Soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh như thế nào?

Hợp đồng hợp tác kinh doanh, còn gọi là thỏa thuận hợp tác kinh doanh đang được ngày càng sử dụng nhiều trong đời sống kinh tế. Soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh không dễ, tuy nhiên chúng tôi xin hướng dẫn khái quát trong bài viết sau đây:

1. Thế nào là hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh?

Bộ luật dân sự năm 2015 đưa ra định nghĩa như sau về hợp đồng hợp tác:

“Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.”

Khoản 14 Điều 3 Luật đầu tư 2020 định nghĩa như sau:

Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.”

Như vậy, hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh là hợp đồng/thoả thuận có các bên tham gia. Các chủ thể tham gia hợp đồng này cùng đóng góp tài sản, công sức, cùng sản xuất, kinh doanh, đầu tư hiệu quả hơn, nhằm hưởng lợi nhuận, chia sẻ rủi ro kinh doanh, mà không phải thành lập pháp nhân kinh tế mới nào.

Thế nào là Hợp đồng hợp tác kinh doanh?
Thế nào là Hợp đồng hợp tác kinh doanh? – ảnh: Luật Thái An

2. Tại sao cần soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh một cách chuẩn xác ?

Hợp đồng là bản ghi chép về các thỏa thuận, cam kết giữa các bên. Sự chính xác trong từng điều khoản, từng chi tiết là cần thiết để tránh bất kỳ hiểu lầm hoặc mâu thuẫn nào trong tương lai. Một hợp đồng soạn thảo không chính xác có thể dẫn đến:

  • Thiệt hại về mặt tài chính do việc không rõ ràng về quy định thanh toán, giá cả hoặc khoản phí phát sinh.
  • Mất thời gian và năng lượng trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ những hiểu lầm.
  • Rủi ro pháp lý khi một trong các bên sử dụng những lỗ hổng trong hợp đồng để lợi ích cho mình.

Trong bối cảnh hợp tác kinh doanh, một hợp đồng chính xác và cẩn thận không chỉ bảo vệ quyền lợi, mà còn thúc đẩy mối quan hệ giữa các bên tham gia:

  • Định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ, giúp các bên luôn minh bạch trong công việc, hợp tác hiệu quả hơn.
  • Tạo nên sự tin tưởng, khích lệ các bên tiếp tục hợp tác dài hạn, mở rộng quy mô kinh doanh.
  • Phòng tránh rủi ro phát sinh, giảm thiểu chi phí không cần thiết, tối ưu lợi ích cho cả hai bên.

3. Soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh như thế nào?

Khi soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh, bạn cần đảm bảo có các nội dung cơ bản sau:

a. Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh

Có thể có hai hoặc nhiều hơn hai bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh. Với mỗi bên, cần ghi rõ các thông tin cơ bản sau:

Nếu là pháp nhân tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh:

  • Tên pháp nhân
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu là doanh nghiệp, Giấy phép hoạt động nếu không phải là doanh nghiệp: Cần ghi rõ số giấy chứng nhận, ngày cấp và nơi cấp. Lưu ý: Đây là thông tin quan trọng để xác định pháp nhân hợp pháp nên bạn cần tra cứu cẩn thận.
  • Địa chỉ trụ sở
  • Số điện thoại, email
  • Người đại diện theo pháp luật; Lưu ý: Không phải cứ là Giám đốc hay Phó Giám đốc đều là người đại diện theo pháp luật mà người đại diện theo pháp luật được quy đinh tại Điều lệ công ty. Nếu người đại diện trong hợp đồng không phải là Người đại diện theo pháp luật của công ty thì cần có giấy ủy quyền. Nếu người đại diện ký hợp đồng không phải là Người đại diện theo pháp luật và ký hợp đồng không theo ủy quyền thì hợp đồng sẽ vô hiệu.

