Hợp tác xã: Những quy định cần biết!

Hợp tác xã là mô hình kinh doanh được ưa chuộng bậc nhất trong sản xuất nông nghiệp và tại nông thôn. Chính phủ hiện đang tìm tòi những biện pháp nhằm ưu tiên hơn nữa mô hình này. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ tư vấn các vấn đề pháp lý cơ bản của hợp tác xã.

1. Hợp tác xã là gì?

Điều 3 Luật hợp tác xã 2012 đã đinh nghĩa hợp tác xã như sau:

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Theo đó, những đặc điểm quan trọng của hợp tác xã là:

  • Hợp tác xã có tư cách pháp nhân
  • Hợp tác xã có ít nhất 7 thành viên
  • Hợp tác xã hoạt động trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý và vận hành

2. Vốn của hợp tác xã

Tài sản góp vốn có thể là:

  • Vốn góp là tiền đồng Việt Nam, các loại tài sản khác được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam bao gồm ngoại tệ, hiện vật, giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ và các loại giấy tờ có giá tại thời điểm góp vốn.
  • Giá trị vốn góp bằng các loại tài sản khác được xác định theo nguyên tắc thỏa thuận giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc thông qua tổ chức thẩm định.

Đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.

>>> Xem thêm: Tìm hiểu vốn hợp tác xã

3. Phân chia thu nhập của hợp tác xã:

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, thu nhập của hợp tác xã được phân phối như sau:

  • Trích lập quỹ đầu tư phát triển với tỷ lệ không thấp hơn 20% trên thu nhập; trích lập quỹ dự phòng tài chính với tỷ lệ không thấp hơn 5% trên thu nhập;
  • Trích lập các quỹ khác đo đại hội thành viên quyết định;
  • Thu nhập còn lại sau khi đã trích lập các quỹ được phân phối cho thành viên, hợp tác xã thành viên theo nguyên tắc sau dây:
    • Chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên; theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm;
    • Phần còn lại được chia theo vốn góp;
    • Tỷ lệ và phương thức phân phối cụ thể do điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định;

4. Thành viên của hợp tác xã

Thành viên của hợp tác xã có thể là:

  • Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật;
  • Cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam.

Lưu ý: Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân;

Các cá nhân, hộ gia đình, cơ quan tổ chức nêu trên phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;
  • Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã;
  • Góp vốn
  • Điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã.

cơ cấu tổ chức của hợp tác xã

Pháp luật quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức của hợp tác xã. – ảnh: Luật Thái An

5. Cơ cấu tổ chức hợp tác xã:

Cơ cấu tổ chức hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gồm đại hội thành viên, hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) và ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên:

a. Đại hội thành viên hợp tác xã

Đại hội thành viên hợp tác xã gồm tất cả các thành viên. Đại hội thành viên có quyền quyết định cao nhất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đại hội thành viên hợp tác xã có vai trò tương tự như Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần.

Đại hội thành viên bao gồm đại hội thành viên thường niên và đại hội thành viên bất thường. Đại hội thành viên được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu.

Cuộc họp của Đại hội thành viên thường niên được diễn ra trong thời hạn 03 tháng, tính từ ngày kết thúc năm tài chính và Đại hội này do Hội đồng quản trị triệu tập.

Đối với đại hội thành viên bất thường, đại hội này sẽ  do hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên hoặc thành viên đại diện của ít nhất một phần ba tổng số thành viên, hợp tác xã thành viên triệu tập theo quy định.

Điều 32 Luật Hợp tác xá 2012 và Điều lệ của Hợp tác xã sẽ quy định về Quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội thành viên

>>> Xem thêm: Đại hội thành viên hợp tác xã

b. Hội đồng quản trị hợp tác xã

Hội đồng quản trị hợp tác xã là cơ quan quản lý hợp tác xã do hội nghị thành lập hoặc đại hội thành viên bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo thể thức bỏ phiếu kín.

Hội đồng quản trị gồm chủ tịch và thành viên, số lượng thành viên hội đồng quản trị do điều lệ quy định nhưng tối thiểu là 03 người, tối đa là 15 người.

Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị hợp tác xã do điều lệ hợp tác xã quy định nhưng tối thiểu là 02 năm, tối đa là 05 năm.

Cuộc họp Hội đồng quản trị hợp tác xã là họp định kỳ và theo quy định của điều lệ tuy nhiên phải họp ít nhất 03 tháng một lần. Việc triệu tập là do chủ tịch hội đồng quản trị hoặc thành viên hội đồng quản trị được chủ tịch hội đồng quản trị ủy quyền.

