Cách thừa kế theo di chúc

Chia thừa kế theo di chúc là một quy trình pháp lý quan trọng, đòi hỏi sự tuân theo chặt chẽ các quy định của pháp luật. Khi có di chúc, việc phân chia tài sản thừa kế sẽ dựa trên nguyện vọng của người đã khuất, được thể hiện rõ trong di chúc. Quá trình này đảm bảo rằng tài sản được chuyển giao theo ý muốn của người để lại, đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Hãy tìm hiểu sau đây:

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh cách phân chia thừa kế theo di chúc:

Cơ sở pháp lý điều chỉnh cách phân chia di sản thừa kế theo di chúc là Bộ Luật dân sự 2015.

2. Di chúc là gì?

Quyền để lại thừa kế và quyền thừa kế là hai trong nhiều quyền cơ bản của công dân. Một trong những phương thức để một cá nhân để lại thừa kế là lập ra di chúc.

Theo quy định tại Điều 624 Bộ Luật dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Như vậy, di chúc là sự thể hiện ý chí cá nhân của chính người lập di chúc, pháp luật tôn trọng và bảo vệ ý chí của cá nhân đó cho đến khi họ chết. Một cá nhân lập ra di chúc để chuyển giao tài sản của mình cho người khác và di chúc sẽ có hiệu lực sau khi người lập di chúc chết.

Di chúc chính là một hành vi pháp lý đơn phương, do đó để được pháp luật bảo vệ thì di chúc phải tuân theo các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự cũng như các điều kiện có hiệu lực của di chúc.

>>> Xem thêm: Thủ tục lập di chúc 

Vì vậy, một trong những điều kiện để việc phân chia di sản thừa kế theo di chúc được tiến hành chính là di chúc phải hợp pháp. Di chúc được coi là hợp pháp nếu thủ theo các điều kiện, hình thức được quy định tại các Điều trong Chương XXII – Thừa kế theo di chúc của Bộ Luật dân sự 2015.

3. Phân chia thừa kế theo di chúc như thế nào?

Cách phân chia di sản thừa kế theo di chúc được quy định tại Điều 659 Bộ Luật dân sự 2015 như sau:

a) Phân chia thừa kế theo di chúc theo đúng ý chí của người để lại di chúc

Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc. Di chúc, như đã phân tích, là ý chí cá nhân được pháp luật bảo vệ, do đó việc phân chia phải được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc. Nội dung của di chúc có thể phân định rõ phần di sản thừa kế của từng người thừa kế.

b) Phân chia thừa kế theo di chúc trong trường hợp di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế

Nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp những người thừa kế có thỏa thuận khác. Để tránh xảy ra những tranh chấp sau này, những người thừa kế có thể lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Ngoài ra, để đảm bảo chắc chắn tính hợp pháp của văn bản thỏa thuận này, theo Điều 57 Luật Công chứng năm 2014, những người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận này.

c) Phân chia thừa kế theo di chúc theo hiện vật

Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản. Tuy nhiên, nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

d) Phân chia thừa kế theo di chúc theo tỷ lệ đối với tổng giá trị di sản

Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.

e) Phân chia thừa kế theo di chúc đối với bất động sản

Trường hợp phân chia thừa kế theo di chúc đối với bất động sản là đất thì phải tuân theo pháp luật về đất đai. Di sản là đất đai không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chỉ có trong sổ địa chính quản lý tại UBND xã thì căn cứ theo Điều 188 Luật đất đai 2013, nếu mảnh đất này không có tranh chấp, không bị kê biên thi hành án và đang trong thời gian sử dụng thì được quyền thừa kế và hưởng thừa kế.

Bên cạnh đó, có thể xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Điều 101 Luật đất đai 2013 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Theo đó, khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ tiến hành việc phân chia di sản.

chia thừa kế
Chia thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật đều không đơn giản. – ảnh minh hoạ: internet

4. Phân chia thừa kế theo theo di chúc bị hạn chế trong trường hợp nào?

a) Việc chia thừa kế theo theo di chúc bị hạn chế khi có những người được thừa kế không phụ thuộc vào di chúc

Về nguyên tắc, di sản được phân chia theo ý chí của người lập di chúc, tuy nhiên, Khoản 1 Điều 644 Bộ Luật dân sự 2015 có quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc bao gồm:

  • Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng
  • Con thành niên nhưng không có khả năng lao động

Những người thừa kế này vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó.

Như vậy, dù ý chí của người lập di chúc là không chia di sản hoặc chia ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật cho những người thừa kế này thì họ vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế, trừ trường hợp họ thuộc một trong các trường hợp không được chia di sản thừa kế quy định tại Điều 621 Bộ Luật dân sự 2015.

b) Việc chia thừa kế theo theo di chúc bị hạn chế đối với di sản thờ cúng

Theo quy định tại Điều 645 Bộ Luật dân sự 2015, di sản thừa kế không được phân chia trong trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

Phần di sản được dùng vào việc thờ cúng được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Trường hợp người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

5. Phân chia thừa kế theo di chúc trong trường hợp có yếu tố nước ngoài

Điều 680 Bộ Luật dân sự 2015 có quy định như sau:

Điều 680. Thừa kế

  1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.

