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu.
Tuy nhiên, vốn điều lệ cần để ở mức hợp lý để đảm bảo trang trải các chi phí vận hành doanh nghiệp. Vốn điều lệ sẽ quyết định mức lệ phí môn bài phải nộp hàng năm (chi tiết bên dưới). Mặt khác thì nếu để mức vốn điều lệ quá thấp sẽ giảm uy tín của doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu.
Về địa điểm đặt trụ sở doanh nghiệp:
Cần chuẩn bị Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê địa điểm; lưu ý: không được đặt trụ sở doanh nghiệp tại căn hộ chung cư.
Về người đại diện theo pháp luật:
Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép Doanh nghiệp có thể có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. Chức danh của người này có thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc hay một chức danh khác theo Điều lệ doanh nghiệp quy định. Người đại diện theo pháp luật không nhất thiết phải là bác sỹ.
Về loại hình doanh nghiệp:
Bạn có thể chọn một trong các loại hình dưới đây. Để biết rõ về đặc điểm từng loại hình, hồ sơ và thủ tục thành lập, bạn vui lòng tham khảo:
- Thủ tục thành lập công ty cổ phần
- Thủ tục thành lập công ty THNN một thành viên
- Thủ tục thành lập công ty THNN hai thành viên trở lên
Thời gian để xin Giấy chứng nhân đăng ký doanh nghiệp là 5 ngày làm việc.

6. Xin “giấy phép con” cho phòng khám chuyên khoa mắt
Nếu coi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là “giấy phép lớn” thì phải phải tiếp tục làm thủ tục xin một hoặc vài “giấy phép con” khác, đó là:
Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh đối với phòng khám chuyên khoa mắt
Doanh nghiệp phải xin Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh đối với phòng khám chuyên khoa mắt:
Thẩm quyền cấp:
Giám đốc Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở trên địa bàn.
Hồ sơ cấp:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa mắt
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa mắt; người phụ trách bộ phận chuyên môn của phòng khám chuyên khoa mắt;
- Danh sách đăng ký người hành nghề tại phòng khám chuyên khoa mắt(bao gồm đăng ký người hành nghề và người làm việc chuyên môn y tế tại phòng khám nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề)
- Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của phòng khám chuyên khoa mắt
- Tài liệu chứng minh phòng khám đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám chuyên khoa mắt
- Điều lệ tổ chức và hoạt động
- Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
- Chi tiết có tại bài viết Xin cấp Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh.
Giấy phép phòng cháy chữa cháy:
Cơ sở khám chữa bệnh bao gồm các phòng khám chuyên khoa mắt là đối tượng phải xin Giấy phép phòng cháy chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy.
7. Quy định về nội dung biển hiệu của phòng khám chuyên khoa mắt
Sau khi được cấp giấy phép hoạt động, phòng khám chuyên khoa mắt phải có biển hiệu theo quy định của pháp luật về biển hiệu, không sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ trên biển hiệu và có đủ các thông tin cơ bản sau đây:
- Tên đầy đủ của cơ sở, số giấy phép hoạt động của phòng khám.
- Địa chỉ của cơ sở ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; số điện thoại.
- Thời gian làm việc hằng ngày.
8. Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phòng khám chuyên khoa mắt:
phòng khám chuyên khoa mắt có thể đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu dịch vụ của mình. Với việc bảo hộ này, doanh nghiệp có thể ngăn cấm các đối thủ cạnh tranh sử dụng trái phép thương hiệu của mình, gây nhầm lẫn cho bệnh nhân.
9. Các vấn đề liên quan tới kế toán, tài chính đối với phòng khám chuyên khoa mắt
Lập hồ sơ khai thuế ban đầu
Khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện đăng ký hồ sơ khai thuế ban đầu tại Chi cục thuế quận/huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ trở chính, đồng thời làm thủ tục đặt in và phát hành hóa đơn. Để biết thêm chi tiết, mời bạn tham khảo bài viết Thủ tục đăng ký hồ sơ khai thuê ban đầu.
Các loại thuế và phí cơ bản phải nộp
Doanh nghiệp phải nộp các loại thuế sau:
- Lệ phí môn bài:
- Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
- Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;
- Thuế VAT: Dịch vụ y tế bao gồm dịch vụ khám chữa bệnh tại phòng khám chuyên khoa mắt không phải chịu thuế VAT.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp: thuế suất 20% đối với doanh thu của doanh nghiệp sau khi trừ chi phí hợp lệ. Lưu ý, nếu trong ba năm đầu doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu thì không phải chịu thuế.
- Thuế thu nhập cá nhân của nhân viên doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân
- Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Áp dụng nếu doanh nghiệp sử dụng đất phi nông nghiệp với mục đích kinh doanh. Bạn có thể tham khảo bài viết Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
10. Các vấn đề về lao động và bảo hiểm đối với doanh nghiệp phòng khám chuyên khoa mắt
Chứng chỉ hành nghề đối với bác sỹ và nhân viên y tế
Theo quy định của Luật Khám chữa bệnh 2009, các đối tượng sau bắt buộc phải có Chứng chỉ hành nghề:
- Bác sỹ, y sỹ
- Điều dưỡng viên
- Kỹ thuật viên
Đây là điều kiện để một nhân viên y tế có thể làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh và ký hợp đồng lao động với cơ sở đó.
Hợp đồng lao động
Doanh nghiệp cần ký hợp đồng lao động theo các quy định tại Điều 15 Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khi ký Hợp đồng lao động cần lưu ý các vấn đề sau:
- Chủ thể của hợp đồng lao động
- Nội dung cơ bản của hợp đồng lao động
- Thời hạn của hợp đồng lao động…
- …
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp các loại bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động khi ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên.
11. Dịch vụ thành lập phòng khám chuyên khoa mắt
Luật pháp Việt Nam có những quy định chặt chẽ về hoạt động đầu tư nói chung và hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói riêng. Nếu không am hiểu pháp luật đầu tư Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng có những hành vi vi phạm pháp luật và phải gánh rủi ro pháp lý. Để được tư vấn một cách đầy đủ, nhà đầu tư nước ngoài nên tham khảo dịch vụ của chúng tôi.
Lưu ý
- Bài viết trên được các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Thái An – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thực hiện phục vụ với mục đích phố biến kiến thức pháp luật cho cộng đồng hoặc nghiên cứu khoa học, không có mục đích thương mại.
- Bài viết căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, tại thời điểm Bạn đọc bài viết này, rất có thể các quy định pháp luật đã bị sửa đổi hoặc thay thế.
- Để giải đáp pháp lý cho từng vụ việc, Bạn hãy liên hệ với Công ty Luật Thái An qua Tổng đài tư vấn pháp luật. Nếu bạn cần dịch vụ, Bạn để lại tin nhắn hoặc gửi thư tới contact@luatthaian.vn.
CÔNG TY LUẬT THÁI AN
Đối tác pháp lý tin cậy
- Luật sư bảo vệ thành công vụ án tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ ông cha để lại - 11/10/2023
- Hợp đồng thuê căn hộ chung cư - 08/07/2023
- Luật sư bào chữa tội tham ô tài sản với 3 hướng là gì? - 08/05/2023
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.