Các quy định pháp luật về điều lệ công ty

Điều lệ công ty là một văn bản có ý nghĩa quan trọng trong quản trị, điều hành và hoạt động của công ty. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn có một số nhận thức chưa đúng về tầm quan trọng và giá trị pháp lý của điều lệ công ty. Trong bài viết này, tác giả chia sẻ những thông tin, quy định pháp luật về điều lệ công ty cũng như vai trò, giá trị pháp lý của điều lệ công ty.

1. Điều lệ công ty là gì?

Điều lệ công ty là bản thỏa thuận giữa các chủ sở hữu công ty/giữa những người sáng lập với nhau và giữa những người sáng lập với những người góp vốn nhằm cam kết, ràng buộc các thành viên trong quy định chung, thống nhất về cách tạo lập, góp vốn, bộ máy tổ chức, quản lý, hoạt động…

2. Tại sao cần có Điều lệ công ty ?

Điều lệ công ty có vai trò quan trọng nhằm cân bằng lợi ích, trách nhiệm giữa các thành viên trong công ty, đặc biệt là với những công ty có số lượng lớn thành việc như công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần.

Việc điều lệ ghi nhận số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; cũng như nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh giúp đảm bảo lợi ích cho các thành viên.

3. Ý nghĩa của Điều lệ công ty

Có thể nói, Điều lệ công ty như một bản Hiến pháp của mỗi doanh nghiệp. Điều lệ công ty là căn cứ pháp lý quan trọng khi có tranh chấp xảy ra, được đưa ra làm cơ sở để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và các vấn đề phát sinh của doanh nghiệp.

4. Loại hình doanh nghiệp nào cần có Điều lệ công ty ?

Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định các loại hình doanh nghiệp sau phải xây dựng điều lệ, gồm: Công ty hợp danh; Công ty cổ phần;  Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Điều này thể hiện ở việc hồ sơ đăng ký thành lập các loại hình công ty như công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần đều cần nộp dự thảo bản điều lệ cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Theo Điều 19 Luật Doanh nghiệp 2020 thì hồ sơ đăng ký thành lập Doanh nghiệp tư nhân không yêu cầu có Điều lệ công ty nên Doanh nghiệp tư nhân không bắt buộc phải có Điều lệ.

5. Nội dung của điều lệ công ty

Điều lệ công ty là một trong những tài liệu quan trọng nhất để thành lập và kích hoạt một công ty. Điều lệ công ty được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 và cụ thể hơn là tại các điều 22, 24 về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của các loại hình công ty tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP đều yêu cầu phải có Điều lệ công ty trong đó . Điều lệ công ty phải đảm bảo tính pháp lý, minh bạch, rõ ràng và cần phải được thực hiện đầy đủ các nội dung quy định trong luật.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định điều lệ công ty như sau:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);
  • Ngành, nghề kinh doanh;
  • Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;
  • Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh. Số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá từng loại cổ phần của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;
  • Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;
  • Cơ cấu tổ chức quản lý;
  • Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật;
  • Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
  • Căn cứ và phương pháp xác định tiền lương, thù lao, thưởng của người quản lý và Kiểm soát viên;
  • Trường hợp thành viên, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;
  • Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;
  • Trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;
  • Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.
Khi xây dựng điều lệ Công ty phải dựa trên các nguyên tắc sau đây:
  • Điều lệ không được trái với quy định của pháp luật.
  • Điều lệ Công ty phải có đủ nội dung chủ yếu theo quy định như đã trình bầy ở trên

Nếu khi xây dựng Điều lệ công ty mà vi phạm các quy đinh trên thì Điều lệ sẽ không có giá trị pháp lý.

điều lệ
Điều lệ công ty được coi như bản Hiến pháp của doanh nghiệp. – ảnh minh hoạ: internet

6. Đăng ký Điều lệ công ty

Khi thành lập công ty cũng là lúc đăng ký điều lệ công ty. Điều lệ công ty khi đăng ký doanh nghiệp phải bao gồm họ, tên và chữ ký của những người sau đây (căn cứ khoản 3 Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020):

  • Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh;
  • Chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu công ty là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
  • Thành viên là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
  • Cổ đông sáng lập là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty cổ phần.

Điều lệ công ty có hiệu lực tại thời điểm công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

7. Sửa đổi Điều lệ công ty

Trong quá trình hoạt động, công ty có thể sửa đổi Điều lệ và phải có chữ ký của những người sau đây (căn cứ khoản 4 Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020):

  • Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh;
  • Chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
  • Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần.

8. Luật sư tư vấn soạn thảo điều lệ công ty

Trong bối cảnh kinh doanh ngày càng phát triển và đa dạng, việc soạn thảo điều lệ công ty trở thành một bước quan trọng không thể bỏ qua để đảm bảo hoạt động của công ty diễn ra suôn sẻ và tuân thủ đúng pháp luật. Điều lệ công ty không chỉ là bản danh sách các quy định nội bộ mà còn là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý và vận hành công ty.
Do đó, việc tư vấn và soạn thảo điều lệ đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về luật doanh nghiệp cũng như kinh nghiệm thực tiễn. Luật sư, với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm phong phú, sẽ cung cấp những tư vấn giá trị, giúp doanh nghiệp định hình được các quy định nội bộ phù hợp, từ đó xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
Hơn nữa, luật sư còn giúp doanh nghiệp nhận diện và giải quyết các rủi ro pháp lý có thể phát sinh, đảm bảo hoạt động kinh doanh không chỉ hiệu quả mà còn tuân thủ pháp luật, góp phần tạo dựng uy tín và vị thế của doanh nghiệp trên thương trường.
HÃY LIÊN HỆ VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ XÂY DỰNG ĐIỀU LỆ CÔNG TY
Nguyễn Văn Thanh