  2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Như vậy, các vấn đề về thừa kế nói chung và việc phân chia thừa kế theo di chúc nói riêng sẽ được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.

Đối với trường hợp người để lại di sản thừa kế không có quốc tịch hoặc có nhiều quốc tịch thì căn cứ để xác định pháp luật áp dụng ở Điều 672 Bộ Luật dân sự 2015.

Sau khi xác định pháp luật áp dụng đối với người không có quốc tịch, người có nhiều quốc tịch dựa vào Điều 672 thì việc xác định thừa kế hoặc chia thừa kế theo di chúc cũng sẽ được xác định theo pháp luật nước đó.

Tuy nhiên, nếu di sản thừa kế bao gồm bất động sản, việc thực hiện phân chia di sản thừa kế hoặc chia thừa kế theo di chúc trong trường hợp này sẽ được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản.

6. Thủ tục phân chia thừa kế theo di chúc / Cách chia thừa kế theo di chúc

Ngoại trừ di chúc chung của vợ chồng, di chúc sẽ có hiệu lực pháp luật ngay sau khi người để lại di sản chết. Thông thường, sau khi việc mai táng cho người chết được hoàn tất, người được giao trách nhiệm công bố di chúc sẽ công bố nội dung di chúc cho những người thừa kế.

  • Đối với các tài sản mà pháp luật không bắt buộc phải đăng ký xác lập quyền sở hữu thì ngay sau khi công bố di chúc, những người thừa kế được quyền chia thừa kế theo di chúc ngay.
  • Đối với những tài sản theo quy định phải đăng ký để xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng của chủ sở hữu tài sản như: nhà đất, phương tiện giao thông.. thì những người thừa kế tiến hành việc chia thừa kế theo di chúc tại phòng công chứng.

Sau khi hoàn tất thủ tục kê khai, kiểm tra hiệu lực pháp luật của di chúc, kiểm tra các giấy tờ, tài liệu về tài sản, giấy tờ tài liệu về nhân thân người chết, giấy tờ nhân thân của người hưởng thừa kế theo di chúc, Phòng công chứng tiến hành thủ tục niêm yết công khai về việc phân chia di sản theo di chúc tại UBND xã phường nơi có tài sản nếu là nhà đất, hoặc nơi người chết cư trú cuối cùng;

Nếu không có tranh chấp hoặc ý kiến phản đối của người thứ ba bất kỳ về việc phân chia di sản, Phòng công chứng tiến hành thủ tục khai nhận di sản theo nội dung của di chúc. Sau khi hoàn tất thủ tục khai nhận di sản tại phòng công chứng, những người thừa kế nộp hồ sơ tại các cơ quan liên quan đến việc tính thuế, lệ phí và đăng ký sang tên tài sản thừa kế như:

  • Đối với tài sản thừa kế là nhà đất: Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký nhà đất nơi có nhà đất đó để tiến hành thủ tục sang tên sổ đỏ từ người chết sang cho những người được hưởng thừa kế;
  • Đối với tài sản khác phải đăng ký khác: Nộp hồ sơ tại cơ quan cấp giấy phép, và cơ quan thuế để tính thuế, lệ phí trước bạ sang tên.

7. Luật sư tư vấn chia thừa kế theo di chúc

Luật sư tư vấn chia thừa kế theo di chúc là một quá trình pháp lý quan trọng, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về luật pháp và kinh nghiệm thực tiễn. Khi một người qua đời, di chúc của họ trở thành tài liệu quan trọng nhất quyết định cách phân chia tài sản của họ. Luật sư chuyên nghiệp sẽ đảm bảo rằng mọi quyết định phân chia tài sản được thực hiện một cách công bằng và tuân theo ý chí của người đã khuất.
Trong quá trình tư vấn, luật sư sẽ giúp khách hàng hiểu rõ về các quy định pháp luật liên quan, từ việc xác minh tính hợp lệ của di chúc, đến việc giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh. Họ cũng cung cấp lời khuyên về các vấn đề thuế liên quan đến thừa kế, giúp khách hàng tránh những rủi ro pháp lý không mong muốn.
Hơn nữa, luật sư có thể đóng vai trò là người điều hòa, giúp các bên liên quan đạt được sự đồng thuận trong việc chia thừa kế, đặc biệt trong trường hợp di chúc không rõ ràng hoặc có sự tranh cãi. Sự hỗ trợ của một luật sư tư vấn chia thừa kế có thể là chìa khóa để giải quyết các vấn đề phức tạp một cách êm đẹp, đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên liên quan và tôn trọng ý nguyện của người đã khuất.

 

HÃY LIÊN HỆ VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ VỀ CHIA THỪA KẾ THEO DI CHÚC!

Nguyễn Văn Thanh