Nếu là cá nhân tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh:

  • Họ tên đầy đủ
  • CMND/Căn cước công dân/Hộ chiếu: Số, ngày cấp, nơi cấp; Lưu ý: Đây là thông tin quan trọng phải có trên hợp đồng. Nếu xẩy ra tranh chấp, kiện tụng, tố cáo thì dựa vào thông tin này để tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết. Khi hai bên ký kết hợp đồng, cần kiểm tra, đối chiếu với giấy tờ nhân thân.
  • Ngày sinh
  • Địa chỉ thường trú, địa chỉ tạm trú
  • Điện thoại

===>>> Xem thêm: Điều kiện đối với chủ thể giao kết hợp đồng

b. Mục tiêu và phạm vi hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh

Các bên thỏa thuận cùng nhau hợp tác kinh doanh với những nội dung sau:

    • Hợp tác với mục tiêu gì ?
    • Phạm vi hoạt động như thế nào ? Phạm vi hoạt động của từng bên trong hợp đồng ra sao ?
    • Quy mô hoạt động ra sao ?
  • Hợp tác thực hiện dự án ở đâu (nếu có)
  • Thời gian hợp tác trong đó nêu rõ thời gian thực hiện dự án (nếu có)

Nếu việc hợp tác yêu cầu phải thành lập ban điều hành thì hợp đồng cần nêu rõ thành phần ban điều hành, các chức năng của ban điều hành, các quyền và nghĩa vụ cua ban điều hành.

c. Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh:

Các bên thoả thuận về đóng góp của mỗi bên trong hợp đồng: đóng góp bằng tiền, bằng nhà đất, bằng thương hiệu, bằng quyền sở hữu trí tuệ, bằng công sức…

Lưu ý: Khi thoả thuận đóng góp bằng đất đai, nhà ở thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật đất đai. Tương tự như vậy, khi góp vốn bằng thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ thì phải tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ.

===>>> Xem thêm: Quyền SHTT đối với đối tượng của hợp đồng

Các bên thỏa thuận tỷ lệ, thời hạn, hình thức đóng góp của mỗi thành viên trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Việc quản lý phần vốn góp có thể đặt dưới sự giám sát của ban điều hành hoặc do các bên tự thỏa thuận về quyền của mỗi bên đối với tài sản góp vốn.

Thỏa thuận rõ đối với các khoản chi phí phát sinh do một bên thanh toán trước trong quá trình thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh sẽ được gộp vào phần góp vốn hay không;

d. Ban ban điều hành:

Các bên có thể thỏa thuận để thành lập ban điều hành/ ban điều hành để thực hiện hợp đồng hợp tác/quản lý dự án hợp tác:

  • Thành viên ban điều phối do các bên tự thỏa thuận, có thể là người của cả hai bên hoặc một bên hoặc do một bên thứ ba.
  • Chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của ban điều phối do các bên thỏa thuận nhưng cần làm rõ để không trùng lặp với quyền hạn của các thành viên trong hợp đồng hợp tác.
  • Quyền và nghĩa vụ của ban điều phối do các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận.
  • Hai bên cũng có thể thoả thuận trụ sở đặt ban điều hành
  • Lưu ý: Trường hợp không thành lập được ban điều hành các bên nên có quy chế thực hiện hợp đồng với phụ lục đính kèm. Theo đó, cần phân công rõ ràng thu, chi (doanh thu), đội ngũ cán bộ nhân viên do bên nào quản lý; xác định rõ quyền, trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng…

đ. Phân chia lợi nhuận giữa các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh:

Hợp đồng hợp tác kinh doanh quy định công thức tính kết quả kinh doanh:

[Kết quả kinh doanh (Lợi nhuận sau thuế)]  = [Doanh thu ] – [Chi phí] – [Số thuế phải nộp]

trong đó:

