Các trường hợp được xoá án tích là gì ?

Xóa án tích là việc xóa bỏ việc mang án tích, theo đó người được xóa án tích được sự công nhận coi như chưa bị kết án đối với người trước đó đã bị tòa án xét xử, kết tội. Như vậy, việc xóa án tích có ý nghĩa quan trọng đối với người đã bị kết án, tạo cho họ cơ hội để được sống, hòa nhập cộng đồng như những người bình thường khác. Chính vì vậy, các quy định của pháp luật về xóa án tích nhận được nhiều quan tâm.

Để làm rõ vấn đề này, trong bài viết dưới đây chúng tôi xin tư vấn về quy định xóa án tích như thế nào?.

1. Cơ sở pháp lý quy định việc xóa án tích

Cơ sở pháp lý quy định việc xóa án tích là:

2. Xóa án tích là gì ?

Án tích là một hậu quả pháp lý của việc người phạm tội bị kết án với tội mà mình phạm phải, đi liền với người bị kết án. Theo nghĩa hiểu thông thường, xóa án tích là xóa bỏ việc mang án tích, theo đó người được xóa án tích được sự công nhận coi như chưa bị kết án đối với người trước đó đã bị tòa án xét xử, kết tội.

Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án, căn cứ Khoản 1 Điều 69 Bộ Luật hình sự năm 2015.

3. Ý nghĩa của việc xoá án tích

Việc được xoá án tích hay chưa là rất quan trọng đối với người phạm tội. Nếu người đó đã được xoá án tích và phạm tội mới thì tòa án không được căn cứ vào tiền án đã được xóa án tích để xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểm. Tái phạm hay tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng, nên người phạm tội phải chịu khung hình phạt cao hơn.

xóa án tích
Việc được xoá án tích có ý nghĩa quan trọng  – Nguồn ảnh minh họa: Internet.

4. Các trường hợp xóa án tích

Có 3 trường hợp xoá án tích như sau:

a. Đương nhiên được xóa án tích

Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu đáp ứng các quy định của pháp luật tại Điều 70 Bộ Luật hình sự 2015. Trước hết là định nghĩa đương nhiên xóa án tích. Tại khoản 1 Điều 70 Bộ Luật hình sự 2015 quy định:

Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội về xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phá hoại hoà bình, chống lại loài người, tội phạm chiến tranh, khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
    • 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
    • 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
    • 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
    • 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
  • Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn nêu trên.

b. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án

Khác với trường hợp trên, việc xóa án tích trong trường hợp này phải theo quyết định của Tòa án. Nghĩa là người đó chỉ được coi là án tích đã được xóa khi Tòa án ra quyết định xóa án tích cho họ. Tuy nhiên việc xóa án tích theo quyết định của Tòa án chỉ áp dụng trong trường hợp nhất định, khoản 1 Điều 71 đã có quy định như sau:

Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này.

Như vậy, xóa án tích theo quyết định của Tòa án chỉ đặt ra đối với những người đã bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Sở dĩ chỉ người bị kết án về các loại tội này là bởi nó có đối tượng xâm hại đặc biệt. Việc người phạm tội vào các tội danh này được cho là đặc biệt nguy hiểm nên việc xóa án tích của họ cần phải xem xét kỹ lưỡng và chặt chẽ.

Để xem xét có án tích hay không, Tòa án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án. Đây là những cơ sở quan trọng để đưa ra quyết định xóa án tích.

Ngoài ra, tại Điều 71 cũng quy định các điều kiện, trường hợp được Tòa án quyết định xóa án tích: Nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

  • 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo
  • 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm
  • 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm
  • 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án

Trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn 03 năm thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

c. Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt

Bộ Luật hình sự đã có quy định về việc xóa án tích trong trường hợp đặc biệt tại Điều 72. Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật hình sự.

5. Thời hạn xóa án tích được tính như thế nào ?

Cần lưu ý các quy định sau đây về cách tính thời hạn để xoá án tích:

a. Thời hạn xoá án tích căn cứ vào hình phạt CHÍNH

Thời hạn xóa án tích được căn cứ vào hình phạt CHÍNH đã tuyên. Thời hạn này được tính từ ngày người bị kết án chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách của án treo hoặc ngày hết thời hiệu thi hành bản án (Điều 73 BLHS 2015).

Một bản án có thể có nhiều hình phạt bổ sung nhưng chỉ có duy nhất một hình phạt chính hoặc có trường hợp vừa có hình phạt chính, hình phạt bổ sung. Các hình phạt chính có thể là: tù có thời hạn, chung thân, tử hình.. Các hình phạt bổ sung như: phạt tiền, cấm cư trú, quản chế… Tuy nhiên, khi tính thời hạn thi hành bản án thì chỉ có thể căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên. Điều này sẽ có lợi cho người phạm tội.