Cuộc họp Hội đồng quản trị bất thường khi có yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số thành viên hội đồng quản trị hoặc chủ tịch hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, giám đốc (hoặc tổng giám đốc) hợp tác xã.

Điều 36 Luật Hợp tác xã 2012 và Điều lệ của Hợp tác xã quy định Quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng quản trị.

c. Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã:

Chủ tịch hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã. Chủ tịch hội đồng quản trị có các quyền hạn và nghĩa vụ sau:

  • lập chương trình, kế hoạch hoạt động của hội đồng quản trị
  • phân công nhiệm vụ cho các thành viên hội đồng quản trị;
  • Chuẩn bị nội dung, chương trình, triệu tập và chủ trì cuộc họp của hội đồng quản trị, đại hội thành viên
  • Ký văn bản của hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật và điều lệ;
  • Thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Hợp tác xã 2012 và điều lệ.

c. Giám đốc, tổng giám đốc hợp tác xã

Giám đốc, tổng giám đốc hợp tác xã là người có trách nhiệm điều hành hoạt động thường kỳ của hợp tác xã. Giám đốc, tổng giám đốc hợp tác xã có thể là thành viên hợp tác xã hoặc được thuê ngoài.

Giám đốc (tổng giám đốc) có quyền hạn và nhiệm vụ được quy định tại Điều 38 Luật hợp tác xã, đó là:

  • tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã
  • thực hiện nghị quyết của đại hội thành viên, quyết định của hội đồng quản trị;
  • ký kết hợp đồng nhân danh hợp tác xã theo ủy quyền của chủ tịch hội đồng quản trị;
  • trình hội đồng quản trị báo cáo tài chính hằng năm;
  • xây dựng phương án tổ chức bộ phận giúp việc, đơn vị trực thuộc của hợp tác xã trình hội đồng quản trị quyết định;
  • tuyển dụng lao động theo quyết định của hội đồng quản trị;
  • thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ khác được quy định tại điều lệ, quy chế của hợp tác xã.

Nếu giám đốc (tổng giám đốc) là do hợp tác xã thuê thì ngoài việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ quy định nêu trên còn phải thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ theo hợp đồng lao động và có thể được mời tham gia cuộc họp đại hội thành viên, hội đồng quản trị.

d. Ban kiểm soát  hợp tác xã

Khi hợp tác xã thành lập mà có từ 30 thành viên trở lên phải bầu ban kiểm soát. Hợp tác xã có ít hơn 30 thành viên thì lập ban kiểm soát hay không tuỳ thuộc vào  quy định của điều lệ.

Ban kiểm soát, kiểm soát viên hoạt động độc lập, thực hiện hoạt động kiểm tra và giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật và điều lệ.

Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên do đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số thành viên, đại diện hợp tác xã thành viên theo phương thức bỏ phiếu kín. Số lượng thành viên ban kiểm soát tuỳ theo quyết định của đại hội thành viên nhưng không quá 07 người.

Nhiệm kỳ của ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên theo nhiệm kỳ của hội đồng quản trị.

>>> Xem thêm: Ban kiểm soát của hợp tác xã

6. Trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của hợp tác xã

Giống như doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trụ sở chính, đồng thời hợp tác xã có thể có chi nhánh, văn phòng đại diên ở nơi khác:

a. Trụ sở chính của hợp tác xã

Điều 26 Luật hợp tác xã 2012 định nghĩa như sau về trụ sở hợp tác xã:

Trụ sở chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là địa điểm giao dịch của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên đường, phố, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Theo đó, trụ sở hợp tác xã là nơi thực hiện hợp tác xã tiến hành các hoạt động của mình. Để được chấp thuận là trụ sở hợp tác xã thì địa chỉ của trụ sở phải rõ ràng như trên. Nếu địa chỉ không rõ ràng thì cơ quan đăng ký sẽ từ chối hồ sơ của bạn.

>>> Xem thêm: Quy định về trụ sở chính của hợp tác xã

b. Chi nhánh của hợp tác xã

Quy định chung về chi nhánh của hợp tác xã

Hợp tác xã có thành lập chi nhánh. Chi nhánh là đơn vị trực thuộc của hợp tác xã, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng, nhiệm vụ của hợp tác xã (khoản 3 Điều 27 Luật hợp tác xã năm 2012).

Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã.

Tên của chi nhánh phải mang tên của hợp tác xã, kèm theo phần bổ sung tương ứng xác định chi nhánh.