  • Doanh thu là tổng các khoản thu được của Dự án, có thể gồm:
    • Doanh thu từ bán hàng
    • Doanh thu từ cung cấp dịch vụ
    • Doanh thu từ lãi suất ngân hàng
  • Chi phí cho hoạt động kinh doanh bao gồm nhưng không giới hạn các chi phí sau:
    • Chi phí thuê văn phòng, kho bãi
    • Chi phí mua sắm thiết bị văn phòng
    • Tiền mua sản phẩm, dịch vụ
    • Tiền vận chuyển sản phẩm
    • Chi phí điều hành Dự án.
    • Lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của cán bộ, nhân viên
    • Chi phí điện, nước, internet, bảo vệ
    • Khấu hao tài sản
    • Lãi suất ngân hàng (nếu có)
    • Chi phí bảo dưỡng máy móc, thiết bị, nhà xưởng
    • Chi phí marketing, phát triển thương hiệu
    • Chi phí ngoại giao
    • Chi phí khác…
  • Thuế: gồm lệ phí môn bài, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu (nếu có), thuế sử dụng đất, thuế tiêu thụ đặc biêt (nếu có)….

Hợp đồng hợp tác kinh doanh cần quy định thời điểm phân chia kết quả kinh doanh: Các bên thoả thuận phân chia kết quả kinh doanh khi Dự án kinh doanh bắt đầu có lãi.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh cần quy định tỷ lệ phân chia kết quả kinh doanh: Các bên thoả thuận phân chia kết quả kinh doanh, thí dụ Bên A hưởng …% lợi nhuận, Bên B hưởng …% lợi nhuận.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh cần quy định phương thức chia kết quả kinh doanh: Các bên có thể thoả thuận chia kết quả kinh doanh bằng tiền mặt thông qua chuyển khoản ngân hàng.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh
Hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh là cơ sở pháp lý để các bên hợp tác làm ăn – ảnh minh hoạ: internet

e. Xử lý lỗ từ việc hợp tác kinh doanh

Trong trường hợp các khoản chi phí lớn hơn doanh thu, Hợp đồng hợp tác kinh doanh quy định việc xử lý lỗ theo một trong các biện pháp sau:

  • Sử dụng nguồn quỹ dự phòng đã được trích lập để bù lỗ;
  • Ghi nhận lỗ sang các quý sau;
  • Đầu tư bổ sung
  • Thanh lý hợp đồng

f. Tiến độ, thời hạn thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh

Hợp đồng quy định thời hạn hợp tác kinh doanh, thời hạn thực hiện dự án hợp tác cùng thời hạn thực hiện từng hạng mục dự án.

g. Quyền, nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh

Hợp đồng quy định quyền và nghĩa vụ của từng bên trong hợp đồng. Quyền của bên này có thể là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Về cơ bản, các quyền và nghĩa vụ là:

Quyền của các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh:

  • Quyền quản lý đối với các hạng mục trong dự án, đối với phần vốn góp;
  • Quyền giám sát đối với hoạt động của bên còn lại;
  • Tham gia tư vấn, thay đổi các hạng mục trong dự án hợp tác;
  • Chuyển giao hợp đồng cho bên thứ ba (nếu đáp ứng điều kiện quy định tại hợp đồng);
  • Phân chia lợi nhuận giữa các bên;
  • Quyền khác do các bên thỏa thuận.

Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh:

  • Góp vốn đúng, đủ thời hạn;
  • Thực hiện đúng các công việc đã được thỏa thuận;
  • Chịu trách nhiệm đối với phần công việc mà mình thực hiện;
  • Chịu phạt trong trường hợp không thực hiện các nghĩa vụ;
  • Nghĩa vụ khác do các bên thỏa thuận.

h. Chuyển nhượng hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh

Các bên thỏa thuận trong quá trình thực hiện hợp đồng một bên có quyền chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ ba hay không: Khi chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ ba đồng nghĩa với việc các quyền và nghĩa vụ sẽ được chuyển giao cho bên thứ ba; Xác định rõ phần vốn góp có được chuyển giao cho bên thứ ba không hay bên thứ ba sẽ thực hiện góp vốn phần vốn góp mới.

===>>> Xem thêm: Chuyển nhượng hợp đồng

i. Rút khỏi hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh

Thành viên có quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh trong trường hợp sau đây:

  • Theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng;
  • Có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên góp vốn khác.

Thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản đã đóng góp còn lại, được chia phần tài sản trong khối tài sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ theo thỏa thuận. Trường hợp việc phân chia tài sản bằng hiện vật làm ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác thì tài sản được tính giá trị thành tiền để chia.

Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác kinh doanh không làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người này được xác lập, thực hiện trước thời điểm rút khỏi hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác kinh doanh không thuộc các trường hợp được quy định tại hợp đồng thì thành viên rút khỏi hợp đồng được xác định là bên vi phạm hợp đồng và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

j. Gia nhập hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh

Trường hợp hợp đồng không quy định khác thì một cá nhân, pháp nhân trở thành thành viên mới của hợp đồng nếu được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác.

k. Chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh

Một bên đơn được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp đáp ứng điều khoản đơn phương chấm dứt hợp đồng trong hợp đồng.

Các bên tự thỏa thuận về trường hợp, rút khỏi hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Trong trường hợp một bên chấm dứt hợp đồng trái với các thỏa thuận mà gây thiệt hại cho bên còn lại thì phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cũng như khoản tiền phạt vi phạm.

===>>> Xem thêm: Chấm dứt hợp đồng

hợp đồng hợp tác kinh doanh đầu tư
Hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh là khởi đầu cho sự hợp tác thành công. – ảnh internet

Ngoài ra, hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh sẽ cần có các điều khoản khác như:

  • Các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng hợp tác kinh doanh (xem thêm: Các trường hợp miễn trừ trách nhiệm)
  • Phạt vi phạm hợp đồng
  • Bảo mật hợp đồng
  • Luật áp dụng và giải quyết tranh chấp hợp đồn
  • Các cam kết, bảo đảm trong hợp đồng hợp tác kinh doanh

5. Luật sư soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh

Dù có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh, không phải ai cũng là chuyên gia về pháp luật. Do đó, khi soạn thảo hợp đồng kinh doanh, việc tìm kiếm sự tư vấn từ chuyên gia hoặc luật sư là vô cùng quan trọng:

  • Chuyên môn và kiến thức: Luật sư, với nền tảng giáo dục và kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng hiểu biết sâu rộng về pháp luật và các quy định liên quan. Họ giúp doanh nghiệp đảm bảo rằng hợp đồng tuân thủ theo các quy định pháp lý, tránh những sai sót có thể dẫn đến tranh chấp sau này.
  • Rủi ro và bảo vệ quyền lợi: Một luật sư giỏi sẽ giúp doanh nghiệp nhận diện được các rủi ro tiềm ẩn trong các điều khoản hợp đồng, đồng thời đề xuất giải pháp để bảo vệ quyền lợi tốt nhất.
  • Hiệu quả và tiết kiệm thời gian: Với sự hỗ trợ của luật sư, quá trình soạn thảo hợp đồng sẽ trở nên nhanh chóng hơn, giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ doanh nghiệp và tập trung vào những hoạt động kinh doanh khác.

6. Dịch vụ tư vấn, soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh / thỏa thuận hợp tác kinh doanh

Công ty luật Thái An cung cấp dịch vụ tư vấn, soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh, bao gồm:

  • Tư vấn về thủ tục công chứng, hợp thức hóa hợp đồng hợp tác kinh doanh
  • Soạn thảo, rà soát các dự thảo hợp đồng, thỏa thuận trước khi ký kết theo yêu cầu: các vấn đề liên quan đến quản trị rủi ro, các vấn đề phát sinh ngoài hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng;

Công ty Luật Thái An có những luật sư chuyên sâu lĩnh vự tư vấn hợp đồng, đặc biệt chúng tôi đã soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh cho nhiều khách hàng. Luật Thái An sẽ là một sự lựa chọn cho khách hàng đang trong quá trình hợp tác kinh doanh với các đối tác! Chi tiết có tại:

Dịch vụ soạn thảo hợp đồng uy tín

 

Nguyễn Văn Thanh