Những ngày nghỉ trong năm của người lao động

Ngày nghỉ của người lao động là khoảng thời gian quan trọng không chỉ để nạp năng lượng mà còn để tận hưởng cuộc sống và kết nối với gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, nhiều người lao động vẫn chưa nắm được những ngày nghỉ mà vẫn được hưởng lương. Trong bài viết này, Luật Thái An sẽ thông tin đến Quý khách hàng những ngày nghỉ được hưởng nguyên lương mà người lao động cần biết. 

1. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Lao động năm 2019
  • Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
  • Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Các ngày nghỉ lễ, Tết 

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định những ngày người lao động nghỉ việc làm được hưởng nguyên lương (còn gọi là ngày nghỉ có hưởng lương) là ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết. Căn cứ Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết sau đây:

  • Tết Dương lịch: 1 ngày (ngày 1/1 dương lịch);
  • Tết Âm lịch: 5 ngày;
  • Ngày Chiến thắng: 1 ngày (ngày 30/4 dương lịch);
  • Ngày Quốc tế lao động: 1 ngày (ngày 1/5 dương lịch);
  • Quốc khánh: 2 ngày (ngày 2/9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau);
  • Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 1 ngày (ngày 10/3 âm lịch).

Lưu ý về cách tính ngày nghỉ lễ, Tết 

  • Căn cứ Khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019: ”Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp“.
  • Khoản 2 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ lễ tết theo quy định còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

Như vậy, người lao động có ít nhất 11 ngày nghỉ lễ, Tết trong năm mà không phải thông báo với người lao động và được hưởng nguyên lương. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết Âm lịch và lễ Quốc khánh.

Các ngày nghỉ lễ
BLLĐ 2019 quy định 11 ngày nghỉ lễ, tết (tăng thêm 01 ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh so với BLLĐ 2012) – Nguồn ảnh minh họa: Internet

3. Các ngày nghỉ hàng năm 

Số ngày nghỉ hàng năm:

Căn cứ Khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định,  người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

  • 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
  • 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
  • 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Thanh toán những ngày phép năm chưa sử dụng ?

Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

Căn cứ 4 Điều 67  Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo khoản 3 Điều 113 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm.

Nghỉ gộp phép năm ?

Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

Tạm ứng lương khi nghỉ phép năm ?

Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương.

Cộng thêm thời gian di chuyển ?

Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

Tăng phép năm đối với lao động có thâm niên ?

Người lao động làm việc cứ đủ 5 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 1 ngày.

Ví dụ: Anh Nguyễn Văn Anh 30 tuổi làm việc 6 năm tại bộ phận pháp lý doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Thái An thì ngày nghỉ hàng năm của anh Văn Anh là 13 ngày làm việc. 

4. Các ngày nghỉ việc riêng

Căn cứ Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

  • Kết hôn: nghỉ 3 ngày;
  • Con đẻ, con nuôi kết hôn: Nghỉ 1 ngày;
  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 3 ngày.

Ví dụ: Chị Nguyễn Thị Minh Ánh làm việc tại Công ty Luật TNHH Thái An, sắp tới sẽ kết hôn ngày 20/02/2024. Chị Minh Ánh sẽ thông báo với bộ phận Nhân sự hoặc quản lý Công ty về lý do nghỉ để kết hôn và được hưởng nguyên lương trong 3 ngày.

phép năm
Pháp luật quy định những ngày nghỉ hàng năm được hưởng nguyên lương – Nguồn ảnh minh hoạ: Internet

5. Người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết được tính lương như thế nào?

5.1 Đối với người lao động hưởng lương theo tháng, tuần, giờ

Căn cứ Khoản 1 Điều 55 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động quy định theo Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 và được tính theo công thức sau:

Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm

Trường hợp người lao động làm việc theo chế độ hưởng lương theo tháng, tuần, giờ thì vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, người lao động sẽ được nhận lương mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

5.2 Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm

Căn cứ Khoản 2 Điều 55 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, trường hợp người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm theo định mức lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và được tính theo công thức sau:

Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số sản phẩm làm thêm

Người lao động được hưởng mức ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.

6. Doanh nghiệp bị xử phạt như thế nào khi không tuân thủ thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động? 

Căn cứ Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.” 

Ngoài ra, căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật. 

Doanh nghiệp cần lưu ý mức phạt tiền trên chỉ là mức phạt đối với cá nhân, còn đối với doanh nghiệp, tổ chức sử dụng người lao động thì căn cứ Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, doanh nghiệp có thể chịu mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ lễ, Tết. 

Việc hiểu rõ về 11 ngày nghỉ có hưởng lương trong năm không chỉ giúp người lao động tận hưởng những khoảnh khắc thư giãn và kết nối với gia đình và bạn bè mà còn bảo vệ quyền lợi và lợi ích của họ. Hy vọng rằng bằng cách hiểu rõ về các ngày nghỉ và quy định liên quan, Quý khách hàng có thể tận hưởng kỳ nghỉ mà không cần lo lắng về vấn đề lương.

Trên đây là toàn bộ thông tin về các ngày nghỉ được hưởng lương của người lao động. Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ các vấn đề pháp lý về doanh nghiệp, lao động…xin vui lòng liên hệ Luật Thái An để được hỗ trợ tốt nhất. 

Nguyễn Văn Thanh