Trước khi đăng ý thành lập chi nhánh Hợp tác xã phải có nghị quyết cả đại hội thành viên Hợp tác xã thống nhất về việc thành lập chi nhánh Hợp tác xã. Quyết định của Hội đồng quản trị thống nhất về việc cử người đại diện theo pháp luật của chi nhánh.

Thành lập chi nhánh của hợp tác xã

Căn cứ khoản 2 Điều 3 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT thì cần thực hiện thủ tục thành lập chi nhánh hợp tác xã đăng ký tại Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hợp tác xã đặt chi nhánh Hợp tác xã.

Hồ sơ thành lập Chi nhánh Hợp tác xã cần có:

  • Thông báo thành lập Chi nhánh Hợp tác xã theo mẫu
  • Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;
  • Nghị quyết của đại hội thành viên về việc mở chi nhánh hợp tác xã;
  • Quyết định bằng văn bản của hội đồng quản trị về việc cử người đại diện chi nhánh;
  • Bản sao hợp lệ giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện chi nhánh

Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hợp tác xã đặt chi nhánh Hợp tác xã, có thẩm quyền cấp phép thành lập chi nhánh.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký, chi nhánh của hợp tác xã được khắc dấu và có quyền sử dụng con dấu của mình.

Ngoài ra, hợp tác xã cũng có quyền thành lập chi nhánh ở nước ngoài theo quy đinh của pháp luật nước sở tại. Sau khi thành lập chi nhánh Hợp tác xã ở nước ngoài thì trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp giấy chứng nhận mở chi nhánh, hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản  tới cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính để bổ sung vào hồ sơ đăng ký hợp tác xã.

b. Văn phòng đại diện của hợp tác xã

Hợp tác xã được quyền lập văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài (căn cứ khoản 1 Điều 27 Luật Hợp tác xã năm 2012). Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền nhằm phục vụ cho hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Để thành lập văn phòng đại diện hợp tác xã, bạn cần nộp 1 bộ hồ sơ tới Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hợp tác xã đặt Văn phòng đại diện Hợp tác xã. Hồ sơ gồm:

  • Thông báo về việc đăng ký thành lập văn phòng đại diện, theo mẫu quy định tại Phụ lục I-5 Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT;
  • Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;
  • Nghị quyết của đại hội thành viên về việc mở văn phòng đại diện của hợp tác xã;
  • Quyết định bằng văn bản của hội đồng quản trị về việc cử người đại diện văn phòng đại diện
  • Bản sao hợp lệ giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện văn phòng đại diện.

Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết xem xét nếu nội dung hoạt động của văn phòng đại diện phù hợp với ngành, nghề hoạt động của hợp tác xã thì cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp giấy chứng nhận đăng ký văn phòng đại diện của hợp tác xã , đồng thời bổ sung vào hồ sơ đăng ký hợp tác xã. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký văn phòng đại diện hợp tác xã được khắc dấu và có quyền sử dụng con dấu của mình.

Ngoài ra, hợp tác xã cũng có quyền thành lập văn phòng đại diện ở nước ngoài theo quy đinh của pháp luật nước sở tại. Quy định này cũng giống như quy định đối với thành lập chi nhánh hợp tác xã ở nước ngoài.

7. Nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã

Hợp tác xã phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính sau đối với Nhà nước:

a. Hợp tác xã phải nộp lệ phí môn bài:

Hợp tác xã nộp lệ phí môn bài dựa trên mức vốn điều lệ:

  • Nếu hợp tác xã có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng thì lệ phí môn bài là 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
  • Nếu hợp tác xã có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống thì lệ phí môn bài là 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;

b. Hợp tác xã phải nộp thuế VAT:

Thuế suất thông thường là 10% đối với hàng hóa, dịch vụ hợp tác xã cung cấp.

>>> Xem thêm: Các vấn đề cơ bản về thuế giá trị gia tăng.

Một số sản phẩm không thuộc diện phải chịu thuế VAT, đó là:

  • Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
  • Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền.
  • Tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
  • Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác.
  • Sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính là Na-tri-clo-rua (NaCl).
  • Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.

Nếu hợp tác xã sản xuất các hàng hóa, dịch vụ sau thì được áp thuế suất VAT ưu đãi 5%, đó là:

  • Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt;
  • Quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng;
  • Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp;
  • Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa qua chế biến
  • Mủ cao su sơ chế; nhựa thông sơ chế; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá;
  • Thực phẩm tươi sống; lâm sản chưa qua chế biến, trừ gỗ, măng …
  • Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn;
  • Sản phẩm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công khác sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp; bông sơ chế; giấy in báo;

d. Hợp tác xã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp:

Hợp tác xã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 20% đối với doanh thu của doanh nghiệp sau khi trừ chi phí hợp lệ (căn cứ Điều 10 Luật Thu nhập Doanh nghiệp 2008 được sửa đổi bổ sung năm 2014)

Lưu ý, nếu trong ba năm đầu doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu thì không phải chịu thuế.