Ví dụ: A bị tuyên hình phạt tù 10 năm đồng thời bị áp dụng hình phạt bổ sung quản chế 04 năm, thì chúng ta phải dựa vào hình phạt tù 10 năm để xác định thời hạn xóa án tích của A là 03 năm (trong trường hợp đương nhiên xóa án tích) hoặc 05 năm (trong trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án) chứ không được dựa vào thời hạn 04 năm quản chế để xác định thời hạn xóa án tích.

b. Chưa xoá án tích của tội cũ mà mắc tội mới thì thời hạn xoá án tích được xác định thế nào ?

Trường hợp người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.

Có thể nói đây là trường hợp khá đặc biệt, theo đó để áp dụng trường hợp tính thời hiệu thi hành bản án cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Người bị kết án chưa được xóa án tích
  • Phạm tội mới và đã bị kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật. Như vậy nếu như phạm tội mới nhưng đang trong quá trình điều tra truy tố xét xử và bản án vẫn chưa có hiệu lực pháp luật (án sơ thẩm trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị chẳng hạn) thì vẫn chưa làm phát sinh việc tính lại thời hạn.
  • Người bị kết án trong trường hợp phạm nhiều tội mà có tội thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, có tội thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì căn cứ vào thời hạn quy định tại Điều 71 Bộ Luật hình sự, Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người đó.
  • Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt. Ví dụ A bị tuyên phạt tù 05 nhưng sau khi chấp hành được 04 năm, đáp ứng đủ điều kiện để miễn hình phạt và đã được miễn 01 năm tù còn lại thì coi như A đã chấp hành xong hình phạt kể từ thời điểm chấp hành xong hình phạt năm thứ 04 và thời điểm để bắt đầu tính thời hạn xóa án tích cũng căn cứ vào đó.

6. Các trường hợp không bị coi là có án tích

Có một số trường hợp phạm tội nhưng không bị coi là có án tích. Các trường hợp này được quy định tại khoản 2 Điều 69 và Điều 107 Bộ Luật hình sự 2015. Theo đó, có 05 trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích, do đó không cần phải xoá án tích. Đố là các trường hợp như sau:

a. Người bị kết án do lỗi VÔ Ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng không bị coi là có án tích

Trường hợp thứ nhất để người bị kết án không bị coi là có án tích là người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng. 

Lỗi vô ý được biểu hiện dưới hai dạng, đó là: lỗi vô ý do cẩu thả và lỗi vô ý do quá tự tin.

Lỗi vô ý vì quá tự tin là lỗi trong trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên vẫn thực hiện và đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Lỗi vô ý do cẩu thả là người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ Luật hình sự này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. 

Tội phạm nghiêm trọng là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn. Người phạm tội trong loại tội phạm này có thể phải chịu mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù.  

Như vậy, người bị kết án mà không bị coi là có án tích đòi hỏi do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng. Xét thấy tính nguy hiểm là chưa quá lớn, việc người đó phạm tội là do vô ý nên được coi là không có án tích.

b. Người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích

Miễn hình phạt là việc Tòa án không buộc người phạm tội phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt về tội mà người đó đã thực hiện. Cũng giống như miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt chỉ đặt ra cho những trường hợp nếu như việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay áp dụng hình phạt đối với họ là không cần thiết, không đạt được mục đích của hình phạt hoặc trái với nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam. Người được miễn hình phạt thì không có án tích.

xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi
Pháp luật có quy định riêng về việc xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi sẽ được chúng tôi phân tích dưới đây – Nguồn ảnh minh họa: Internet.

c. Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án không kể về tội gì, không bị coi là có án tích

Đây là chính sách của nhà nước đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi. Để tạo cho họ cơ hội tốt nhất để sống cống hiến và có ích, không bị kì thị nên sẽ không đặt ra án tích đối với họ cho dù họ đã phạm về bất cứ tội gì.

d. Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, nghiệm trọng hoặc rất nghiêm trọng do VÔ Ý, không bị coi là có án tích

Khác với độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi bị kết án mà được coi là không có án tích thì đã bị giới hạn. Cụ thể là nếu người đó bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý thì mới không bị coi là có án tích. Việc căn cứ vào độ tuổi để xác định điều kiện để người bị kết án 

Đối với độ tuổi từ từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì điều kiện để được không được coi là án tích khi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý. Như vậy, đối với người bị kết án từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do lỗi cố ý thì sẽ không nằm trong trường hợp có án tích.

e. Người từ đủ 18 tuổi bị áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, không bị coi là có án tích

Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Điều 96 Bộ luật Hình sự năm 2015 là biện pháp do Tòa án quyết định áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.

Như vậy, cùng dưới 18 tuổi nhưng nếu người dưới 18 tuổi phạm áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thì sẽ được coi như không có án tích.

 

Trên đây là phần tư vấn của Công ty Luật Thái An về quy định xóa án tích. Xin lưu ý là sau thời điểm chúng tôi viết bài này, luật pháp đã có thể thay đổi các quy định liên quan. Hãy gọi tới Tổng đài tư vấn Luật Hình Sự. Bạn sẽ được tư vấn trực tiếp và chính xác nhất về các vấn đề liên quan tới tội phạm hình sự.

Nguyễn Văn Thanh