Căn cứ Điều 4 Luật Thu nhập Doanh nghiệp 2008, Hợp tác xã được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với:

  • thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối;
  • thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;

Các hợp tác xã này phải đáp ứng tỷ lệ về cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên là những cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn.

>>> Xem thêm: Danh sách địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

đ. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp:

Hợp tác xã phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nếu hợp tác xã sử dụng đất phi nông nghiệp với mục đích kinh doanh.

===>>> Xem thêm: Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Các đối tượng sau thuộc diện không phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp:

  • Đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình của hợp tác xã phục vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;
  • Đất xây dựng trạm, trại nghiên cứu thí nghiệm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản;
  • Đất xây dựng cơ sở ươm tạo cây giống, con giống, xây dựng nhà, kho của hộ gia đình, cá nhân chỉ để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ sản xuất nông nghiệp.

7. Các ưu đãi đối với hợp tác xã là gì ?

Nhà nước có chính sách ưu đãi khi thành lập hợp tác xã như sau:

  • Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực;
  • Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;
  • Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới;
  • Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã;
  • Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội;
  • Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế;

Đối với  về thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp còn được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi sau đây:

  • Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng;
  • Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai;
  • Ưu đãi về tín dụng;
  • Vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh;
  • Chế biến sản phẩm.

>>> Xem thêm: Các ưu đãi đối với hợp tác xã

8. So sánh hợp tác xã với doanh nghiệp

Hợp tác xã và doanh nghiệp thường là những loại hình kinh doanh được nhiều cá nhân, tổ chức chọn lựa để hiện thực hóa việc đầu tư kinh doanh. Để thuận tiện trong việc chọn lựa thành lập Hợp tác xã hay Doanh nghiệp.

Hai loại hình này có những điểm giống nhau, trong đó điểm giống nhau lớn nhất là đều có tư cách pháp nhân, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó và nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Điểm khác nhau thì cũng nhiều dựa trên nhiều tiêu trí.

Ngoài ra, mỗi loại hình có những ưu điểm và nhược điểm. Chi tiết có tại bài viết sau:

So sánh hợp tác xã và doanh nghiệp

9. Thành lập hợp tác xã của Luật Thái An

Có thể nói, thành lập hợp tác xã  khó hơn so với thành lập công ty vì nhiều lý do, trong đó có yêu cầu hợp tác xã phải có phương án sản xuất kinh doanh ngay từ khi bắt đầu thành lập. Thủ tục thành lập hợp tác xã có nhiều điểm tương đồng và khác biệt thủ tục thành lập doanh nghiệp. Bạn cần hiểu rõ các quy định của pháp luật để làm đúng. Chúng tôi sẽ trình cụ thể trong bài viết sau đây:

Thủ tục thành lập hợp tác xã chi tiết

10. Giải thể hợp tác xã của Luật Thái An

Vì nhiều lý do mà không ít hợp tác xã phải giải thể. Trong quá trình giải thể, hợp tác xã phải thực hiện việc thanh toán mọi nợ nần, tiến hành phân chia tài sản còn lại cho các thành viên, và thực hiện các thủ tục đóng đăng ký kinh doanh. Quá trình giải thể hợp tác xã phải tuân thủ đúng pháp luật, tránh gây ra những hệ lụy không mong muốn cho các bên liên quan.

Chúng tôi sẽ trình cụ thể trong bài viết sau đây:

Thủ tục giải thể hợp tác xã như thế nào ?

 

Các quy định về hợp tác xã chặt chẽ như vậy nên vai trò tư vấn của Luật sư về hợp tác xã đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ thành lập và hoạt động của hợp tác xã. Họ cung cấp kiến thức chuyên môn về các quy định pháp lý liên quan, giúp hợp tác xã định hình kích thước vốn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của pháp luật và đảm bảo lợi ích cho các thành viên.

Luật sư không chỉ tư vấn mà còn đại diện pháp lý xử lý các vấn đề pháp lý có thể phát sinh, qua đó giúp hợp tác xã vận hành hiệu quả và ổn định lâu dài.

 

HÃY LIÊN HỆ NGAY ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ !

Nguyễn Văn Thanh